Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Chương 6 : TỪ MỘT NGƯỜI LÍNH LÀM NHẠC

Thời nổi tiếng nhất của tôi là thời Chiến Khu III chuyển về chợ Dầu, Hà Đông để lập một Liên Khu mới. “Nhân tài” lúc này được tập trung nhiều hơn. Trong quân đội nổi lên có các nhạc sĩ Việt Lang, Cao Thưởng, Canh Thân, Ngọc Bích, Vệ Ngọc, Huy Du ([1]), Vũ Trọng Hối ([2])... Tôi luôn tự khẳng định sẽ là một cán bộ quân sự biết hát hay, đàn giỏi, thế thôi! Còn làm văn nghệ như mấy ông Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... suốt ngày la cà hàng quán, rượu chè, gái gú, thậm chí cả bàn đèn, thuốc sái thì... xin lỗi. Với tôi, lúc ấy chỉ có đồ vô học mới say bét nhè, mới “phum phum” ở Cầu Rậm, Ứng Hòa. Và quan trọng hơn: tôi biết những người này rồi sẽ “dinh tê” vì họ không thể sống nổi với cuộc kháng chiến gian khổ.

Hàng loạt những Hương Tình, Cô Hàng Cà Phê ra đời ở cái “nôi” chợ Đại, Cống Thần, Trinh Tiết, Tế Tiêu, Cầu Rậm quả là đã lần lượt theo tác giả của nó về thành!

Với tôi, sự nghiệp “tạm thời sáng tác” coi như chấm dứt vì hết đối tượng phục vụ sau khi tốt nghiệp trường Quân Chính với chức vụ trung đội phó! Bằng tốt nghiệp tôi vẫn giữ làm kỷ niệm tới nay. Trường Quân Chính mãn khóa và những bài hát của tôi cũng... mãn khóa luôn!

Tôi được lệnh về Bộ Tư Lệnh mới, lúc này ông Hoàng Sâm đã thay ông Hoàng Minh Thảo. Nhiệm vụ của tôi là “thư ký riêng” cho một nhân vật thật hấp dẫn và “quái dị. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, không ai là lính khu III mà không biết các giai thoại về Thế Hùng, biệt danh “Hùng hét”, nổi tiếng ngang với Phùng Thế Ục ([3]) về tính nóng nảy, quân phiệt hay thụi lính!

Ông Hùng này chữ nghĩa không bao nhiêu, nhưng rất “máu” văn nghệ, tiếu lâm một “cây”, hát bài Tây, bài Tầu và cải lương vọng cổ đều được tuốt! Nghe cuộc đời ông do chính ông kể lại tôi càng thấy vì sao ông bỏ quân đội Pháp lên rừng, cũng tốt nghiệp Hoàng Phố như các ông Hoàng Văn Thái, Hoàng Minh Thảo…nhưng chức vụ của ông chẳng đâu vào đâu: Trưởng Ban Quản Trị Liên Khu Bộ. Tuy nhiên, các trung đoàn trưởng (thời ấy chưa có sư đoàn) như Ngô Lân, Đinh Thìn, An Giao, Lê Quân... mỗi lần về Khu Bộ đều “dạ, thưa anh” một phép! Do ông chưa là đảng viên nên không được cho cầm quân, nhưng có lẽ biết rõ tài năng của ông nên các đồng khóa, đồng trường, ở cương vị cao hơn đã “bịa” ra một cái chức thay mặt Bộ Tư Lệnh giải quyết mọi trường hợp không thuộc bí mật quân sự là quân phong quân kỷ, điều lệnh đội ngũ, tập hợp chào cờ! Quân số trong tay ông là một trung đội vệ binh chuyên gác khu vực Bộ Tư Lệnh, có khi nằm dài cả 10 cây số. Mọi sinh hoạt của các phòng tham mưu, chính trị, quân nhu, tài chính đều theo “kiểu Hùng hét” là sai đâu hét đấy kèm theo kỷ luật ba cú roi da (đi đâu ông cũng kè kè) quật vào mông tóe máu. Ông bảo kỷ luật mà không có roi và xà lim là không xong. Thời ấy không có xà lim cố định nhưng đến đâu ông cũng biến chuồng trâu của dân thành xà lim! Bản thân tôi bị ông nhốt chuồng trâu một ngày vì đi chơi quá giờ và cả gia đình Phạm Duy (trừ Phạm Duy thoát nạn vì đi học ở Việt Bắc) cũng bị học trò ông là tướng Hoàng Minh Thi ([4]) cho nếm mùi chuồng trâu dẫn đến vụ “dinh tê” hàng loạt văn nghệ sĩ “chính cống” những năm 1950, 1951, 1952.

Hai ông Phùng Thế Ục và “Hùng hét” thời ấy bị báo Cứu Quốc của ông Xuân Thủy phê bình bằng giấy trắng mực đen, gây phản ứng dữ dội của các vị “con trời” này.

Tôi còn nhớ ông Phùng Thế Ục từ trung đoàn 66 phi ngựa lên Bộ Tư Lệnh gặp ông Hùng. Hai người vừa uống rượu vừa văng tục, chửi từ trung ương trở xuống, kể ra hàng loạt tên tuổi bất tài, giỏi nịnh, những kẻ cầm quân mà không biết đi đều, biết chào chứ chưa nói đến... bắn súng! Lạ lùng nhất là họ chẳng hề giữ ý giữ tứ gì trước nhĩ mục của ông chủ nhà: ông phó Hữu! Còn với tôi? Có lẽ họ cho là đồ con nít hoặc thấy cần cho cái “thằng có học hành tử tế” này biết sự thật về nội bộ các “ông to” mà liệu đường xử thế chăng? Sau bữa rượu, ngà ngà say, các ông phóng ngựa sang chợ Dầu tìm trụ sở báo Cứu Quốc để “tìm thằng Xuân Thủy ([5]) xin tí tiết”! Vụ “xin tí tiết” không thành vì có sự can thiệp tại chỗ của một ông kễnh” đang làm việc với tòa soạn. Tuy nhiên sau đó tờ báo được lệnh “thôi viết, kẻo làm thối inh lên, địch nó lợi dụng!”

Liên tiếp những tháng sau, tôi còn chứng kiến nhiều vụ nhậu nhẹt thâu đêm của một số cán bộ chủ chốt, nổi bật là những gương mặt bất cần đời gồm trung đoàn trưởng Hoàng Thiết Trụ, chánh án toà án quân sự Hoàng Hữu Phấn, trưởng ban tình báo Trần Ích ([6])... Tất cả các vị này chỉ một thời gian sau đó đã “dinh tê”, rồi có vị làm đến cấp tướng ở phía đối địch, có vị trở thành chỉ huy quân sự bên cạnh giám mục Lê Hữu Từ ngay tại Phát Diệm như Trần Ích, Hoàng Trụ.

Hậu quả không nhỏ. Chỉ riêng vụ Bộ Tư Lệnh đóng quân nơi nào là ăn bom trúng phóc nơi đó, dẫn đến cái chết của nhân vật số 3 Bộ Tư Lệnh III là Nguyễn Văn Sĩ, trưởng phòng Quân Nhu Tài Chính, người nắm toàn bộ miếng cơm, manh áo, súng đạn, thuốc men của bộ đội thời bấy giờ. Những năm tháng kế tiếp là các cuộc di chuyển liên tục nhưng vẫn không thoát khỏi sự chỉ điểm khá chính xác của máy bay bà già, kể cả sau này vượt Chồng Mâm, Chợ Giời vào tận Kim Bôi, Hạ Bì, sau các chiến dịch Mercure, Kangourou của Pháp! Các cơ quan phải lấy hang động làm nơi đặt văn phòng kiêm nhà bếp để nấu ăn không tỏa khói. Thời kỳ ở hang được yên ổn do không bị máy bay phát hiện, nhưng bệnh sốt rét ác tính đã quật ngã nhiều chàng trai đang hôm trước còn nhảy nhót, hát hò, hôm sau đi ngủ không bao giờ dậy nữa! Cái bệnh sốt rét ác tính cướp đi gần hết trung đội bảo vệ đến nỗi hết lính cho ông “Hùng hét” hô “Nghi... ê... m” kéo dài như vô tận khắp núi rừng mỗi sáng chào cờ!

Một sớm mai, tôi phát hiện không có tiếng kèn clairon báo thức quen thuộc của bác Thiện (lính kèn trại khố xanh trước 1945) vang lên giữa núi rừng nữa. Bác đã gục ngã ngay những ngày đầu đặt chân lên Thung Gio, nơi nổi tiếng nước độc của cái xứ “Mến nhau cho thịt cho xôi, Ghét nhau đưa đến Kim Bôi Hạ Bì”.

Thật lạ lùng là trong số ít người mà muỗi anophèle không hạ nổi lại có tôi và ông “Hùng hét”. Lúc này ông gần như chỉ còn một việc: uống rượu và tâm sự với thằng “thư ký riêng” là tôi. Việc liên lạc bằng điện thoại, đi lại giữa các phòng, ban trong Bộ Tư Lệnh không còn đơn giản. Bước ra khỏi nhà sàn là leo, trèo và lội năm, mười con suối. Mà kiểm tra kiểm mẹ gì nữa khi chẳng còn điều lệnh nội vụ, chẳng còn trạm gác, phòng chờ. Hình như các ông Hoàng Sâm ([7]), Lê Quang Hòa ([8]) lúc này cũng chẳng còn ở cái đất đáng sợ này vì không thấy các trung đoàn trưởng về họp hàng tháng. Cũng không còn dịp nghe các quan “tớp” ([9]) ngồi uống rượu chửi đổng, vạch xấu nhau.

Cả khung trời Bộ Tư Lệnh III chỉ còn vài chục người mặt xanh, nanh vàng, không có việc gì ngoài chờ giờ cơm và chờ đến khoảng 3, 4 giờ chiều là khoác chiếc chăn trấn thủ mỏng tang run lập cập vì giờ sốt rét đã điểm!

Còn tôi, ngoài vài cơn sốt nhỏ, tôi vẫn còn nhiều lý do để sống, để hy vọng. Không phải không có lúc tôi đã nghĩ tới “Come back to Hà Nội!” ([10]) Lúc đóng quân ở làng Sêu, tôi đã cùng Đắc Hưu vui chân đi ăn bún ốc tận Vân Đình. Nhìn về Hà Nội, điện sáng rực một góc trời như mời gọi mà nhớ, mà... thèm! Trước mắt tôi là cảnh gia đình, là trường học, là tương lai của một luật sư, bác sĩ, là sông Seine, bảo tàng Louvres, là Montmartre, là Quartier Latin, ([11]) mà tôi ấp ủ từ thuở học trung học. Chỉ một bước qua cái cầu đổ này sẽ chấm dứt cuộc đời “hầu hạ” một lũ ăn tục, nói phét. Tôi sẽ hết phải chứng kiến những tên “quan cách mạng” vô tướng, bất tài, giành nhau từng chức vụ vô nghĩa như trưởng, phó (lúc này chưa có cấp bậc tá, tướng gì) trong đảng, ngoài đảng. Tôi hết phải phịa ra các chứng từ thanh toán các buổi nhậu nhẹt của các vị cầm quân chủ chốt trong Liên Khu trước và sau các buổi về hội ý hàng tháng, theo chỉ đạo của thủ trưởng trực tiếp “Hùng hét”.

Tóm lại, tôi đã thấy mình thật sự lạc lõng giữa những người cách mạng lạ lùng này. Họ nói một đàng làm một nẻo, vừa khuyên người ta đạo đức xong thì tối đến lại mò vào giường con gái chủ nhà. Khoản này thì ông “Hùng hét” là... “một cây.” Với tài hát xướng, trò chuyện rất có duyên, với khổ người cao to và khá nam tính, không thiếu đàn bà ở cái nơi “âm thịnh dương suy” này sẵn sàng chui vào màn “quan tớp” để hôm sau đi khoe cả bản! Phải nhận là ông có một tư tưởng cực kỳ... “phóng khoáng” vào cái thời mà kỷ luật đã ghi thành giấy trắng mực đen cấm mọi quan hệ, cấm cả tắm truồng trước phụ nữ, mặc dù ở nơi này phụ nữ tắm truồng là chuyện tự nhiên! Ông từng dõng dạc tuyên bố trước hàng quân: “Thằng nào ăn vụng thì phải lo chùi mép! Bí mật ăn tiền! Để lộ ra, có kiện cáo thì... ra tòa án quân sự!”

Mọi hành động và lời nói của ông đều bị chi bộ phản ảnh lên nhưng chỉ là cái “trên vừa vừa” cũng đồng bệnh như ông nên ông càng phát huy mọi “tài năng cởi mở” của mình. Đặc biệt về văn nghệ, ông cho phép “bung ra” đến mức bản thân tôi phải góp ý ngăn chặn lại. Chẳng biết ông học lỏm ở đâu mà hàng loạt bài hát Tây (thứ Tây giả cầy) như J’ai deux amours, C’est à Capri ([12]), thậm chí cả Marseillaise ([13]), những lúc khoái chí, ông đều tương ra ông ổng. Có lần trước một buổi liên hoan — ông rất ưa ra lệnh tổ chức liên hoan văn nghệ — ông còn hát “tăng-bo” một khúc kinh kịch bằng tiếng Tầu, chuyển sang một bài nhạc Tây rồi kết thúc bằng một bài nhạc của...“địch”, hình như một bài của Hoàng Giác lúc này đã “dinh tê.” Có lần, hứng chí, mấy ông “quan tớp” còn tổ chức hát...cô đầu và người cầm chầu không ai khác là ông “Hùng hét”. Khi nghe tôi nói “Em đã bị phê bình cảnh cáo về chuyện hát “bài của địch” — bài nào không phải của người đi kháng chiến, thậm chí của ai đang làm công chức cho Pháp như bố mẹ tôi đều là địch cả! — thì ông nổi khùng: “Địch, địch cái con củ c... ! Văn nghệ cũng có địch với ta? Chỉ có hay và dở thôi! Hay thì ta cũng thấy hay, dở thì địch cũng thấy dở. Cái bài “Vùng lên, thét lên đoàn hùng binh”... của mày dở bỏ mẹ! Chó nào nó hát! Còn cái bài “Chán chường” mày vừa làm ấy... nghe được đấy! Cứ hát đi! Tội vạ tao chịu!”

Và cứ thế, những ngày dài lê thê trong một thung lũng quanh năm sương mù bao phủ, tôi được ông “Hùng hét” vô tình giáo dục về đường lối văn nghệ “riêng” của ông mà cái lý sự đáng nhớ suốt đời đối với tôi là: “Chỉ có văn nghệ hay và văn nghệ dở!” Cái “phi giai cấp”, “phi đảng tính”, “phi địch ta” này, tôi thấy, xét cho cùng, tới tận hôm nay, ông “Hùng hét” là người có khả năng làm trưởng ban Văn Hóa Tư Tưởng nhất! Có lẽ đã đọc được ý đồ của những bộ mặt cách mạng cơ hội của ai đấy, mỗi khi gặp cảnh trớ trêu, ông thường buông ra mấy câu chửi đổng nửa Tây nửa ta “Mẹc xà lù cái la vie!”.

Nếu ông được Đảng tín nhiệm thì đỡ khổ cho anh em văn nghệ sĩ “theo đóm ăn đòn” biết bao! Lý luận văn nghệ của ông sẵn có trong người ông như máu thịt chứ chẳng qua sách vở, chủ nghĩa chủ ngão nào mà đều trúng phóc! Ông chán chường vì tài năng bị gạt bỏ, vì thế sự nhiễu nhương, vì ông đã dại dột, lầm đường nên tìm đến chén rượu. Cái đáng quý của ông là nói thẳng nói thật và sống đầy tình người, đặc biệt là ông rất mến tôi, luôn khuyến khích tôi và coi tôi như con đẻ của ông, dạy tôi nhiều bài học từ thực tế. Tiếc rằng sau này, khi tôi bị đánh đấm do không nghe lời khuyên của ông là “đừng có làm văn nghệ mà chỉ “chơi” văn nghệ thôi, nếu mày muốn chung sống với mấy ông bà nông dân răng đen chân đất này!” thì ông đã chết không một lời cáo phó vì bệnh ung thư ở một bệnh viện nào đó. Hình ảnh con người ngang tàng nhưng tình cảm, nguyên tắc nhưng rất linh động, ít học nhưng hiểu biết, yêu nước ghét Tây nhưng không thích đảng phái, còn lại mãi trong tôi. Chính ông đã bao bọc, che chở, ngăn cản tôi khỏi khá nhiều “cạm bẫy”, từ chính trị đến bãy... tình, đã biến chút tài mọn của tôi thành “của riêng” ông cho đến lúc hết thời. Những bài học về “lý luận văn nghệ thực tế” của ông đã gieo vào tâm hồn tôi lúc bấy giờ ý nghĩ “văn nghệ không thể là sở hữu riêng của giai cấp nào mà chỉ có hay và dở. Mà đã hay thì ai cũng thấy hay, chẳng cứ tên địa chủ hay ông bà nông dân!”

Câu nói mất lập trường giai cấp đó đến nay càng chí lý khi các tác giả một thời bị cấm đoán, bị đưa vào bản thống kê “tác phẩm cấm xử dụng”, bị lên án là “dâm ô”, “đồi trụy”, “ủy mị” thậm chí “phản động”, “phục vụ đế quốc” như Vũ Trọng Phụng ([14]), Khái Hưng ([15]), Đặng Thế Phong ([16]), Đoàn Chuẩn ([17]) và cả những Trần Thiện Thanh ([18]), Lê Hựu Hà ([19]), Miên Đức Thắng ([20])... ngang nhiên chiếm lĩnh thị trường văn nghệ! Cuối cùng rồi cũng đến lúc “Một mảnh trời tự do đã có cho người nhạc sĩ.” ([21]) Chính là cái mảnh trời xưa kia biết bao văn nghệ sĩ đã vì nó mà thất cơ lỡ vận, đã biến mất trên văn đàn, nhạc hội.

Trở lại những ngày làm “lính kiểng” ở bộ Tư Lệnh III, những ngày được ông “Hùng hét” che chở và giáo huấn. Kết cục, tôi quyết định không đi theo con đường văn nghệ nữa, mà chọn con đường... binh nghiệp. Chí ít, tôi cũng tốt nghiệp một trường quân chính khá chính qui. Nắm một trung đội chiến đấu với tôi lúc này ít nhất cũng dễ hơn vào đội Tuyên Truyền trong đó có các nhạc sĩ từng nổi tiếng, từng theo gánh hát này, gánh hát nọ từ thời tôi còn là học sinh trung học. Tôi đã nghe Canh Thân, Phạm Duy biểu diễn trên sân khấu một số gánh cải lương vào những giờ nghỉ giữa hai màn diễn.

Tôi đã dự một hội nghị văn nghệ ở đình làng Khuốc. Ở đó có những nhân vật mà tôi chỉ biết qua báo chí. Các ông Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng vẫn có bàn đèn để “ro ro” trong giờ giải lao. Các ông Thường (piano), Huấn (violon) còn cầm bài hát Chiến Sĩ Khu III của tôi mà đếm từng nhịp xem nó “ca-rê” (vuông vức) hay không? Còn ông Tô Vũ thì được giới thiệu là một thầy dòng chơi violon, tuy đến chậm vẫn được chào đón như một sự kiện.

Tất cả đều gây cho tôi ấn tượng sâu sắc: văn nghệ sĩ đi theo cách mạng chỉ là một lũ chẳng giống ai, thậm chí hình ảnh những gã “bẹp tai” (hút thuốc phiện), những tên nghiện rượu, tóm lại tất cả những gì là bê tha, trác táng, kênh kiệu, coi đời như một cuộc rong chơi đã làm tôi thật sự ngán ngẩm với kiếp “xướng ca vô loài”.

Và, tôi quyết định xin về đơn vị chiến đấu! Bước ngoặt này của tôi được ông “Hùng hét” ủng hộ khi người ta đã chuẩn bị cho ông ngồi chơi xơi nước bằng cách giải tán Ban Quản Trị Bộ Tư Lệnh! Chính ông Hùng đã xì cho tôi vài điều bí mật mà tâm hồn “ngây thơ kháng chiến” của chúng tôi không cảm nhận được. Đó là “không ai giao quân cho những cán bộ như mày đâu! Để mày nướng quân với ba cái thứ “ti-ray-ơ a đơ-roắt, ti-ray-ơ a gốt-sơ” - tirailleurs à droite, à gauche ([22]) - của mấy tên quan một, quan hai Pháp dạy cho mày à? (Ý nói cái trường mà tôi đã được đào tạo) Phải học lại thôi! Mà học kiểu theo kiểu... Tầu, đánh theo kiểu Tầu! Hiểu chưa? “Tập trung binh lực”, “nhất điểm lưỡng diện”, “bao vây vu hồi” Xếp mẹ nó mấy cái kỹ thuật quân sự của Tây lại! Trước khi tao đi khỏi nơi này, tao sẽ giới thiệu cho mày đi học lại!”

Nói là làm! Ông ký cái roẹt vào một tờ sự vụ lệnh in li-tô cho trung đội phó Tô Đình Hải đi học cái trường nổi tiếng là Tầu: Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn!

Sau những chiến thắng liên tiếp của hồng quân, đuổi Tầu Tưởng ra Đài Loan, dựng nên nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cái trường quân sự dưới quyền ông tướng từng học trường Hoàng Phố là Lê Thiết Hùng càng trở nên hấp dẫn đối với lớp thanh niên. Hình ảnh một sĩ quan, súng lục đeo chéo người, tay cầm ống nhòm nhìn về đền Ngọc Sơn, Hà Nội (oai hùng và đẹp đẽ biết bao!) trên những tranh cổ động dán khắp nơi, đặc biệt ở ngay cổng các trường trung học, đã cuốn hút có khi toàn trường, cả thầy, trò đều bỏ học, bỏ dạy để nhập ngũ!

Lúc này chiến dịch biên giới đã kết thúc.

Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Côn Minh được lệnh thành lập Phân Hiệu 11 tại Việt Nam. Nghe lời ông Hùng, tôi phấn khởi lên đường, quyết trang bị lại toàn bộ nghệ thuật quân sự bách chiến bách thắng của hồng quân Trung Hoa để phen này “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Chính những ngày sắp giã từ cuộc đời làm “lính kiểng” của ông “Hùng hét” này đã nẩy sinh mối tình câm giữa tôi và cô Phẩm, cô gái miền núi, con ông bọ Phến, chủ nhà nơi tôi và ông “Hùng hét” trú quân. Những ngày sắp lên đường tôi mới thấy được mình đang có sự “mất mát” đầu tiên lớn lao và sâu sắc nhất trong cuộc đời: Tình Yêu.

Ngày tôi lên đường đi tập trung, Phẩm không đi làm nương. Nàng cứ loanh quanh bên tôi như muốn chờ tôi nói một lời hứa hẹn, một lời tỏ tình gì đó. Ông “Hùng hét”, người thông cảm nhất với tôi, đã bỏ đi chơi (hai chúng tôi ở cùng một nhà) sau khi nhắc lại: “Mày chớ có dại mà hứa hẹn gì! Không được đâu! Mà đã hứa mà không giữ lời với họ là có khi tiêu đời đó con ạ!” Nghe lời ông, tôi miễn cưỡng yên lặng về mối tình tôi ấp ủ bấy lâu với Phẩm, người con gái có đôi mắt mà đến khi tôi giã từ cuộc đời có lẽ sẽ vẫn in hằn trong tâm khảm. Nó sáng, nó đen, nó long lanh, nó nói hơn cả những điều cần phải nói bằng lời. Lúc chào mọi người lên đường, tôi cố tìm đôi mắt ấy lần cuối nhưng không thấy. Cô vô tình đến thế sao? Hay cô đang nằm khóc vùi trên nhà sàn? Tôi bận rộn tìm lại đôi mắt đen huyền của Phẩm đến mức chẳng còn nghe thấy lời chúc mừng của anh em cơ quan, của đồng bào trong bản mà tôi được yêu quí như một “cây văn nghệ” đàn ngọt hát hay, tối tối làm vui cho mọi người. Lòng buồn nặng trĩu vì cuộc “chia tay không hoàn chỉnh”, tôi bước đi về hướng Chồng Mâm, Chợ Giời.

Sắp vén quần để chuẩn bị lội qua con suối đầu tiên của chín con suối độc thì nghe tiếng gọi “Anh Hải!”

Thì ra Phẩm đã đón đường tôi ở chân giốc này. Cô nói: “Bọ Hùng bảo em ra đón anh ở đây!” Cuộc “gặp gỡ có sắp xếp” này té ra chính là sáng kiến của ông “Hùng hét”!

Hai đứa gặp nhau cứ như đã thổ lộ tình yêu, đã hẹn hò, thề ước gì rồi. Phẩm trao cho tôi một gói xôi gạo cẩm, một chiếc vòng bạc và nói trong tiếng nức nở “Anh Hải đi học thành tài, đánh Tây xong, nhớ về Thung Gio... lâu mấy em cũng đợi!”

Hai mươi mốt tuổi, lần đầu tiên tôi được hưởng cái niềm vui hiếm có: được một người con gái đẹp yêu mình! Mà chẳng hề có nhiều gay go, phức tạp, hồi hộp mê ly, thắt nút, cởi nút, kết thúc gì lôi thôi rườm rà như trong tiểu thuyết. Tình yêu đến không một lời nói, không một bức thư tỏ tình. Nó đến như không khí, như ánh nắng tràn vào căn phòng trống trải. Đối với tôi, tình yêu lúc ấy quá lý tưởng, quá trong sáng, quá đẹp đẽ. Tôi nương nhẹ nó như một cánh hoa nhỏ xinh đầy hương sắc. Tôi e sợ một sự đụng mạnh sẽ làm nó rụng mất, dù chỉ là một cánh nhỏ, để rồi phải ép nó trong những trang nhật ký cuộc đời. Vâng! Tình yêu đối với tôi lúc đó và mãi mãi sau này là một điều thiêng liêng, thậm chí thánh thiện. Dù đã đọc không biết bao nhiêu tác phẩm, xem không biết bao nhiêu phim Tây, Mỹ... về cái đề tài cũ như trái đất này, tôi vẫn muốn có một tình yêu chẳng giống ai để mà thương, mà nhớ, mà hy vọng, mà buồn. Cái tình yêu mà về sau tôi đọc được ở Romain Rolland: “Tình yêu không có thể” - amour impossible”, khi ông viết về các cuộc tình của Beethoven, Liszt, Chopin... Tôi biết trước rằng tôi và Phẩm chẳng bao giờ thành vợ thành chồng, thậm chí chẳng còn dịp nào gặp lại. Tôi biết rằng đời lính chúng tôi, tình yêu đồng nghĩa với dang dở, chia tay, mất mát. Thậm chí...phản bội! Có biết bao chàng trai Hà Nội lúc đó, trẻ trung, đàn giỏi hát hay nhưng tâm hồn thì thấp hèn, bẩn thỉu đến mức cả về sau này, gặp họ, tôi cũng chẳng muốn chào hỏi. Đó là những tên Sở Khanh hiện đại biết cách “tranh thủ tình yêu” ở những cô thôn nữ, những “bông hoa rừng” ngây thơ, tội nghiệp rồi...biến mất, để lại cho họ những nỗi đau, sự mất lòng ở anh bộ đội và đôi khi cả những... “giọt máu vô tình”.

Ngọc Bích đã sáng tác bài Anh Lính Nhảy Dù, nói về những anh chàng đi đến đâu là kiếm chỗ giải quyết sinh lý ngay tại đó. Không ít người đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí ra tòa án binh, bị đuổi khỏi quân đội. Còn tôi, có người cho rằng tôi đạo đức giả. Nhưng tới hôm nay, ở cái tuổi ngoài 70, tôi vẫn tự hào rằng tôi chưa bao giờ lạm dụng tình dục đối với bất cứ người phụ nữ nào nếu không phải là người tôi yêu tha thiết, người mà tôi không thể không chiếm hẳn để cả đời phải làm “người đàn bà của riêng mình”, có nghĩa là người đó phải làm vợ tôi!

Trường hợp gặp cô Phẩm, một thiếu nữ xinh đẹp như tranh ở giữa rừng sâu, xung quanh là suối reo, chim hót. Hoàn cảnh và thời điểm dễ đưa đẩy hai người đến chỗ “tranh thủ yêu nhau” lắm chứ? Nhưng không! Ngoài những cái cầm tay lắc lắc, một nụ hôn cũng không. Tôi không dám làm xáo động tâm hồn và thể xác của bông hoa rừng này. Tất cả, tôi cho nó bung ra trong bài hát Nụ Cười Sơn Cước, viết ngay trên đường đến trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn từ chợ Trò về chợ Dầu.

Ngay đêm liên hoan đầu tiên của tiểu đoàn chiêu sinh, tôi đã thả hồn trong tiếng đàn và hát lên “sự thật của trái tim” mình cho anh em khóa sinh nghe. Họ lặng im đến kỳ lạ rồi suýt xoa khi nghe tôi buông xuống câu... “đời đời không tàn với nhạc lòng tôi”... Họ vỗ tay kéo dài và hét lên “Bis! Bis!”

Thế là tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa: ở tiểu đoàn 3 đại đội 3 có một “nhạc sĩ” đi học võ bị! Và tôi trở thành “nhạc sĩ của lính” ngay ngày đầu tiên bỏ nghề “lính kiểng”. Hàng loạt ca khúc viết “theo yêu cầu” đã ra đời từ những ngày chưa về tập trung ở phân hiệu Trung Bộ. Bài Trai Liên Khu III là một ví dụ điển hình về cái động cơ hoàn toàn vô tư và biết bao cao quí trong con người có máu văn nghệ ở cái thuở ban đầu đó. Viết để nói về mình, về những người cùng hoàn cảnh, thậm chí cùng một địa phương, cùng một niềm tự hào, kiêu hãnh như mình.

Tôi hát lên những tình cảm và suy nghĩ chân thực của mình, của đồng đội. Nói thực, trong chuyện ấy cũng không phải không có phần “chơi trội”, ra vẻ ta đây là người lính “có văn hóa”. Thế thôi!


([1]) Huy Du (1926-2007), nhạc sĩ, nổi tiếng với những ca khúc thuộc dòng “nhạc đỏ” (theo Wikipedia Việt Nam): Việt Nam Ơi Ta Bước Tiếp, Nổi Lửa lên Em, Chưa Hết Giặc Là Ta Chưa Về…

([2]) Vũ Trọng Hối (1926-1985), nhạc sĩ thuộc dòng “nhạc đỏ”, với những ca khúc Bước Chân Trên Dải Trường Sơn, Nghe Lời Bác Gọi, Thanh Niên Lên Đường, Cô Gái Sông Ninh…

([3]) Phùng Thế Tài (1920), thượng tướng, tư lệnh Phòng Không – Không Quân đầu tiên.

([4]) Hoàng Minh Thi tên thật Huỳnh Ngọc Nhất (1922-1981), cựu du kích quân Ba Tơ, thiếu tướng, Tư lệnh Quân Khu 4 từ 1978 đến 1981, uỷ viên trung ương khoá IV, có 2 huân chương quân công hạng Nhất.

([5]) Xuân Thuỷ (1912-1985), nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, đôi khi cũng làm thơ… vớ vẩn.

([6]) Chỉ kể một số tên đáng kể.

([7]) Hoàng Sâm (1916-1968), thiếu tướng, từng ở trong đơn vị Giải Phóng Quân đầu tiên từ chiến khu Việt Bắc vào Hà Nội cuối năm 1945.

([8]) Lê Quang Hoà, thiếu tướng trong chiến tranh vừa qua, mất khi mang quân hàm thượng tướng.

([9]) Chỉ huy đeo súng ngắn khác với “quan luông”mang súng dài!

([10]) Trở về Hà Nội (tiếng Anh).

([11]) Những địa điểm nổi tiếng của Paris.

([12]) Tôi có hai mối tình, Chuyện ấy ở Capri. –– tiếng Pháp.

([13]) Quốc ca Pháp.

([14]) Vũ Trọng Phụng (1912-1939), nhà văn nổi tiếng trước 1945.

([15]) Khái Hưng, tên thật là Trần Giư (1896-1947), một cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Hồn Bướm Mơ Tiên.

([16]) Đặng Thế Phong (1918-1942), một nhạc sĩ tiền chiến tiêu biểu.

([17]) Đoàn Chuẩn (1924-2001), nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn lục huyền cầm

([18]) Trần Thiện Thanh (1942-2005), nhạc sĩ miền Nam, còn là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Nhật Trường.

([19]) Lê Hựu Hà (1946-2003) nhạc sĩ với những ca khúc được thính giả mến mộ như Mây Trắng, Phiêu Bồng, Hy Vọng…

([20]) Miên Đức Thắng (1945) nhạc sĩ thuộc dòng nhạc nhân bản, chống chiến tranh, chống sự huỷ diệt con người, từng bị coi là phản chiến với các ca khúc Hát Từ Đồng Hoang, Lớn Mãi Không Ngừng…

([21]) Lời của Trịnh Công Sơn đăng trên báo Công An TP.HCM.

([22]) Tản sang phải, sang trái –– tiếng Pháp.

Không có nhận xét nào: