Có 1 lần đi công tác với thượng cấp, Chiến Thắng Lợi đã lập 1 chiến tích thầm lặng. Lần ấy, nước lũ bỗng đột ngột đổ về. Con ngầm đang qua trở thành dòng thác. Đồng chí thượng cấp trượt chân, bị lũ cuốn trôi hơn trăm mét. Chỉ còn chừng ba mươi mét nữa là đến thác, con thác hung dữ sẽ cuốn phăng tất cả mọi vật xuống vực xoáy. Đang cơn nguy kịch thì Chiến Thắng Lợi chạy vòng bờ vực, chặn đầu, lao xuống dòng lũ. Anh quăng đoạn dây và rất may là đồng chí thượng cấp bám được. Sau lần cứu mạng ấy, thượng cấp càng tin tưởng và lưu ý cất nhắc, đề bạt Chiến Thắng Lợi. Cuối năm 1952, anh được cử làm đoàn phó 1 đoàn công tác từ chiến khu Việt Bắc về các tỉnh đồng bằng để vận động đồng bào trong vùng tự do và vùng địch hậu tổ chức các đoàn dân công hoả tuyến, đóng thuế nông nghiệp, động viên sức người sức của cho kháng chiến.
Sau bốn năm ở rừng, Chiến Thắng Lợi trở về đồng bằng với ngột khí thế bừng bừng, 1 tâm thức mới. Cuộc kháng chiến đã vượt qua giai đoạn cầm cự và phòng ngự, tiến sang giai đoạn phản công. Chiến thắng Biên Giới, chiến thắng Hoà Bình, rồi chiến thắng Tây Bắc cuối năm 1952 đã hoàn toàn làm thay đổi cục diện chiến trường. Khí thế bộ đội Cụ Hồ như chẻ tre. Các loại vũ khí hạng nặng: xe tăng, đại bác, của VM lần đầu tiên xuất hiện khiến thực dân Pháp kinh hoàng. Các binh đoàn chủ lực đang được lệnh mở mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào.
Đoàn công tác thuế nông nghiệp của Chiến Thắng Lợi có 1 số nhà văn và nhạc sĩ, có người trong số họ đã được anh vận động đưa từ HN lên Việt Bắc từ năm 1948. 1 lần, trong 1 căn hầm trú ẩn tại 1 nhà dân ở Nho Quan, Ninh Bình, nhà văn Trần Nguyễn, 1 cây bút tên tuổi từ thời Tự lực Văn đoàn, đưa cho Chiến Thắng Lợi xem 1 bài thơ in trong tạp chí Bông Lúa, 1 ấn phẩm in ti pô của Hội Văn nghệ Liên khu Ba. Ông lè lưỡi lắc đầu:
- Tác giả Nguyễn Kỳ Vỹ này là 1 thằng cha mới toanh. Nhưng thơ hắn thì tuyệt quá. Giọng điệu vừa mới, vừa trẻ. Không kém gì Ximônốp, Baudelaire, Lamartine.
Vừa liếc thấy tên tác giả Nguyễn Kỳ Vỹ, tim Chiến Thắng Lợi đã đập liên hồi. Anh đọc như nuốt từng câu:
SỐNG
Anh đã chết sau những ngày tăm tối
Sau trăm năm kiếp nô lệ lầm than
Nước mất, nhà cũng tan như nước
Gót giày đinh cày ngang dọc quê hương
Đành gác lại nụ hôn chờ kiếp khác
Đừng trách anh hờ hững hỡi em yêu
Vì nước, thà bọc thây da ngựa
Chí nam nhi sao tiếc 1 Giáng Kiều
Anh không thẻ sống kiếp đời nô lệ
Nàng thơ ơi, đừng níu giữ chiến bào
Trống đồng giục, gọi trai Phù Đổng
Rũ bùn bay tới triệu vì sao.
Chiến Thắng Lợi nhìn mãi vào cái tên tác giã Nguyễn Kỳ Vỹ ở đầu bài thơ. Đúng là thằng em trai anh rồi. Nguyễn Kỳ Vỹ. Bài thơ này của nó thật rồi. Lợi đưa mắt nhìn nhà văn Trần Nguyễn thăm dò. Phải cảnh giác với ông nhà văn này. Ông ấy biết Nguyễn Kỳ Vỹ là em trai mình chăng? Tuổi nó sao lại viết bài thơ này nhỉ? Toàn yêu đương trai gái. Giữa lúc cả dân tộc lo đánh giặc mà lại làm thơ hôn hít nhau. Sặc mùi tiểu thư sản, uỷ mị, sướt mướt, phản động. Ông nhà văn này lập trường có vấn đề. Vẫn rơi rớt giọng điệu sướt mướt, nhập nhoà giai cấp từ thời Tự lực Văn đoàn, Tiểu thuyết Thứ Bảy. Hay ông ta định thử lập trường giai cấp của mình? Hãy coi chừng những viên đạn bọc đường.
- Theo em, bài thơ này phản động anh ạ. Lập trường tiểu tư sản. Thơ ca CM không thể như thế này được. Nguy hiểm lắm. Trai gái sẽ hôn hít nhau lung tung và quên ý chí CM, thủ tiêu đấu tranh giai cấp… Ông Tổng biên tập Bông Lúa này có vấn đề. Cần phải báo cáo với thượng cấp.
Nhà văn Trần Nguyễn trố mắt nhìn Chiến Thắng Lợi như đang nhìn 1 dị vật. Ông lắc đầu, lấy bi đông rượu, rót ra chiếc chén mắt trâu mầu da lươn lúc nào cũng đem theo mình, chiêu 1 hớp rồi khà 1 tiếng.
- Quan điểm về nghệ thuật của chú mày không ổn. Anh thất vọng đấy. Tao là dân văn xuôi, nhưng không đến nỗi ngu si không biết thưởng thức thơ như chú mày tưởng đâu. Thơ của thằng Nguyễn Kỳ Vỹ này mới là thơ chính hiệu. Thơ yêu nước, thơ CM hẳn hoi đó. Mày quen xài thứ thơ ca hò vè hô khẩu hiệu thì làm sao sực nổi loại thơ này. Tay Tổng biên tập tờ Bông Lúa có con mắt xanh đó.
Định gác lại nụ hôn chờ kiếp khác
Đừng trách anh hờ hững hỡi em yêu
Vì nước, thà bọc thây da ngựa
Chí nam nhi sao tiếc 1 Giáng Kiều
Thấy chưa? Lập trường giai cấp, tình yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp của thằng cha này gấp vạn lần anh em mình. Tình yêu là thuộc tính của con người. Tình yêu trai gái càng thiêng liêng trân trọng. Vậy mà người con trai đành gác lại nụ hôn để ra đi cứu nước. Nụ hôn của tình yêu đôi lứa là 1 tín hiệu thiêng liêng. Nhưng tình yêu nước còn thiêng liêng hơn. Khi Tổ quốc còn rên xiết dưới gót dày ngoại bang thì nụ hôn người yêu là sự tủi sầu, là hành vi thấp kém của 1 kẻ nô lệ. Tình yêu cá nhân phải nằm trong tình yêu lớn dân tộc. Đã là người Việt Nam ta, ai cũng có tình yêu nước, và họ yêu nước theo cách riêng của mình. Giữa Trần Thủ Độ và Trần Quang Khải, giữa Hồ Quý Ly và Lê Lợi… chưa chắc ai đã có tình yêu nước hơn ai. Đừng độc quyền tình yêu nước. Phải khách quan nhìn nhận và nâng niu tình yêu nước ở mỗi người. Nguyễn Kỳ Vỹ đã nói được tiếng nói của tuổi trẻ, của cả 1 thế hệ đang cầm súng kháng chiến. Đời người làm thơ chỉ ước viết được những câu thơ như thế. Tay Nguyễn Kỳ Vỹ này xứng đáng là thi sĩ của CM. Mày biết các chiến sĩ ta đang truyền tay nhau đọc bài thơ này không? Quần chúng tinh nhạy lắm. Thơ hay là họ ngửi thấy liền. Bao nhiêu chàng trai đã chép vào sổ tay và học thuộc bài thơ này đó… - Thật vậy hả anh? - Chiến Thắng Lợi giỏng tai, há hốc miệng. - 1 bài thơ hay có sức mạnh bằng cả 1 sư đoàn. Ông Lênin từng nói như vậy. Cho nên ông ta mới coi Gorki là con chim báo bão, là nghệ sĩ lớn của CM. Maiakôpski là nhà thơ tiên phong của giai cấp công nhân, người hiệu triệu của chính quyền Xô Viết. Cho nên Cụ Hồ Chí Minh mới chỉ thị cho các chú gọi bọn tớ lên tập họp ở Việt Bắc để phụng sự kháng chiến. Chính sách đối với văn nghệ, với trí thức của ông Cụ là tài tình lắm. Chỉ 1 lời hiệu triệu của ông Cụ là bao nhiêu người tài giỏi từ Pháp, từ Nhật, từ Anh, từ Nga Xô, Trung Quốc cho đến những người tài trùm chăn ở HN, Huế, SG… đều lên chiến khu, bưng biền phụng sự kháng chiến cả. VM sẽ chiến thắng bọn thực dân đế quốc Pháp vì họ đã làm được 1 kỳ tích là tập hợp toàn dân trong 1 đại hội Diên Hồng mới, phát động toàn dân triệu người như 1…
Nhà văn Trần Nguyễn lại nhấp 1 tợp rượu, rồi tự ông rót 1 chén đưa cho Chiến Thắng Lợi.
- Chú mày tiếp xúc nhiều với cánh văn nghệ sĩ bọn anh, phải thấm nhuần lời dạy của ông Cụ là phải biết nâng niu tài năng, trọng kẻ sĩ. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, đó là tư tưởng của cha ông mình, đã từng được ghi trong văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Nói thực với chú, bọn anh cũng có cái kiêu của kẻ có tài. Để có 1 tài năng, 1 người tài, ngoài cái trời cho, còn phải nhờ tư chất, nhờ ghen di truyền, nhờ khổ luyện. Người thường có thể có hàng triệu, nhưng người tài thì chỉ có 1 vài. Tay Nguyễn Kỳ Vỹ này là 1 người tài. Anh dám chắc với chú mày điều này. Rồi chú mày xem. Nếu được tin dùng, được CM trọng dụng, Nguyễn Kỳ Vỹ sẽ là 1 con chim báo bão, 1 thi sĩ đích thực của CM…
Chiến Thắng Lợi như nuốt lấy từng lời. Chưa bao giờ anh thấy nhà văn Trần Nguyễn lại cởi mở hết ruột gan như lúc này. Nếu quả đúng như ông nhà văn nói, thì sau đợt công tác này anh phải về qua nhà, phải rủ Nguyễn Kỳ Vỹ lên chiến khu Việt Bắc. Chính anh sẽ giới thiệu Vỹ với tổ chức. Chính anh sẽ bồi dưỡng Vỹ về phẩm chất chính trị, lập trường giai cấp tư cách đạo đức. Anh em ruột thịt còn gì hơn là giúp nhau lúc này. Anh sẽ có công với CM, và Vỹ cũng được dịp làm rạng rỡ gia đình, dòng họ. Với trình độ Thành chung, giỏi tiếng Pháp, lại có tài thơ, nếu được làm báo Vệ Quốc, báo Độc Lập hay 1 công việc gì đó dính dáng đến tuyên huấn, văn chương, chắc chắn Vỹ sẽ trở thành 1 ký giả xuất sắc, 1 thi sĩ tài năng của CM.
***
Trong trang phục 1 ký giả, quần áo màu ghi, mũ phớt xám, Chiến Thắng Lợi về làng Động gần giờ giới nghiêm.
Làng Động, ba năm nay, từ khi có bốt địch đóng sừng sững giữa làng, trở thành 1 làng tề an toàn nhất của địch. Cùng với hệ thống bốt Liên Đạo, Phủ Cũ, Thanh Am, Can Xá, Đanh, Tiêu Bồ, thực dân Pháp đã thiết lập được 1 vành đai bảo vệ HN, bao vây vùng Khu Trắng, khu an toàn bất khả xâm phạm của VM. Từ hệ thống đồn bốt vành đai, thỉnh thoảng địch tổ chức các trận càn thọc sâu xuống những làng Trầm tiêu hao lực lượng kháng chiến.
Mấy năm xa làng, cuộc trở về lần này khiến Chiến Thắng Lợi có cảm giác lạ lẫm, hệt như 1 đứa trẻ từ ao tù đi ra biển rộng, nay lại về thăm chốn cũ.
Làng Động của anh đây, 1 vùng quê nghèo, xung quanh bao bọc kín mít bởi những luỹ tre dày, nổi lên giữa ba bề đồng trống, như 1 ốc đảo. Nghe các cụ nói lại, ngày ông thượng tổ Lý Kỳ Phong rời trang Vân Đồn về lập nghiệp, làng Động mới là 1 gò đất giữa mênh mông nước. Mùa gặt chưa tới, bọn cướp ngày từ vùng đồng trũng ven sông Hồng, sông Điền đã kéo nhau từng đàn vào gặt trộm. Chúng cưỡi trên hàng trăm chiếc thuyền tam bản, phi như bay trên đồng ngập trắng. Liềm, hái, đòn xóc, sào tre vừa là công cụ gặt trộm vừa là vũ khí giết người lợi hại. Nhưng thượng tổ Lý Kỳ Phong vốn là dân sông nước, võ nghệ siêu quần, không phải tay vừa. Ông trồng tre ken dày quanh làng, dày tới mức tên bắn không qua. Ông cho đan những chiếc bồ tre khổng lồ, hàng chục người ôm, cao mấy đầu người để trữ thóc. Ông dựng những chòi canh trên ngọn cây cao, nhìn xa hàng mấy dặm, tít xuống những làng Trầm dưới kia. Ông cho làm nhiều thuyền nan, nhiều câu liêm, dao quăng, nhiều cung tên để chiến đấu với giặc cướp. Làng Động từ đó thực sự trở thành 1 pháo đài…
Xét theo góc độ lịch sử, dòng họ Lý, sau này đổi thành Nguyễn Kỳ, có công lao khai phá, dựng nghiệp, nhưng đồng thời lại trở thành những đại địa chủ bóc lột bần cố nông, càng đến thời kỳ phong kiến thực dân gần đây, càng bộc lộ tính chất phản động, ngăn cản sự tiến hoá của xã hội. Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, được đả thông tư tưởng, học tập lý luận, bồi dưỡng quan điểm giai cấp, Chiến Thắng Lợi đã nhìn nhận cái làng Động của anh, cái dòng họ Nguyễn Kỳ của anh với 1 góc nhìn hoàn toàn khác, 1 cái nhìn đậm tính duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Sẽ đến lúc phải phá bỏ những luỹ tre nghìn đời cổ hủ, phong kiến kia đi. Sẽ đến lúc đập bỏ cái sào huyệt Nguyễn Kỳ Viên mà thầy anh đang ôm giữ khư khư kia nữa. Sẽ phải tiến tới thế giới đại đồng, giai cấp vô sản làm chủ toàn cầu…
Theo sự chỉ dẫn của cơ sở, Chiến Thắng Lợi tránh đi lối đình, nơi bọn lính bảo an đóng bốt, để vòng qua ngõ xóm Thượng về Nguyễn Kỳ Viên.
Qua rặng tre um tùm, qua những cái vườn bỏ hoang, nơi xưa kia là sào huyệt của bọn ma tịt, Chiến Thắng Lợi đã nhìn thấy khu nhà thâm nghiêm của anh sáng rực ánh đèn. Có chuyện gì mà đèn đuốc sáng chói vào giờ này? Không thể vào nhà bằng cổng chính, anh men theo bờ rào, lọt qua 1 khe bí mật chỉ riêng mình anh biết, rồi vòng qua khu nhà ngang, trèo lên cây muỗm um tùm, dõi mắt nhìn hai chiếc xe con, 1 chiếc xe Jeep nhà binh, 1 chiếc Renault màu sữa, đỗ ngay gần sát cổng. 1 tên lính áo vàng, súng lăm lăm trong tay đang đi lại tuần tra. Lẽo đẽo theo hắn là con bécgiê cực lớn có sợi xích trắng quấn quanh cổ.
Bọn địch ở bốt làng đã đoán Khôi về, phục kích đón lõng chăng? Kiểm tra lại khẩu súng giắt trong người, Chiến Thắng Lợi nằm ép trên cây muỗm nghe ngóng rồi tìm cách trườn sang nóc dãy nhà ngang. Kia rồi, thầy anh, ông Cử Phúc, bây giờ dân làng gọi là Lý Phúc, đang ngồi giữa 1 bàn tổ tôm.
Tất cả có sáu người. Ánh sáng ngọn đèn ba dây và hai cây đèn toạ đăng chiếu vào chiếc sập gụ gian bên nhà thờ cho anh nhận ra 1 người quen: ông Hội Thiện người làng Nghi Sơn, bạn thân của thầy anh. Bên cạnh là 1 người trẻ tuổi mặc vestông trắng, tiếp nữa là ba sĩ quan nguy, hai người chơi bài, 1 người chầu rìa. Theo như phán đoán của Chiến Thắng Lợi, thì tên sĩ quan ngồi cạnh ông Hội Thiện trông giống Tây lai, có thể là Trương Phiên, đồn trưởng bốt làng Động, kẻ khét tiếng ăn chơi và là 1 tay tổ tôm cự phách trong vùng.
Một nỗi đau, chen nỗi uất ức trào lên, khiến mặt Chiến Thắng Lợi nóng bừng bừng. Thầy anh không phải làm nhiệm vụ hai mang như Cam đã từng nói với anh trong ba ngày gặp nhau ở Phương Đình ấy, mà ông đang làm tay sai cho địch thật rồi. Gần mực thì đen. Những cuộc cờ bạc thâu đêm này bắt đầu từ bao giờ? Cái tin ông Cử Phúc ra làm lý trưởng làng Động đã đến tai Chiến Thắng Lợi từ khi anh còn trên chiến khu. Tin ấy đến cả tai tổ chức. Làm sao mà bào chữa được? Bây giờ thì tận mắt anh nhìn thấy cha mình đang thản nhiên, thậm chí hứng thú khi ngồi chơi tổ tôm với kẻ thù của nhân dân.
Cố nuốt mấy lần mà cái cục trong yết hầu vẫn chẹn ngang cổ, Chiến Thắng Lợi muốn ném 1 quả lựu đạn, xả mấy băng đạn vào giữa bàn tổ tôm kia. Nhưng rồi nhìn thấy con bécgiê như con cọp xám, tên lính vệ sĩ to như ông hộ pháp cắp khẩu tiểu liên đi lại trước cái sân rộng mênh mông, anh đành nuốt nước mắt, bất lực.
***
Cuộc tổ tôm đã ù đến ván thứ mười ba. Ông Lý Phúc ù ba ván Bạch định, bốn ván Thông tôm lèo, hai ván Chi chi. Còn lại bốn ván thì Trương Phiên chiếm ba, ông khách ù 1 ván suông. Hoá ra Lý Phúc vẫn là 1 tay tổ tôm sừng sỏ không có đối thủ. Cay cú nhất là Trương Phiên. Gã đã chót khoe với Phán Liêu, người mặc complê trắng, hiện đang có chân trong Hội đồng dân biểu Bắc Kỳ, rằng đêm nay gã sẽ móc túi Lý Phúc đến đồng xu cuối cùng.
Thực ra cuộc sát phạt này không phải là mục đích chính của Phán Liêu. Đầu tháng tới nếu không có gì thay đổi, ông sẽ được bổ nhiệm tri huyện Phương Đình thay viên quan huyện cũ nhu nhược để cho VM lấn lướt. Đây là dịp quan huyện tương lai tiếp xúc với Chánh tổng Thiện và Lý Phúc để dò la xem hai người cộng sự sắp tới của ông như thế nào. Đã có những chứng cứ của điệp viên nằm vùng cho hay hai nhân vật này do VM cài vào hàng ngũ của Pháp.
Bằng cứ rõ nhất là tháng trước Lý Phúc vừa bị quan Tây bốt Phủ tống giam hai ngày vì đã cố tình che giấu 1 tên CS đầu sỏ ở trong làng. Chuyến ấy không có Chánh tổng Thiện và Trương Phiên xin khéo thì Lý Phúc có thể bị án tù vài năm.
Có 1 người mà trong suốt cuộc tổ tôm cứ đi như con thoi từ trên nhà xuống bếp khiến Chiến Thắng Lợi căng mắt quan sát và suy đoán mãi. Không phải Vỹ, Vọng. Cũng không phải Cục. Chắc dì và ba thằng em đã đi ngủ từ lâu rồi. Phải 1 lúc sau Lợi mới nhận ra anh Đĩ Ngao mặt rỗ chằng rỗ chịt bên hàng xóm, con ông Mõ Ngò, người chuyên giết lợn và làm cỗ thuê trong làng. Đĩ Ngao là loại mạt hạng cùng đinh nhất làng Động, bố và ông nội là dân ngụ cư, xin làm mõ cho làng, được cụ Đồ Kha hết lòng cưu mang, cho hẳn 1 dải đất ven ao làm nhà. Từ đời ông nội Lợi đã coi bố con Đĩ Ngao như con cái kẻ ăn người làm trong nhà, có đám, có việc gì Đĩ Ngao đều đánh hơi mò đến, cúc cung tận tuy. Dĩ nhiên, thớt có tanh tao ruồi mới đến. Cả nhà Đĩ Ngao đã thành tinh trong việc ăn vụng, ăn bớt. Kia, cái món ở dưới bếp ngào ngạt mùi thơm kia hẳn là ông thầy ăn 1, bà cốt ăn hai. Đĩ Ngao đang bứng lên 1 nồi cháo gà thơm phức, thận trọng múc ra những bát ô tô to bằng sứ Giang Tây…
Đến lúc này Chiến Thắng Lợi mới thấy đói cồn cào. Hơi cháo gà bay ngạt ngào khiến con becgiê cũng khụt khịt như thèm thuồng.
Bỏ lên chiến khu ư? Cuộc trở về làng Động sau bốn năm biền biệt lại ngao ngán và đắng đót như thế này sao? Chợt nghĩ đến Nguyễn Kỳ Vỹ và bài thơ "Sống" Chiến Thắng Lợi đành dằn lòng lại. Thời gian này là lúc Vỹ đang nghỉ hết năm học để chuẩn bị lên học tú tài. Bằng mọi giá anh phải gặp Nguyễn Kỳ Vỹ, thuyết phục Vỹ lên chiến khu Việt Bắc. Nếu quả thực Vỹ là tác giả bài thơ sống thì chuyến này anh sẽ làm được công việc chiêu hiền ngang với tam cố thảo lư của Lưu Bị cầu Gia Cát Khổng Minh. "Thân hiền giá hiền dã, năng tiến hiền già diệc hiền dã". Tự mình hiền tài thì là nhân tài rồi, nhưng biết tiến cử người hiền tài cũng là nhân tài. Câu nói của Lưu Hướng đời Hán mà thầy vẫn dạy cho Khôi ngày trước, anh ghi tận đáy lòng. Khôi trườn trên nóc nhà, tìm đến gian nhà ngang nơi ba đứa em của anh ngủ. Có ánh đèn hắt lên khe ngói. Rất có thể Vỹ chưa ngủ. Nhẹ nhàng tháo 1 viên ngói ở đầu hồi, nhìn xuống, Khôi nhận ra Vỹ đang ngồi trước bàn. Ngọn đèn hoa kỳ hắt xuống 1 cuốn sách đang để mở.
- Tắc kè… tắc kè… tắc kè.
Ba tiếng tắc kè bỗng vang lên. Không phải năm tiếng như con tắc kè vẫn kêu ở trên cây muỗm đầu nhà thờ, mà chỉ có ba tiếng. Đó là ám hiệu chỉ riêng Khôi và Vỹ ngầm biết với nhau từ ngày Khôi còn ở nhà.
Tên lính cận vệ dừng lại, dỏng tai nghe ngóng.
Nguyễn Kỳ Vỹ dừng đọc sách, ngẩng lên mái nhà. Bằng linh cảm, Vỹ biết anh Khôi đã trở về. Đúng là anh Khôi rồi. Ba tiếng tắc kè này Vỹ đã chờ đợi suốt bẩy năm, từ ngày anh Khôi thoát ly gia đình đi theo CM. Rất nhiều đêm không ngủ, Vỹ nằm chong mắt nhìn lên mái nhà nghĩ về anh Khôi và mơ ba tiếng tắc kè.
Lách qua khe cửa, Vỹ len lén đi phía sau, nơi có đống rơm và những bụi chuối. Quan sát bốn phía, rồi Vỹ bắc loa tay hướng về phía cây muỗm đáp lại ba tiếng tắc kè… tắc kè… tắc kè… Đó là ám hiệu anh em đã nhận ra nhau.
Cho đến khi hai anh em ôm chầm lấy nhau ở chân đống rơm góc vườn, sau dãy nhà ngang, thì Chiến Thắng Lợi hoàn toàn tin rằng tiếng tắc kè của anh đã trở thành nỗi chờ đợi đau đáu trong lòng đứa em cùng cha khác mẹ biết chừng nào.
- Em nhớ anh từng ngày. Em không muốn đi học nữa. Em muốn lên Việt Bắc với anh.
Đó là những câu nói đầu tiên của Nguyễn Kỳ Vỹ với người anh trai sau mấy năm xa cách. Với Vỹ, Khôi là niềm tự hào, là ngưỡng vọng, là biểu tượng của kháng chiến. Ở trường, Vỹ công khai khoe với bạn bè có anh trai đi làm CM. Đã hai lần Vỹ ẩu đả, đấm thẳng vào mồm thằng Hạnh mặt lưỡi cày khi nó dám nói xấu anh Khôi, thoá mạ kháng chiến. Tin tức về những chiến thắng dồn dập của VM ở Việt Bắc lan truyền trong các lớp học. Rồi mỗi tuần, mỗi tháng lại có 1 vài học trò bỏ lớp, ra vùng tự do theo bộ đội. Không khí học đường tan tác như phiên chợ chiều, càng khiến Vỹ như ngồi trên đống lửa. Vỹ ngán ngẩm, thậm chí vứt xó tất cả những cuốn tiểu thuyết chàng, nàng của Khái Hưng, Nhất Linh và nhóm Tự lực Văn đoàn. Anh không thiết đọc La Martin, Huygô, Bođơle, Volte và trường phái cách tân, lãng mạn Pháp. Anh chép vào trang đầu cuốn sổ những câu thơ trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ:
Gậm 1 khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Vỹ tự ví mình như con hổ bị giam cầm mà chốn rừng xanh có ý ám chỉ vùng Việt Bắc xa xôi, nơi có anh Khôi và những người yêu nước đang kháng chiến.
- Đêm nay thầy phải tiếp tổ tôm đồn trưởng Trương Phiên đến khuya. Chúng nó biết anh về thì nguy hiểm lắm. Tạm thời anh phải nằm chờ ở dưới hầm. Em phải lên nhà xem động tĩnh thế nào.
Vỹ thì thầm vào tai Chiến Thắng Lợi và dẫn anh trai xuống căn hầm bí mật ngay dưới chân bụi tre sau dãy nhà ngang. Căn hầm bí mật này ông Lý Phúc đã cho đào ngay sau khi ông nhận chức lý trưởng làng Động. Đó là 1 căn hầm khá kiên cố, dài ba mét, rộng hai mét hai, cao ngập đầu người, thông từ ngách kho lúa xuyên ra giữa bụi tre, có thể chứa hơn chục người. Căn hầm bí mật đã giúp Lý Phúc làm việc hai mang 1 cách suôn sẻ. Nhiều cuộc họp bí mật của các cốt cán VM trong vùng đã được tổ chức ngay dưới hầm. Có thời kỳ Bí thư huyện uỷ Phương Đình ở trong nhà Lý Phúc cả tuần. Có trường hợp, trên nhà Lý Phúc đánh tổ tôm với đồn trưởng Trương Phiên, nhưng dưới hầm cán bộ VM vẫn ung dung hội họp. Mới hơn 1 tháng trước đây, nhờ căn hầm này mà 1 thượng cấp của VM về chỉ đạo phong trào đã được cứu thoát. Chuyến ấy Lý trưởng Phúc bị bắt giam trên bốt Phủ hai ngày, bị ghi vào sổ đen nghi có cảm tình với VM. Ngay cả đồn trưởng Trương Phiên cũng bị khiển trách, suýt bị hạ 1 gạch sao.
Tờ tạp chí Bông Lúa mà Chiến Thắng Lợi dúi vào tay Vỹ ở cửa hầm còn hơn cả mọi thứ quà tặng quí giá. Người Vỹ cứ run lên, con tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực khi anh đọc thấy tên Nguyễn Kỳ Vỹ và bài thơ "Sống" của mình. Vậy là chị Cam đã giữ đúng lời hứa. Chị Cam đã gửi bài thơ Vỹ viết cho anh Khôi. Và anh đã giận in trên tạp chí Bông Lúa này đây.
Vỹ nhớ lại lần gặp chị Cam hồi năm ngoái, khi chị đóng vai 1 bệnh nhân của thầy đến ở trong căn hầm bí mật. Cả tuần lễ chị Cam hay hỏi Vỹ về Khôi, lúc nào cũng hỏi về anh Khôi. Chị bảo đã quen anh Khôi từ ngày Tổng khởi nghĩa. Giữa hai người có nhiều kỷ niệm với nhau trong những ngày hoạt động bí mật. "Vỹ viết thư đi, chị sẽ gửi anh Khôi cho" - Chị nài nỉ Vỹ.
Tiếp xúc với Cam, Vỹ không chỉ thấy ở chị những nét đẹp hình thể, mà ở chị luôn toát lên vẻ đẹp tinh thần. Đôi mắt tuyệt đẹp của người nữ cán bộ VM luôn nhìn Vỹ 1 cách khác lạ ấy, hay đôi môi hình trái tim đầy quyến rũ của Mai, cô bạn gái xóm Chùa, đã gợi tứ cho Vỹ viết bài thơ "Sống"? Lạ thế, chưa từng hôn 1 người con gái nào mà bài thơ ấy Vỹ chỉ viết trong 1 đêm, viết như nhập đồng, viết trong 1 cảm xúc thăng hoa, ngây ngất. "Em vừa viết được 1 bài thơ. Em nhờ chị gửi cho anh Khôi em nhé!" Vỹ khoe với Cam. Chị đọc xong và bảo: "Chị không biết thưởng thức thơ. Nhưng nếu chị là cô gái được em làm thơ, thì chị hạnh phúc lắm. Chị sẽ gửi lên việt Bắc cho anh Nguyễn Kỳ Khôi bài thơ này".
Những kỷ niệm cứ nhảy nhót, reo vui như tiếng reo của ánh lửa ngọn đèn dầu, ru Vỹ vào giấc ngủ chập chờn. Anh nằm gục trên bàn, hai tay vòng ôm cuốn tạp chí để mở.
***
Quá nửa đêm thì chiếu tổ tôm tan. Người khách mặc vestông trắng và thầy trò đồn trưởng Trương Phiên cùng con chó becgiê leo lên xe Jeep và chiếc Renault về đồn.
Có tiếng thì thào của hai người đàn ông bên tai Vỹ. Anh lờ mờ nhận ra tiếng của thầy và bác Hội Thiện:
- Thằng cha dân biểu này có nước bài chờ ù thông tôm lèo rất hiểm. Mấy lần tôi ra hiệu mà bác không hiểu ý.
- Tôi biết. Nhưng không muốn lộ liễu. Vậy là chúng ta đã biết rõ kế hoạch của thằng Phán Liêu trong ba ngày tới. Trừ hắn sớm ngày nào cơ sở của chúng ta đỡ bể ngày ấy.
- Mai hắn đi thị sát bốt Ba Thấu. - Phải mật báo với cơ sở của ta tìm cách khử hắn ở đầu cầu Ba Thấu chiều tối mai. - Bác cứ yên tâm. Sáng sớm mai X5 sẽ nhận được kế hoạch.
Tiếng thì thào mỗi lúc 1 xa dần.
Vỹ vùng tỉnh dậy. Trước mặt anh là ông Lý Phúc. Ông vừa nói chuyện với bác Hội Thiện về tay dân biểu mặc áo vestông trắng.
- Con đã hứa với thầy là không thức khuya rồi cơ mà - ông Lý Phúc đặt tay lên vai Vỹ, nhìn anh nghiêm khắc. Rồi ông chợt chớp mắt nhìn thật kỹ cuốn tạp chí dưới tay Vỹ - Cái gì thế này? Tạp chí Bông Lúa à? Ở đâu ra? Ai đưa cho con tạp chí này? Nguy hiểm lắm, con ơi. - Ông Lý Phúc thoáng nghi ngờ, nhìn quanh.
- Dạ thưa thầy…
Vỹ sực nhớ anh Khôi vẫn ở dưới hầm. Có nên nói với thầy không? Bác Chánh tổng Thiện đêm nay ngủ lại, nói có tiện không?
Thấy Vỹ ấp úng, ông Lý Phúc càng nghi ngờ. Ông lật giở vài trang, và chợt đọc thấy cái tên Nguyễn Kỳ Vỹ và bài thơ "Sống" của anh.
- Dạ, thưa thầy, anh Khôi mang về cho con cuốn tạp chí này.
- Nó đâu? Anh Khôi con đâu? - Mặt Lý Phúc thất sắc. Ông lắng nghe tiếng chó sủa rộ lên ở đầu xóm Chùa - Sao con không nói với thầy ngay lúc anh con về?
- Dạ, con sợ… Con giấu anh dưới hầm… Chắc là anh Khôi đang đói…
Ông Lý Phúc vào buồng đánh thức vợ. Cả nhà cuống cuồng. Bữa ăn tối cho Khôi được gấp rút chuẩn bị. Nhưng đến khi ông Lý Phúc và Vỹ xuống hầm thì Khôi đã nằm duỗi dài trên chiếc chõng tre kê ở góc hầm ngáy pho pho.
Suốt ngày hôm sau, hai anh em chơi với nhau dưới hầm bí mật. Việc Khôi về nhà được giữ kín cả với thằng Vện, thằng Cục và cái Hậu, cô con gái út mới ba tuổi.
***
- Em có biết nhà văn Trần Nguyễn không? - Chiến Thắng Lợi nhớ lại cuộc nói chuyện ở Nho Quan, Ninh Bình.
- 1 nhà văn hàng đầu trong nhóm "Tiểu thuyết Thứ Bẩy" - Vỹ đáp - Con người ngang tàng và lãng tử ấy đi theo kháng chiến khiến cho uy tín của VM tăng lên gấp bội. Thầy dạy văn em bảo, văn ông có hơi vã mùi riêng biệt, không lẫn lộn với bất kỳ nhà văn đương đại nào. 1 con người rất có cá tính. Em phục nhất loạt bài ông viết về cái chết của nhà văn tả chân Vũ Trọng Phụng. Trời ơi, không có tình bạn nào cao cả hơn tình bạn của các văn nhân. Đọc "Đêm đưa ma Phụng" của Trần Nguyền, em khóc ròng…
- Con người đầy cá tinh và kiêu căng ấy khen em đến không bút nào tả xiết. Ông gọi em là "chàng thi sĩ của CM". Chính nhà văn Trần Nguyễn đã cho anh đọc bài thơ "Sống" của em đó. Ông cất giữ tờ tạp chí Bông Lúa, như 1 báu vật.
- Thật thế ư? - Vỹ sửng sốt. Đôi mắt sáng lấp lánh trong bóng tối căn hầm - Vậy mà em cứ tưởng chị Cam đã gửi nó cho anh.
Chiến Thắng Lợi giật nẩy người khi nghe nói đến Cam.
Bốn năm rồi anh không gặp nàng. Không ngờ cuộc chia tay ở phố Lương Đình xa dằng dặc không có ngày gặp lại. Thời kỳ mang tên thẻ căn cước Nguyễn Khắc Khang hoạt động trong nội thành HN đã mấy lần anh tự vi phạm kỷ luật, trốn tổ chức, trở về tìm nàng. May mà năm đó anh không phát điên, nỗi nhớ quằn quại hành hạ anh hằng đêm. Nhắm mắt lại là anh thấy nàng. Đôi mắt phượng nhìn xoáy vào tim. Nụ cười với hàm răng trắng loá đến mê hồn. Anh sẵn sàng đánh đổi hàng trăm thiếu nữ mười tám đôi mươi nhan sắc, để có được nàng. Nàng đã cho anh ăn canh ngải bùa mê khiến anh lú lẫn, lúc nào cũng mơ tưởng, như người mộng du. Hồi về tìm nàng ở phố Phương Đình cỏ người bảo Cam có chửa và đã sinh con. Có người lại bảo Cam theo 1 gã buôn bè, sống phiêu bạt trên sông Điền. Có chửa với ai? Sinh con với ai? Đi với thằng nào trên sông Điền? Mối ngờ vực dày vò Khôi mấy tháng liền. May mà sau đó thượng cấp điều anh lên chiến khu chấm dứt thời kỳ yêu đương mù quáng, điên rồ.
Việt Bắc quả là trường học vĩ đại của CM. Giống như 1 con chiên khi đã quì trước bàn thờ Chúa, chỉ còn biết rũ bỏ thế giới trần tục, gột rửa mọi tội lỗi để hướng tới đấng Cứu thế, mơ được cứu rỗi, được hé mở tới cỡi thiên đàng, Nguyễn Kỳ Khôi cũng đã biết cách trút bỏ mối tình ngang trái đầy mê hoặc của tuổi mới lớn để tu thân và mong được thượng cấp tin dùng. Trong cuộc sám hối và đoạn tuyệt quá khứ đầy cực nhọc và vất vả này, Khôi đặc biệt cám ơn cuốn cẩm nang "Mười điều răn". Anh thuộc lòng từng câu từng chữ mười điều răn và mỗi ngày nhẩm đọc đúng hai mươi lần.
Một là đừng mất lập trường
Hai là tư tưởng dẫn đường Mác-Lê
Ba là giai cấp phân chia
Bốn là đạo đức không lìa lương tâm
Năm là xa lánh tà dâm
Sáu là kim chỉ của dân chớ màng…
Hoá ra cuộc tình éo le chênh lệch tuổi tác giữa anh và Cam nằm trong điều răn thứ năm. Thực chất của nó là tội hủ hoá, suy đồi đạo đức. Bằng kinh nghiệm lọc lõi và trải đời của 1 người đàn bà có mấy đời chồng, Cam đã cám dỗ và lùa Khôi vào con đường truỵ lạc. Và Khôi, do không kìm nén được dục vọng, sự ham muốn nhục đục, thể xác, đã đồng loã và kích thích thói dâm ô ở Cam. Ai có thể tin nổi rằng, 1 cặp trai gái lại có thể quấn quít lấy nhau suốt ba ngày trời, tức là bầy mươi hai tiếng đồng hồ không kể ngày đêm, và ngày nào cũng quấn nhau bầy, tám cuộc tình? Mèo mả với gà đồng. Bà già gặp kẻ cắp. Hay là thói dâm ô đã đẩy lên thành bệnh hoạn? Tội hủ hoá và đồi truỵ là kẻ thù rất nguy hiểm của CM.
Như kẻ phàm trần đã ngộ ra mọi điều, quyết chí xuống tóc hầu cửa Phật, Khôi đã xé hết đốt hết mọi thư từ, nhật ký, vật dụng có liên quan đến Cam, xoá cả hình ảnh, kỷ niệm, nhớ nhung trăn trở về nàng. Khôi nhận ra cuộc dan díu với Cam là 1 sự điên rồ, nguy hiềm. Chi cần tổ chức phát hiện ra, tương lai, tiền đồ của anh sẽ tiêu tan hết. Gặp ai từng quen Cam, nói về nàng, Khôi đều lảng tránh, không biết hoặc không nghe. Anh thực sự muốn cắt bỏ, muốn xoá sạch dấu vết quãng thời gian yêu đương tội lỗi với người đàn bà đầy quyến rũ và nguy hiểm ấy.
Rất may, thời gian có sức công phá và xoá bô mọi điều, dù đó là tình yêu của thánh thần. Rất may, tổ chức đã đặt cho Khôi cái tên mới Chiến Thắng Lợi. Anh đã trở thành 1 con người khác. Không có quá khứ. Không có những mối ràng buộc cũ. Nhiều lá thư gửi lên Việt Bắc, đề tên Nguyễn Kỳ Khôi, bị văn thư gửi trả lại hoặc ném vào sọt rác, coi như không có người nhận. Thảng hoặc có lá thư nào đến tay anh, Chiến Thắng Lợi liền khước từ, hoặc nhận rồi đốt đi ngay.
Có 1 lần lá thư của Cam đã đến tay Chiến Thắng Lợi. Đó là lần Cam là đại biểu phụ nữ của Liên khu Ba lên Việt Bắc họp Hội nghị động viên Phụ nữ Toàn quốc. Mười hai ngày đi đường, ba ngày họp và ngần ấy ngày về, nhưng Cam dành hầu hết thời gian chỉ để tim kiếm Khôi. Ngày cuối cùng rời Việt Bắc, Cam viết hú hoạ 1 lá thư, gửi trực tiếp 1 người ở cơ quan dân vận đưa đến tận nơi Lợi ở. Sau hàng chục lá thư bặt vô âm tín, sau hàng năm trời tìm kiếm, nàng đã kiệt sức mỏi mòn. May mà nàng không phát điên lên. May mà nàng đã rèn được sự vô cảm. Thư của nàng viết vậy. Nàng nguyền rủa Khôi là kẻ hèn nhát, kẻ không tim. Và nàng tuyên bố: Từ nay, với nàng, Nguyễn Kỳ Khôi đã chết.
Nếu Chiến Thắng Lợi phúc đáp lá thư đó, có lẽ Cam sẽ tha thứ. Bởi vì tận trong sâu thẳm cõi lòng, nàng vẫn yêu anh. Nhưng Lợi đã im lặng, đã cho bức thư của Cam và mối tình của nàng đi tầu suốt. Dào ôi, ôm rơm rặm bụng. Nuối tiếc nhớ nhung chỉ là tình cảm tiểu tư sản. Hãy vứt tất cả vào sọt rác.
- Đúng là chị Cam đã gửi bài thơ này của em cho anh phải không? - Vỹ hỏi gừng mấy lần. Vỹ nhìn anh thăm dò rồi chen 1 câu tiếng Pháp "II me semble qu’elle t’aime?"(1)
Chiến Thắng Lợi lắc đầu, chối đây đẩy:
- Non, je ne la connais pas(2). Anh đã nói rồi. Anh không quen ai tên là Cam. Có 1 sự lầm lẫn nào đó rồi. Mà này, từ nay đừng gọi anh là Nguyễn Kỳ Khôi nữa. Anh được tổ chức đặt tên mới là Chiến Thắng Lợi. Em ghi nhớ nhé: Chiến Thắng Lợi.
- Ôi tuyệt vời! Có thật thế không? 1 cái tên CM. Thượng cấp quí và tin dùng anh lắm nên mới được đặt tên này đó.
- Quả là 1 ân sủng. Ngày xưa, phải các công thần tin cẩn mới được nhà vua đặc ân cho mang quốc tính. Ví như Ngô Tuấn được vua Lý cho mang tên Lý Thường Kiệt. Nguyễn Trai được Lê Lợi cho mang tẽn Lê Trai. Tên Chiến Thắng Lợi cũng có thể coi là 1 quốc tính đó.
- Anh ơi, em lên Việt Bắc, anh nói với thượng cấp đặt cho em là Chiến Thành Công nhé. Anh Chiến Thắng Lợi thì em phải Chiến Thành Công. Tuyệt vời quá phải không?
- Anh sẽ cố gắng - Chiến Thắng Lợi gật đầu lấy lệ, rồi nhắc lại - Em nhớ đấy. Hãy gọi anh là Chiến Thắng Lợi hay anh Lợi. Chứ không phải Kỳ Khôi. Có lẽ vì anh thay họ tên, nên rất nhiều thư từ gần đây không nhận được Như chợt nhớ ra, Khôi, nắm tay Vỹ - Mà này, gặp chị Cam không được nói chuyện anh đổi tên đấy nhé.
Vy thấy anh trai mình có điều gì đó khó hiểu.
- Sao anh bảo không quen biết chị Cam?
- Không, không… Anh không quen biết thật mà - Chiến Thắng Lợi biết mình vừa lỡ lời, vội chữa - Rất có thể có người đàn bà do địch gài vào để dò la tin tức về anh. Nói chung em không nên nói về anh với ai. Ngay cả chuyến về thăm nhà của anh lần này, em phải hết sức giữ bí mật. - Anh đừng nghĩ sai về chị Cam. Em tin chắc chị là người của VM. 1 cán bộ cỡ lãnh đạo cao chứ không phải thường đâu nhé. Có thể bài thơ của em in là do chị chép gửi cho tạp chí Bông Lúa.
- Thôi, quên chuyện chị Cam của em đi - Lợi muốn lái câu chuyện - Đợt về này anh mừng là thầy đã giác ngộ, hợp tác với VM, nhưng anh lại lo vì thầy tỏ ra thân thiện quá với địch…
- Nhiều người bảo, nếu thầy không đứng ra nhận chân lý trưởng thì khối anh chị du kích làng mình bị chặt đầu rồi.
- Chúng có hạch sách gì thầy về chuyện anh không?
- Chiều hôm qua, tên đồn trưởng Trương Phiên bảo thầy: "Ông nên gọi thằng con ông về chiêu hồi. Nó sẽ được khoan hồng. Tôi xin lấy tư cách bạn ông và danh dự quân nhân để bảo lãnh. Bằng không, sắp tới nước mẹ Đại Pháp sẽ làm sạch cô Việt Bắc, Tây Bắc. Con trai ông sẽ đi ngủ với giun…" - Đấy là những lời của kẻ giãy chết. Em đừng tin luận điệu của địch. Cứ đà này, kháng chiến sắp thành công rồi.
Nhân nói đến chiến cục, Lợi hào hứng giảng giải cho Vỹ nghe về chiến lược cầm cự, phòng ngự, phản công của VM, về những chiến thắng vang dội của bộ đội Cụ Hồ trên khắp các mặt trận trong cả nước, đặc biệt là những chiến thắng có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ.
- Anh muốn cho em biết 1 tin tuyệt mật - Lợi kéo Vỹ lại gần - Sau khi bị thua liểng xiểng khắp mặt trận Biên giới và Hoà Bình, danh tướng số 1 của nước Pháp Delattre de Tassigny được điều sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy kiêm Cao uỷ, hòng xoay chuyển tình thế. Nhưng rồi Delattre cũng thất bại, phải thay bằng tướng Salan. Salan đại bại trên khắp các mặt trận. Nghe đâu tướng Navarre sắp được điều sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh… Rất có thể xảy ra cuộc quyết chiến chiến lược giữa Pháp và ta… Đoàn công tác bọn anh về đồng bằng đợt này là để huy động sức người sức của cho chiến trường Tây Bắc sắp tới đó…
Những điều Lợi nói càng củng cố thêm quyết tâm của Vỹ:
- Em đã quyết rồi. Mặc thầy u. Em không ra HN học lấy bằng tú tài đâu. Anh cho em lên Việt Bắc với nhé.
- Có nên xin ý kiến thầy u không? - Lợi băn khoăn - Đọc bài thơ của em, anh thêm hiểu em hơn. Làm trai phải có lý tưởng sống. Không thể cam chịu làm dân 1 nước nô lệ. Anh biết em đang đứng ở ngã ba đường. Em có biết câu thơ của Tố Hữu, nhà thơ lớn của CM: "Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước. Chọn 1 dòng hay để nước trôi" không?
- Em rất thích bài thơ này. Bọn học sinh chúng em nhiều đứa thuộc lòng. Học tú tài để làm gì? Làm ông ký, ông phán, hay thông ngôn thì cũng là làm tay sai cho Pháp, góp phần giết hại đồng bào mình. Không, em không thế trở thành kè bán nước hại dân. Đến như thầy, vốn an bần lạc đạo, muốn mũ ni che tai để yên thân, nhưng ròi vẫn phải nhúng tay vào chính trị. May mà thầy thức thời, đồng ý hợp tác với VM…
Hai anh em trò chuyện với nhau cả 1 ngày. Khi biết dự định của Chiến Thắng Lợi là sẽ giới thiệu Vỹ với báo Vệ Quốc hoặc báo Độc Lập ở chiến khu Việt Bắc thì Vỹ ôm choàng lấy cổ anh, sướng đến phát điên lên. Họ quyết định: Sẽ bí mật trốn khỏi nhà, lên chiến khu Việt Bắc, không để ông bà Lý Phúc biết.
Trước giờ lên đường, Vỹ viết 1 lá thư để lại:
"Kính lạy thầy u, Con và anh Khôi phải trốn ra đi, bởi không muốn nhìn thấy cảnh thầy u, cảnh các em và bà nồi rơi lệ nhớ thương. Nói vậy tức là chúng con hoàn toàn toàn thầy u sẽ đồng tình với cuộc ra đi vì nghĩa lớn này. Tổ Quốc lâm nguy, thất phu hữu trách. Lời dạy của thầy chúng con luôn ghi tạc. Thầy u hãy cho chúng con cơ hội để tô chí làm trai, góp công sức phụng sự Tổ Quốc.
Chúng con ngàn lần xin thầy u tha tội và đại xá.
Hai con trai của thầy u. Nguyễn Kỳ Khôi - Nguyễn Kỳ Vỹ"
Chú thích:
(1) Hình như chị ấy yêu anh? (tiếng Pháp)
(2) Không, anh không quen cô ấy (tiếng Pháp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét