Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

THỜI CỦA THÁNH THẦN - Tác giả: Hoàng Minh Tường - Chương 12

Những ngày hoà bình, ngắn ngủi như bóng câu qua cửa sổ.

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, tàu Ma-đốc của Hải quân Mỹ xâm phạm lãnh hải Việt Nam, gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc, mở rộng cuộc chiến tranh huỷ diệt trên toàn cõi Việt Nam.

Những cuộc ném bom của không quân Mỹ từ vĩ tuyến 17 trở ra ngày càng dã man và khốc liệt. Cầu Thanh Am, cây cầu bé nhỏ nằm trên con đường liên tỉnh dẫn về làng Động bị đánh sập. Cây cầu gần như vô danh ít có tên trên bản đồ này mà sao lại nằm trong những mục tiêu đầu tiên của không quân Mỹ? Những ai am tường lịch sử và có chút ít kiến thức quân sự thì hiểu ra rằng người Mỹ ở tít bên kia bán cầu nhưng đã lia đôi mắt xanh lè sang vùng đất hẻo lánh này từ lâu rồi.
Từ thời Lý, Trần, Lê, con đường thiên lý từng qua đây. Theo đường thuỷ, từ kinh thành Thăng Long, xuôi sông Đáy, sông Hoàng Long, qua cửa Gián Khẩu là tới cửa Thần Phù, dong buồm xuôi biển, tiến thẳng vào đất Chiêm Thành. Cũng từ sông Đáy, rẽ qua sông Châu vào sông Hồng, rồi cắt ngang sông Luộc, phong toả con đường biển tiến vào hệ thống sông Thái Bình. Đi đường bộ, từ kinh đô, qua đây sẽ thăng tới Biện Sơn, án ngữ vùng Tam Điệp hiểm yếu. Đây là con đường của Lý Thường Kiệt, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông… từng đi chinh phạt phương nam và mở mang bờ cõi Đại Việt. Quang Trung Nguyễn Huệ, người anh hùng kiệt kiệt cũng từng hành binh thần tốc qua đây để tiêu diệt hai mươi vạn quân Thanh mùa Xuân năm Kỷ Sửu 1789. Cho nên, không quân Mỹ quyết phá cầu Thanh Am để chặn các ngả sang đường số 1, hoặc vòng qua Nho Quan, Ninh Bình để vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Cạnh cầu Thanh Am, có 1 chợ huyện sầm uất thường họp năm ngày 1 phiên. Từ sáng tinh mơ, người từ các ngả đã kéo nhau về nườm nượp. Hàng trăm thứ sản vật vùng quê. Có hẳn cả 1 bãi rộng chuyên mua bán trâu bò, lợn gà. Chợ họp ngay trên bờ đê sông Điền, tràn xuống tận cầu.
Lần đầu tiên những người dân quê nhìn thấy máy bay Mỹ. Mới đầu chỉ nghe tiếng ầm ì từ xa, nhìn thấy những dải khói trắng mảnh như tơ. Rồi tiếng gầm rít xé trời. Không ai kịp chạy. Không còn chỗ để ẩn nấp. Trong nháy mắt, những đàn quạ sắt hung thần đã tặng cho những người dân quê hiền lành vô tội mấy chục quả bom tấn mang nhãn hiệu USA. Ngay sau những tiếng nổ động trời là những cột lửa da cam, những cột khói đen đặc lẫn đất đá, bùn, nước, xác người, xác động vật, rau cỏ, cây cối, hàng hoá, đồ vật, tro than… dựng lên tít trời cao.

Hơn 1 trăm người bị chết. Hàng trăm người đi cấp cứu bệnh viện. Nhiều người đào bới mấy ngày sau vẫn không tìm thấy xác. Nhiều người chỉ còn là những búi thịt đen xỉn, không thể nhận ra. Nhiều người khi gom xác lại thì thiếu chân tay, phủ tạng…

Trong những nạn nhân của phiên chợ huyện ấy có Bính, vợ Cục

***

Cái cô Bính cào cào ngày nào, bây giờ đã là người đàn bà bốn con, lại đang chửa đứa thứ năm, bụng cao vượt mặt.

Mười một năm làm vợ, cũng ngần ấy năm làm mẹ, người đàn bà thôn quê này hầu như không có tuổi xuân. Khi thằng Nguyễn Kỳ Công, con trai cả, chưa đầy hai tuổi, thì Bính lại đẻ thằng Nguyễn Kỳ Cái. Đây là thời kỳ cực nhục nhất của Bính. Thằng bé mới thành hình trong bụng chưa được hai tháng thì bố nó phải ngồi tù vì tội dám xẻo dái ông đội trưởng Đội cải cách Phèng Cửu Tựu. May mà ông Tựu không chết, chỉ phải đi cấp cứu vá lại của quý. Cục bị khép tội làm tay sai cho địch, âm mưu phá hoại cuộc CCRĐ, giết hại cán bộ CM, bị tù giam hai năm. Mãn hạn tù, người làng Động đón Cục như một anh hùng. Ai cũng ngầm khen Cục là người thuỷ chung, có khí phách, uy vũ bất năng khuất.

Chiến công của Cục đã được lan truyền khắp hàng huyện hàng tỉnh, làm cả làng hả hê. Cục được tín nhiệm đến mức, xã viên đề nghị bổ sung anh vào ban quản trị HTX nông nghiệp, nhưng chính quyền địa phương giữ ý với cấp trên, chỉ cho giữ chân đội phó đội sản xuất. Cũng thời kỳ này, hứng chí, Cục tặng tiếp Bính một thằng con trai nữa, đặt tên là Nguyễn Kỳ Cách. Rồi hai năm sau, cô con gái rượu có tên Nguyễn Thị Ruộng ra đời. Bốn cái tầu há mồm biến hai vợ chồng Cục như những con trâu cày. Nhưng nghĩ đến câu "tam nam bất phụ, Cục vẫn ấm ức. Phải "sản xuất" cho được một cu ngảu nữa cho đủ tứ hổ, cho hoàn thành đủ năm cái tên Công, Cải, Cách, Ruộng, Đất, như Cục đã dự tính.

Vất vả nhất là Bính. Chị già đi đến chục tuổi. Thật đúng với câu: "Gái ba mươi tuổi đã toan về già". Bù lại sự vất vả nuôi con, Bính có niềm hạnh phúc bình dị và niềm vui không bờ bến của người đàn bà mãn nguyện vì đang dần hoàn thành thiên chức vĩ đại của mình. Mỗi sáng dậy, ngồi vấn lại mớ tóc, chị lặng ngắm chồng ngực phanh trần, hai tay dang rộng, nằm ngáy như kéo bễ sau cuộc hoan lạc cuồng si và cực mãn, ngắm ba thằng con trai trùng trục nằm ôm gác lên nhau trong giấc say li bì, ba quí tử mang cái gien trội của bố, đứa nào cũng hao hao như Tây lai, tóc xoăn, mũi thẳng, mắt sâu, ăn bất cứ thứ gì ngủ bất cứ chỗ nào, khiến Bính nở từng khúc ruột. Thế là chỉ kịp ra chiếc vại bên gốc cau, múc gáo nước mưa, ngửa cổ súc miệng òng ọc, đong đầy nước vào lòng bàn tay phả lên mặt, là chị có thể làm quần quật cho tới đêm khuya.

Đứa con trong bụng lần này, Bính tin lại là trai. Cục muốn phá cái thế tam nam, thêm một thằng cho thành tứ hổ. Tứ hổ bất nhược. Cụ Đồ Biểu bảo, hay Cục bảo, Bính chiều tuốt.

Ngũ hổ, cửu hổ, với Bính có nhằm nhỏ gì. Nhiều lúc Bính tự thấy mình như chị gà mái dẫn đàn con bới đất trong vườn, như ả lợn nái nằm ườn thả chùm vú cho bầy lợn con thi nhau mút chùn chụt. Bính muốn Cục chỉ mãi mãi là riêng của mình, Bính sẽ đẻ cho Cục đến khi nào hết trứng thì thôi…
Càng đến ngày nằm ổ, Bính càng tham công tiếc việc. Tối hôm trước, chị thức đến gần nửa đêm để đánh nốt khoanh thừng. Làng Động có nghề làm thừng truyền thống từ mấy đời, Đàn bà con gái, ngày đi làm đồng, tối về lại chẻ giang, nứa, bện thừng. Khoanh thừng mười đôi, làm trong ba ngày, trừ vốn liếng, cũng được năm hào, đủ tiền mua hai cân gạo.

Thừng của Bính thường săn và đẹp nhất làng, ba sợi xoắn chặt vào nhau, trắng nuột và đều tăm tắp, vừa làm xong đã có người đến cất buôn. Nhưng phiên chợ Thanh Am này thì tự Bính muốn đem bán. Nhân tiện có ổ trứng gà, buồng chuối tiêu và mấy bó khoai nước mới cắt từ tối qua. Bính muốn dồn tiền mua vải may cho bố con mỗi người 1 cái áo, còn lại mua mớ tôm về làm mắm ăn dần. Thằng Công sắp lên lớp bẩy, cần phải trưng diện với bạn bè, mà chỉ có đôi áo cộc thay nhau mặc sà sã, sờn rách hết bả vai và ngắn cũn cỡn.

Nhìn cái bụng chửa lặc lè của vợ loay hoay mãi giữa hai dóng quang chất đầy khoai nước, lại quàng thêm mấy khoanh thừng và buồng chuối tiêu, Cục thương đến thắt lòng. Sao mà có loại đàn bà tham công tiếc việc, ki bo từng đồng xu. Chửa đẻ mấy lần mà lúc nào cũng chắt bóp, nhịn ăn nhịn mặc để phần cho chồng con. Tối qua đã bảo rồi. Không đi chợ nữa. Để hết thừng cho người ta cất buôn. Để buồng chuối rấm mà bồi dưỡng. Chồng chất thế kia, vác bụng không nổi, còn gồng gánh làm sao?

- Để thằng Công nó gánh đỡ cho - Cục chạy lại đỡ gánh hàng cho vợ.
- Trông cồng kềnh thế thôi. Nhẹ không ấy mà.
Bính khoát tay, rồi như sực nhớ ra, chạy vào bếp, đon đả mang ổ trứng gà vùi trong rổ trấu đặt giữa những khoanh thừng. Đang định cất gánh lên vai thì Cục giữ lại.
- Đã bảo rồi. Có mấy quả trứng, để mà bồi dưỡng. Bụng chửa, cửa mả. Không ăn vào mồm thì lấy sức đâu cho con, cho mẹ?
- Vẽ. Chẳng có trứng gà tôi cũng đẻ được. Bốn đứa kia, tôi chỉ hắt hơi 1 cái là tòi ra. Hồi cải cách với sửa sai ấy thì trứng gà trứng vịt ở đâu? Thầy nó cứ vẽ chuyện. Rổ trứng này bằng nửa yến gạo, ăn trứng ngang với ăn sâm. Tôi muốn dồn tiền mua cho bố con mình cái áo…
Nhìn cái cổ gầy ngẳng của vợ, máu Cục sôi lên.
- Bố con tôi đéo cần áo. Cời truồng ra cũng chẳng sao. Để trứng này cho thằng cu Đất…
Cục cầm phắt cái rổ trứng lên. Nhưng Bính còn hăng máu hơn. Chị níu hai tay giằng lại.
Vợ chồng giằng co nhau. Rổ trứng rơi xuống đất, vỡ nhoe nhoét vàng.
Vụ xô xát ấy báo hiệu một ngày bi thảm.

***

Đang khơi con mương cạn ngoài cánh đồng Cửa Ao, thấy tiếng máy bay phản lực quần đảo, rồi những cột khói ngất trời bốc lên từ phía cầu Thanh Am, Cục bỗng thấy nhói trong ngực.
Tiếng người thất thanh khắp đồng:
- Làng nước ôi, Mỹ bỏ bom rồi!
- Nó bỏ bom bệnh viện Phương Đình… ình… ình…
- Cả cầu Thanh Am nữa. ối giời ơi, đang phiên chợ Thanh Am. Thế này thì chết cả làng…

Cục quăng cái cuốc xuống mương, vắt chân lên cổ chạy tắt đồng. Suốt từ lúc rổ trứng vỡ, Cục luôn tự phỉ nhổ mình. Cái tay lành cầm cái tay tật nguyền, Cục vả đánh bốp vào mồm mình. Cho chừa cái thói cục cằn. Càng nghĩ càng thương vợ đến thắt lòng. Chỉ nhịn ăn mặc để dành cho chồng con chứ nào có nghĩ đến mình. Tại cái tính khí hổ lửa của Cục mà mấy lần đã làm khổ vợ con. Linh tính báo cho anh biết, Bính nguy mất.

Sau trận bom, người từ khắp ngả đổ về, bất chấp cả máy bay Mỹ có thể quay lại. Học sinh từ trường cấp ba, từ các trường cấp 1, hai gần đó cũng đồng loạt nghỉ học kéo đến đen đặc. Tiếng kêu khóc, gào thét tìm người thân náo loạn.

Cục đứng giữa 1 vùng khói bom khét lẹt, đất đá cày xới, như thuở hồng hoang. Cánh tay liệt buông thõng xuống như 1 dấu than bất lực. Không còn dấu vết đâu là dãy hàng xén, đâu hàng thịt, đâu hàng rau cỏ, quang thừng. Chắc là Bính ngồi ở chỗ hàng chuối và rau lợn. Có khi mà bán hàng xong Bính đã về nhà…

- Bố ơi, con nhìn thấy đôi quang gánh của nhà ta ở búi tre đằng kia - Thằng Công từ đâu bỗng chạy đến bên Cục, mặt cắt không còn giọt máu.
- Đâu? Ở đâu? Có thấy mẹ mày không? - Cục run bần bật cầm tay con chạy đến chỗ bụi tre bị chẻ tan như sơ mướp, từng búi rễ gộc chổng ngược lên trời. Trên chót đầu mấy ngọn tre treo những vòng thừng trắng lốp như khăn tang.
- Mẹ và em mày… - Cục mếu máo nhìn quanh, rồi anh bỗng hộc lên khi nhận ra chiếc khăn vuông cùng mớ tóc dài của Bính phơ phất trên đỉnh 1 cây dừa cụt ngọn.
- Ối bố ơi! Mẹ con… em con…
Thằng Công khóc thét lên nhảy bổ xuống đáy hố bom sâu như 1 cái giếng gần đó. Cục và mọi người cũng nhảy ào theo. Đào bới 1 lúc thì thi thể Bính hiện ra. 1 cánh tay Bính bay đâu mất. Khoang bụng trống hoác, chỉ là 1 khối thịt và máu lùng bùng. Mặt Bính biến dạng. Cả mớ tóc dài và mảng gáy cũng bay mất…
Bất chấp mọi người ngăn cản, thằng Công lăn xả, ôm lấy mẹ:
- Ối mẹ ôi là mẹ ôi! Chỉ vì thằng Mỹ mà mẹ và em chết thê thảm thế này…
Đang gào, thằng Công bỗng trợn mắt nhìn ngược lên, ánh mắt như muốn đốt cháy cá bầu trời.
- Đ. m. thằng Mỹ, tao sẽ giết mày…
Quá đau đớn vì căm thù, nó ngất lịm đi bên xác mẹ…

Bính chết không toàn thây. Đứa con trong bụng chưa rõ hình hài cũng bay đâu mất. Nhiều nạn nhân xấu số khác cũng chết không toàn thây. Các lực lượng dân quân, thanh niên xung kích toàn huyện đào bới suốt 1 ngày cũng không tìm thấy cánh tay và phần ổ bụng của Bính. Hai mẹ con để chung một cỗ quan tài mà vẫn bị vẹt một góc.

Đám tang Bính, người đen đặc cả cánh đồng. Chính quyền địa phương muốn biến đau thương thành lòng căng thù giặc Mỹ, đã huy động cả xã về đây. Từ xưa đến giờ làng Động mới có 1 đám tang đông như thế. Nhìn ông chồng và ba đứa con trai, một mụn con gái trứng gà trứng vịt bọc kín trong mớ khăn áo xô vật vờ đi sau quan tài, không ai cầm được nước mắt. Duy mỗi cái Hậu, Nguyễn Thị Kỳ Hậu, mười bẩy tuổi rồi, mà vẫn chẳng biết gì. Nó lũn cũn lúc đi bên bà Phúc, lúc chạy đến cõng cái Ruộng, cô tha cháu mà như nhái tha cóc, vẫn còi cọc, nhỏ xíu như cô bé lên năm. Gương mặt Hậu già nhăn nheo trùm trong chiếc khăn trắng, thỉnh thoảng cứ ngửa lên nhìn bầu trời chỉ trỏ rồi nhăn nhở cười.

Lúc sắp hạ huyệt, người ta bỗng thấy một đám người hớt hải từ cổng đồng đi ra. Dẫn đầu là cái dáng cao gầy cửa Vỹ. Tiếp đó là mẹ con Khiêm và mẹ con chị Là. Thằng Chiến Thống Nhất được về quê như chim sổ lồng, 1 mình đội vòng hoa tang trên đầu, chạy vống lên phía trước. Bé Mai trằn xuống khỏi lưng mẹ, vừa chạy theo vừa gọi anh Nhất ời ời.

Chín giờ đêm qua, nghe bản tin thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam, vợ chồng Vỹ đã biết tin giặc Mỹ ném bom cầu Thanh Am, đúng lúc phiên chợ huyện đông nhất. Cả đêm hai vợ chồng không ngủ. Làng Động chỉ cách cầu Thanh Am hai cây số theo đường chim bay. Không khéo ma làng có giỗ trận. Quả nhiên sáng ra thì có điện khẩn. Rồi mẹ con chị Là đi xe commăngca đến, bảo về ngay, thím Cục trúng bom.

Xe không qua được cầu Thanh Am, phải đi vòng đường khác về làng, xa gần hai chục cây số. Đứng trước đoạn đường cấm người xe, Vỹ nhận ra bãi bom kéo dài tới gần dốc bệnh viện. Cái đoạn đê qua cầu Thanh Am này suốt từ thời ấu thơ đã quá quen thuộc với Vỹ. Đã có bao lần bọn học sinh lớp Vỹ kéo nhau lên chỗ tháp cống, nơi con sông Đào chảy vào sông Điền để nhìn bọt sóng sôi réo qua cửa cống mùa nước lũ. Cái cầu bé nhỏ và những người dân lương thiện nào có tội tình gì?
Hình ảnh trận bom do từng đàn máy bay Hen-cát và Khu trục của Pháp giết hại gần 1 trăm dân công ở dốc Cò Nòi trên đường vào Điện Biên năm nào lại hiện về. Vỹ là 1 trong những phóng viên mặt trận có mặt tại hiện trường đâu tiên. Khắp nơi ngổn ngang đất đá, cây đổ và bốc lên mùi tử khí. Cái mùi của chết chóc, ở đâu cũng không lẫn được. Đế quốc Mỹ bây giờ và thực dân Pháp trước đây có gì khác nhau? Chúng cùng 1 duộc. Thậm chí Mỹ còn dã man tàn ác hơn, vì chúng đã có công nghệ huỷ diệt.

Suốt từ khi xuống xe cho tới lúc ra nghĩa địa, cả bầu đoàn thê tử HN không ai nói một lời nào. Thấy đám người đội khăn trắng đứng đông nghịt, mấy đứa trẻ nem nép sợ hãi. Bé Mai mọi khi vẫn nhũng nhẽo bắt mẹ bế, hôm nay bỗng cun cút đi một mình.

Ông Chủ tịch xã Lưu Văn Ngao, tức Đĩ Ngao, người hàng xóm đã từng bắt bỏ tù Cục trong vụ cắt của quí của Đội Tựu ngày nào, thay mặt chính quyền, đọc một bài điếu văn dài, hình như chép sẵn từ một bài xã luận báo, trong đó chủ yếu lên án Đế quốc Mỹ xâm lược:

- Tội ác của giặc Mỹ trời không dung, đất không tha - Giọng Chủ tịch Ngao hừng hực căm thù - Theo thống kê sơ bộ của huyện, ngày hôm qua giặc Mỹ đã giết hại một trăm ba mươi sáu người. Nếu kể chị Bính và đứa con sắp đến tháng đẻ là 1 trăm ba mươi tám. Đó là chưa kể những người vãng lai thuộc các tỉnh, huyện khác. Riêng làng Thanh Am, nơi bị bom, số người chết lên tới bốn mươi ba người. Ngoài ra còn có hai trăm sáu mươi tám người bị thương, có mười bẩy người đang rất nguy kịch… Để biến đau thương thành hành động, ngay từ giờ phút này cả xã ta sẽ phải tiến hành 1 chiến dịch đào hầm hào trú ẩn. Tất cả các xã viên ra đồng đều phải có nùn rơm, mũ rơm, túi thuốc bông băng. 1 trăm phần trăm dân quân du kích phải có súng và giáo mác, sẵn sàng đề phòng biệt kích và bắt phi công giặc. Nhân đây xin thông báo 1 tin vui: Ngày hôm qua quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tám máy bay Mỹ, trong đó quân dân Hàm Rồng, Thanh Hoá hạ rơi bốn chiếc F4, 1 F105…

Bài điếu văn kết thúc bằng những lời hiệu triệu:

- Hãy biến đau thương, căm thù thành hành động CM cụ thể. Hãy thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Cụ thể trong đợt giao quân vào ngày mười hai tháng tới, toàn xã ta sẽ giao vượt mức hai mươi hai thanh niên lên đường nhập ngũ… Chị Bính ơi, chị mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của anh Nguyễn Kỳ Quặc và các cháu Công; Cải, Cách, Ruộng. Cái ý định sinh một thằng cu Đất nữa cho đủ bộ tứ cũng đã bị giặc Mỹ xoá bỏ. Tội ác của Đế quốc Mỹ trời không dung, đất không tha… Chúng tôi, những người ở lại xin hứa với chị, biến những cánh đồng quê ta thành cánh đồng diệt Mỹ, đạt năng suất năm tấn 1 hecta…

Những nắm đất được ném xuống huyệt mộ.

Thằng Công đâm bổ xuống nắp quan tài. Mấy thanh niên khoẻ phải kéo mãi mới đưa nó lên được. Những tảng cỏ cuối cùng đã ấp lên phần mộ. Vòng hoa duy nhất được mang từ HN về, như tấm huân chương cho người xấu số.

Vỹ thay mặt gia đình nói lời cảm tạ:
- Gia đình chúng tôi không biết nói gì để cám ơn tấm lòng của bà con làng xóm, họ hàng nội ngoại cùng anh em bạn bè… đã đến tiễn đưa mẹ con thím Bính về nơi an nghỉ cuối cùng… không ai ngờ rằng, những ngày hoà bình của chúng ta lại ngắn ngủi thế, rằng chúng ta tưởng đã đánh đuổi sạch kẻ thù trên mặt đất, nào ngờ bây giờ chúng lại đột ngột kéo đến từ chân trời. 1 kẻ thù vô cùng hiểm độc và man rợ…

Theo ánh mắt Vỹ, tất cả mọi người đều ngước nhìn lên. Và cũng giống như anh, tất cả đều giàn giụa nước mắt, nhưng đanh sắc hận thù.

***

Ngay sau lễ tang, mẹ con Là phải theo xe về HN, vì xe mượn của cơ quan Chiến Thắng Lợi, không thể ngủ qua đêm.

Trước khi đi, chị Là thắp hương, khóc nức nở, rồi móc trong túi áo ra tất tật tiền nong, tem phiếu, đặt vào cái đĩa để trước bài vị Bính.

- Nói là chị em dâu với nhau, nhưng chưa bao giờ được hàn huyên trọn 1 ngày. Thím Bính mất đi, vợ chồng tôi đau xót lắm. Anh Lợi bận công tác trung ương không về được, uỷ quyền cho tôi về chia buồn với chú và các cháu. Tính tôi có sao nói vậy, số tiền và tem phiếu này vợ chồng tôi thêm cặp vào để giúp chú Cục nuôi các cháu. Tôi hứa, từ nay mỗi tháng sẽ gửi tiếp tem phiếu về…
Thằng Chiến Thống Nhất cũng bắt chước mẹ, móc từ trong túi quần ra cả 1 cuộn tiền.
- Con cũng góp vào với mẹ để nuôi em Ruộng với em Cải, Cách…
Ai cũng tròn mắt ngạc nhiên vì số tiền của thằng Nhất còn nhiều hơn cả số tiền của chị Là. Thì ra đó là tiên tiết kiệm ăn sáng của Nhất: Cả bố và mẹ cùng cho cậu, khiến cậu tiêu mãi mà không hết.
Tiễn mẹ con Là về rồi, Khiêm thầm nói với chồng:
- Em đã đi kiểm tra khắp cả trong buồng ngoài nhà. Không biết chú thím ấy có gửi đâu không, chứ vừa gặt xong mà trong bồ chỉ còn vỏn vẹn hai thúng thóc, dăm cân gạo, 1 vại khoai kilô với chục bắp ngô giống treo trên xà nhà. Toàn bộ số lương thực kia chỉ đủ nuôi con lợn còi cọc trong chuồng, con chó ghẻ, chứ không nói gì đến người. Không biết rồi bố con chú Cục sống làm sao?
- Thím Bính đã đành… Bây giờ cần nhất là lo cho người sống…
- Anh ạ, hay mình thưa với u và chú Cục xin cho bé Ruộng ra ở với bé Mai nhà mình. Anh có để ý hai đứa nó hí húi chơi với nhau thân thiết đến thế nào không?
- Anh biết rồi - Vỹ như đọc thấy ý nghĩ của vợ - Em muốn giúp chú Cục, bớt cho chú ấy 1 miệng ăn lúc này…
- Vâng. Ái ngại cho chú ấy quá. Gà trống 1 nách bốn đứa con…
- Anh lại nghĩ rộng hơn… Về lâu dài, vợ chồng mình phải đón u và em Hậu ra ở cùng… Trước mắt, u với em Hậu phải giúp bố con chú Cục. Tất nhiên vợ chồng mình phải hỗ trợ phía sau. Mình nuôi con Ruộng là mới bớt cho chú ấy 1 miệng ăn. Còn ba cái tầu há mồm kia, mình Cục không kham nổi. Phải dồn tất cả bà cháu vào 1 bếp. U và cái Hậu cũng phải sang ở cùng bố con chú Cục để bà tiện chăm sóc các cháu và hỗ trợ chú ấy công việc nhà…
- Em có chiếc vòng mợ cho từ ngày trước, chẳng có dịp nào dùng đến. Em muốn đưa cho u để đong mấy tạ thóc trợ cấp cho bố con chú Cục anh ạ…

Những lúc lâm sự thế này, Vỹ mới thấy hết tài đảm đang và quán xuyến của Khiêm. Như người tổng chỉ huy, từ nghĩa địa về, nàng xông ngay xuống bếp, đưa tiền nhờ người mua gạo nếp, gạo tẻ, mua gà, rau, củ, cắt đặt người nấu nướng ngay 1 mâm cơm cúng và mấy mâm cơm cho những người ở xa. Tự tay nàng lôi con Ruộng, thằng Cách ra bể nước, kỳ cọ tắm táp cho chúng, bắt hai thằng anh Công, Cải cũng phải làm theo. Rồi, như có phép lạ, nàng lấy từ trong túi xách ra cho mỗi đứa 1 bộ quần áo còn thơm phức mùi băng phiến.

Cả cái Hậu, cả Cục cũng có quần áo nức mùi băng phiến. Thì ra, không biết tự bao giờ, nàng đã gom những bộ quần áo của nàng, của bà Ba Yên, của Vỹ, của cả cậu Khánh, đã lâu không mặc tới, tự tay nàng sửa chữa, cắt vá lại, để dành mang về quê.

Ý định của Khiêm được Vỹ chấp thuận ngay. Anh quyết định triệu tập cuộc họp toàn gia đình, có mời cả ông bà Phó Bùng, bố mẹ Bính tham dự, với mục đích giúp bố con Cục ổn định cuộc sống.
Chưa họp, bà Phó Bùng đã ôm mặt khóc ời ời.

- Chỉ con chết đi là thiệt, con ơi. Tiên sư cha cái thằng giặc ác…

Ông Phó Bùng vốn là 1 lực điền. Hơn bẩy mươi, chòm râu rễ tre đốm bạc, vểnh ngược, trông lúc nào cũng quắc thước như nhân vật Châu Xương con nuôi Quan Vân Trường trong Tam Quốc, vậy mà từ hôm qua đã già sọm thêm chục tuổi Cái khối u trên gáy ông như càng gồ cao, đẩy mái tóc rễ tre trĩu xuống. Tai vốn nghễnh ngãng, lúc này ông cố nghiêng bên này bên kia mà cung không hiểu vợ chửi ai, chửi cái gì. Lắc đầu thất vọng, ông đập đập vào tay bà ra hiệu đừng khóc lóc nữa, rồi nói:

- Trách móc làm gì cho thêm rối ruột. Bà có giỏi thì sang nước Mỹ mà bắt thằng giặc nó đền trả con bà. Tôi bàn với bà rồi. Vợ chồng lão già này tuy sắp xuống hố, nhưng tự tay còn lật cỏ bới đất kiếm miếng ăn được. Có thằng chú út năm nay mười chín tuổi, sắp tới tôi cho đi nghĩa vụ, trả thù cho chị nó. Người sống lúc này là phải biết làm những việc gì. Nhân đây thưa với bà và hai bác Vỹ từ HN về. Bà và hai bác cho nhà chúng tôi xin bốn đứa trẻ về nuôi cho chúng ăn học.
Ông phó Bùng chưa nói hết, bà phó đã lại khóc ồ ồ.
- Cho tôi nuôi cả bốn đứa cháu tôi. Cả thằng Công, thằng Cải, thằng Cách, con Ruộng. Ối con ơi là con ơi. Vì thằng Mỹ mà con phải bỏ bốn đứa con giữa đường giữa chợ. Thầy u không bỏ các con con đâu. Thầy u sẽ thưa với bà Phúc xin được nuôi cả bốn cháu…
Cuộc họp đã xoay chuyển hẳn so với dự kiến của Vỹ và Khiêm. Ý định xin đem con Ruộng ra HN để bé Trinh Mai có chị có em, giờ đưa ra lại thành chuyện vuốt đuôi, chuyện đãi bôi. Nhưng với cương vị người anh, người có trách nhiệm thu xếp công việc gia đình lúc này, buộc Vỹ phải có 1 quyết sách hợp lý.
- Thưa u, thưa ông bà Phó - Vỹ nói – Đây là lúc bố con chú Cục cần có tình máu mủ ruột rà. Tấm lòng của ông bà Phó, khiến chú Cục và cả gia đình cháu ghi ân lắm. Tuy nhiên, cần phải có sự chia sẻ trách nhiệm, kết hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể từng trường hợp. Ông bà Phó cũng đã già rồi. Tuổi già cần được nghỉ ngơi, tĩnh tại. Vả lại chú Cục cũng phải có các cháu bên cạnh để bảo ban, giúp đỡ. Cháu xin phép ông bà Phó được đề xuất cách giải quyết thế này: Từ nay u và em Hậu sẽ sang ở với chú Cục để giúp chú Cục trông nom cửa nhà. Thằng Công, anh cả, cùng với thằng Cải, hai cháu đều đã lớn, cần ở với bố để được rèn cặp. Các cháu vừa đi học, vừa lao động thêm để giúp đỡ bố, Thằng Cách đã học lớp hai, cũng đã biết làm việc vặt, nay xin được ở với ông bà ngoại để ông bà nuôi và cho ăn học. Riêng cháu Ruộng, con gái út, còn thơ dại, mất mẹ là thiệt thòi nhất. Con bé rất hợp với cháu Trinh Mai. Vợ chồng cháu xin được đưa cháu Ruộng ra HN để chị em chúng có nhau…

Phương án của Vỹ, cân đi nhắc lại, ai cũng thấy hợp lý. Cả nhà cùng nhất trí cao.
Hội nghị gia đình đang định giải tán, thì bà Lý Phúc bỗng như sực nhớ điều gì, tất tả chạy về nhà thờ. Vỹ bảo Khiêm về theo. Lúc sau, hai mẹ con trở lại với 1 gói vải lụa đỏ, bé như quả quýt trên tay bà Phúc.

- Suốt mấy năm trời, tôi quên bẵng đi - Bà Phúc vừa quệt nước mắt vừa nói - Đây là đôi nhẫn cưới của vợ chồng nhà Cục. Mẹ Bính nó lo xa, không dám dùng đến, nên đã gửi tôi. Tôi vẫn cất giữ cho mẹ Bính từ ngày đó. Nay tôi đưa lại để bố Cục bán đi mà nuôi con. Phần tôi với con Hậu, không nói làm gì: Tôi thương nhất bốn bố con nhà Cục. 1 đứa về ở với ông bà ngoại, 1 đứa ra HN ở với nhà Vỹ là phải rồi. Còn ba bố con anh Cục, giờ thì không cho, tôi cũng cứ ở. Gà trống nuôi con 1 mình khổ lắm. Bố nó lại đâu có được lành lặn như người ta…

Mọi người không ai hiểu vì sao lại có đôi nhân cưới này. Cục nhìn, như lần đầu tiên biết đến thứ kim loại quí hiếm màu vàng.

- U cứ giữ lại - Cục đưa lại đôi nhẫn vàng cho bà Phúc - Bây giờ con chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến vàng.

Cục cố nhớ lại. Anh đưa tay vỗ lên mớ tóc xoăn màu râu ngô. Chợt như có 1 luồng sáng loé trong đầu Cục. Từ giữa luồng sáng ấy, vụt hiện hình ảnh người đàn bà, dáng lịch lãm từng trải, đi xe ô tô từ thị xã về dự đám cưới vợ chồng Cục năm nào. Bà Cam, đúng rồi. Người đàn bà từng tha thẩn rình hai cậu bé Cục và Vện chơi bên bờ ao ngày xưa, người hay đóng giả bà mua đồng nát thường lui tới nhà ngày ông Lý Phúc còn bốc thuốc và giữ chân lý trưởng. Chính bà Cam ấy đã tặng cậu bé Cục chiếc dây bạc vuốt hổ mà con Ruộng đang đeo trên cổ kia. Chính đôi nhẫn kia nữa, bà Cam đã đeo vào tận tay Cục và Bính trong đám cưới chạy của hai người.

Bà Cam, người phụ nữ tốt bụng và bí ẩn ấy, giờ ở đâu?

Không có nhận xét nào: