Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Giai đoạn cuối của cuộc cải cách ruộng đất (phần 3)

2006.05.17
Nguyễn An, phóng viên đài RFA





Bài 3: Phỏng vấn nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng (phần 2)


Hình bìa cuốn sách "Án tích Cộng Sản Việt Nam" của nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng

Kỳ trước, chúng tôi đã gửi đến quý thính giả phần đầu cuộc phỏng vấn của biên tập viên Nguyễn An với nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng về các giai đoạn của cuộc Cải Cách Ruộng đất bắt đầu từ năm 1949. Nay xin gửi đến quý vị phần thứ hai của cuộc phỏng vấn, nói về giai đoạn 5 và cũng là giai đoạn cuối đầy máu và nước mắt của cuộc cải cách ruộng đất.

Ông Trần Gia Phụng hiện đang sinh sống tại Canada. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế khoa Sử địa và cử nhân giáo khoa Sử đại học Văn Khoa Huế năm 1965. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ông đã xuất bản 14 đầu sách nghiên cứu về Sử, trong đó liên quan đến chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam có các cuốn, Án tích Cộng Sản Việt Nam xuất bản năm 2001 và Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh xuất bản năm 2003.

Ông Trần Gia Phụng: Ngày 14 tháng 6 năm 1955, ông Hồ Chí Minh mới ký sắc luật về cải cách ruộng đất đợt 5, sắc luật ngày 14 tháng 6 năm 1955, tuy dựa trên căn bản của hai sắc lệnh năm 1953, nhưng mà họ còn có những hành động gắt gao hơn là thành lập cái ủy ban cải cách ruộng đất từ trung ương do Trường Chinh cầm đầu, rồi ở mỗi địa phương họ thành lập những đội cải cách ruộng đất, rồi họ thành lập tòa án nhân dân, thì cái giai đoạn này chính là thảm họa của nông dân Bắc Việt.

Tòa án nhân dân là cái công cụ để thanh lọc hàng ngũ nông thôn, truy xét tận gốc rễ lý lịch của tất cả cái thành phần nông thôn, và đồng thời tòa án nhân dân cũng là cái công cụ để tiêu diệt tất cả những thành phần lãnh đạo xã hội cũ.

Nguyễn An: Tất cả những thảm kịch đó xảy ra là trong đợt 5, thưa anh tại sao cuộc cải cách ruộng đất lại dừng lại năm 1956? Có phải là vì họ đã đạt dược mục đích không hay là bởi có quá nhiều lời kêu ca, có quá nhiều trường hợp oan ức cho nên họ phải dừng lại?

Ông Trần Gia Phụng: Đây là một câu hỏi lý thú, lý thú là vì cái chỗ này này: Đứng trên quyền lợi dân tộc, đứng trên lập trường của đại đa số quần chúng Việt Nam, nghĩa là đứng trên lập trường của một người Việt Nam thì rõ ràng ai cũng thấy là CSVN sai lầm trong cải cách ruộng đất, nhưng đứng trên quyền lợi của đảng CSVN, của thiểu số chóp bu trong đảng, họ không sai lầm. Đứng về phương diện chuyên môn nông nghiệp, cuộc cải cách ruộng đất không thúc đẩy được nông nghiệp phát triển, không thăng tiến được đời sống nông dân mà còn làm tan nát nền nông nghiệp cổ truyền ở ngoài Bắc và đưa mọi người vào cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm của đảng CS thì họ đã thành công trong cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và đảng CS phải chấm dứt cái đợt cải cách ruộng đất năm 1956 vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là vấn đề nội bộ Bắc Việt là cuộc cải cách ruộng đất đã đạt được những mục tiêu chính trị của họ. Cái mục tiêu chính trị của họ là gì?

Mục tiêu chính trị của họ, thứ nhất là xóa bỏ cái cái giới hào mục lãnh đạo hạ tầng cơ sở ở nông thôn và thay vào đó là lớp lãnh đạo mới là những đảng viên CS, cái mục tiêu chính trị nữa là họ chận đứng sự trà trộn của những điệp viên địch thủ trong dân chúng, họ xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa cổ truyền nổi tiếng là bảo thủ từ bao nhiêu đời ở nông thôn, họ thay thế bằng cái chủ trương của CSVN theo chủ nghĩa Mác xít.

Ngoài ra, cái liều lượng khủng bố của CS đối với nông dân trong cuộc cải cách ruộng đất đợt 5 đủ để khuất phục nông dân, đủ để làm cho nông dân khiếp sợ, làm cho họ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, sống luôn luôn trong sự sợ hãi tột cùng và ghép họ vào trong khuôn phép CS, ổn định một cách kiên cố hạ tầng cơ sở xã hội nông thôn miền Bắc. Nhưng nếu làm quá đi, đẩy họ đến cùng thì nông dân họ sẽ nổi dậy như vụ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An tức là quê hương của ông Hồ Chí Minh năm 1956 và ông Hồ Chí Minh phải điều động cả một sư đoàn tới đó mới dẹp yên.

CSVN đã đạt được cái mục đích là tiêu diệt cũng như là xóa sạch những cái thành phần “phản động” ở nông thôn, đưa nông dân vào hợp tác xã do nhà nước quản lý, lấy lại cái đất đai mà lâu nay đã cấp cho nông dân hoàn toàn làm chủ cái phương tiện sản xuất nông nghiệp, quản lý cái kho lúa gạo trên toàn miền Bắc, áp đặt và củng cố vững vàng cái chính sách chỉ huy nông nghiệp, thì ông Hồ Chí Minh và đảng của ông ta, đảng CS lúc đó có cái tên là đảng Lao Động ngưng cuộc cải cách ruộng đất để quay qua ổn định tình hình ở thành phố. Tôi nói như vậy đó là đứng trên phương diện nội bộ Bắc Việt.

Nguyễn An: Anh vừa dùng chữ nội bộ Bắc Việt, như vậy thì yếu tố thứ hai chắc phải là từ bên ngoài vào?

Ông Trần Gia Phụng: Dạ vâng, thứ hai là trên bình diện quốc tế, cái này mình phải chú ý, bởi vì phải đặt cái tình hình Việt Nam trong toàn bộ cái tình hình CS và toàn bộ tình hình thế giới. Trên cái tình hình quốc tế thì lúc đó ở tại Nga, nhà độc tài Stalin chết năm 1953, thì trong cuộc tranh giành quyền lực đấu đá với nhau, ông Khrushốp trồi lên và nắm được chính quyền, nắm được đảng CS và trong đại hội lần thứ 20 của đảng CS Liên Sô năm 1956 tại Moscow thì Khrushốp đã đọc một bài diễn văn nảy lửa kể hết tội lỗi độc tài, tàn ác, tôn sùng cá nhân của Stalin, cái bài diễn văn này làm cho cả thế giới kinh ngạc và ông Khrushốp hứa hẹn sẽ mềm dẻo hơn, sẽ sống chung hòa bình với các nước không đồng chế độ chính trị và ông hứa hẹn sẽ dân chủ hóa Liên Sô.

Sau khi vững vàng rồi, Khrushốp mới gởi đại diện đi các nước cộng sản, và riêng CSVN thì ông Mikoyan đến Hà Nội vào tháng 4 năm 1956, ông giải thích chính sách mới của đại hội đảng 20 của Liên Sô và vì vậy mà CSVN không thể đi ngược lại đường lối mới của Liên Sô, cho nên nhân cái cuộc tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 vào tháng 7 năm 1956, ông Hồ vì những cái lý do trong nước và ngoài nước thì ông Hồ cho ngưng cái cuộc cải cách ruộng đất và bắt đầu chương trình sửa sai và ông đổ trách nhiệm cho những người thừa hành mà người gần ông nhất là ông Trường Chinh, nên ông cách chức ông Trường Chinh, cất chức nhưng sau rồi ông Trường Chinh cũng ra lại và rồi cất chức những nhân vật khác như là Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng và các nhân vật này sau cũng được trọng dụng trở lại hết, rồi bồi thường thiệt hại và xét lại một cách tượng trưng cho vài trường hợp quá đáng mà thôi

Quý thính giả đã nghe cuộc trao đổi giữa biên tập viên Nguyễn An của ban Việt ngữ và nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng về các giai đoạn của cuộc cải cách ruộng đất diễn ra tại miền Bắc Việt Nam 50 năm trước đây.

Trong chương trình phát thanh tới, BTV Nguyễn An sẽ trao đổi với ông Nguyễn Minh Cần về các diễn tiến của cuộc cải cách ruộng đất từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc bằng nhận lỗi và sửa sai. Ông Nguyễn Minh Cần nguyên là một cán bộ cấp cao của chế độ, và đã tham gia từng bước của cuộc cải cách ruộng đất. Mong quý thính giả đón nghe.

Không có nhận xét nào: