Thứ Năm, 5 tháng 3, 2009

THỜI CỦA THÁNH THẦN - Tác giả: Hoàng Minh Tường - Chương 19

Châu Hà là người bạn duy nhất lên thăm Vỹ ở trại cải tạo.

Không phải Vỹ không có bạn. Những người bạn từ thuở bộ đội Cụ Hồ, những người bạn văn chương thân thiết như Châu Hà cũng có đến hàng chục. Nhiều người yêu quí Vỹ tới mức sẵn sàng chia cửa xẻ nhà. Nhiều người tình nguyện làm đệ tử, có thể tửu phùng tri kỷ suốt đêm, có thể mang vác điếu đóm cho anh tới bất cứ buổi bình thơ, nói chuyện văn chương nào. Nhưng giờ thì người ta sợ liên luỵ. Giá Vỹ mắc căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí bệnh xã hội nan y, lây nhiễm như ho lao, hủi, dịch hạch… người ta cũng sẵn sàng đến thăm, thậm chí vận động, quyên góp tiền bạc để Vỹ và vợ con vượt qua cơn hiểm nghèo. Nhưng "căn bệnh chính trị" Vỹ đang quàng vào người thì bạn bè thân thiết đến mấy cũng đành lảng tránh. Dây vào "con hủi chính trị" như Vỹ, không những toi đời mình, mà còn khuynh gia bại sản, tan tành tương lai sự nghiệp của cả vợ, con, họ hàng ruột thịt.
Có hai người đàn bà, không phải bạn bè của Vỹ, nhưng dám liều theo Khiêm lên thăm Vỹ hồi anh chuyển về trại giam K27 là những trường hợp ngoại lệ. Đó là Nguyệt và chị Là.

Đi thăm em chồng, nhưng lại sợ ông Lợi ngăn cấm, chị Là nói dối về thăm quê trên Định Hoá, rồi bảo Khiêm đưa lên K27. Chắc chị đã chuẩn bị cho chuyến đi kỳ công lắm, nên khi giáp mặt Vỹ ở nhà chờ, chị vừa lau nước mắt vừa lấy trong tay nải ra 1 bọc túi ni-lông gói nhiều lần giấy báo, nặng tới ba ki lô, khiến Khiêm cũng phải ngạc nhiên.

- Ruốc thịt nạc thăn với ruốc bông cá quả đấy. Thứ này để lâu ăn dần. Tôi mua tem phiếu thịt của người ta, mua cá quả ở chợ Long Biên rồi thuê người trên phố Chả Cá làm hộ. Không phải phiếu bìa B của ông cán bộ tập kết làm thơ tặng tôi đâu chú Vỹ ạ. Ông ấy tình nguyện trở về quê chiến đấu từ năm ngoái rồi.

Ba cân ruốc ấy, Là và Khiêm năn nỉ mãi, ông quản giáo mới cho Vỹ mang vào phòng giam. Nhưng ngay hôm sau, bọn đầu gấu trong trại đã trấn sạch. May mà chúng thương và nể Vỹ tha cho anh 1 trận đòn xăng tan.

Nguyệt theo lên với Khiêm 1 lần khác, vào dịp Quốc khánh 2-9. Giống như chị Là, Nguyệt cũng phải nói dối chồng rằng đi thăm người em ruột trên Tuyên Quang. Sành bây giờ đã là chủ tịch phường. Căn nhà phố Huế với Tổ hợp cắt tóc Cờ Đỏ nhờ sự giúp đỡ tận tình của Văn Quyền, đã hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Sành. Từ ngày Nhà xuất bản Bình Dân sáp nhập với các nhà xuất bản khác, Nguyệt chuyển sang Xưởng phim Đèn chiếu, giữ chân tạp vụ. Lên thăm Vỹ, Nguyệt chỉ muốn gặp để nói về cuốn sổ ghi chép của anh.

- Thấy ông Sành nhà em nói anh bị bắt là từ quyển sổ ấy, em ân hận quá - Nguyệt nói với Vỹ, như con chiên thú tội trước Đức Cha bề trên, nói trong giàn giụa nước mắt - Chỉ tại em thích đọc những bài thơ của anh nên em mới đem về nhà. Ai ngờ cái lão Sành nhà em giấu đi, mang nộp cho ông Văn Quyền. Tội ở em. Em giết anh không dao rồi anh Vỹ ơi…

Nguyệt nói, Vỹ mới biết Quyền đã ngấm ngầm theo dõi anh từ dạo ấy. Cho tới giờ Vỹ vẫn chưa hiểu Quyền thù ghét Vỹ về chuyện gì? Đố kỵ tài năng ư? Ghen ghét vì Khiêm ư? Hay thù hận vì quan điểm lập trường giai cấp?

- Được lên thăm anh lần này để nói rõ nguồn cơn với anh là em vợi đi nỗi ân hận - Nguyệt lau nước mắt, rồi liếc nhanh người quản giáo, dúi vào tay Vỹ 1 tờ giấy gấp nhỏ tí như chiếc khuy áo - Anh còn nhớ ông Hiệu không? Nhà báo Hữu Hiệu ấy mà?
- Hiệu tổ trĩ thì làm sao quên được. Tưởng ông ấy nghỉ hưu rồi?
- Vâng. Về quê, trở lại nghề bốc thuốc của ông nội rồi. Thỉnh thoảng bác ấy vẫn ra HN cất thuốc, có ghé chỗ em. Biết em sắp lên thăm anh, bác Hiệu gửi cho anh toa thuốc chữa bệnh trĩ gia truyền. Bác ấy bảo, với anh thì chẳng cần giấu bí quyết gì. Sau khi ra tù, bài thuốc này đủ giúp anh kiếm sống, chẳng cần phải viết lách văn chương gì cho nó nhọc xác, mà lại dễ mắc tù đày. Bác ấy cũng đề phòng trong này anh ăn uống kham khổ, dễ bị trĩ. Người thật thà như đếm. Bác ấy viết thế nào em vẫn để y nguyên, không suy suyển 1 chữ nào đâu…

Vỹ chợt nhớ câu anh từng nói với ông Hiệu: "Đời không đang 1 cái tổ trĩ". Bây giờ thì phải nói khác. "Cái tổ trĩ thật ứng đáng ở đời". Đúng thế không, bác Hiệu? Vỹ thấy lòng ấm nóng tình người.

***

Bài thuốc trĩ của ông Hiệu, không ngờ đã giúp Vỹ trở thành thầy lang của trại. Do ăn uống kham khổ, gạo hẩm, cá khô lại thiếu rau, nhiều người trong trại táo bón, rồi sinh trĩ. Vỹ chữa cho mấy người khỏi. Có vị giám thị, tên Bản, từ chiến trường ra, mắc trĩ nặng, được Vỹ chữa khỏi, cảm động lắm. Để trả ơn cho Vỹ, ông Bản đã cho Vỹ 1 đặc ân mà Vỹ phải mang ơn suốt đời.

Số là tết năm ấy trời rét căm căm. Ở vùng núi đá này, có ngày nước đóng váng, sắp thành bằng. Đúng hai mươi ba tháng chạp âm, ngày ông Táo lên chầu trời, Vỹ lên rẫy trồng bí ngô, bị cảm lạnh. Rồi sốt rét đùng đùng. Chỉ 1 mảnh chăn chiên, không đủ ấm. Vỹ nằm co ro trong phòng giam, răng đánh cầm cập, môi lưỡi khô sác, sưng vù. Các phạm nhân trong trại, ai cũng thương Vỹ, dành cho Vỹ những miếng thịt hiếm hoi trong suất cơm tù, có người nhường hẳn mảnh chăn bông cho Vỹ đắp.

Đúng lúc ấy thì Khiêm vượt ba trăm cây số đường núi lên thăm chồng. Chị mang theo 1 túi xách nặng đầy bánh chưng, giò, chả, kẹo bánh, thuốc lá, đường, sữa… mà gia đình và bè bạn dồn hết phần tem phiếu để lo cho Vỹ 1 cái tết.

Nội quy của trại, phạm nhân chỉ được gặp người thân 1 buổi ở nhà chờ, dưới sự giám sát của quản giáo. Ngay cả vợ lên thăm chồng cũng chỉ được trò chuyện vãn nhau qua khung cửa sắt. Nhưng lần này, giám thị Bản đã giải quyết cho Vỹ như 1 trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Bởi Vỹ đang ốm, rất cần người chăm sóc. Giám thị Bản giải thích với mọi người thế.

Nhưng ý tứ sâu xa của sự hào phóng này là Vỹ đã giúp Bản khỏi bệnh trĩ. Bản lại là người yêu thơ văn, rất thích tập thơ "Thời của Thánh Thần". Trong số những phạm nhân ở trại, Vỹ là người tù mà ông luôn có những ứng xử đặc biệt. Ông hiểu được nỗi oan khuất và tấn bi kịch của đời Vỹ trước thời cuộc. Trong con người Bản vẫn sẵn tiềm chứa lòng trắc ẩn.

Đêm ấy, trong căn nhà lá của trạm xá trại cải tạo, là 1 đêm kỳ diệu. Rét thấu xương. Gió vật vã trên tán lá rừng như có hàng đàn trăn gió trườn qua. Nhưng thật lạ, gian nhà lá chỉ tù mù 1 ngọn đèn dầu mà như có sức nóng của 1 bếp than hồng. Chỉ mới gặp Khiêm, được nắm bàn tay nàng, soi vào mắt nàng, là cơn sốt rét trong người Vỹ lui ngay. Vỹ cảm thấy khoẻ mạnh, bừng bừng sinh lực.

- Con Mai thế nào? Có học được không? Con có nhớ anh không? Cứ bảo con là anh đi công tác xa cho con nó khỏi tủi… Hai bà mẹ của chúng mình nữa? U đã biết anh lên trên này chưa? Mợ có khoẻ khỏng? Anh chỉ thương bà ngoại con Mai vất vả!

Bao nhiêu câu hỏi dồn dập. Khiêm chưa trả lời câu này, Vỹ đã hỏi câu khác. Cuống cuồng, Khiêm cứ gật lia lịa, cứ nhìn Vỹ như người đói con mắt.

- Chỉ chậm lên tàu mười lăm phút là có thể em vĩnh viễn không gặp anh đêm nay - Khiêm ngả cánh tay cho Vỹ gối đầu, tay kia vòng ôm anh trong lòng, như ôm ấp đứa con. Nàng kể cho anh nghe chặng đường lên thăm chồng - Máy bay B52 đang rải thảm HN, Hải Phòng. Ních-xơn tuyên bố sẽ cho Việt Nam trở lại thời đồ đá anh ạ. Tàu vừa đi khỏi thì nhà ga bị đánh bom. Còn bao nhiêu người đang chờ tàu. Sáng qua nghe đài nói, hơn 1 trăm người bị bom Mỹ giết hại…
- Anh ở trên này hoá ra lại yên ổn. Suốt mấy năm nay chẳng biết tiếng máy bay là gì - Vỹ nói 1 câu như người ngớ ngẩn, nhưng nước mắt anh lại chảy ướt cánh tay Khiêm.
- Trước khi lên đây, em đến gặp bác Lợi, hỏi xem liệu bao giờ thì anh được tha. Bác ấy bảo, việc ấy là tuỳ thuộc ở anh. Chỉ cần anh viết bản khai, thành khẩn nhận tội đã trót dại theo bọn phản động chống phá CM…
Vỹ bỗng đẩy Khiêm ra.
- Em gặp bác ấy làm gì? Phí nhời. Anh không muốn nhắc đến ông ấy.
- Đừng cực đoan thế anh. Anh em ruột thịt, làm sao mà bỏ nhau được? Chắc bác ấy cũng bị dằn vặt lắm. Anh ở trong này bác ấy cũng chẳng sung sướng gì… Mà thôi, không nói đến chuyện ấy nữa.

Chẳng có cơ hội nào vợ chồng mình được ở với nhau thế này…

Nghe giọng hờn dỗi của Khiêm, tim Vỹ thắt lại. Anh vòng tay ôm xiết lấy người nàng.

Lâu quá rồi, hơn hai năm rồi, Vỹ không gần vợ. Cứ tưởng gặp nàng, như tất thảy những lần xa nhau lâu ngày, Vỹ sẽ ôm ghì lấy nàng, như con thú gặp con mồi, như con đực gặp con cái chồm lên mà cắn xé, ngấu nghiến, cho thoả cơn thèm khát Vậy mà lần này, 1 cơ hội trời cho hiếm có. 1 nghĩa cử đầy nhân đạo và tình người mà chỉ vị giám thị giàu lòng vị tha và đầy quyền lực như Bản mới dám ban phát cho vợ chồng Vỹ, thế mà Vỹ có thể để tuột khỏi tay mình. Vỹ hoảng sợ khi mơ hồ nhận ra mình không còn khả năng chăn gối. Ôm riết Khiêm vào lòng, nhưng Vỹ vẫn không dám để nửa dưới của anh chạm vào người nàng. Vỹ vừa tự ti vừa sợ hãi phải thú nhận sự bất lực của mình. Đó sẽ là bí mật cuối cùng của Vỹ Anh không muốn nàng thất vọng, đau khổ. Đời thằng đàn ông, nhục nhã nhất là sự bất lực. Mà Vỹ, ngót bốn mươi tuổi, đâu phải đã già? Ý nghĩ đau đớn ấy cứ chà xát trong lòng Vỹ. Liệu Khiêm có hiểu và thông cảm rằng anh vẫn còn chưa dứt trận ốm? Rằng thiếu dưỡng chất, sinh khí đàn ông cũng yếu đi nhiều. Ôi giá như nàng ở bên Vỹ thêm 1 hai đêm nữa…

- Kìa, anh. Sao mà khóc? Ở bên em, anh không thấy hạnh phúc ư?

Nàng hôn môi Vỹ, uống hết những ngấn nước mắt đang chảy trên má anh. Đôi môi nàng, mềm ấm và thơm mùi trái chín, ấp lên môi anh. Cảm giác tê mê, ngọt ngào quyến rũ của đầu lưỡi nàng làm anh bủn rủn. Với tất cả tình yêu, sự sung mãn và thèm khát của người đàn bà bấy lâu gìn giữ, kìm nén, người đàn bà đang độ phì nhiêu nhất, đắm đuối nhất, nàng đang giúp anh hồi sinh lại. Rồi, như có phép màu, như con rắn có khả năng tự lột xác, nàng trườn khỏi những vải vóc đang mặc trên người. 1 tấm thân mềm mại, căng nở, ấm nóng, trẻ trung đến ngỡ ngàng thoắt làm Vỹ bừng bừng sinh lực. Ánh sáng ngọn đèn dầu không đủ cho Vỹ nhìn thấy thân thể nàng, nhưng anh cảm nhận thấy làn da ngà ngọc và những đường cong bất hủ còn gợi cảm và tuyệt mỹ hơn cả mười năm trước. Rồi cũng những động tác thuần thục và dìu dàng, nàng cởi bỏ hết vải vóc trên người Vỹ. Anh như lột xác, khắp người bừng bừng hưng phấn, khắp người trưởng nở, cương cứng.

- Em thèm 1 đứa con. Em sẽ sinh cho anh 1 thằng cu Vỹ con - Nàng lùa lưỡi vào tai Vỹ, giọng ngạt đi vì ham muốn.

Hai tay nàng, cặp vú căng mọng của nàng, cả cặp giò thon thả của nàng, cùng hoà nhịp mơn trớn, khích lệ anh trong 1 vũ điệu tuyệt vời của nữ thần tình ái. Như con mãnh thú, Vỹ trườn lên người nàng, đi xuyên suốt người nàng.

Tấm ván ghép run lên bần bật. Vỹ nghe rõ tiếng những khớp xương mảnh dẻ của nàng kêu răng rắc như có thể gãy vụn dưới sức nặng và sự cuồng bạo của anh.

Tiếng sấm trái mùa, rồi mưa rừng ào ào đổ xuống. Gió gầm rít trên tán cây, mái nhà, cùng tiếng mưa sầm sập như dàn hoà tấu vĩ đại của thiên nhiên khiến tiếng rên rỉ trong những cơn khoái cảm tột cùng của nàng mang đậm màu sắc hoang dã và lính thiêng như thuở hồng hoang.

***

Cái ý nghĩ mình có thể chết được rồi bắt đầu nảy sinh trong Vỹ sau cái đêm thần tiên ấy. Như 1 người đã đạt đến đỉnh điểm của tình yêu và hạnh phúc, Vỹ thấy mình không còn lý do gì để tồn tại trên cuộc đời này. Vỹ đã làm xong mọi công việc của 1 kiếp người.

Rất nhiều đêm Vỹ nằm chong mắt nhìn lên trần nhà.

Hình ảnh thầy anh, ông Cử Phúc, trong bộ quần áo trắng, treo ngược xà nhà, cứ chập chờn, ám ảnh. Thầy anh tự huỷ trong sự bi phẫn, bị dồn đuổi, trong áp lực nhục nhã của kẻ sỹ Nhưng anh thì khác. Anh sẽ tự giải thoát trong nỗi ê hề thừa mứa của bữa tiệc đời sống, trong sự kiệt cùng của sự hữu hạn đời người. Chim ưng đã bay đến tận cùng của giới hạn bầu trời, chỉ còn cách đâm đầu xuống biển. Tôi khóc những chân trời không có người bay. Giờ thì Vỹ không khóc được nữa. Không cần khóc nữa. Vỹ sẽ tự giải thoát.

Vỹ lặng lẽ kiếm tìm 1 dải lụa, hay 1 sợi dây dù.

Nhưng rồi, mọi dự định của Vỹ bỗng nhão ra, mủn đi, tựa hồ như chính sợi dây bằng tơ tằm hay nilông kia bị ngâm vào a xít. Ấy là khi Vỹ nhận được thư của Khiêm. Nàng hoan hỉ và sung sướng báo tin đã có thai. Đứa con mà nàng ao ước đến cháy bỏng đã được kết trái trong cái đêm mưa gió bên nhà lao giữa rừng.

"Em tin mình sẽ đẻ con trai. Bé nghịch lắm. Hơn cà anh nữa cơ. Em định đặt tên con là Nguyện Kỳ Phong, anh đồng ý không? Cơn gió kỳ lạ: Anh đã thổi vào em 1 cơn xoáy lốc. Suốt đời em nằm trong vòng xoáy của anh. Không thể thoát được Có con, em càng yêu và thương anh bội phần…"
1 người vợ như thế, còn mong gì hơn? Phải tìm mọi cách sống để trả ơn nàng. Vỹ chế giễu sự bạc nhược, hèn hạ, sự trốn chạy trách nhiệm và nghĩa vụ làm người trong những ngày qua của mình. Vỹ viết thư về thú nhận với Khiêm và mong nàng tha thứ, mong nàng vì anh mà giữ gìn sức khoẻ, nuôi dạy các con…

Từ ngày có bé Phong, Vỹ bỗng trở thành 1 người trầm lặng. Anh sống giữa đám phạm nhân nhộn nhạo và ô hợp như 1 cái bóng âm thầm. Hết giờ làm lao công ngoài trại, Vỹ thường hay nán lại bên các bờ suối, tha thẩn bên các bụi cây để kiếm tìm 1 loại thảo dược, 1 thứ rễ cây nào đó. Về trại, Vỹ ngồi 1 góc, tìm 1 xó xỉnh và trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ. Bằng 1 trí nhớ kỳ lạ, Vỹ hình dung lại những hộc thuốc bắc của thầy ngày xưa với hàng trăm đầu vị: trần bì, cam thảo, cát cánh, xuyên khung, đỗ trọng, thảo quả, kỳ tử, quế chi, khổ qua… Vỹ sẽ tìm lại những bài thuốc gia truyền thầy thường dùng ngày xưa. Tất nhiên, bài thuốc chủ đạo của Vỹ sẽ là bài thuốc trĩ mà ông Hiệu đã tặng. Vĩnh biệt văn chương. Vĩnh biệt nàng thơ với độc dược đầy tính Vulnérable của nàng. Vỹ sẽ trở về nghề thuốc gia truyền của thầy để độ thế và tìm kế sinh nhai, nuôi con Mai, thằng Phong và đỡ đần Khiêm…

Nhưng khi đã quyết tâm khai tử 1 khát vọng, 1 hoài bão mà cả đời người đam mê, theo đuổi, dường như Vỹ cũng dần đánh mất mình. Anh trở nên chậm chạp và lười nhác, nhiều lúc như kẻ không hồn. Cái lõi ở bên trong đã khác thì cái vỏ bên ngoài cũng thay đổi.

Bốn năm tiếp theo,Vỹ sống như kẻ cầm hơi, như kẻ mộng du. Gương mặt Vỹ như phù nề, bạc phếch, có lúc bì bì, tựa như 1 quả bòng héo.

- Thôi chết rồi. Mày bị bệnh phù thũng rồi, Vỹ ơi?

Đó là tiếng kêu thương của Châu Hà khi hai người bạn vừa chạm mặt nhau ở gian nhà chờ của trại. Châu Hà nhìn bạn chằm chằm, rồi anh bật khóc hu hu. Bao năm ở chiến trường, từng mấy lần ôm xác đồng đội, đào hố chôn đồng đội, nhà văn mặc áo lính chỉ nuốt nước mắt vào trong, nhưng lần này, Vỹ vẫn còn sống sờ sờ, đang cười nhăn nhở với Châu Hà đó mà anh lại ngỡ rằng bạn anh đang rất gần cái chết. Đau xót và thương đến thắt lòng.

- Mai Văn Nhạ đây. Đà Giang hay là Châu Hà cũng là tao đây! Mày có nhận ra không hở Vỹ?
Ngơ ngác và hồ nghi, Vỹ vẫn nhoẻn 1 nụ cười vô hồn. Bộ mặt Vỹ thật ngô nghê, đần độn.
- Hở Vỹ? Mày không nhận ra thằng bạn chí cốt của mày ư? Đà Giang, Châu Hà. Nhà văn Châu Hà…
- Nhận ra rồi… Tưởng nhà văn Châu Hà đã đi theo thằng chó ghẻ Du San?
- Mày điên rồi. Mặc mẹ thằng phản bội Du San. Nó không đáng được nhắc tên ở đây. Nó khác chúng ta 1 trời 1 vực. Nó là bóng tối mà chúng ta là ánh sáng…
- Mình cũng là ánh sáng à? Nói năng lạ đấy. Mình tưởng ông cũng chôn mình xuống địa ngục rồi…
- Vỹ, mày nói kiểu gì thế? Không yêu mày thì tao đã chẳng tìm đến đây. Này, tao hỏi, mày phải nói thật. Mày có bị đánh đập, tra tấn không?
Vỹ nhòm vào mặt Châu Hà rất lâu. Như cân đong đo đếm 1 cái gì.
- Đấy là thời Pháp. Bây giờ thời dân chủ, ai lại tra tấn, hành hạ…
- Vậy vì sao mày ốm thế? Thiếu ăn hay bị bệnh gì?
- Ông không nhớ câu thơ Chế Lan Viên à? Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ. Hớ hớ… Xưa như thế, nay vẫn còn như thế. Bộ đội các ông còn không có ăn thì bọn tù chúng mình làm sao no được.
- Thằng này tù thành tinh rồi. Trả lời bạn mà như nói với giám thị trại giam - Châu Hà nửa khóc nửa cười.
- Đừng cười giễu thế. Miệng ông giờ đã có gang có thép rồi… Nhà văn Châu Hà đang nổi như cồn. Tôi đọc ông thấy đã lắm. Tụi học trò trong nhà trường đang học ra rả từng áng văn của ông. Sướng thật. Ông phùng thời. Còn tôi thì bất phùng thời. Tôi quên hết văn chương rồi ông ạ. Đang học nghề bốc thuốc. Để chữa cái bệnh phản động bán nước hại dân…
Châu Hà quay đi, không nỡ nhìn bạn. Mồm Vỹ méo xệch. Hai hốc mắt rỉ nước. Thoắt cái, Vỹ lấy cùi tay chùi nước mắt, rồi tự nhiên chết lặng, mắt nhìn vào chốn mung lung.
Châu Hà muốn nói với bạn bao nhiêu chuyện, hỏi han những điều mà suốt chặng đường lên đây anh nung nấu, bồn chồn. Vậy mà từ lúc đó, Vỹ đổi tâm tính, như kẻ vô cảm, dửng dưng. Thậm chí Vỹ cứ lơ đãng quay mặt đi không muốn tiếp chuyện.
Hết giờ tiếp xúc. Giám thị Bản nói với Châu Hà:
- Dạo này phạm nhân Vỹ không được khoẻ. Bác sĩ nói phạm nhân Vỹ mắc căn bệnh trầm cảm. Đồng chí có thể nghỉ lại nhà khách của trại. Mai phạm nhân Vỹ khoẻ, chúng tôi lại bố trí để đồng chí gặp gỡ.
Châu Hà lấy khăn chấm nước mắt, nhìn theo cái dáng lòng khòng chậm chạp của bạn khuất sau cổng trại, lắc đầu buồn bã.
- Tôi phải về HN ngay chiều nay. Có điều này tôi muốn nhờ các đồng chí giúp đỡ.
- Đồng chí cứ nói. Với nhà văn Châu Hà, chúng tôi sẽ làm hết sức mình.
Châu Hà lấy hết trong ba lô những thứ mà anh mang cho Vỹ, đặt lên bàn. Rất nhiều thuốc bổ tân dược, nhân sâm, nhung hươu, lại thêm 1 chai rượu hổ cốt nữa.
- Tôi nói điều này các đồng chí có thể không tin. Nhưng với tư cách 1 người lính đã qua nhiều thử thách chiến trường, 1 người CS cầm bút, tôi cam đoan rằng Vỹ là người tốt 1 người yêu nước, thậm chí theo tôi đó là 1 tài năng, 1 tài sản quốc gia… Sức khoẻ cậu ấy đang có vấn đề. Trước mắt cần được bồi dưỡng để chống sự suy sụp. Tự cậu ấy không thể chăm sóc mình được. Tôi nhờ các đồng chí trong bệnh xá trại giúp tôi bồi bổ cho cậu ấy bằng những thứ thuốc này - Châu Hà móc các túi áo quần, lấy hết số tiền mà anh có, đưa cho Bản - Đây là số tiền lương mà tôi không tiêu đến. Nhờ các đồng chí hằng ngày mua thêm thức ăn để cho Vỹ phục hồi sức khoẻ.
Giám thị Bản đưa tay ngăn lại.
- Chúng tôi nhận quà và thuốc của đồng chí để chuyển cho phạm nhân Vỹ. Còn tiền thì không thể. Đây là nguyên tắc của trại… Chúng tôi hứa sẽ cố gắng thực hiện những điều mà đồng chí gửi gắm…

***

Chiếc Uoat đưa Châu Hà về HN trong buổi chiều xám xịt. Suốt chặng đường hơn ba trăm cây số, nhà văn ngồi như hoá đá.

Gần mười năm ở chiến trường, nhiều khi đối diện với cái chết, nhiều tháng đói quay quắt, đến rau tàu bay, củ chuối rừng cũng không kiếm đâu ra, ba lần vào viện dã chiến, cắt nửa mét ruột… vậy mà chưa bao giờ anh gục ngã, thối chí. Lúc nào anh cũng có thể viết. Dưới địa đạo. Trên cánh võng giữa rừng. Dưới làn pháo sáng địch. Bên ngọn đèn cầy… Viết như 1 nhu cầu tự thân, như 1 thôi thúc, 1 niềm hứng khởi vô bờ, như 1 nhiệm vụ thiêng liêng trước Nhân dân và Tổ quốc. Thế nhưng, vừa ra khỏi cuộc chiến, vừa hưởng cuộc sống hoà bình, Châu Hà đã đụng phải 1 thực tế ngổn ngang phức tạp.

Sự trớ trêu đầu tiên, cái nghịch lý đầu tiên mà Châu Hà gặp là vụ nghi án văn chương của Vỹ. Bằng trực cảm và chiêm nghiệm của người cầm bút, anh tin rằng Vỹ là người bị oan ức bị quy chụp bởi 1 lối hành xử thô thiển ít văn hoá, thiếu bề dầy nhân văn. Đây cũng chính là căn bệnh vĩnh cửu của quyền lực. Rất hiếm người nắm quyền lực lại chấp nhận quanh mình có kẻ giỏi phản biện, thích tranh luận, dù anh ta luôn đứng về lẽ phải, thuộc về nhân dân. Những nhà văn hoá lớn như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… là những ví dụ. Phải nhiều chục năm sau, hàng thế kỷ sau, lịch sử mới nhận ra đóng góp lớn lao của họ trong tiến trình phát triển của văn hoá, văn minh dân tộc.

Nguyễn Kỳ Vỹ, cũng như Châu Hà, những người cầm bút chân chính, nếu không đóng vai những người phản biện tài ba, mà chỉ là 1 người hát thánh ca trong 1 dàn đồng ca vĩ đại thì phỏng có giúp ích gì thêm cho bước tiến xã hội, đóng góp vai trò gì vào động lực của đời sống?

Châu Hà đã thành thật nói tất cả những điều gan ruột ấy với đồng chí Tư Vuông ngay sau chuyến lên trại giam thăm Vỹ.

- Đồng chí nói rất hay - Nhà thơ Ngô Sỹ Liên chắp hai tay trước ngực, mắt lim dim lắng nghe Châu Hà hồi lâu, rồi mỉm cười không ra giễu cợt, cũng không hẳn hoàn toàn tán đồng. Nếu không phải là Châu Hà, người hùng văn chương chống Mỹ, tiếng tăm nổi như cồn, tên tuổi lừng lẫy hơn nhiều tư lệnh quân đoàn, chính uỷ mặt trận, thì đời nào ông chịu cho ngồi đối diện để thao thao giảng giải về văn hoá, nhân văn như thế này.
- Mấy anh văn sĩ thời thượng dễ mắc bệnh hoang tưởng - Đồng chí Tư Vuông thầm nghĩ - Tưởng văn chương cũng là 1 thứ quyền lực, văn chương ngang bằng chính trị. Nhầm to rồi. Huyễn hoặc mình mà làm gì? Nguyễn Trãi ngày xưa cũng chỉ là 1 con tốt trên bàn cờ chính trị. Dẫu có sang sông rồi cũng chỉ là quân tốt. Lễ phong thần ở đền Đồng Cổ, Lê Lợi xếp cho chức Hành khiển, ở hàng gần áp chót. Sau áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, phẩm trật đến thế là ân oán giang hồ đã xong. Tốt đã qua sông rồi, gần bằng xe pháo mã rồi, còn mong gì nữa? Muốn bắt sỹ tượng, muốn thịt tướng ư? Còn lâu nhé. Quá hăng máu vịt, thối tốt như chơi. Vì thế mới có chuyện Nguyễn Trãi về Côn Sơn ở ẩn. Mới có đại bi kịch Lệ Chi Viên. Kẻ sỹ mọi thời đều chỉ như cái dải áo trên tấm long bào. Chứ làm gì mà hoắng lên? Cái dải áo mà vướng thì cắt, bị bẩn thì bỏ. Chính trị là thế. Chuyên chính vô sản lại là thứ chính trị cao nhất, triệt để nhất. Mao Chủ tịch dạy: "Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót". Bài học của Tào Tháo vận dụng vào thời nay đấy. Tào Tháo đi xa rồi, vẫn không yên tâm, sợ Lã Bá Sa phản bội, bèn quay lại giết cả nhà người vừa cưu mang, cứu sống mình.
- Câu chuyện Tào Tháo xưa, người sau cho là gian hùng, bất nghĩa. Nay có thể ví như sự cảnh giác CM - Đồng chí Tư Vuông nói - Mác cũng đã dạy: "Vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí", tức là không thể nói suông với kẻ thù. Buông lỏng chuyên chính vô sản là tự sát. Đồng chí là nhà văn CM, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, càng phải quán triệt sâu sắc luận điểm này…
- Dạ thưa anh. Tôi nói điều này, nếu không phải, xin anh bỏ qua…
- Đồng chí cứ nói - Nhà thơ Ngô Sỹ Liên xem đồng hồ - Còn ba mươi phút nữa: Hôm nay mình mời cơm nhà văn của chiến trường cơ mà. Cứ thoải mái trao đổi. Mình thực sự muốn dân chủ, nói thẳng nói thật…
- Anh cho phép thì tôi xin thưa. Tôi thừa nhận khả năng bách chiến bách thắng của chúng ta. Nhưng hình như còn 1 khả năng mà chúng ta chưa dám thừa nhận. Đó là khả năng hoài nghi, khả năng biến những con người tài năng, tâm huyết thành nạn nhân của những cuộc thanh trừng, thành những phế nhân về tư duy và nhận thức, thành những kẻ ngoài cuộc…
- Ví dụ? - Đồng chí Tư Vuông bỗng ngồi thẳng dậy, đôi mắt kính loang loáng chĩa thẳng vào Châu Hà.
- Ví dụ khẩu hiệu "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" trong cuộc CM dân tộc dân chủ, mà điển hình là CCRĐ. Theo thống kê tuyệt mật mà tôi được biết, bẩy mươi phần trăm huyện uỷ viên, tỉnh uỷ viên toàn miền Bắc đã bị xử bắn, bị thanh trừng trong CCRĐ. Bẩy mươi tám phần trăm địa chủ cường hào đại gian đại ác là thành phần bị quy sai, oan khuất, trong đó rất nhiều người có công với CM, là ân nhân của CM… Và cụ thể nhất, ví dụ trường hợp của tác giả "Thời của Thánh Thần" nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ. Vỹ nó có tội gì mà phải bày đặt ra 1 cuộc bắt bớ hạ cấp thế? Chúng ta có pháp luật, có toà án. Có tội sao không mở phiên toà? Hãy công khai với tất cả bàn dân thiên hạ, với thế giới, 1 tên phản quốc đi. Rút cục, Vỹ bị tù gần sáu năm trời mờ mịt không biết vì tội gì. Thời đại văn minh bây giờ đến 1 chiếc máy bay rơi từ tít tầng trời chục ngàn mét, người ta còn tìm bằng được hộp đen để truy nguyên nhân, huống như 1 con người bằng xương bằng thịt với bằng cứ sờ sờ giấy trắng mực đen. Tôi lo rằng, chính chúng ta mới đang là 1 cái hộp đen lớn, âm u và đầy bí hiểm. 1 nền dân chủ chân chính không bao giờ nắm trong bóng tối… Tôi đề nghị anh, với cương vị và uy tín của mình, hãy đưa vụ án Nguyễn Kỳ Vỹ ra công lý…

Lẽ ra phải vặn cổ cái gã đang ngồi đối diện. Đáng ra phải gọi 1 cú điện thoại để công an mang còng số tám lôi đi. Nhưng đồng chí Tư Vuông lại nuốt nước bọt, ngả người trên ghế tựa, mắt lim dim sau cặp kính. Ông hiểu rằng bây giờ đã khác hồi Nhân văn Giai phẩm. Không dễ chụp mũ, không dễ áp đặt. Chỉ cần ông tỏ thái độ, ngay ngày mai cả giới văn nghệ; cả mạng truyền thông toàn cầu sẽ lu loa lên rằng ông chà đạp văn nghệ, phỉ báng nhà văn. Với lại, mình mời người ta đến nhà ăn cơm để nói chuyện. Người ta thành thực, tất nhiên, 1 sự thành thực quá khích, thậm chí xấc xược, thì cũng phải đành thể tất… Thôi được, tạm thời không tranh luận. Tôi lắng nghe anh. Tôi dân chủ với anh. Nhưng anh bạn người hùng của văn học chống Mỹ kia ơi, đừng đi quá giới hạn cho phép. Không có dân chủ quá trớn đâu nhé!

- Chuyện CCRĐ cũ rồi - Nhà thơ Ngô Sỹ Liên khoát tay như xua đi 1 vật cản vô hình trước mặt - Chính Bác Hồ mình đã khóc trước đồng bào về những sai lầm không muốn có. Nhắc lại, là để thấy khả năng tự sửa chữa của chúng ta. Thánh thần cũng còn có khuyết điểm. Người CS như mình, như ông, cũng có lúc lỗi lầm chứ? Sai thì sẽ sửa. Nhưng không thể hữu khuynh, lơ là cảnh giác CM. Về trường hợp Nguyễn Kỳ Vỹ thì lại khác. Ông không hiểu đằng sau văn chương còn có chuyện gì đâu. Chỉ đơn thuần văn chương thì dại gì mà bắt? Văn nghệ sĩ mà làm chính trị mới là mối nguy. Bên an ninh họ sẽ cho ông biết chỗ nào có vi trùng… Cuộc chiến càng ác liệt thì hậu phương càng phải dọn cho sạch. Mình không chuyên văn nghệ, thơ chỉ là tay trái, là cảm hứng nhất thời, nhưng mình hiểu vũ khí văn nghệ. Những viên đạn bọc đường tưởng ngọt ngào vô bổ, nhưng đừng chủ quan. Nó có thể phá huỷ cả 1 tổ chức, 1 thể chế, phá huỷ toàn bộ thành quả CM. Ông có mường tượng ra đất nước mình sẽ ra sao không, nếu hồi ấy bọn Nhân văn Giai phẩm làm chủ được tình hình văn nghệ? Tập hợp được toàn bộ lực lượng vàn nghệ sĩ? 1 cuộc Bắc tiến chắc chắn sẽ xảy ra. Mỹ Diệm ở miền Nam, văn nghệ sĩ phản động ở miền Bắc… Sẽ có tắm máu…
- Thưa anh, đó là khả năng hoài nghi…
- Ông đừng ngắt lời mình… Nguyễn Kỳ Vỹ bắt đầu trượt dốc từ dạo ấy. Không ai đau bằng mình đâu. Đích thân mình viết lời giới thiệu cho tập thơ "Thời của Thánh Thần" chứ ai? Mình đưa Vỹ lên mây xanh, trở thành chàng thi sĩ của CM. Nhưng rồi Vỹ nó bạc. Nó phụ mình. Theo đóm ăn tàn, theo voi ăn bã mía. Có những chuyện ngoài văn chương chỉ bên an ninh họ mới biết được. Chỉ xét riêng bài thơ "Tiếng hát nhân dân", Vỹ đã xoá sạch công lao của nó rồi. Con chửi bố mẹ thì là nghịch tử chứ còn gì nữa? Phải dạy cho đến nơi đến chốn. Biết sợ rồi, thì tha.
Châu Hà thấy ớn lạnh. Không còn hứng thú tranh luận nữa. Đến 1 khoảng trời cỏn con sáng tạo, 1 cái tôi nhỏ bé cũng không có chỗ đứng.
- Cánh nhà văn các ông có thể không thích nói tới hai từ "chuyên chính", nhưng đó là sự sống còn của CM. Đây là nguyên lý của học thuyết, phương châm của tổ chức. Ngay cả mình cũng chỉ là công cụ của học thuyết ấy. Muốn làm khác đi cũng không được. Trong chuyện này đừng trách Chiến Thắng Lợi. Anh em ruột thịt, tay đăm sao nỡ cầm dao chặt tay chiêu? Có lần tâm sự với mình, Lợi đã khóc. Mình cũng thương lắm chứ. Nhưng, "Thương em anh để trong lòng. Việc quan anh cứ phép công anh làm…". Anh Lợi cũng chỉ là 1 quân tốt…

Châu Hà định nói "quân tốt trong tay anh" nhưng rồi kìm lại được. Thoạt đầu khi vừa từ chỗ Vỹ về, Châu Hà định đến gặp Chiến Thắng Lợi ngay, nhưng sau nghĩ lại thấy thật vô bổ, phí công. Vả lại, anh không muốn đụng Văn Quyền ở đó. Từ sau khi phát hiện ra việc Văn Quyền thuổng tư liệu của anh để viết bài phóng sự "Đại quân ta tiến vào SG" phát trên Đài và in trên nhiều tờ báo lớn, thì Châu Hà thực sự khinh bỉ, ghê tởm không muốn dây với con người ấy.

- Chúng ta, cả ông, cả mình cũng đều là những quân tốt. Thế đấy, Châu Hà ạ. Trên chúng mình là tổ chức. Còn tổ chức là ai thì làm sao mà chỉ ra được? Nhà văn Châu Hà cũng phải biết thương chúng mình với chứ.
- Anh nói như thế là trốn tránh trách nhiệm - Châu Hà nhìn thẳng vào mắt đồng chí Tư Vuông. Đã đến lúc anh phải lật ngửa quân bài - Anh nói với tổ chức 1 câu bằng cánh nhà văn chúng tôi phải viết cả đời. Tôi tha thiết cầu xin anh có ý kiến với cấp trên cho Vỹ được tự do. Hãy cứu lấy 1 tài năng khi còn chưa muộn. Hãy cứu lấy 1 con người. Tôi vừa lên thăm Vỹ về. Cậu ấy có thể chết trong tù…

Như 1 chiếc hàn thử biểu, đồng chí Tư Vuông đo được độ nóng trong người Châu Hà. Cậu ấy đang uất nghẹn. Hãy trông chừng ngọn núi lửa có thể phun trào trong khoảng khắc Và ông nghĩ ngay đến cách hạ nhiệt:

- Nhà văn làm mình bối rối đấy. Mình thật sự quý và trọng Châu Hà về nhân cách 1 nhà văn chân chính, về tình bạn văn chương của ông với nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ… Thôi được. Mình sẽ phản ánh ý kiến của ông với cấp trên. Khi nước đã vô trùng thì tất cả chúng ta đều có thể uống. Thế, hỉ…

Không có nhận xét nào: