VÌ SAO TÔI VÀO ĐẢNG? VÌ SAO TÔI CHUỒN KHỎI ĐẢNG?
Lớp trẻ có chút học hành chúng tôi ít nhiều đều chịu ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Pháp 1789, nhờ sách báo Pháp mà giác ngộ ba chữ Liberté, Égalité Fraternité – Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Tiếc thay, chúng không dành cho dân Anamít mình! Sự thật phũ phàng là không chỉ dân nhà quê, răng đen, đóng khố phải đói khổ, sống như trâu ngựa, mà chính chúng tôi cũng thấy thân phận nô lệ của người Việt ngay trên ghế học đường, trên phố xá.
Thành thử trong những ngày sôi động Tháng Tám 1945, ai ai cũng sẵn sàng theo ... bất cứ ai đứng ra phất cờ giành Độc Lập, Tự Do, giành cơm no, áo ấm cho 20 triệu đồng bào đang... “rên xiết lầm than” như lời ca bài Diệt Phát Xít của Nguyễn Đình Thi. Chúng tôi sướng như điên khi thấy Nhật bắt hàng loạt tây, đầm lóc nhóc đi chân đất vào trại giam trong ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Chúng tôi hô đến vỡ giọng, đến khan tiếng khẩu hiệu “Việt Nam Độc Lập muôn năm!” “Đại Đông Á muôn năm!” Hàng vạn thanh niên tay cầm cờ quẻ ly miệng hát vang “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng”... Sự thật là chúng tôi gần như sống trên mây, trên gió cả 5, 6 tháng trời trong “độc lập tự do” vu vơ mà chẳng cần biết ai là người đứng đầu cái đất nước đang chết đói này? Tôi đã đứng trong hàng ngũ Thanh Niên Khất Thực đi xin cơm từng nhà để cứu đói, ra quân sau khi hát vang quốc ca “Này thanh niên ơi!...” được chính khâm sai đại thần Phan Kế Toại bắt nhịp! Ở miền Trung, nghe nói Bảo Đại trở lại làm vua...Những chuyện chính trị chính chiếc nghe cứ ù ù cạc cạc. Thôi, cứ đuổi cổ thằng Tây đi đã, rồi chế độ gì cũng được, miễn người Việt dạy dỗ, bảo ban nhau là tốt rồi! Trong khi đó, người Nhật càng ngày càng lộ bộ mặt tàn ác hơn Tây thực dân bằng những hành động cướp của giết người dã man khắp nơi. Dân quê đổ ra tỉnh nằm chết đầy đường. “Chính phủ lâm thời” hoàn toàn bất lực. Nghe nói nhiều nơi ở nông thôn dân chúng nổi dậy phá kho thóc, cướp chính quyền...Cũng lại “nghe nói” ở Vĩnh Yên, Quốc Dân Đảng đã lập chiến khu đánh cả Nhật lẫn Pháp. Nổi trội lên là một tổ chức có tên Việt Minh được Đồng Minh giúp vũ khí tiền bạc để chống phát xít Nhật... Rồi hai trái bom nguyên tử rơi xuống đất Nhật và Nhật đầu hàng vô điều kiện. Chính phủ Trần Trọng Kim với các tên tuổi nổi danh ra mắt và Bảo Đại tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật. Không còn các sĩ quan Nhật lê thanh kiếm dài sát đất đi khắp nơi, chém chẻ tre bất cứ ai. Không còn ông toàn quyền, thống sứ, không còn lính Tây, chủ Tây! Lũ chúng tôi ùa ra đường tay cầm cờ quẻ ly, miệng hát “Xứng danh nòi giống Tiên Rồng”! Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc[1], đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng...Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét! Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó! Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng: “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước!” Và các nhà viết sử nhà nước cộng sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim – Không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là Việt Minh đã xuất hiện như tổ chức duy nhất, chỗ dựa duy nhất, lá cờ duy nhất, để lũ thanh niên “yêu nước ngơ ngác” chúng tôi đi theo. Chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố GIẢI TÁN ĐẢNG của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng[2], Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần[3], Nguyễn Tường Tam[4], Vũ Hồng Khanh[5]... và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa. “Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây! Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân...mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít...mà chém giết nhau thì nhiều? Chính lòng yêu nước mù quáng đã biến lũ trẻ thời ấy thành “đồ hèn” suốt nửa thế kỷ, nghĩa là hết cuộc đời... vì khi hát lên câu “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi”.. chúng tôi chỉ vừa tròn 18 tuổi, hoàn toàn ngây thơ trước thời cuộc, sẵn sàng làm “hạt nổ” cho bất cứ quả bom nào miễn là giật tung được cái chế độ nô lệ kéo dài 80 năm của thực dân Pháp! Cứ thế, chúng tôi “lạnh lùng vung gươm ra sa trường” như câu hát của Văn Cao. Tôi viết những dòng này trong mối thương tiếc vô hạn bạn bè đã ngã xuống không ai biết, không ai nhắc tới…trong cuộc lừa đảo vĩ đại mà không phải ai cũng nhận ra, lúc ấy.
Trường đoạn 1: Tôi đi Vệ Quốc đoàn Chẳng ai trong chúng tôi học qua trường quân sự nào, vậy mà vừa vào bộ điệu tôi đã được hơn một trăm “đồng chí” của đại đội 1 tiểu đoàn Thái Bình giơ tay bầu làm phân đội trưởng! Đó là một đơn vị thành lập tháng 9-1945 gồm đa số nông dân, 99% mù chữ, 30% răng đen, lần đầu trong đời có hai bộ quần áo màu nâu đỏ, được ăn hai bữa tạm no, nhờ “may mắn” đứng trong đoàn quân vũ trang “cách mạng”. Anh em bầu tôi vì thấy tôi mặt mũi sáng sủa, ăn nói lưu loát, nhất là biết đọc những gì mà đại đội trưởng Thu và tiểu đoàn trưởng Nam (Voi) ra lệnh bằng chữ viết – có khi nguệch ngoạc ngay trên vỏ bao thuốc lá Philipps Morris, Mélia. Bài học quân sự đầu tiên mà tôi huấn luyện cho lính của tôi, là...“Tập hợp! Đằng trước... thẳng! Đi đều... bước”! Tôi đi ở ngoài hàng, đếm “Một, hai... một, hai... một!” Vũ khí thì cả đại đội được trang bị 4 khẩu Rebel, 2 khẩu Sten, hơn chục khẩu Mousqueton...vài chục lựu đạn ... khói! Còn lại là gậy gộc, mã tấu. Vậy mà chúng tôi “vui như mở hội” lao vào học tập những từ mới toanh trong đời như “phản đế”, “bài phong”, “tư bản”, “đế quốc”, “phát xít”... đặc biệt được kích động tối đa lòng căm thù giặc, sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng “da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui” như lời ca của Hoàng Quý. Những bài học quân sự đầu tiên đều do mấy ông cai, ông đội khố xanh, khố đỏ “giác ngộ cách mạng” chỉ dẫn. Từ cách tháo lắp súng đến cách nằm bắn, đứng bắn, quỳ bắn, rồi cả chiến thuật.., tóm lại tất cả những gì các vị này được quan Tây dạy thì dạy lại lũ chúng tôi. Chưa hết, do nhiều danh từ chưa có trong tiếng Việt nên các ông cứ “nổ” liên hồi bằng tiếng “Tây bồi” chẳng cần biết đám lính tráng nông dân mù chữ nghe các ông cứ ù ù cạc cạc... Điều này giải thích vì sao, một năm sau, vừa nổ súng đánh Tây mà các bạn tôi, những Phó Bá Hùng, Phan Năng, Lê Đăng, Lê Phú, Trần Kim... và nhiều nhiều nữa, những con người nhiệt tình yêu nước đã sớm ngã xuống như những “chiến sĩ không tên” vì chưa làm được gì để được gọi là... “anh hùng”! Đáng nhớ nhất trong ký ức tôi là cái chết của toàn bộ đoàn Tuyên Truyền Giải Phóng Quân Chiến Khu 3 (văn công quân đội ngày nay) tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng cùng trung đội anh Nở, bảo vệ Nhà Hát Lớn trước sức tấn công của pháo binh, xe tăng có máy bay bà già chỉ điểm. Họ bị hy sinh không sót một người. Một trường đoạn cực kỳ bi hùng và đau xót của lớp trẻ yêu nước “ngây thơ ngơ ngác”, chẳng biết chủ nghĩa gì ngoài chuyện ghét Tây.
Trường đoạn 2: Cuộc chiến không thấy kẻ thù Sau cuộc thử lửa đầu tiên của tôi trên mặt trận Hải Phòng, cuộc chiến chống trả người Pháp gây hấn được tạm thời xếp lại do cuộc điều đình với phái đoàn Hoàng Hữu Nam. Tôi được điều về làm việc trong không khí hết sức phức tạp ở Phòng Quân Nhu Bộ Tư Lệnh 3, đóng trên đường Cát Dài. Tất cả đều đang chờ “cụ” Hồ đi thương lượng ở Fontainebleau về tương lai đất nước nên Tây và ta tạm thời chung sống hòa bình.
Tôi được giao nhiệm vụ đi làm việc với Tây vì biết tiếng Tây, tuy đúng hơn nên dùng cái từ “thông ngôn” (interprète), vì tôi chỉ dịch những gì mà các ông Sĩ, ông Quất, ông Tài phát biểu. Ngày ấy, ông nào cũng tự mua cho mình một cái lon nền đen có vạch kim tuyến trắng, lúc đeo lon trung tá, lúc đeo lon thiếu tá, tùy mức độ quan trọng của vấn đề cần bàn với người Pháp hoặc tùy đối tác thuộc cấp gì. Tôi cũng có hai cái lon, một thiếu úy, một trung úy. Không ai dám có sáng kiến đeo quân hàm cao hơn hai ông Hoàng Minh Thảo và Lê Quang Hòa lúc ấy chỉ gọi là... đại tá chứ chưa ông nào là tướng cả! Tôi thích thú công việc này vì đỡ phải lãnh trách nhiệm cầm quân đi đánh đấm, ít rủi ro mất mạng, và trên cả mong đợi là được mặc y như sĩ quan...Mỹ (!), được đeo kè kè bên hông, lủng lẳng trên chiếc thắt lưng Mỹ, khẩu Colt bạt, được cưỡi xe Zeep đi lại thành phố Hải Phòng đang âm ỉ cuộc chiến mà tôi cứ nghĩ sẽ không xảy ra nhờ tài chính trị khôn khéo của Nguyễn Ái Quốc vĩ đại! Nhân dân Việt Nam sẽ được độc lập tự do, được đứng trong khối Liên Hiệp Pháp, được sự che chở của những người đã đập tan phát xít Đức để giành lại tự do cho nước Pháp mới. Tôi cùng một số bạn bè, kể cả vài sĩ quan Pháp mà tôi có dịp quen biết trong các vụ giao dịch, rủ nhau đi bát phố, đến nhà riêng của vài người, cùng nhau đàn hát các bài ca của Vincent Scotto, Văn Cao, Đặng Thế Phong... thậm chí đã hẹn nhau sẽ có ngày cùng đi thăm tháp Eiffel, bảo tàng Louvres, đi Moulin Rouge... Một hôm, J. J. Aimovich, gốc Nam Tư, hẹn gặp tôi tại cửa Bar Dancing “Black Cat”, trên đường Cầu Đất. Anh nói trong ray rứt “C'est foutu! C'est foutu!”[6] rồi kéo tôi vào bar, gọi hai chai bia. Aimovich uống và nói rất dài về cái mà sau này ông Sainteny[7] đã viết trong cuốn Histoire d'une Paix Manquée. Tóm lại, hòa bình vứt đi rồi! Họ – phía Pháp – không chịu dù ông Hồ nhượng bộ rất nhiều vì...họ cho là có nhiệm vụ ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản chứ không chống dân tộc Việt Nam đòi độc lập tự do... “Việc ông Hồ của chúng mày giải tán đảng cộng sản là trò...lừa đảo!” (nguyên văn:“bluff”) nên chúng ta đành chia tay nhau thôi. C'est regrettable! Infiniment regrettable! – Thật đáng tiếc! Vô cùng đáng tiếc!” Anh ta vội vã trở về vì có lệnh cấm trại từ 9 giờ tối hôm đó.
Trên đường trở về Phòng Quân Nhu Bộ Tư Lệnh, tôi ghé qua đại đội 3 Lê Khắc Tư, thấy cảnh chuẩn bị chiến đấu đang diễn ra rất khẩn trương. Những bao cát chất đầy ngay cổng gác, những thùng đạn các cỡ đang được bật tung để phân phối cho từng khẩu đội, từng người. Phòng Quân Nhu bắt đầu sơ tán kho tàng tài liệu ra khỏi thành phố. Toàn thể cán bộ, nhân viên theo lệnh của phó phòng Lê Văn đều nhanh chóng chuyển về Bộ Tư Lệnh ở Kiến An. Riêng ba chàng trai trẻ ưu tú nhất, mạnh khỏe nhất là Lê Kim Ưởng, Nguyễn Văn Đăng, Vương Đình Hoàng với tôi là bốn được giao nhiệm vụ ở lại chiến đấu bảo vệ cơ quan. Mỗi người được phát một khẩu thompson mua lại của chính lính Tây qua một trùm “bấu xấu” – nay gọi là “cò” – có tên là Đinh Đồng! Không một ai sợ hãi xin rút lui khi lần đầu được có trong tay một khẩu súng Mỹ hiện đại, sẵn sàng phục kích diệt quân thù sau những đống đồ đạc lỉnh kỉnh, sa lông, giường, tủ... làm chiến luỹ y như trong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo! Vì tổ quốc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng làm những Gavroche. Ngây thơ và trong sáng như thế đó! Nhưng, gần cả tuần chẳng thấy bóng thằng Tây nào xuất hiện ở đầu đường Cầu Đất – Cát Dài cũng như ngã tư Cát Cụt cả. Trái lại, khi chiến sự diễn ra, quân Pháp cứ theo các toạ độ được tính sẵn trên bản đồ rót xuống các nơi có trại lính, cơ quan Việt Minh đủ loại ô-buy, moóc-chiê 75 ly, 105 ly để “hất” chúng tôi ra khỏi thành phố. Cũng may mà thời ấy, không lực Pháp gần như chưa hề tham chiến. Mãi vài năm sau mới thấy mấy cái Junker, Spitfire xuất hiện, nếu không, có lẽ tôi cũng chẳng còn ngồi để viết những dòng hồi ký chiến đấu ngây thơ ngớ ngẩn này. Gần một tuần tránh đạn đại bác nhờ cái boong-ke[8] tạo bằng các kiện vải vóc, lương khô, sữa, đường, chocolat ... mà chúng tôi mới tiếp nhận của Việt Kiều (hầu hết là lính thợ ONS về nước trên một chuyến tàu thủy), gửi tặng Vệ Quốc Đoàn. Cứ mỗi anh một bunker, chén đồ Tây đến phát... táo bón! Chẳng ai ngó đến mấy chàng lính công tử chúng tôi. Chẳng có lệnh chiến đấu hay rút lui gì... Đến một hôm, tiếng súng bỗng im bặt khá lâu. Trời có ánh trăng lưỡi liềm chiếu sáng lạnh lẽo. Tôi liều ra khỏi boong-ke, chui qua một loạt tường nhà đã được đục thông nhau suốt đường Cát Dài, mò đến đại đội bộ Lê Khắc Tư để nghe tin tức thì... chẳng thấy chiến luỹ, chẳng thấy khẩu 12 ly 7 đặt ngạo nghễ trên những bao cát trước cửa đại đội bộ nữa! Tất cả chỉ là cảnh ngổn ngang của một vụ oanh tạc mà chúng tôi từng chứng kiến ở Chợ hàng Da Hà Nội! Họ đã...rút lui để “bảo toàn lực lượng” mà quên béng mấy anh lính quân nhu chúng tôi.
Mấy thằng lính bị bỏ quên vội vã lên đường chỉ có bộ quần áo trên người và khẩu thompson trên vai. Bỏ lại tất cả kỷ niệm vui buồn của một năm làm lính trên đất Cảng, làm lính mà chưa hề bắn một viên đạn vào bất cứ ai, bất cứ cái gì. Sau này tôi mới hay các đơn vị chính quy được lệnh rút lui ngay ngày thứ hai khi địch xơi tái các đơn vị Vệ Quốc Đoàn ngây thơ đóng quân ngay những nơi mà chỉ cần nhìn bản đồ, một tên chỉ huy pháo binh hạng bét cũng thừa sức tiêu diệt! Ở lại chiến đấu đến cùng chỉ là những đơn vị tự vệ khu 1,2,3...nổi bật có tự vệ khu 7, tự vệ An Đông. Họ tự túc từ khẩu súng đến bộ quân phục, đôi giày, cái mũ sắt hoàn toàn... America lấy từ kho quân nhu Pháp và chiến đấu như Jean Gabin của La Bandéra thời đó hoặc Tom Cruise của Le Dernier Samourai thời nay! Và họ đã ngã xuống, rất nhiều, rất nhiều... Những thanh niên hầu hết là tiểu tư sản thành thị, là bạn bè đồng học, đồng niên với tôi. Cái “số” đã bắt những Phó Bá Hùng, Nguyễn Sơn Lâm (con nhà tư sản nổi tiếng Nguyễn Sơn Hà)...phải chết sớm. Nhưng chết vì cái gì, vì quyền lợi của ai? Câu trả lời chỉ có với người còn sống sót qua các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản...mà gia đình, cha mẹ họ thành đối tượng tiêu diệt của cộng sản!
Trường đọan 3 : Chọn con đường làm... tướng Sau một đêm trắng bì bõm băng đồng, qua các con đường làng trơn trợt, thỉnh thoảng phải nằm ép xuống bùn để tránh những quả obus rực đỏ lừng lững đuổi theo, chúng tôi về tới doanh trại Bộ Tư Lệnh Chiến Khu 3 đóng tại trại Bảo An Binh, Kiến An. Các vị lãnh đạo như Hoàng Minh Thảo, Lê Quang Hòa, Vũ Hiển đều đã rút về nông thôn chuẩn bị chiến tranh nhân dân, chống Pháp trường kỳ! Còn lại một ông “to” nhất là ông chánh văn phòng có tên Quất. Ông này tuy ở quân đội, hét ra lửa, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông mặc quân phục. Quanh năm ông com-lê, ca-vát chỉnh tề, nước hoa thơm phức. Nghe nói ông từng làm tham tá cho Tây. Lần này cũng vậy, dù nước “sôi lửa bỏng” ông vẫn thư thái đàng hoàng, miệng phì phèo điếu Lucky, hai chân gác lên bàn, đốc thúc mọi người thu dọn hồ sơ tài liệu để về nơi đóng quân mới. Thấy ba thằng thanh niên, mặt mày ngơ ngác hỏi phải làm gì, ông gắt lớn “Muốn làm gì thì làm!” Rồi nhận ra tôi, cái thằng “thiếu úy” nói tiếng Tây từng cùng ông đi móc ngoặc bọn lính Tây ăn cắp súng, giao dịch đặt hàng nhiều đợt khá thành công ngày nào...ông đổi giọng: “Này! Hải, hoặc là về nhà tiếp tục đi học, lấy nốt cái bắc-ca-lô-rê-a (tú tài Tây) hoặc là về Khu, tớ sẽ cho đi học quân sự. Compris? (Hiểu chứ!)”... Hai tên được đóng dấu cái cộp...về địa phương! Từ đó, tôi không gặp lại hai “lính công tử” giải ngũ khỏi Vệ Quốc Đoàn không giấy tờ quyết định gì! Còn tôi, đi theo ông Quất về An Lão vì không còn con đường nào khác khi bên tai tôi vẫn vang lên câu chửi của bố tôi bằng tiếng Pháp: “Đi theo Cộng Sản, lúc thua, đừng có vác xác về đây, tao tống cổ ra ngoài đường đấy!” Thật tình ngày ấy tôi vẫn cho là bố tôi vì đọc quá nhiều sách ba lăng nhăng – tôi đã dùng chữ “hétéroclite”[9] làm ông nổi nóng ném cả một bình trà vào mặt tôi – nên ông có định kiến với cái Đảng mà ông ghét cay ghét đắng, chứ bao lâu nay, tôi đi “lính cụ Hồ” có thấy anh cộng sản mặt mũi thế nào đâu? Cộng sản mà như ông Quất này thì... “chơi” được chứ! Và tôi tiếp tục lao theo con đường do ông Quất, chánh văn phòng Bộ Tư Lệnh vạch. Nhưng than ôi! Chính những ngày sống ở ngay cái “đầu não của một khu” (sau trở thành Liên Khu), tôi đã thấy rõ tôi trở thành một thứ “xa xỉ phẩm” cho họ thế nào. Mọi công việc tham mưu, chính trị, quân nhu lúc ấy được chỉ thị tuyệt đối bí mật, tuyệt đối cảnh giác với Việt Gian. Tôi hết hồn khi chứng kiến các cảnh thủ tiêu (gọi là “cho đi tàu suốt”) bằng búa (để đỡ ồn ào, để tiết kiệm đạn) sau một cái lệnh ngắn gọn viết trên bao thuốc Lucky của ông Vũ Hiển, tham mưu trưởng gửi Hoàng Hữu Phấn, chánh án TAB, tòa án binh, do chính tay tôi chuyển... Tôi cũng vô tình nghe trộm được một cuộc họp chi bộ khi ngủ quên trong kho thóc nhà ông Phó Hữu và đã suýt... vãi đái vì thấy họ bàn bạc: “Quần chúng này cần “phát triển”, quần chúng kia cần theo dõi, tên này cần cho ra mặt trận đường 5, tên kia cho ra Tiên Yên, Ba Chẻ”... May cho tôi, “đoàn thể” (lúc đó chưa dùng chữ đảng) quyết định trả về phòng Quân Nhu Tài Chính vì “cậu này” có thể bồi dưỡng làm cán bộ khung cho các đơn vị cần văn hóa!? Té ra họ vẫn có đảng cộng sản! Câu hỏi đầu tiên đặt ra với tôi là họ chỉ có một dúm người sao lại quyết định số phận, thậm chí cả tính mạng của bao con người? Tôi càng nhìn rõ cái giá trị không... đáng tin cậy của tôi khi trở về đơn vị cũ là người ta không cần cái khả năng giao dịch với Tây của tôi, nhất là những người “Tây học” như tôi, chẳng hiểu sao, cứ dần dần, nhân lúc thời thế lộn xộn mà “biến” về mái nhà xưa hết! Cái đầu và trái tim tôi bắt đầu làm việc, không còn vô tư, thơ ngây nữa.
Tôi quyết định phải tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc nguy hiểm này. Nhưng làm thế nào thì tôi chưa thể tính ra nên đành chấp nhận làm một công việc không tên, không dính dáng đến bí mật quân sự: Thường trực của phòng quân nhu tài chính! Công việc hàng ngày chỉ là...nằm khểnh ngay đầu xóm, nhận công văn và báo khách vào Bộ Tư Lệnh. Tối đến, tôi có nhiệm vụ trèo lên cái chòi đầu làng, dùng chiếc loa sắt cầm tay đọc tin “quân ta thắng lớn, thắng to khắp mọi nơi”, qua các bản in li-tô lèm nhèm, chẳng hiểu ở đâu cung cấp. Xen kẽ các đoạn tin, tôi cất cao giọng hát đủ thứ, từ Suối Mơ đến Bắc Sơn, từ Con Chim Lạc Đàn đến Ngựa Phi Đường Xa cho...cả làng nghe! Những lúc bí bài, nhờ năng khiếu trời cho và được học nhạc chút ít ở trường sơ, trường dòng, tôi “bịa” ra đủ thứ hành khúc, tình ca... về những mối tình câm thuở còn đi học và “bịa” ra những mối tình tôi chưa vướng bao giờ! Chẳng ai kiểm duyệt, chẳng ai xuất bản. Thế mà cũng khối bài được người này, người khác có dịp về Khu lãnh phiếu, lãnh đồ học được, mang đi xuất bản... bằng mồm và lan đi khá nhiều nơi, kể cả vào nội thành. Điển hình là ca khúc có phần hòa âm theo kiểu “cột đèn” mà tôi học thuở hát trong dàn đồng ca không nhạc đệm (a capella) của nhà thờ dưới sự dàn dựng và chỉ huy của cha Rangel. Gần một năm được xếp làm công việc dành cho “phần tử không đáng tin cậy” này đã giúp tôi chuẩn bị rất sớm để rẽ sang con đường khác, con đường khốn nạn hơn, gian khổ hơn và dễ bị nghi ngờ, dễ bị...“tiêu” hơn: Con đường làm văn nghệ chuyên nghiệp! Sau cuộc Đại Hội Văn Nghệ Kháng Chiến đầu tiên tôi được đi họp tại làng Khuốc, được trực tiếp thấy mấy thứ kênh kiệu của những Vũ Anh Thường, Huấn, Châu... những nét bê tha của Đinh Hùng và vài vị mà con các vị đang rất có tiếng hiện nay nên tôi không nỡ gọi đúng tên, đã làm tôi trở về nhận thức ban đầu: Không thể đứng trong hàng ngũ “xướng ca vô loài” được... Trở về Bộ Tư Lệnh, tôi được ông Hoàng Thế Hùng, tức “Hùng hét”, trưởng ban Quản Trị Bộ Tư Lệnh lúc đó, một người rất mê tôi có lẽ cũng có “tâm sự”, không được tín nhiệm như tôi. Ông tốt nghiệp Hoàng Phố như các ông Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Hoàng Điền (Ngũ Hoàng)...nhưng chẳng hiểu sao không được đi họp “tổ chức”, gọi tôi lên và cho biết: “Cậu là người tốt, tớ đã tìm cho cậu một cách để tiến thân hơn chứ không phải làm cái trò “leo thang đọc tin” nữa...Hãy chuẩn bị đi học quân chính Nguyễn Huệ để thành anh lính thực thụ. Tốt nghiệp rồi cậu sẽ được kết nạp vào “tổ chức”, được nắm quân và sẽ...“một là xanh cỏ...hai là đỏ ngực”! Nhưng phải chú ý về cái tính bất cần đời, “phớt ăng lê”, coi thường mọi người đi! Nếu không thì chỉ có...xanh cỏ mà chẳng có đỏ điếc gì đâu!” Thế là... tôi hăm hở lên đường. Lúc này, trường từ Quảng Yên rút về một địa điểm tại Quỳnh Côi, Thái Bình.
Một năm trời ở nhà dân, ăn đứng, lên lớp ngồi...bệt xuống đất, trong ngôi đình khá lớn, tôi ra sức học đủ thứ các thầy giảng và luôn là học sinh xuất sắc vì tiếp thu lý thuyết và thực hành tốt. Có gì đâu: Giáo sư vẫn là các sĩ quan của quân đội Pháp cũ giảng. Khác hơn là những ông thầy ở đây có vẻ uyên bác hơn về cái “nghề giết người mà không bị xử tội!” Nổi bật có ông “Hai Giá”. “Hai” là quan hai (lieutenant) tốt nghiệp võ bị Saint Cyr tận bên Pháp. Sau là ông Võ An Khang, cũng sĩ quan Pháp, và một loạt giáo viên tôi không nhớ tên. Tất cả đều là người được “binh vận” theo ta! Những bài giảng về mọi mặt chiến đấu đều lấy từ tài liệu giáo khoa Pháp mà đôi khi, trước giờ lên lớp, các thầy gọi tôi và Văn Hùng lên Hiệu Bộ để hỏi xem cách dịch các khẩu lệnh tiếng Pháp thế nào cho ổn. Chỉ riêng sự nhìn nhận và đánh giá của hai ông thầy chính này với tôi cũng đủ làm “tổ chức” – tôi nhớ là không quá... 5 người, ngoài ông hiệu trưởng kiêm chính trị viên Dương Chính! – phải đặc biệt theo dõi! Và quả là như vậy: do tình cờ, tôi nhặt được cuốn sổ tay của Vũ Đình Hải, một người “trong tổ chức”, rớt tại cầu tiêu kiêm chuồng lợn của chủ nhà. Lật ra, tôi thấy dòng chữ ghi “họp chi bộ ngày...tháng...năm 1947”... Đáng chú ý nhất là đoạn phân công phụ trách quần chúng, trong đó có tên Tô Hải bị gạch đít, hai chấm: “Chú ý quan hệ đặc biệt giữa Tô Hải với X5 và X6!” Tôi giật mình nhớ tới câu nói của tham mưu trưởng liên khu Vũ Hiển: “Thà giết oan 10 người còn hơn để lọt một tên Việt Gian” mà ớn xương sống! Vậy là muốn sống được với “tổ chức” trong cuộc “kháng chiến thần thánh” thì phải biết giữ mình, nếu không muốn bị “tiêu.” Kiếp sống Hèn của tôi bắt đầu! Của đáng tội, tôi còn anh dũng một lần cuối khi quyết định báo cho hai ông thầy (tất nhiên bằng tiếng Pháp) biết tình hình nghiêm trọng này và từ đó đến hết khóa học, chúng tôi không bao giờ gặp nhau riêng nữa. Tôi không còn hứng thú học tập nên trả bài qua loa, thậm chí thao tác tháo lắp khẩu 12 ly 7 tôi cũng để thừa tới hai, ba bộ phận! Cuối khóa, tôi tốt nghiệp loại trung bình, nhưng cũng được giấy chứng nhận do ông Hoàng Minh Thảo ký (tôi còn giữ đến bây giờ, 2006) và được đề nghị chức vụ (lúc ấy chưa có cấp bậc)... trung đội phó! Nghĩa là sau hơn một năm, từ phân đội trưởng, lên “trung úy”, “thiếu úy tự tạo” (để “lấy le” với quân đội Pháp) sau bao tháng trời đổ mồ hôi trên thao trường, học đủ thứ quân sự ba lăng nhăng, tôi bị... giáng cấp! Xem ra con đường làm “tướng” không dễ như tôi tưởng! Những bạn đồng học của tôi, những Dương Tử Giang, Kỳ Vẩu, Huệ Xồm... lần lượt kẻ trước người sau bỏ mình khắp các chiến trường Khu 3. Một số, học xong... quay về vùng địch, “dinh tê” để tiếp tục đi học, sau này trở thành sĩ quan phía đối địch, thậm chí lên đến cấp tá, tướng của ông Thiệu sau này như chuẩn tướng Lương, đại tá Thọ... Tôi vô cùng kinh ngạc thấy trong bọn họ có cả Nguyễn Bá Lai, Vũ Đình Hải...những người “trong tổ chức” chuyên theo dõi chúng tôi. Phần tôi, không phải tôi không có tư tưởng rời bỏ cái hàng ngũ mà tôi coi khinh vì dốt nát, vì nói một đằng làm một nẻo, như hô hào đoàn kết nhưng lại tổ chức thành băng đảng do thám nhau, ám hại nhau! Nói “giải tán” nhưng vẫn có các chi bộ bàn bạc, theo dõi, dò xét từng người còn hơn cả mật thám thời Tây! Nhưng, bi kịch của tôi chính do tôi gây ra: Đó là sự tự ái với những gì bố tôi đã chửi tôi. Hoá ra…quá đúng! Vậy mà mãi sau này, tôi vẫn không đủ can đảm quay về, quì trước mặt ông mà nói: “Con xin nhận là con lạc đường! Bố đã đúng!” Tôi đã hèn, hèn cả với bố tôi, hèn với chính mình. Tôi không dám làm điều mình nghĩ! Và tôi đã tự làm khổ tôi suốt cuộc đời... Tốt nghiệp quân chính Nguyễn Huệ nhưng chưa là người “trong tổ chức” (đảng viên), tôi trở về Bộ Tư Lệnh chờ phân công tác. Đó là những ngày chờ đợi sáp nhập thành Liên Khu, những ngày lẽo đẽo theo ông “Hùng hét” “ngựa hồng côn bạt” đi kiểm tra điều lệnh nội vụ các trung đoàn, tiểu đoàn mới thành lập. Tôi còn nhớ trung đoàn 66 của ông Phùng Thế Tài (biệt danh Phùng Thế Ục vì tính hay “ục” lính), có ông Lê Quân, thư sinh trường Bưởi, ông An Giang, ông Ngô Lân, ông Mạnh Hùng, ông Đinh Thìn, ông Thiết Trụ (Vương) và ông Võ An Khang, nguyên hiệu phó trường quân chính Nguyễn Huệ của tôi còn sót lại. Các trung đoàn trưởng (thời đó chưa có sư đoàn)[10] chẳng hiểu đánh đấm ra sao chứ một tháng ít nhất hai ba lần đều có mặt ở Bộ Tư Lệnh Liên Khu họp và họp. Có nghĩa là bàn việc quân sự thì ít mà bàn “chính trị” thì nhiều. Sở dĩ tôi biết được nhiều chuyện “thâm cung bí sử” vì cứ tối đến, trung tâm để các “anh hùng bất biết say” mượn chén trút đủ thứ bất bình kèn cựa, phê phán nhau, chính là nơi ở của ông “Hùng hét” và tôi! Khi chưa sáp nhập Liên Khu là làng Gạo huyện Phù Dực Thái Bình, sau khi sáp nhập là Thung Gio, Thung Vôi, ở bên kia Chồng Mâm, Chợ Giời, Kim Bôi, Hạ Bì... Những cái tên sở dĩ tôi còn nhớ vì chính là những nơi tôi đã để lại nhiều “mẩu trái tim” mình qua những sáng tác bắt đầu có tiếng vang trong giới “sĩ quan tiểu tư sản”! Với các vị thường họp mặt sau hội nghị ở Bộ Tư Lệnh xung quanh ông “Hùng hét”, lúc này, tôi đã nhận ra đều là những trung đoàn trưởng đại bất mãn, hầu hết đều có học và nhận thức khá sâu sắc về sự bành trướng quyền hành của mấy ông chính trị dốt nát nhưng đại cơ hội. Sau này tôi chẳng ngạc nhiên khi thấy một loạt các vị như Trần Ích (phụ trách tình báo) Hoàng Hữu Phấn (TAB), Hoàng Thiết Trụ (tức Trụ Vương) đều lần lượt...trở cờ! Trụ Vương chạy vào Phát Diệm, trở thành cánh tay phải của giám mục Lê Hữu Từ, chống cộng khét tiếng. Một số sau này không còn bao giờ nghe thấy ai nhắc tới, kể cả trong lịch sử quân đội Nhân Dân Việt Nam. Thế là lại thêm một năm tôi chẳng có nghề ngỗng gì ngoài việc sống dưới sự bao che của ông “Hùng hét” làm chuyên viên...chạy giặc! Gian khổ nhất là những ngày ở Kim Bôi, Hạ Bì. Cứ có máy bay bà già bay trên đầu hôm trước là hôm sau di chuyển.
May mà thời ấy, phương tiện thông tin, không lực của Pháp đang kiệt quệ sau đại chiến thứ 2 nếu không thì...cái cơ quan Bộ Tư Lệnh đã đi tiêu như phòng Quân Nhu Liên Khu vì nhiều thứ cồng kềnh nên bị hai chiếc Spitffire “làm cỏ”, kể cả trưởng phòng Nguyễn Văn Sĩ, nhân vật số 3 trong Bộ Tư Lệnh! Vì phải di chuyển liên miên, nhất là lúng túng với quân số quá đông lại hầu hết bị sốt rét ác tính có người chỉ sau một giấc ngủ là vĩnh viễn không dậy nữa, chủ trương “phân tán nhỏ gọn” được cấp tốc thi hành... Nói ngay là chúng tôi bị địch đánh cho tan tác, mạnh đơn vị nào đơn vị đó kiếm chỗ ẩn thân, nhất là sau các chiến dịch Mercure, Kangourou... Lợi dụng việc “tùy nghi di tản này”, không ít người đã...“tung cánh chim tìm về tổ ấm” dù đang ở hậu phương hay đang hoạt động trong lòng địch – dinh tê! Riêng tôi ôm cái tự ái với bố trong lòng... và không thể bỏ qua cái hạnh phúc nhỏ nhoi là được ông “Hùng hét” o bế nên vẫn cặp kè bên ông, vẫn cặp kè cái cặp lúc nào cũng đầy tiền, chẳng bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc nên kiên trì...kháng chiến bằng...đôi chân và giọng hát trời cho!
Một ngày cuối năm 1948, ông “Hùng hét” gọi tôi lên ngôi nhà sàn mà ông thường tụ họp với mấy cha bất mãn số 1, nói nửa giễu cợt, nửa ngợi khen: “Này chú nhạc sĩ![11] Lần này thì “trên” đã chọn cho chú đúng chỗ tha hồ mà thi thố tài năng. Chú được cử đi học Võ Bị Trần Quốc Tuấn khóa chuẩn bị Tổng Phản Công. Nghĩa là: Sẽ có nhiều thứ vũ khí mới, chiến thuật mới, cần nhiều cán bộ có tài năng, có thể lái được xe tăng (!) bắn được ca nông theo pa-ra-bôn…Nhưng quan trọng nhất là học xong cậu sẽ được đứng “trong tổ chức” vì lần này có chủ trương phát triển tổ chức đại trà đấy! Chỉ tiếc rằng...lúc ấy chẳng biết tớ đã được đứng trong “tổ chức” chưa, nếu không thì tớ đành về nhà xua gà cho vợ vậy!” Thế là chẳng còn con đường nào khác, lại một ba lô, một cây ghi-ta mà ông Hùng sắm cho bằng tiền quĩ để làm công tác dân vận, tôi lên đường đi tìm con đường làm... tướng, làm người có “mác” – đứng trong “tổ chức”!
Chính ở trường này tôi được kết nạp vào đảng Cộng Sản Việt Nam cùng lúc với tất cả đồng khóa, không trừ một ai vì Đảng đang cần đảng viên hơn bao giờ hết. Đảng cần những người sẵn sàng “khó khăn đi trước, sung sướng hưởng sau”, “Suốt đời vì nước quên thân vì dân quên mình”! Tôi say sưa với cái tên “Võ Bị Trần Quốc Tuấn” mà 90% đều là thanh niên thành phố, trí thức, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay. Kể từ các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đến anh học sinh quân lính trơn, ai cũng thông minh, hoạt bát, đối xử với nhau như những người có văn hóa. Nói tóm lại, toàn là người... tử tế và quả là tử tế với nhau cho đến hết đời thật. Những cái tên Trịnh Minh Quát, Văn Khắc Lân, Trần Đăng Vân...sau này luôn là những người thương yêu nhau, dù có anh “gặp may”, lên đến tướng, tá, dù có người không may trở thành anh thợ dập gác-đờ-bu xe đạp ở vỉa hè như Bùi Khuê, làm khán chợ Tân Định như Nguyễn Lục, hoặc... tự tử, sau hai năm sống không hộ tịch ở xóm Liễu Hà Nội như Khắc Thứ!...
Cũng không thể không nhắc đến ông thầy cực kỳ thông minh, yêu văn nghệ, người đảng viên mang “tội” to sau này vì đã kết nạp lũ chúng tôi và cho “ra lò” một lô các sĩ quan sặc mùi tiểu tư sản: đại tá Hoàng Điền! Ông luôn tin vào người có học, ông mời các vị Lộng Chương, Tống Ngọc, Nguyễn Xuân Huy, Phạm Duy...đến trường để nói chuyện về văn nghệ cho lính nghe. Hơn một lần ông nói: “Đỏ mà dốt nát thì đồng nghĩa với thất bại”. Binh nghiệp lâu dài là thế, công lao là thế, nhưng khi quân đội bắt đầu phong hàm, không thấy tên Hoàng Điền trong hàng tá mà trong hàng tướng cùng thời với ông như Trần Tử Bình, Chu Văn Tấn...cũng không nốt! Người ta đã sắp cho ông... “chỗ làm mới”: Cục Điều Tra Rừng, bộ Lâm Nghiệp. Ông sống đơn độc trong một phòng nhỏ ở phố Đỗ Hạnh, Hà Nội. Năm 2005, nghe tin ông qua đời, đến dự tang lễ ông đông nhất vẫn là những chàng trai Lục Quân Trần Quốc Tuấn năm xưa... Trên cáo phó của bộ Nông Nghiệp chỉ ghi “Hoàng Điền, nguyên cục trưởng Cục Điều Tra Rừng”. Chấm hết! Y như Lê Liêm, người chính ủy mặt trận Điện Biên khi chết chỉ có mấy chữ: Nguyên thứ trưởng bộ Giáo Dục và Trần Độ có lúc giữ chức Phó chủ tịch Quốc Hội là nguyên thứ trưởng bộ Văn Hóa, chấm hết! Với tôi, là đảng viên sĩ quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn, tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi trong những năm 1949-1950 của giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Tôi lao vào học tập quân sự, chính trị, đồng thời sáng tác bất cứ cái gì theo đảng ủy nhà trường yêu cầu. Thôi thì đủ thứ đề tài, tử tổ tam tam đến tiểu đội, tiểu đoàn tấn công, thậm chí cả đề tài hóc búa như “tổng kết giai đoạn tân binh”, tôi cũng có ngay bài... Đã Qua Rồi Một Thời Tân Binh. Có gì đâu, trong tôi đã có đủ thứ âm nhạc tả pí lù, chỉ cần cầm ghi-ta lên “nghêu ngao vài ba câu nhạc có lời theo yêu cầu” của các ông Sơn Hùng, Hải Hùng trưởng phòng chính trị, trưởng ban tuyên giáo, xào xáo lại một chút là thành ngay một “bài nói có giai điệu!” mới toanh! Còn nhịp điệu, tiết tấu thì chủ yếu là... swing, rumba, blue, mà lũ chúng tôi, những Văn Phụng, Lê Điệp, Đỗ Phú, Hoàng Dũng, anh nào chẳng có sẵn “máu” do thuộc lòng từ các phim Mỹ, Pháp...
Quần chúng lại chính là lũ chúng tôi, những dân gọi là có học, đã sống với những bài hát đó thuở 1940-1950. Điều này giải thích tại sao nhạc lai Tây, lai Mỹ thật sự vẫn sống, sống tốt nữa! Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa, Mùa Không Biên Giới... tồn tại được đến hôm nay chính là đã “lỡ được phổ biến” vào thời “tư tưởng Mao đồ tể” chưa tràn qua biên giới, gieo rắc tai họa cho dân tộc Việt Nam nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Nghĩa là...ở Việt Nam, trước 1949, chưa có đường lối văn nghệ gì của “tổ chức” vì “tổ chức... dốt đặc về văn nghệ”!
Lý do tôi được kết nạp có lẽ nhờ thành tích dùng âm nhạc phục vụ động viên lính cụ Hồ. Ngoài ra, thành tích học quân sự của tôi thua xa những bạn bè mà tôi kể ở trên. Tôi đã say sưa với thành tích, say sưa với cái tên “nhạc sĩ Tô Hải”, nhất là khi Liên Đoàn Nhạc Sĩ Liên Khu IV kết nạp và đề cao tôi trong một đêm biểu diễn của các chàng trai Lục Quân Trần Quốc Tuấn với một chương trình toàn là tác phẩm của...tôi. Cứ thế, vừa làm lính trong “tổ chức” – lúc này tôi đã biết là Đảng Cộng Sản – vừa sáng tác, vừa biểu diễn với cả tâm hồn và trái tim, rất tự nguyện, rất hiến dâng, không mảy may mặc cảm, suy tính, tôi đã sẵn sàng ra chiến trường chết như một chiến sĩ với câu hát “Đấu tranh này là trận cuối cùng... ” trên môi.
Nhưng (lại nhưng)...cuộc đời không cho phép tôi... chết sớm như các bạn Xiêm, Ích, Tước, Niệm, Hòa... mà bắt tôi phải sống, sống để trở thành một thằng hèn, hèn cho đến những ngày “vừa viết vừa run” tập hồi ký này. Sau khi kết thúc khóa học Chuẩn Bị Tổng Phản Công thì...chẳng thấy tổng phản công đâu mà nhà trường lại chiêu sinh thêm một khoá mới, không có tên “Hậu chuẩn bị Tổng Phản Công” hay “Tổng Phản Công tập 2” gì mà là Lục Quân Trần Quốc Tuấn Khóa VI! Tôi được ông Sơn Hùng gọi lên và tuyên bố: “Đảng đã quyết định mở rộng huấn luyện, phát triển trường chúng ta thành một trường chính qui hiện đại...Công tác chính trị lúc này cực kỳ quan trọng. Toàn bộ kế hoạch tổ chức đã được Trung ương thông qua, được các cố vấn Trung Quốc góp ý tỉ mỉ. Một đoàn văn công – lần đầu tiên tôi nghe hai từ này – bao gồm đủ ca, múa, nhạc, kịch đã được duyệt. Cậu sẽ ở lại trường, không đi đâu cả. Mặt trận văn hóa tư tưởng đang rất thiếu những đảng viên như cậu!” Thế là...từ anh lính nuôi tham vọng làm...tướng, tôi trở thành anh lãnh đạo văn nghệ cách mạng, muôn năm chỉ ở lại cấp “sĩ”, nhạc sĩ! Đã là đảng viên thì nhiệm vụ nào Đảng giao cũng phải cố làm cho tốt như lời ông Hùng nói. Tôi lên đường đi tuyển sinh cùng rất nhiều đoàn cán bộ “khung” khác. Việc đầu tiên tôi phải làm là tới các trường trung học cấp 2, cấp 3 để kiếm “nhân tài”. Tôi lôi kéo được khá nhiều tên tuổi như Hoàng Thi Thơ, Phạm Long, Hoàng Linh, Thi Thi Tống Ngọc, nhà văn Nguyễn Xuân Huy... và một loạt nhân tài đang sống vất vưởng ở Thanh Hóa, sau khi ông tướng Nguyễn Sơn[12] về Tầu!
Trong những năm 1949-1950 ấy, chúng tôi chưa bị bất cứ áp lực nào của đường lối “văn nghệ phục vụ công nông binh”, về “đảng tính” “nhân dân tính”... trong hoạt động. Ông Lộng Chương dàn dựng vở đầu tiên là Ngưỡng Cửa của Đinh Ánh, rồi Nhật Xuất của Tào Ngu và một số trích đoạn trong Lôi Vũ vv... toàn là những vở kịch ra kịch. Còn tôi, vẫn cứ đề tài... người lính lục quân. Nào Anh Tân Binh Ơi, nào Thầy Tu Giết Giặc, nào Đen Gì Mà Đen... theo kiểu Ngọc Bích với các tiết tấu, nhịp điệu swing, rumba, blue như đã làm. Chẳng ai phê phán gì, thậm chí còn khen ngợi, vỗ tay liên hồi, kể cả khi có mặt các ông “nhớn” như Hoàng Anh, Nguyễn Chí Thanh, Đặng Thai Mai, Lê Chưởng… Cho đến một hôm, tôi được ông Hoàng Lưu, lúc này làm chính ủy, trên cả ông Hoàng Điền, gọi lên nói như chặt sắt: “Từ nay ngừng ngay những bài hát Trường Lục Quân Đang Cần Lính Đánh Tây, Tiếng Kèn Báo Động, ngừng ngay những hoạt cảnh lắc mông ngoáy đít đi! Phân hiệu bên Côn Minh đã được lệnh dẹp bỏ rồi... Đường lối văn nghệ của giai cấp vô sản phải khác. Không thể chấp nhận nhạc Mỹ, nhạc Tây, rất có hại cho lập trường vô sản. Cậu phải thay đổi ngay kiểu sáng tác, nếu không, khi các cố vấn Trung Quốc sang, sẽ khó ăn nói với họ đấy!” Tôi bàng hoàng vì vừa hôm qua thôi, ông còn khen chương trình biểu diễn là khá, và ông nói tiếp: “Tớ nói thật, đường lối văn nghệ cách mạng tớ cũng i-tờ thôi! Nay có đường lối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ta không theo không được! Thôi, cứ...cố gắng lên!” Cố gắng? Cố gắng làm khác với lòng mình? Cố gắng làm theo ý người khác, rung cảm bằng trái tim người khác, nhất là người ngoại quốc? Tôi trở về Đoàn, suy nghĩ mung lung về con đường trước mặt, về những khó khăn mới, những dằn vặt mới bởi cuộc phiêu lưu vào con đường “văn nghệ có lãnh đạo” này. Và tôi chọn con đường... ngừng viết! Sự thật thì thời gian này tôi cũng đẻ ra mấy bài cho mình và cho một số bạn bè nghe như Đứt Dây Đàn, Chán Chường, Khi Mùa Xuân Đến...viết bằng trái tim thật của mình, nhưng không dám phổ biến, không dám đưa lên sân khấu mà chỉ nhai đi nhai lại những Sông Lô, Tiến về Hà Nội, Du Kích Sông Thao... Ngoài ra, tôi để kệ anh Lộng Chương dựng hàng loạt kịch cách mạng Tàu do ông Đặng Thai Mai dịch. Mọi cuộc biểu diễn có đoàn cố vấn do tướng Vu Bội Huyết đứng đầu, khi xem đều: “Hảo! Hảo! Hảo!”...Tôi thấy được cái hèn của mình nhưng bất lực vì nhiều lẽ, trong đó lẽ quan trọng nhất, quyết định nhất đến cả cuộc đời tôi sau này là tôi sớm... lập gia đình!
Số là trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn trong nước được lệnh “sáp nhập” vào phân hiệu Côn Minh mà sau này tôi mới hiểu là trường sĩ quan mà các cố vấn Tầu, sau một thời gian giúp đỡ củng cố đã nhận xét là một trường của giai cấp... tiểu tư sản, tổ chức “sai lầm cả về nội dung lẫn hình thức”! Chỉ có thể “uốn nắn” bằng cách...cho nhập luôn vào trường bên Tầu! Như thế là trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn của chúng tôi, tới khóa VI, đã bị xóa tên người anh hùng trong lịch sử Việt Nam! Đến nay người ta chỉ gọi là Trường Sĩ Quan Lục Quân 1, Lục Quân 2, mà chẳng cần giải thích gì hết! Nói trắng ra từ ngày đó, anh “lính cụ Hồ” đã trở thành “lính cụ Mao”! Từ chân đến đầu, từ khối óc đến trái tim, từ hột cơm đến miếng nước, tất cả đều nhờ Đảng Cộng Sản Trung Quốc dạy dỗ và nhân dân Trung Quốc “nhường cơm sẻ áo”! Có thể nói chưa bao giờ trong quân đội lại có sự tan đàn xẻ nghé dữ dội như vậy. Hàng ngàn con người đi đâu, về đâu? Sang Tầu? Xuống đơn vị? Xin giải ngũ về nhà? Rất nhiều bạn bè tôi đã “ra đi vĩnh viễn” trong giai đoạn này, không bao giờ gặp lại. Nhận được mảnh giấy “quyết định điều động” in li tô bằng bàn tay, đa số anh em từ học sinh, thanh niên ngoài quân đội được chiêu sinh vào trường đều...tự điều động về luôn...nhà mà chẳng ai hay ai biết! Hầu hết đảng viên cốt cán đều được bổ sung cho các sư đoàn mới thành lập có cố vấn Tầu sang nắm quyền chỉ huy toàn diện!
Cũng thời gian này, học sinh võ bị Trần Quốc Tuấn, nhất là những anh chưa được “tổ chức”, “dinh tê” nhiều nhất. Đặc biệt những tay có tài năng văn nghệ sau này về Sài Gòn tôi còn gặp một số là những nhà văn, nhà thơ, diễn viên, tá, tướng, có cả quận trưởng, tỉnh trưởng như Mai Thảo, Võ Hải, Hoàng Thi Thơ, đặc biệt có nhân vật Hồ Mậu Đề, một đảng viên lắm lý luận nhất.[13] Còn tôi, đảng viên cốt cán trong hàng ngũ “chiến sĩ văn nghệ” của Đảng, tôi chấp nhận sự điều động của Đảng về Bộ Tư Lệnh Địa Phương Liên Khu IV! Thi hành lệnh này có cái lợi là được...lấy vợ, được ưu tiên mang vợ đi theo, để có người mà thương yêu, mà quên nỗi nhớ nhà ray rứt giữa hoàn cảnh “thân cô thế cô”, lạc lõng giữa “sa mạc kháng chiến”, chẳng biết kéo dài đến bao giờ. Như “cưới vợ chạy tang”, tôi vội vã làm lễ thành hôn do nhà trường tổ chức tại một sân đình làng ở Hậu Hiền, Thanh Hóa. Dưới ánh trăng, ông Sơn Hùng thay mặt đảng ủy nhà trường, trịnh trọng như một cha đạo đứng lên công nhận hai chúng tôi, Tô Hải và Hương Mai, kể từ nay... thành vợ, thành chồng! Vài lời chúc mừng, vài bài hát, kết thúc bằng một điệu nhảy tập thể theo kiểu ương ca[14] Trung Quốc và...chấm hết! Ai về nhà nấy, chuẩn bị ngày mai giải tán lên đường! Tôi biết đang có nhiều người dứt khoát rời bỏ hàng ngũ cộng sản, lợi dụng thời cơ quân hồi vô phèng lo tính chuyện tương lai của riêng mình! Nhiều người trên đường tìm về đơn vị mới (có khi chẳng biết nơi đóng quân cụ thể ở đâu?) đã lấy lý do này để về quê lấy vợ, để trở lại mái trường xưa, để... giã từ kháng chiến vĩnh viễn! Chấp nhận sự mai mối của Đảng, lấy vợ là một diễn viên của đoàn, với tôi lúc ấy là cứu cánh cuối cùng giúp cho tôi, nhất là cho vợ tôi, có lối “tạm thoát”. Vì, cũng như hàng chục cô gái được tuyển vào làm việc tại hiệu bộ, vợ tôi đang vô cùng hoang mang, chẳng biết đi đâu? Một số cô phải chấp nhận lấy chồng để được ở lại theo chồng. Một số có cơ sở văn hoá, gia đình vững vàng đã chọn con đường trở về tiếp tục đi học trong đó có nhiều người khá thành đạt sau này! Riêng tôi được nhà trường ưu ái cử hẳn một đảng ủy viên, phó phòng chính trị Vũ Kỳ Lân, về tận nơi gia đình vợ tôi sơ tán ở Diễn Châu, Nghệ An làm chủ hôn một lễ cưới chính thức! Chính cái gia đình được Đảng vun vén cho tôi một cách tận tình, đến nơi đến chốn, đã giữ chân tôi mãi sau này, hết đường cựa quậy, nếu không muốn vợ con mình... ăn mày! Tôi đã tự tạo thêm một cái gông trên cổ, một chiếc cùm dưới chân...
[1] Thứ súng lục bắn nhiều phát một lúc, bao súng cũng là báng súng.
[2] Huỳnh Thúc Kháng, còn có tên Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (1876-1947), chí sĩ yêu nước, học rộng, tài cao. Năm 1946 làm quyền Chủ Tịch nước trong khi là chủ tịch Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam (Liên Việt).
[3] Nguyễn Hải Thần (1878?-1959), nhà cách mạng chống Pháp, sáng lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, phó chủ tịch chính phủ liên hiệp VNDCCH 1946, sau bỏ Việt Minh sang Hoa Nam.
[4] Nguyễn Tường Tam (1905-1963) nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, đồng thời là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20, một trong những người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn.
[5] Vũ Hồng Khanh (1898-?), một lãnh tụ VN Quốc Dân Đảng, bộ trưởng Quốc Phòng chính phủ liên hiệp lâm thời VNCH 1-1946, sau 4-1975 bị đưa đi cải tạo rồi quản chế tại miền Bắc cho đến chết.
[6] Thế là hết! Thế là tong! (tiếng Pháp).
[7] Jean Sainteny lúc ấy là đặc sứ Pháp. Giữa Sainteny và Hồ Chí Minh đã đạt một thoả ước theo đó, Pháp thừa nhận Việt Nam là nước tự do trong Liên Hiệp Pháp, quân đội Pháp được đồn trú tại Việt Nam tới 1951. Về sau Sainteny viết hồi ký về giai đoạn này trong cuốn Histoire d’une Paix Manquée – Lịch Sử Một Cơ Hội Hoà Bình Bị Bỏ Lỡ.
[8] Lô cốt cố thủ. [9] Hétéroclite = hỗn tạp, chắp vá, hổ lốn. (tiếng Pháp).
[10] Sự hình thành QĐNDVN qua các giai đoạn: đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung (gồm 3 hoặc 4 đại đội), trung đoàn rồi sư đoàn. [11] Lúc này tôi đã có một số bài hát được phổ biến truyền khẩu như Nụ Cười Sơn Cước, Trở Lại Đô Thành…
[12] Nguyễn Sơn (1908-1956), có các bí danh Lý Anh Tư (1925 khi gia nhập Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội), Hồng Thuỷ (1927, khi gia nhập Đảng CS Trung Quốc, là sĩ quan nước ngoài duy nhất trong hồng quân Trung Hoa), một trong ít người Việt Nam được phong quân hàm tướng (thiếu tướng) QĐNDVN trong đợt đầu tiên năm 1948. Ông cũng được Trung Quốc phong quân hàm trung tướng năm 1955.
[13] Tức Hồ Hán Sơn, từ 1954 trở thành đại tá tham mưu trưởng quân đội Giáo Phái Cao Đài của trung tướng Nguyễn Thành Phương và bị chính Cao Đài thủ tiêu năm 1956 tại căn cứ Giang Tân, Tây Ninh khi phát giác Hồ Mậu Đề toan tính theo ông Ngô Đình Nhu. Hồ Mậu Đề còn làm thơ ký tên Hồng Nam, tác giả bài Tình Nghèo do Phạm Duy phổ nhạc, rất được ưa chuộng giữa thập niên 1950.
[14] Một điệu nhảy múa tập thể phổ biến ở Trung Quốc thời ấy – người tham gia quây thành một vòng tròn chuyển động vừa hát (sòn la sòn la đố…) vừa vỗ tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét