2008.02.26
Hiền Vy, thông tín viên đài RFA
Trưa ngày 24-2-2008, khoảng 1.000 đồng hương đã đến tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm các nạn nhân bị thảm sát tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân, năm 1968. Buổi Lễ Tưởng Niệm cũng đã được trực tiếp trên hệ thống Paltalk cho đồng hương tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới xem và nghe được.
Trước đó một số đồng bào tại Việt Nam đã gửi điện thư yêu cầu ban tổ chức ghi tên thân nhân họ vào danh sách những nạn nhân được cầu nguyện vãng sinh.
Trong bầu không khí trang nghiêm với trầm hương nghi ngút, lời văn tế chiêu hồn những người uổng tử đã làm bao nhiêu người rơi lệ.
“Tết Mậu Thân người người còn nhớ, chốn cố đô một thuở điêu linh Tang thương đổ xuống dân mình, bốn mươi năm đó thảm tình khôn nguôi Khe Đá Mài xương phơi giòng suối, Chùa Áo Vàng, Gia Hội, Phú Cam. Phú Vang Phú Thứ chín hầm, Thủy Thanh, Vinh Thái Phú Xuân thượng phà Lan tới cùng Đông Ba, Gia Hội, Vùng Đông Nghi Thiên Hữu, chợ Thông Kẻ thì sọ, tả tơi cán cuốc, lưỡi lê đâm, tay buộc dây thừng Sang hèn một hố chôn chung, kẻ lương người giáo vô cùng dã man”.
Hình ảnh đau thương, tang tóc của 40 năm trước
Với đồng bào Huế, dù đã 40 năm qua, nhưng Tết vẫn là đau buồn, vẫn là tang tóc, vì họ phải cúng cha, phải giỗ mẹ, phải cầu nguyện cho anh em được siêu thoát. Nhiều người muốn quên đi những hình ảnh đau thương kinh hoàng, những thảm cảnh không một chút tình người, để mong cho hương hồn người thân được siêu thoát, nhưng không dễ để làm việc đó.
Nhà văn Nhã Ca, tác giả cuốn ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’, là một trong hai diễn giả chính của buổi lễ, đã khéo léo diễn đạt được những u uẩn của các nạn nhân và gia đình họ:
“Họ đã bị chôn sống lần thứ nhất tại Huế năm Tết Mậu Thân, bị chôn không chỉ trong núi, trong rừng, nơi họ bị chôn còn là đất nhà thờ, đất chùa, đất trường học và ngay tại vườn nhà. Những nạn nhân bị cột trói bằng giây điện, dính nhau xếp hàng trong hố, một vài người bị đập đầu cả một dây người đang sống bị đạp xuống hố, đè lên nhau, những đầu nào ngóc lên là bị đập chết bằng cuốc …
Chính con cháu những người bị chôn gồm toàn những thiếu niên 14, 15, 16 tuổi, học trò trường Nguyễn Du bị buộc phải đào hố, rồi băng súng AK và lưỡi lê buộc các thanh thiếu niên này phải lấp đất chôn sống cha anh của họ. Mười mấy em trong đám thiếu niên đó sau này bị giết hết, chỉ có 3 em trốn thoát. Một trong 3 thiếu niên này tên là Tuấn, năm nay 56 tuổi, đang sống tại Úc.”
Theo Nhã Ca, lần thứ hai những nạn nhân này bị chôn sống là sự im lặng của giới truyền thông báo chí Mỹ :
“Trận chiến Mậu Thân, Cộng Quân thảm bại, báo chí tuyền thông Mỹ vẫn ca trên mây xanh, xóa nhòa mọi chiến thắng của quân dân miền Nam. Mọi tin tức hình ảnh thảm sát Tết Mậu Thân bị cố ý dẹp bỏ. Cộng quân chôn sống hàng ngàn thường dân Huế, truyền thông Mỹ tiếp tay chôn sống vụ thảm sát. Dân Mỹ bị che mắt, kết quả là kẻ ác, không đáng thắng, đã thắng”.
Và nạn nhân của Tết Mậu Thân bị chôn sống lần thứ ba, khi năm nay nhà nước lại cho ăn mừng “Chiến Thắng Mậu Thân” để cố tình xuyên tạc lịch sử:
“Những ngày trước Tết nhà nước Cộng Sản đã tổ chức đủ kiểu lễ mừng chiến công Tết Mậu Thân. Mít tinh diễn binh tại Sàigòn, rồi tổ chức ngay tại Huế cái gọi là Hội Khảo Sát Khoa Học về cuộc ‘Tổng Tấn Công, Tổng Nổi Dậy’ Tết Mậu Thân. Khoa học kiểu gì vậy ! Chỉ là cái khoa học khủng bố, đào hố chôn người đang được đổi mới để tái diễn mục đích là bằng mọi giá phải đánh tráo hồ sơ thảm sát Huế Mậu Thân bằng cái hồ sơ giả của họ”.
Những bài học của quá khứ
Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hòa trong thời điểm Mậu Thân, đã chia sẻ với đồng hương những bí mật trong cuộc hội đàm của ông với Tổng Thống Johnson về biến cố Mậu Thân:
“Ngày 18 tháng 3, sau Tết Mậu Thân, tôi đến gặp ông. Tôi yêu cầu ông tăng thêm viện trợ cho Việt Nam. Ông hỏi tôi, liệu quân đội Việt Nam, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, có thể có khả năng để đối đầu được với những đoàn quân Cộng Sản không. Lúc bấy giờ, tôi cam kết với ông, Việt Nam sẽ chia sẻ cái trách nhiệm mỗi ngày một lớn để Hoa Kỳ nhẹ gánh nặng đi. Đấy là lập luận chính của tôi trong cuộc nói chuyện với Tổng Thống Johnson. Cuối cùng, ông nói một câu:
‘Chúng ta phải tìm cách thắng cái trận này, chứ nếu không thì nguy hiểm lắm. Tôi không thể cầm cự mãi được, vì vậy cho nên các bạn phải cố gắng lên.’
Điều đó tôi coi là một điều bất thường, và như là một lời cảnh cáo đối với nhà cầm quyền ViệtNam, cũng như là đối với nhân dân ViệtNam là rất có thể một lúc nào đó, người Hoa Kỳ không còn giữ vững những lời đã cam kết lúc trước”.
Với một tâm tình tha thiết, đại sứ Bùi Diễm đã san sẻ những bài học thấm thía, khi thương thảo với người Cộng Sản, rút ra từ biến cố này:
“Bao nhiêu năm nay họ không nói, mà bây giờ họ mới nói tới biến cố Mậu Thân, mà lại chỉ nói tới những điều mà họ gọi là “thắng lợi” thì tôi tưởng không có điều gì để chúng ta có thể nghi ngờ về thái độ xảo trá của họ nữa. Họ nói tới những “thắng lợi” của họ trong khi không đả động một chút nào đến cuộc thảm sát ở Huế mà họ chính là những người phạm tội”.
Ông nghẹn ngào kêu gọi đồng hương hãy cẩn trọng trong việc tìm một người bạn đồng minh cho việc phục hưng tự do, nhân quyền cho dân tộc:
“Bài học trước hết về Mậu Thân là chúng ta không thể tin vào lời xảo trá của Cộng Sản. Thứ hai là nếu chúng ta có nhờ vả vào ngoại quốc thì nước Mỹ là một siêu cường quốc, là một nước giàu mạnh, lại có truyền thống bênh vực tôn giáo, tôn trọng nhân quyền, và cổ võ cho tự do dân chủ. Nước Mỹ có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới, và nước Mỹ cũng đã bao dung nhiều người trong chúng ta…
Thì đối với một nước Mỹ như vậy, nếu chúng ta tranh thủ được sự giúp đỡ của họ, tranh thủ được sự ủng hộ của họ, thì đó là điều nên làm, và điều cần làm… Nhưng, nhưng, … với kinh nghiệm cá nhân của tôi, với cái nhận định rằng cái tính cách hết sức phức tạp, thay đổi của chính sách Hoa Kỳ, buộc chúng ta phải hết sức thận trọng...
Chúng ta mong chờ sự giúp đỡ của người Hoa Kỳ, nhưng chúng ta phải thận trọng, chứ không thể nào nhẹ dạ, chúng ta đã chịu đựng nhiều rồi…”
Hiền Vy tường trinh từ Houston, Texas