Trong căn nhà nhỏ nằm chơ vơ giữa lưng đồi heo hút vẳng lên tiếng nói của Vân thều thào, yếu ớt:
- Cả đời tao chỉ có một mong ước, mong ước cháy lòng… Trước khi nhắm mắt biết mình cũng có người hương khói để chấm dứt chuỗi ngày cô đơn, lạnh buốt trên cõi đời này. Nhưng giờ thì tao đã biết, mình bất lực rồi… Chẳng lẽ chết rồi, tao vẫn phải cô đơn, lạnh lẽo như thế này ư?...
- Mày đã tìm bé Hồng ở những đâu? – Yến rưng rưng hỏi bạn.
- Tìm khắp Việt Nam. Cứ nơi nào có xã Tiến Bộ là tìm đến. Nhưng địa chỉ nó ghi sai… Có mà mò kim dưới đáy biển.
- Mày đã hỏi ông Dũng chưa?
- Tin gì cái ngữ ấy, hỏi cho phí công.
- Thôi được, để tao đi hỏi cho. Trước là thủ trưởng nó khác. Giờ ông ấy về hưu rồi, là dân rồi, hoàn lương rồi nó khác chứ.
- Thôi thì… tùy mày.
* *
*
- Yến! Yến! Cơn gió nào cuốn em đến đây thế này? Vào đi! Vào nhà đi! Quý hóa quá! Quý hóa quá!
Thận trọng bước theo người đàn ông vào nhà, Yến hỏi:
- Nhà đi đâu hết, còn mỗi anh thôi à!
- Có ai đâu mà bảo đi đâu hết. Bà xã mình mất đã 6 năm. Thằng lớn lấy vợ và lập nghiệp ở Ôxtrâylia. Thằng nhỏ lấy vợ và mưu sinh ở Mỹ. Ở đây có mỗi mình… Anh em mình xa nhau dễ gần 30 năm rồi Yến nhỉ. Nghe nói, em bây giờ là giám đốc công ty gì lớn lắm phải không? Tiến bộ quá! Tiến bộ quá!
Cử chỉ, lời nói của người đàn ông trả lại cho Yến sự tự tin, dễ gần hàng ngày. Nhấp ngụm nước chè thơm phức nóng giẫy xong, Yến nói:
- Tướng quân nói đúng, cơn gió mùa đông Bắc lạnh buốt cuốn em tới đây. Có việc quan trọng phải nhờ đến sự trợ giúp của anh, nghe xong anh sẽ rét, rét buốt, không hiểu anh có giúp cho không?
- Về hưu lâu rồi, tướng tá gì nữa đâu mà quan trọng với không quan trọng. Việc quân thì thôi. Việc dân có gì xin cứ nói. Giúp được đến đâu tôi sẽ cố hết mình.
- Chuyện cái Vân anh ạ!
- Chuyện Vân à. Tôi cũng linh cảm thế. Vân giờ sống thế nào?
- Nó khổ lắm, sau khi ra quân không hiểu sao chẳng chịu lấy chồng, dù có rất nhiều người đứng đắn, tử tế đặt vấn đề. Khi khỏe ở với vợ chồng cậu em, giúp đỡ cho vợ chồng nó. Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, sợ làm phiền lụy đến người khác, nó đùng đùng bỏ ra ở riêng. Một túp lều đơn côi giữa lưng đồi lộng gió. Cô đơn, heo hút… Giờ thì kiệt sức rồi. Tuần qua chúng em phải luân phiên nhau đến chăm nom nó… Sự sống chỉ còn tính theo ngày. Nó chỉ có mong ước duy nhất: trước khi mất được nhìn thấy mặt con, để biết mình cũng được như mọi người có kẻ chăm lo hương khói cho hồn khỏi bơ vơ, lạnh lẽo. Sống cô đơn, chết đơn độc thì khổ lắm anh nhỉ. Anh cho thằng Hồng đến với nó anh nhé.
- Sao các bạn biết tôi biết chỗ ở của cháu.
- Nói anh tha lỗi, chúng em không chỉ biết có vậy. Chúng em còn biết rõ: Hồng chính là con anh. Nhưng… lấy cớ để bảo vệ sự trong sạch của Đảng bộ, để giữ gìn sự nghiệp cho Vân, anh đã khôn khéo vận động mọi người động viên Vân, để nó phải cho con đi. Như vậy anh thực sự an toàn, hơn nữa trong con mắt của nhiều người anh còn là một thủ trưởng đầy nhân ái, thấu tình đạt lý. Tội của anh hồi làm thủ trưởng lớn lắm. Nhưng Vân, nó vẫn có sự thông cảm với anh. Nó nghĩ: Anh buộc phải làm vậy chỉ vì sợ, một nỗi sợ rất người. Một người có địa vị như anh, có tính cách như anh nếu không biết chỗ ở của cháu Hồng sao còn là anh nữa. Nó giục em đi tìm anh vì nghĩ: giờ về hưu, là dân chắc anh sẽ khác. Liệu có khác không anh?
- Khác, khác nhiều lắm. Trước đây mình cứ nghĩ: Địa vị, tiền tài, danh vọng là mục đích cao cả mà mọi kiếp người phải vươn tới. Nào ngờ… nó lại là trò đùa hiểm ác của tạo hóa. Hai thằng con được che chở, được trợ giúp của địa vị và tiền tài, giờ đây lại đang hết mình phấn đấu vì chúng, bỏ quên người cha đang cô đơn, mòn mỏi ở quê nhà. Thằng Hồng, từ bé tới giờ không được sự chở che, giúp đỡ của địa vị, tiền tài thì hoang dại và thiệt thòi quá. Giờ bạn biết nó làm gì không? Nó là thằng chăn vịt. Thật đau lòng. Đúng là: không tiền, không địa vị thì khốn khổ. Lắm tiền, địa vị cao thì khốn nạn. Trở về cuộc sống thường dân, trở về với thiên nhiên tôi mới ngộ ra điều: cái gì mình cố giữ thì đều mất, cái gì mình cho đi thì lại còn. Giờ đây tôi chỉ còn thằng Hồng nhưng…
* *
*
- Thỉnh thoảng thằng Hồng vẫn lùa đàn vịt của nó ra đó.
- Nó có biết anh không?
- Biết sao được. Anh vờ là người đi câu và thường ngồi dưới gốc vối kia ngắm nó.
Nói xong ông rồ xe chạy thẳng vào làng. Qua vài lần ngoặt trái ngoặt phải, ông Dũng dừng xe trước ngôi nhà ngói đỏ 3 gian, tường rào râm bụt và gọi:
- Có ai ở nhà không? – Giọng ông run run.
Có tiếng người đàn bà trong nhà vóng ra:
- Ai đới. Cổng mở đới. Cứ vào.
Dứt lời, người đàn bà trong nhà te te chạy ra mở cổng và hỏi:
- Ông bà hỏi ai?
Nhìn người đàn bà gầy guộc, lếch thếch, mắt mũi lèm nhèm, mặt mày dăn dúm, ông Dũng rơm rớm nước mắt với ý nghĩ: chị ấy cũng trạc tuổi mình mà sao chóng già, chóng cũ thế! Ông nói:
- Chị không nhận ra tôi sao?
Bà lão ngước cặp mắt lèm nhèm ngây ngây nhìn ông rồi bỗng reo lên:
- Thủ trưởng! Có phải thủ trưởng đới không?
Ông Dũng nhẹ cười, gật gật đầu xác nhận. Bà lão xởi lởi hẳn lên, nói như quát:
- Thủ trưởng và bà vào nhà xơi nước đi. Hồng ơi, có thủ trưởng và bà đây ở đơn vị mẹ mày lên chơi đây này.
Có tiếng chân huỳnh huỵch từ phía sau nhà… Tiếng bà lão:
- Dễ chừng cũng đến mấy chục năm rồi thủ trưởng nhẩy! À mà, thằng Hồng năm nay cũng gần ba mươi rồi. Đúng là bóng câu qua cửa sổ, thoắt cái đã gần ba mươi năm…
Hồng phủi qua áo quần rồi bước vào nhà. Yến giật mình nhìn Hồng. Đúng là, sao y bản chính, giống bố như lột. Rồi Yến chủ động nói:
- Thưa chị, mẹ đẻ cháu Hồng hiện nay lâm bệnh rất nặng, sự sống chỉ còn thoi thóp tính theo giờ. Một thân một mình thui thủi lúc lâm chung thì lạnh lẽo, thê thảm lắm. Chúng em mạnh dạn đến đây mong chị thông cảm cho cháu Hồng về thăm mẹ nó một lần, trước lúc mẹ nó đi xa…
Hồng cộc lốc cắt ngang lời Yến:
- Mẹ à! Cháu lại có một người mẹ nào nữa đây. Bác và cô nói xem, đây có phải là bố mẹ cháu không? Hồng vừa hỏi Yến vừa chỉ vào bà lão và bức ảnh ông lão đặt trên bàn thờ, rồi nói tiếp, giọng lạnh tanh:
- Đẻ con ra rồi, quẳng đi, có xứng là cha mẹ không? Đến con vật cũng không nỡ làm vậy, huống chi người.
- Hồng, không được hỗn – Bà lão cắt ngang lời Hồng rồi thủng thẳng nói tiếp - Có thương mày thì thủ trưởng với bà đây mới lần mò tới đây, không thì ai rỗi hơi. Công sinh thành to lắm con ạ. Không kém gì công dưỡng dục đâu. Thôi, vào buồng mà chuẩn bị các thứ để đi đi. Nghĩa tử là nghĩa tận.
Yến nói:
- Cháu Hồng nó không biết nên nói vậy. Nói chị tha lỗi, sau khi ra quân, mẹ cháu Hồng đã bỏ rất nhiều công sức và tiền của để đi tìm cháu nhưng… Địa chỉ chị cho sai cả thì làm sao mà tìm được.
- Sao mẹ lại làm thế? Hồng thảng thốt quay sang hỏi mẹ.
Bà lão vẫn thủng thẳng:
- Khổ! Tao biết đâu đấy! Thấy thủ trưởng đây dặn thế thì nói thế. Biết đầu cua tai nheo ra sao. Phải ông dặn tôi nói thế không, thủ trưởng nhẩy?
Hồng quay ngoắt về phía ông Dũng nói gay gắt:
- Sao ông lại làm vậy? Sao ông lại đang tâm lừa dối mẹ tôi? Đã dối trá đến thế còn mò đến đây giả nhân, giả nghĩa thật không thể hiểu nổi.
Thấy tình thế bất lợi Yến vội nói:
- Hồng! Bĩnh tĩnh lại cháu! Bình tĩnh nghe cô nói đây! Sự việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Khi biết rõ nguyên nhân, ta mới có thể phán quyết đúng sai. Thời của các cô và mẹ cháu có những việc mới nghe qua tưởng như ngu ngơ, thậm chí như tàn nhẫn nhưng bình tâm, nghĩ kỹ, hiểu rõ nguyên nhân, có thể ta sẽ cảm thông, cảm thông đến đồng cảm. Dần dà rồi cô sẽ kể, kể hết cho cháu nghe về bố mẹ cháu. Cô tin, rồi cháu sẽ hiểu, sẽ thông cảm với họ. À mà, đến đó không biết chừng, cháu có thể gặp được cả bố đấy.
- Cháu chẳng hám! Một người chồng bỏ vợ, một người bố bỏ con có gì mà phải mong đợi…
* *
*
Hai giờ chiều, hai chiếc xe máy từ từ leo lên sườn đồi bạt ngàn bạch đàn phía sau làng. Gió. Vi vút và hoang vắng. Hồng chạnh lòng nghĩ: Sao mẹ không ở trong làng, trong xóm cho vui lại lánh mình lên đây như ở ẩn? Gió. Vẫn vi vút gió. Trước mặt là một túp lều sơ sài, nhỏ bé. Xe vẫn đang từ từ đi, bỗng Yến kêu lên thảng thốt:
- Không kịp rồi!
Ba người dựng xe trước túp lều. Hồng đưa mắt nhìn quanh… Đơn côi… Heo hút… Lành lạnh. Một cây cau nhỏ xác xơ xòe vài tán lá úa vàng chơ vơ cạnh vại nước nhỏ. Nửa chậu sành nham nhở… Một chậu nhựa cũ… Và vài búi cỏ phạc phờ. Tiếng Yến:
- Hồng, cháu vào thắp cho mẹ nén nhang rồi ta ra nghĩa địa làng. Tấm ảnh trên ban thờ mẹ chụp hồi nhập ngũ đấy.
Hồng khom người bước vào ngôi nhà đầy mùi ẩm mốc. Anh run run cắm mấy nén nhang vì đăm đắm ngắm nhìn ảnh mẹ. Mẹ thật đẹp, những nét dịu dàng nhân hậu ngập tràn trên khuôn mặt trái xoan mịn màng, thanh thoát. Hình như từ hai khóe mắt đang ứa ra những giọt nước mắt long lanh, trong vắt. Đôi mắt mẹ quá buồn, có cái gì như mang mang vô định.
Hồng nhìn quanh nhà: chiếc chõng tre ọp ẹp, tấm chăn chiên cũ rích, chếc màn xô ngả màu, các hòm gỗ sơn đỏ và vài cái xoong nhôm nho nhỏ…
Gia sản của một đời người còn lại là thế này đây – Hồng nghĩ và rưng rưng nước mắt. Lại tiếng Yến:
- Hồng ơi, vái mẹ đi rồi ra nghĩa trang làng.
* *
*
Hồng lểu thểu đi sau Yến đến nghĩa địa làng. Chiếu mới chớm vàng nên nắng còn gay gắt. Cánh đồng lúa mênh mông xanh rờn tiếng gió. Nghĩa địa làng mẹ đẹp quá. Nhiều ngôi mộ được xây rất kiểu cách với những vật liệu đắt tiền, với những sắc màu lòe loẹt. Tất cả cố khoe bầy sự làm ăn khấm khá, lòng hiếu thảo của con cháu người làng. Đứng trước mộ mẹ, lòng Hồng càng cay đắng, xót xa. Mẹ ơi, sao mẹ khổ thế: sống nghèo khó cô đơn nhất làng, chết cũng cô đơn, xơ xác nhất làng. Tiếng Yến nói trong nước mắt:
- Vân ơi! Sao mày đi vội thế! Không cố nán lại một chút để tận mắt thấy những người thân yêu nhất của mày đang quây quần quanh mày đây. Từ giờ mày không còn phải buồn sống không người thân, chết không người hương khói. Ở cõi âm mày không còn phải cô đơn, lang thang vơ vẩn chờ ngày xá tội vong nhân. Mày sống khôn chết thiêng, nếu biết, nếu vui thì hãy hiển linh báo cho tao và những người thân yêu nhất của mày biết, Vân nhé.
Yến vừa ngừng lời, bát nhang trên ngôi mộ bùng cháy. Ngọn lửa lóa vàng phần phật như reo vui, như vẫy gọi. Ông Dũng khẽ rùng mình. Tiếng Yến lại như rơi từ không trung:
- Anh Dũng và Hồng thấy chưa, Vân nó biết đấy, nó đang rất vui. Có lẽ đây là ngày vui nhất trong đời của mẹ cháu đấy Hồng ạ. Mẹ cháu vốn rụt rè, cả thẹn mà cháu xem, lửa bùng phần phật, lửa cháy hừng hực. Mẹ cháu hồi trẻ xinh đẹp, dịu dàng, chăm chỉ nhất làng. Cháu có quyền tự hào về mẹ. Bố cháu là một vị chỉ huy có tài, đẹp trai, học cao biết rộng. Họ ở cùng đơn vị với nhau rồi yêu nhau, có thai.
- Sao họ không cưới nhau? – Hồng hỏi.
- Cưới sao được. Lúc đó bố cháu đã có vợ ở quê. Người vợ của tệ tảo hôn ấy mà.
- Bố cháu là chỉ huy đơn vị, to thế, ai dám buộc họ phải cho con được.
- Chẳng ai bắt buộc ngoài tính hám danh, hám lợi của bố cháu…
- Mẹ cháu có biết việc làm của ông không?
- Lúc đầu thì không nhưng đến khi mẹ cháu dốc lòng đi tìm cháu, càng tìm càng biệt vô âm tín thì… biết.
- Chẳng lẽ bố cháu lại là người đê tiện đến thế ư?
- Ở thời mẹ cháu và các cô, ngoại tình là một tội nặng, chỉ xếp sau tội phản quốc. Vì nó người ta có thể mất sự nghiệp, thân bại danh liệt… nên chưa ai nỡ xếp bố cháu vào hàng đê tiện. Họ chỉ chê ông là kẻ tham lam ích kỷ. Mẹ cháu ốm sắp mất, đồng đội cũ cử cô đi tìm cháu là để thỏa lòng mong ước của mẹ… Không ai nghĩ tới việc tìm bố cháu đâu. Nhưng… vừa qua cô gặp bố cháu lại thấy thương . Ông ấy hiện nay có lẽ sống còn cô đơn hơn mẹ cháu. Địa vị cũ, quan niệm cũ đã đẩy cuộc sống của ông lâm vào tình trạng sống không có người thân, không có bạn bè, làng xóm. Nói dại, nếu ông có mệnh hệ gì thì cũng không ai biết, nói gì đến chuyện hương khói sau này. Nhưng cháu đừng quá buồn, vì hình như từ ngày không còn bị ràng buộc bởi chức tước, tiền tài, bố cháu sống tốt lên rất nhiều.
- Cô đoán, liệu bố cháu có đến đưa tang mẹ cháu không?
- Đến! Đến chứ!
- Giá cô cháu mình đến kịp thì…
- Ông ấy ở ngay đây thôi. Giờ cô đưa cháu đến gặp. Bố con có nhận nhau hay không thì tùy cháu.
* *
*
Chiều đã vàng, ba người rảo bước theo Yến về làng. Làng mẹ đẹp quá! Cổng làng cũng đẹp! Đình làng cũng đẹp! Ấn tượng của một làng quê trù phú hằn lên tâm thức, khơi dậy trong Hồng nỗi niềm bùi ngùi chua xót. Đầu óc Hồng ngổn ngang ý nghĩ: Ông ấy là người thế nào? Chắc cũng béo tốt như bác Dũng vì họ cũng là thủ trưởng cơ mà. Nhưng liệu ông có hiền hiền ít nói như bác Dũng không hay lại thao thao bất tuyệt? Gặp mình ông sẽ vui mừng vồ vập hay thờ ơ lãnh đạm?... Kiểu gì mình cũng chỉ nên dửng dưng, thờ ơ để ông hiểu rõ thái độ của mình, không chỉ là của mình mà còn cả thái độ của mẹ… Ba người dừng chân trước ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn, xinh xắn có cổng sắt, tường rào. Hồng hồi hộp hỏi:
- Nhà ai mà đẹp thế cô?
Yến vui vẻ nói:
- Nhà cô đấy. Chúng mình vào đi.
Nhà vắng lặng, không một bóng người. Nhấp chưa xong chén nước chè đặc sánh, nóng rẫy, Hồng bồn chồn nói:
- Vào thăm cô thế này là được rồi. Giờ trời đã tối, cô cho phép cháu được về nhà, còn việc gặp ông ấy để dịp khác, cô nhỉ.
Yến nháy mắt cười với ông Dũng rồi nhẹ nhàng nói:
- Thế cũng được. Nhưng trước khi về, em muốn khoe với anh và cháu một báu vật…
- Báu vật gì mà gớm thế! – Ông Dũng cố đùa trong trạng thái băn khoăn.
- Khắc đi thì khắc biết – Yến tủng tẳng.
Ông Dũng và Hồng miễn cưỡng đi theo Yến. Họ dừng chân trước một tấm gương lớn trong phòng ngủ. Hồng và ông Dũng đưa mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Yến nói:
- Đây là một chiếc gương Nhật. Anh Dũng giúp em nói cho Hồng rõ đặc tính quý hiếm của chiếc gương. Còn Hồng, cháu cứ nhìn kỹ vào gương, cháu sẽ phát hiện ra bất ngờ lớn nhất trong đời cháu.
Dứt lời, Yến đi nhanh ra khỏi phòng và ý tứ khép chặt cửa. Nhưng chị không đi tiếp mà dừng lại, tập trung sức nghe dõi theo những biến động trong phòng. Những giây phút tĩnh lặng hồi hộp, chậm chạp trôi… Bỗng trong phòng òa lên những tiếng nấc. Những tiếng nấc của đàn ông nghe đau đớn, xót xa đến rợn người. Yến lập cập bước vội ra sân, vừa bước miệng vừa lập bập: “Nức nở là tốt rồi… nức nở là tốt rồi…!” Đêm ở làng tĩnh lặng đến hoang sơ… Những làn gió dịu dàng mơ hồ thổi… Những vòm cây khẽ rủ rỉ, xạc xào…
L.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét