Có lúc tôi còn được hưởng thú đi ô tô tải Molotova Liên Xô do...Tầu viện trợ nữa. Tám năm trời cuốc bộ, nay dù ô tô tải không ghế (chỉ chở quân dụng, hoặc thương binh nằm ngổn ngang), tôi cũng thấy được cái giá của những chuyến ô tô này nó đắt thế nào. Chính ở cái chân dốc Cun, Hòa Bình, tôi đã gặp thầy giáo trẻ Trọng Bằng và khuyến khích động viên cậu ta bỏ nghề dạy học, vào văn công cho có... tương lai. Sau này Trọng Bằng quả đã trở thành giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, tổng thư ký Hội Nhạc Sĩ Việt Nam! Số phận phải chăng đã mỉm cười với cậu ta từ cái giốc Cun vì tiếp sau đó là những năm dài đi học và đi học... để rồi trở về thành chỉ huy, giám đốc nhạc viện cũng như Đình Quang chỉ sống để đi học, dạy học (sân khấu) rồi lại đi học, rồi thành...nghệ sĩ nhân dân, thứ trưởng. Họ là những người có tài, nhưng cũng có “số may”, có “thời”. Còn tôi, cái số luôn là số... 13!
Tôi trở về Khu IV với ngàn mối lo. Trước tiên là lo tìm vợ con và tôi đã tìm thấy trong một hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Vợ tôi, may nhờ cái “mác” bộ đội nên trong cơn lốc đấu tố đã...thoát nạn. Không những thế, sau mấy vụ dự đấu tố ở địa phương, vợ tôi còn được nâng cấp “lên”... cố nông (!) và được chia “quả thực.” ([1])
Tôi còn nhớ: đó là một gian nhà đầu hồi của địa chủ, một cái chum và 20 cân thóc! Mẹ con hàng ngày kiếm sống bằng nghề rút bông thành sợi để hàng tuần đem bán cho những khung dệt thô sơ, đủ bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Khi tôi lần mò tìm ra địa chỉ vợ con thì trước mặt tôi là…một bà lão 21 tuổi và một thằng con trai đen đủi, gầy gò, cởi truồng, đi đất, gầy như que củi, mắt toét, mũi thò lò. Cái sai lầm “lấy vợ liều”, “lấy để cho có vợ”, đã biến một cô gái 17 tuổi, học sinh trung học, từng sắm vai chính trong các vở kịch của Lộng Chương, Đinh Ánh thành một con người tàn tạ đến không ngờ. Và đứa con đầu lòng tội nghiệp của tôi, một nhạc sĩ, cháu nội một gia đình trung lưu có học là một hình nhân chẳng khác gì bốn que tăm cắm trên một củ khoai gầy guộc.
Đúng là tôi đã sai lầm, đã phạm tội lớn với hai mẹ con. Trước mắt, tôi phải làm sao kéo vợ con ra khỏi cảnh sống nửa người, nửa vật này. Thế là bao nhiêu dự kiến, bao nhiêu ước mơ đều bị xếp xó. Tôi về Bộ Tư Lệnh IV với quyết tâm xây dựng nhanh đoàn văn công với mục đích tối thượng: đưa vợ con trở lại Đoàn. Trước mắt là có miếng ăn cái đã. Tôi lùng xục các đơn vị để tìm nhân tài (tạm). Cũng may thời ấy ở Khu IV có khá nhiều đơn vị mang 2 con số 33, 55, 44 đều là các đơn vị “thu dung”, nơi đã cung cấp cho nhiều đoàn nghệ thuật những tài năng sau này phát triển thành nghệ sĩ nhân dân, ưu tú như Hoài Phiên, Đoàn Bôn, Huy Thành vv…Một lẽ đơn giản: họ đều là “lính kiểng”, không có khả năng chiến đấu, thậm chí một số còn mang lý lịch xấu, thuộc loại “có vấn đề”.
Tôi lao vào các “mỏ quặng nhân tài” này, tìm ra một loạt các tay hát được, múa được, thể hình cao ráo, lanh lợi. Các cái tên Đoàn Bôn, Hoài Phiên, Hữu Độ, Bá Sĩ... sau này còn ở lại nghề cho đến lúc về hưu. Một số khác, nửa đường đứt gánh do sự tuyển chọn “lấy được” của tôi, nhưng tôi đã cố gắng sửa chữa sai lầm của mình bằng cách cho họ đi học để khỏi làm hại cuộc đời họ bằng cái nghề diễn viên bất đắc dĩ mãi! Một số đã thành đạt, trở thành giáo sư, tiến sĩ, nhà ngoại giao. Người không may nhất, cũng có tâm và có tài nhất là Vũ Ngọc Hải, đã bị tù khi làm...bộ trưởng Bộ Điện Lực. Nghe đâu anh ta đã làm quá đúng, quá tốt trước khi người ta yêu cầu... tốt và đúng!
Chỉ trong một tháng, tôi đã xây dựng hòm hòm được một đoàn văn công 30 người theo đúng yêu cầu của lãnh đạo: chỉ lấy công nông binh! Nam thì đã sẵn (dù gượng ép) chỉ cần ký lệnh điều động. Còn nữ chỉ duy nhất...vợ tôi đủ tiêu chuẩn...“binh”. Thế là đi lùng trong các làng, xóm xem em nào mặt mũi sáng sủa, thử vài động tác múa do vợ tôi thị phạm, vài câu hát do chính tôi hát trước. Và...OK!
Rốt cuộc tôi cũng có trong tay một “đoàn nghệ thuật” biên chế thành tổ kịch, tổ múa, tổ hát hẳn hoi. Để có một đội chèo theo trên chỉ đạo, tôi được tăng cường một cán bộ...quân sự chính cống sẵn sàng bỏ hết “công danh” để về làm văn nghệ chuyên nghiệp vì ông ta cũng có tài vặt hát chèo, đánh trống, kéo nhị trong các buổi đơn vị ông tham gia hội diễn quần chúng. Đó là đại đội phó pháo binh Nguyễn Văn Thịnh, một người yêu văn nghệ hơn cả tôi, sẵn sàng làm phó cho tôi, giúp tôi đi soi đèn, kiểm soát xem đêm đêm có anh diễn viên nam nào dám mò đi kiếm chác bên nhà nữ!
Dưới sự đôn đốc của ông Thịnh, với khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả chúng tôi đều hăng say ngày đêm luyện tập, dàn dựng tiết mục để Đại Hội Văn Công toàn quốc sẽ diễn ra ngay những ngày đầu tiếp quản thủ đô! Tất cả những gì tôi học được ở những ngày chờ đợi tại đại hội văn công toàn quân, tôi đều giốc ra với anh chị em: từ khổ trống chèo học trực tiếp của cụ Năm Ngũ đến điệu múa Mã Đao Vũ học của đoàn văn công lục quân Trung Quốc và tất nhiên các tiết mục “con đẻ” của tôi đều được hoàn chỉnh thành một chương trình đàng hoàng.
Công sức của vợ tôi với các chị em mới tuyển cũng không ít vì cô là người thâm niên nhất, là con dao pha trong cả hát, múa, kịch suốt quá trình ở hai đoàn văn công trước đó. Tất cả đã sẵn sàng ra quân...hí ha hí hửng trở lại Đô Thành! Nhưng nhiệm vụ của đoàn văn công Bộ Tư Lệnh IV chúng tôi lúc đó lại được trên... thay đổi:
Không tiếp quản thành phố mà hỗ trợ cho cuộc đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất, hoạt động khắp vùng giới tuyến và biên giới Việt Lào! Tôi đã vì vợ con mà cố thành lập cho được đoàn này để rồi tìm cách chuồn về với gia đình, với cha mẹ và 6 đứa em tôi. Thế mà bây giờ chính tôi đã làm một cái “cũi” lớn để tự nhốt tôi vào đó.
Quả thật, những ngày hòa bình sau 1954 đối với tôi là cả một cuộc chiến mới mà tôi suýt mất mạng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi phải tiếp tục đóng vai trò hai mặt: một mặt “vì nhân dân phục vụ”, một mặt sống cho vợ con và chờ thời. Tuy nhiên, nhiệm vụ đoàn trưởng một đoàn văn công khá lớn (chỉ sau Tổng Cục Chính Trị) đã chi phối, hành hạ tôi đến khốn khổ vì phải đối phó liên tục với mọi đường lối chủ trương rất...Tầu Mao từ trên dội xuống mỗi ngày. Nào là “Hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”, “Thâm nhập thực tế”, “Ba cùng”, “Chống chuyên môn thuần túy”, “Chính trị là thống soái” vv...Tất cả đều (vô tình hay hữu ý?) hướng vào việc triệt tiêu mọi sáng tạo nghệ thuật, biến nghệ thuật thành những cái thực dụng thấp lè tè, miễn là hát lên được, diễn lên được những gì lãnh đạo muốn thấy.
Trong quân đội lại có thêm khẩu hiệu “Tiến lên chính qui hiện đại” mà trước mắt là quân phong, quân kỷ để ghép tất cả vào kỷ luật. Bắt đầu là cuộc sống doanh trại (dù chỉ là những ngôi nhà tranh, tre, giường nằm vẫn là những mảnh ván thô kê trên hai chiếc niễng), nhưng điều lệnh nội vụ được áp dụng triệt để. Chăn màn, chiếu, ba lô phải gấp ngay ngắn, vuông vắn, thẳng tắp. Giờ giấc quy định, đúng phóc theo lệnh kèn, không trừ một ai. Dù là văn nghệ sĩ, là diễn viên cũng mặc –– Anh là văn nghệ quân đội kia mà. Bên Tầu họ như thế cả! Sáng tác phải thức đêm khi có hứng ư? Chuyện lãng mạn của bọn tiểu tư sản bịa ra cốt để bào chữa cho cách sống bê tha! Lao động nghệ thuật là một thứ lao động như trăm ngàn lao động khác! Đảng đã cho ta một trái tim, đã chỉ lối đưa đường, hãy phấn đấu sống cuộc sống quân đội, ắt sẽ nói được tiếng nói của người lính! Kỹ thuật chẳng qua chỉ là phương tiện. Biết bao người có học hành gì đâu mà cũng viết được khối tác phẩm cách mạng ra cách mạng!
Chính ở cái thời Mao-ít tận xương tận tủy này đã xuất hiện những tên cơ hội chủ nghĩa số một, đủ mầu sắc, những tên bốc thơm bợ đít, đã làm ra những câu thơ tuyệt vời nghệ thuật cách mạng vô sản như của Tố Hữu:
Giết! giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt!
Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt!
Cũng chính những năm này, biết bao tên tuổi đã bị lên án thậm chí bị ghép tội “chống Đảng”, “đi theo đường lối tư sản”, “ăn phải bả chủ nghĩa đế quốc” vv...bị cấm sáng tác, bị đưa ra khỏi biên chế, thậm chí bị đi cải tạo. Có người uất ức thề chết không bao giờ cầm bút. Có người trở thành nửa điên, nửa khùng. Có người chuyển ngành, nát rượu, rồi chết trong quên lãng. Tên tuổi của họ quá nhiều và chẳng cần nhắc lại. Còn những kẻ đào đất chôn thây hàng loạt tác giả và tác phẩm bỗng trở thành những “ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ vô sản!” Một số đã bị lịch sử chôn vùi nhưng lạ thay, không ít kẻ đã “đánh đập” văn nghệ sĩ độc ác nhất nay vẫn nắm những chức vụ cầm cân nảy mực trong đời sống văn nghệ.
Tôi không muốn nêu ra những cái tên bẩn thỉu đã dùng những từ ngữ thiếu văn hóa nhất để lên án một Vũ Trọng Phụng, một Đặng Thế Phong một Nguyễn Công Hoan (khi viết Đống Rác Cũ). Họ là ai? Đang làm gì? Cả nước đều biết, thế giới đã biết. Giấy trắng mực đen còn lưu lại những bài lên án một Màu Tím Hoa Sim, một Đoàn Chuẩn, một Vũ Hoàng Chương... đã đưa họ lên đài danh vọng, ăn trên, ngồi trốc vì có “quan điểm lập trường” hơn người. Đang còn sờ sờ kia!
Có thể họ u mê, bị nhồi sọ, họ cuồng tín?
Nhưng đối với bọn nghĩ thế này, nói thế khác để kiếm chác thì, cho đến chết tôi vẫn nguyền rủa chúng và thực tế, mãi tới sau này, tôi không bao giờ bắt tay chúng, nói câu giao đãi với chúng trong những lần gặp gỡ bắt buộc do công việc phải chạm trán. Tôi không nêu tên chúng ra đây vì lòng thương đối với con cái chúng, chứ tuyệt đối không hề tôn trọng chúng.
Có thể nào quên được các cảnh đấu tố giữa văn nghệ sĩ với nhau mà có những kẻ vạch ra chuyện như “chuyên môn thủ dâm”, “làm tình một lúc với hai phụ nữ”! Tất cả chỉ nhằm chôn vùi vĩnh viễn một tên tuổi và hút máu mủ từ những xác chết văn nghệ do chính chúng tạo ra để sống phây phây, để chiếm lòng tin của “trên”. Cái “Chân” trong chúng chẳng có, sao chúng có nổi cái “Thiện” và cái “Mỹ”? Vậy mà có ô dù của một “anh lãnh đạo”, nắm một cơ quan báo, đài, xuất bản, thậm chí chui vào được cả những bộ phận đầu não của chính quyền, chúng mặc sức ra tay hành hạ anh em văn nghệ bằng các cuộc học tập, đi thực tế, đi “cải tạo lao động”, “ba cùng”. Hàng loạt những tác phẩm không đáng giá một xu được tung ra theo yêu cầu của “trên” ca ngợi cuộc “cách mạng long trời lở đất” của nông dân, đề cao phong trào “một mo cơm, ba quả cà, tiến lên đồi trọc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Rồi “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, rồi “Người Tốt Việc Tốt”, “Mỗi Người Làm Việc Bằng Hai”…Tất cả đều thành tác phẩm văn nghệ hết. Có những cuốn sách in cả triệu bản phát không như Con Chim Đầu Đàn, Sống Như Anh... Có những bài hát “tất phải hát” không sống được vài ngày. Đáng lẽ phải đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi của cuộc sống tinh thần trong hòa bình thì do bắt chước bọn Mao-đồ-tể, do...chẳng biết làm gì nếu không có đầu rơi, máu chảy,người ta lại căng cứng hơn cả trong chiến tranh, tiếp tục dùng người Việt trị người Việt bằng cách chia họ ra thành những giai cấp, để bắt đầu một cuộc diệt chủng kiểu mới. Nếu một Làng Tôi, một Quê Em Miền Trung Du, một Ba Vì Năm Xưa... được chấp nhận trong kháng chiến thì những ngày gọi là hòa bình đó, một Xa Khơi, một Bài Ca Gửi Noọng, một Tình Ca Tây Bắc thậm chí cả Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người...cũng bị các nhà cầm cân nẩy mực phán một câu “tiểu tư sản”... “ủy mị”!
Tôi còn nhớ trong ban giám khảo một cuộc thi, một vị quyền cao chức trọng đã phê phán Trần Kiết Tường: “Ca ngợi Bác Hồ như kẻ...thất tình!?” Và người ta đã trao giải cho những Cô Thợ Hàn, Ông Lão Xã Viên vì đề tài đúng phóc yêu cầu của Đảng là đề cao giai cấp công nhân và nông dân! Tuy nhiên, cũng chính trong lúc này, cuộc đấu tranh vì cái đẹp chân chính bắt đầu nảy sinh... từ sự trao đi đổi lại trong các nhóm nhỏ tới chỗ bùng lên trên báo chí, trong các hội nghị, trong các buổi học tập đủ thứ nghị quyết, hết số 1, đến số 2, số 3... có Trời nhớ nổi!
Và cái gì phải đến đã đến. Đó là vụ Nhân Văn!
Vụ này nói trắng ra là một vụ ra tay trừng trị những cái đầu đang muốn tìm đến một chút tự do, chỉ một chút thôi, trong sáng tác và trong sinh hoạt. Và cũng không có gì lạ khi nó nổ ra ngay giữa một môi trường kỷ luật thép nhất: quân đội!
Chính từ Phòng Văn Nghệ Quân Đội, một số văn nghệ sĩ đã đấu tranh để “bung ra” khỏi sự gò ép “giờ nào việc nấy”, bung ra khỏi các qui định máy móc về quân phong, quân kỷ, về điều lệ đội ngũ đem áp dụng đồng loạt cho họ, những người tuy ăn cơm, mặc áo quân đội nhưng chẳng ai có ham muốn trở thành lính chuyên nghiệp, chẳng ai có chức vụ, cấp bậc gì rõ ràng ngoại trừ một người duy nhất là “đại úy Thanh Tịnh”. Cái giấy phong quân hàm lạ lùng này do chính tay ông Lê Liêm lúc đó còn ở Bộ chỉ huy mặt trận nào đó, nếu tôi không nhầm, ký. Thanh Tịnh còn có cả một giấy chứng nhận được xử dụng khẩu Smith Weston chiến lợi phẩm và đã là đề tài cho chính Thanh Tịnh kể chuyện vui những khi có liên hoan: “Tôi là đại úy duy nhất không biết...đi đều! Còn khẩu súng này là khẩu súng tôi chỉ mong địch nó...bắt được để nó... bắn tôi và nó sẽ... chết vì đạn... chạy hậu!”
Giữa các tên tuổi tài danh như Hoàng Cầm, Tử Phác, Trần Dần, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn ([2]), Lương Ngọc Trác ([3])... hầu hết đều đi tắt vào lực lượng võ trang mà chưa học “đi đều... bước!”, một văn nghệ sĩ đảng viên có bằng cấp quân sự, biết sáng tác, biết chỉ huy dàn nhạc, còn biết cả dẫn đầu đơn vị mỗi sáng “Chạy đều! Chạy!” cả chục cây số, tôi là một “vốn quí” của quân đội lúc ấy. Cứ gắng đóng kịch ít năm thì hoạn lộ đầy lợi quyền đối với tôi đâu có quá xa vời. Vậy mà cái tư tưởng rời khỏi quân đội càng sớm ngày nào càng tốt vẫn cứ âm ỉ trong tôi.
Nhưng đâu có dễ ra khỏi cái tổ chức hết sức chặt chẽ này! Ra bằng cách nào mà không bị sứt tai, mẻ trán, không bị khoác vào cổ tấm biển “chống Đảng” hoặc “đảng viên bị khai trừ”, để vợ con khỏi bị liên lụy quả là nan giải!
Đặc biệt sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, do không có điều kiện để... liên quan, tôi càng được tín nhiệm. Nói cho đúng, nếu tôi sống ở môi trường Hà Nội, ắt tôi sẽ là một “nhân văn” cỡ... kha khá. Không ít lần, ra họp ngoài trung ương, tôi đều được các vị “đàn anh” lôi kéo, thậm chí còn đưa ra một loạt bộ mặt nằm trong “hệ thống Ignorance au pouvoir” ([4]) cần loại bỏ. Tôi cũng bị “dí điện” bởi những tâng bốc... cỡ tôi đáng ra phải là thế này, thế nọ…hoặc cái tên A, tên B đang sống bằng cách... dìm chết anh em, và thằng này thằng nọ đang “đặt bục công an giữa trái tim người” vv... Đặc biệt với anh em văn nghệ trong quân đội thì chuyện o ép, ghép vào kỷ luật, chống các viên “đạn bọc đường”, “biến chất”, “ăn phải bả tư sản” lúc này đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. Đại diện cho phong trào đấu tranh giải phóng khỏi mọi gò bó về tư tưởng, về sinh hoạt, giờ giấc, tác phong, điều lệnh là các vị Tử Phác, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện... Tôi là đối tượng cần phải lôi kéo qua những phát biểu hăng hái của tôi về sự đau khổ của một văn nghệ sĩ sống xa Trung Ương. Tôi sẽ có một số phận cực kỳ bi đát (hoặc cực kỳ tốt đẹp?) nếu nhân cơ hội này “đứng lên” theo chân các bậc tiên chỉ như Văn Cao, như Tử Phác?
Tiếc thay và cũng may thay là cái sự...hèn vì thương vợ, thương con, vì chẳng còn nơi bấu víu khi cả gia đình tôi đã bám lấy cái lương công chức... di cư vào Nam! Thế là tôi đành... ậm ừ không dám nhận viết một bài vạch trần tội ác của lãnh đạo văn nghệ Quân Khu IV theo gợi ý của Nguyễn Văn Tý, người sau này chẳng có quyết định phục hồi gì vẫn bắt buộc phải trao giải Hồ chí Minh! Chẳng hiểu Đảng cải tạo anh hay... ngược lại?
Nói tóm lại, kiếp nhạc sĩ đảng viên hèn, tôi vẫn cứ là thằng hèn! Tôi…run khi Phùng Quán rủ tôi đến chơi một “nhà văn nữ có thể đọc ngược Hamlet ([5]) (!) bằng tiếng Anh”: Thụy An. Tôi đã rút lui ngay khi đến thăm Tử Phác, được chứng kiến những đồng chí của tôi nằm dài bên... bàn đèn thuốc phiện mà chửi đổng! Tôi còn biết nhiều tên chẳng tài cán gì nhưng cũng cố “theo đóm ăn tàn” ra vẻ nhân văn, nhân viếc. Đám này đã bán rẻ anh em trong các cuộc đấu tố về sau.
Tóm lại, sau khi tiếp quản Hà Nội, một sự phân hóa về tư tưởng, về nhận thức mọi mặt trong đời sống xã hội đã tác động rất lớn đến giới văn nghệ và những cái tên nhân văn thật, nhân văn dỏm, những tên chỉ điểm, hai mặt kể cả trong lẫn ngoài Đảng dần dần lộ diện. Tôi cũng không muốn nêu tên của họ vì lúc này có người đã chết, có người đã...nhận ra mình bị những tên trùm văn nghệ lưu manh kiêm mật thám lợi dụng nên trót tố cáo anh em trong thời gian học tập nội bất xuất, ngoại bất nhập suốt cả tháng trời tại lăng Hoàng Cao Khải. Loại người này tôi coi như người đã... chết! Và đã chết thì...thôi! Tha!
Riêng cá nhân tôi, với những mâu thuẫn đầy mình, tôi đã dừng lại đúng lúc sau bài “Khuyết điểm tại ai?” đăng trên báo Văn Nghệ trả lời Trần Công. Bài này là tuyên ngôn của Tô Hải trước vụ Nhân Văn. Tôi lên án sự gò bó về đề tài, về sinh hoạt đối với anh em văn nghệ trong quân đội. Bên cạnh đó, tôi cũng cực lực chỉ trích lối sống “văn nghệ thời xưa” (bệ rạc, rượu chè, hút sách...), nếp sống vô kỷ luật dễ đưa đến “ăn phải đạn bọc đường”...
Sau bài báo này, tôi bị anh em Nhân Văn cho là “thành phần không đáng tin cậy”! Trớ trêu là chính sau bài báo này, tôi lại bị chi bộ kiểm điểm về “lập trường không vững”, “không có tinh thần bảo vệ Đảng”! Nhất là tôi đã cả gan sáng tác một ca khúc đăng trên báo...“ngoài”, tức không phải của quân đội, bài Lời Tổ Quốc. Người ta chỉ trích tôi là sáng tác để…kiếm tiền.
Ở cái đất “lập trường nhất thế giới” là khu IV, tôi chỉ thật sự sống cho tôi khi có dịp được về Hà Nội và phải công nhận là tôi gặp không ít may mắn khi rất nhiều người đã vạch cho tôi một con đường thoát: đi học!
Người đầu tiên thông cảm với nỗi khó khăn của tôi lại là ông “vua nguyên tắc” Lưu Hữu Phước! Lúc này dưới trướng ông, gần như tất cả đều không ai mê anh nhạc sĩ “đi đều, bước!” mà tôi lại là đại diện cho thứ âm nhạc “tempo di marcia” với hai bằng tốt nghiệp... quân sự!
Bồi dưỡng chuyên môn để trở thành cốt cán văn nghệ của Đảng là lời anh Phước khuyên khi gặp tôi ở nhà riêng trên đường Nguyễn Thái Học. Còn Lương Ngọc Trác thì nói “Phải học mới tồn tại được, mới ấm vào thân được. Cắn răng vào mà học đi!” Nhưng đi học nước ngoài cùng đợt với Huy Du, Trần Ngọc Xương, Hoàng Đạm...thì tôi đành từ chối! Lý do duy nhất: vì quá mắc mớ gia đình, con cái. Tôi ra đi thì vợ con sẽ dựa vào ai?
Lúc này, 1956, tôi đã có đứa con thứ hai và gia đình vợ, chỗ nương tựa gửi con để vợ tôi có thể lên đường đi biểu diễn không còn nữa. Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên... địa chủ. Bố vợ tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, bỏ lại tất cả gia tài, điền sản, nhà máy ở Tân Mai. Đưa vợ con chạy ra Bắc, còn lại ít nữ trang, tiền bạc, gia đình ông ở lại thành phố Vinh. Khi Vinh bị tiêu thổ kháng chiến, ông mua một mảnh vườn sát chân núi ở Diễn Châu. Sau những ngày xất bất xang bang, cái gia đình tiểu tư sản đàng hoàng vừa tổ chức được cuộc sống ổn định thì bão tố ập đến.
Người ta lôi ông già ra đấu, tra hỏi vì sao không họ hàng hang hốc gì mà về đất này mua đất, làm vườn? Có phải để bóc lột nông dân không? Hai con đi bộ đội cùng thằng rể (là tôi) sao đã lâu không có tin tức? Có phải chạy theo giặc không? Tất cả lý lẽ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm bằng hết những gì có thể chiếm: giường tủ, bàn ghế, quần áo, mâm đồng, chậu thau, bát đĩa, ấm chén…
Phải kiếm cho ra một cớ gì mà trấn lột công khai chứ! Thôi thì chụp cho cái mũ “kẻ thù giai cấp” là xong!
Còn chuyện này cũng phải nói ra. Sự thật là trong lúc gia đình bị đấu tố, tôi và Nguyễn Đăng Long (sau là thiếu tướng) đều biết, nhưng chẳng qua đều... hèn, nên chẳng đứa nào dám thò mặt về thăm gia đình. Vả lại, con cái địa chủ mò về lúc ấy mất mạng như chơi. “Dứt khoát” với kẻ thù giai cấp (một lối nói hay được dùng thời ấy) chứng tỏ có lập trường vững. Và chỉ có những người có lập trường vững mới có…tương lai.
Riêng tôi, do hoàn cảnh bó buộc, không thể không liên hệ với gia đình vợ. Lý do: thằng con trai thứ hai khốn khổ từ lúc lọt lòng mẹ được ông bà ngoại nhận nuôi để vợ tôi có thể lên đường tái ngũ. Cùng với ông bà ngoại, thằng bé nằm trong vòng vây của “các ông bà nông dân”. Nghĩa là sau khi lột hết từ cái quần đến chiếc bát mẻ, cả nhà vợ tôi, già trẻ lớn bé, không trừ một ai, “bị giam tại chỗ”, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hình phạt này là cách bắt người chịu án đói hoặc tự tử. Nhiều người không chịu nổi đã tự kết liễu cuộc đời!.
Tôi đành liều mạng trở về cứu đứa con trai. Tôi về làng, mang theo giấy giới thiệu của ông Ngự, một cán bộ cốt cán của Đoàn Ủy Cải Cách Ruộng Đất. Theo giấy giới thiệu, cháu Tô Đăng Sơn là con đồng chí Tô Đình Hải chỉ là một đứa bé “người dưng” gửi lại gia đình tên địa chủ Nguyễn Đăng Quỳ mà thôi! Đối với tôi, ông Ngự là một ân nhân mà, than ôi, tôi không sao có thể trả ơn, bởi chính ông sau này cũng bị “xử trí” –– khai trừ Đảng và khai trừ khỏi... mặt đất, bởi có hành động “cản trở cuộc cách mạng long trời lở đất!”.
Tôi nằm một đêm tại trụ sở Đội Cải Cách mà lòng đầy căm hận. Mối hận “lầm đường” trào lên mỗi khi nghe tiếng loa phát đi phát lại: “Lệnh cho tên địa chủ Nguyễn Đăng Quỳ...mang trả lại con tên là Tô Đăng Sơn... cho ông bộ đội Tô Đình Hải…”
Sáng sớm chưa rõ mặt người, tôi thấy bố vợ tôi mặt mày sưng vù, răng cửa rụng gần hết (do bị đánh), mang tới trụ sở một thằng bé, không, một xác trẻ con gày guộc xám ngoét. Đó là thằng con yêu quí của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang còn sót lại mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà mớm cho. Nhìn con trong tình trạng ấy, tôi nguyện với mình phải trút mối căm hờn nén lại bằng phát súng bắn thẳng vào thái dương những kẻ đã gây cảnh đau khổ cho gia đình tôi, lần lượt từng đứa một.
Tôi cắn răng ôm lấy con, không kịp nói một lời an ủi bố vợ, vì “các ông bà nông dân” đã đuổi quầy quầy ngay khi ông trao đưa cháu ngoại cho tôi, ở đầu làng. Tôi chỉ còn kịp nói với theo một câu: “Chúng con sẽ trở về!”
Chúng con đây chính là những đứa con bất hiếu vì tình thế phải nén căm hờn để tồn tại, để giữ lấy mạng sống cho một ngày mai… bất định. Tôi bắt đầu xét lại cái “chỗ đứng thiêng liêng nhất” của tôi: là đảng viên một cái Đảng mà vừa đánh Tây xong lại quay sang đánh dân mình! Tôi quyết tâm bằng mọi giá phải ra đi, đi ngay khỏi vùng đất dữ này, mặc cho hậu quả đối với gia đình sẽ ra sao.
Và thời cơ đã đến: Tổng Cục Chính Trị có lệnh triệu tập một số anh em “cốt cán” đi học bồi dưỡng nghiệp vụ.
Thế là tôi để vợ và hai con lại thành phố Vinh hoang tàn để ra Hà Nội. Ở đây tôi đã gặp từ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Lương Ngọc Trác, Văn Chung ([6])… trong một lớp bổ túc sáng tác do chuyên gia Bắc Triều Tiên giảng dạy. Lớp học này, về sau này tôi mới vỡ lẽ, là kết quả sự đấu tranh dai dẳng giữa hai quan điểm “nên hay không nên học nghệ thuật... tư sản!” của mấy ông trùm cao nhất của “đỉnh cao trí tuệ Việt Nam”!
Chả là: đến những năm 1960, hai ông Hà Huy Giáp ([7]), Cù Huy Cận một là bí thư Đảng đoàn, một là thứ trưởng bộ Văn Hóa còn đặt lại vấn đề: “Trường nhạc Việt Nam có nên học đồ-rê-mi không? Tại sao không học hồ, xừ, sang, cống, líu?” hoặc “Việt Nam ta không thể có bi kịch” (Hà Huy Giáp), thậm chí “Giao hưởng là nhạc tư sản phương Tây” (Cù Huy Cận) vv... Tất cả những phát biểu ngu dốt này còn nằm trên báo chí những năm 1960-1970 như vết nhơ của một giai đoạn “ngu dốt đến phá hoại” của những kẻ có quyền sinh quyền sát cả một thế hệ văn nghệ nước nhà. Đáng kinh tởm, đáng đưa ra tòa án lịch sử hơn là những kẻ cơ hội, những tên gia nô văn nghệ chuyên môn bợ đít các “anh trên”, hùa theo dây máu ăn phần, kiếm tí chút chức danh và quyền lợi.
Lịch sử hãy công bằng, qua các tư liệu, văn bản giấy trắng mực đen còn lưu khắp nơi mà xóa tên chúng khỏi các sách giáo khoa, các bảng tên đường phố, bất kể chúng sau này có vẻ thay đổi cách nhìn, có viết được dăm ba thứ quay ngoắt 180 độ ca ngợi những người mà chính chúng đã là chỉ điểm cho bộ máy giết người của Đảng giết họ cả thể xác lẫn tâm hồn. Tội chúng không thể dung tha!
Ngay giữa hàng ngũ chỉ huy cao cấp nhất trong và ngoài quân đội thời ấy, có một số người chỉ vì một chân lý giản đơn nhất là “Thời thế đã thay đổi”, phải “tiến lên chính quy và hiện đại” trong mọi mặt đời sống mà cuối đời phải thân bại danh liệt, để chúng tôi được hưởng một chút văn minh, tiến bộ của loài người nói chung và của nền âm nhạc chân chính nói riêng. Trong những người mà suốt đời tôi không bao giờ quên ơn ấy, có ông Lê Liêm.
Chính dưới thời ông Lê Liêm phụ trách văn nghệ mà các trường nhạc, trường múa, trường điện ảnh, các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng ra đời. Nhưng khi chính ông lại lao vào học piano và... sáng tác nữa thì chúng tôi đều tiên đoán “ông đang đi vào con đường... chết!” Và ông chết thật, chết cả về địa vị, về sự nghiệp, về danh hiệu “đảng viên lão thành” và chết trong quên lãng của người đời!
Một câu nói của ông lúc còn đương chức khi gặp tôi ở nhà riêng trên đường Cột Cờ, tôi vẫn nhớ: “Phải chống lại những thứ giáo điều từ “bên ấy” (Tàu) đang làm mai một hết tài năng của anh chị em”. Đến nay, tôi vẫn thấy ông đúng, đúng 100%, đúng đến muôn đời.
Sau này khi bị ghép vào tội “xét lại”, bị khai trừ khỏi Trung Ương, khỏi Đảng, ông còn nói với tôi: “Lịch sử sẽ chứng minh là tôi không “xét lại” vì tôi đã “xét đi” bao giờ!” Tất cả chỉ là “rập khuôn theo người ta” chứ đã nghĩ ra được đường lối văn hóa nào riêng của mình đâu!”. Ông chẳng được ai “phục hồi” vì những kẻ “đánh” ông vẫn đang ngồi kia, còn những kẻ mới lên dại gì mà nhắc đến ông, dù họ... “xét lại” hơn ông cả ngàn lần!
Phong trào “tiến lên chính quy và hiện đại” trong quân đội giúp một số anh em có tâm, lo lắng cho sự ngu dốt thật sự của mình (do 9 năm chỉ biết làm theo bản năng) lập được một trường nhạc quân đội do ông Trần Du, một cán bộ chính trị, làm giám đốc. Ngôi nhà 13 Cao Bá Quát và 13 Lý Nam Đế được dành cho các lớp sáng tác, chỉ huy, và các lớp nhạc cụ từ violon, cello, contre basse tới bộ gỗ, bộ đồng... Trong 2 ngôi nhà cùng mang số 13 ấy đã nảy sinh bao nhiêu vụ chém giết nhau về quan điểm học và dạy. Nhưng cũng chính từ nơi đó, lần đầu tiên, anh em “làm nhạc bản năng” mới vỡ lẽ là chưa bao giờ và chưa có ai là nhạc sĩ chuyên nghiệp cả! Tôi phải đau lòng nhắc lại câu của Lương Ngọc Trác: “Cắn răng lại mà học” khi thấy thầy Mao Vĩnh Nhất sau khi kiểm tra trình độ anh em, đã buông một câu:“Không ai hiểu một điều gì cơ bản trong âm nhạc hết! Phải học lại từ đầu thôi!”
Thật là nhục! Mang tiếng “nhạc sĩ” mà chưa biết cách viết 4 bè hòa thanh ra sao, chẳng biết mặt mũi tờ giấy tổng phổ thế nào? Còn về cách ký âm, điều kiện tối thiểu để sáng tác nhạc, thì... càng xấu hổ, chẳng khác gì nhà văn chưa biết chữ vậy! Mỗi anh một kiểu, thậm chí gạch phách, gạch nhịp chẳng theo qui luật nào, hết sức tùy tiện, có anh đưa thầy xem tác phẩm cũ của mình, bài nào cũng ghi trên portée...3 dòng! Chẳng một ai có nổi cái tư duy cùng một lúc trên hàng loạt âm thanh, tiết tấu, màu sắc âm nhạc khác nhau! Ngay người đã có kinh nghiệm viết cho dàn nhạc như Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác và cả bản thân tôi đều làm cái việc “cho nhạc cụ hát thay con người”, cho dàn nhạc đánh những câu đơn giản, vuông vức, còn phần đệm chẳng qua thay cây ghi-ta bằng những cây kèn, cây đàn khác thôi. Tiếc thay, tới nay, 1998, người ta vẫn gọi cái việc hoàn toàn thủ công mỹ nghệ đó là... “hòa thanh, phối khí!” Nội dung của dàn nhạc, màu sắc, hòa thanh lại vẫn chỉ là các ắc-co trưởng, thứ, 7, 9, hoặc “siêu” hơn nữa thì có tí tăng, giảm lắp vào theo kiểu hòa thanh cột đèn (!) bất kể điệu thức, tình cảm của bài hát.
Trở lại với lớp học âm nhạc đầu tiên của các nhạc sĩ “số một” Việt Nam lúc bấy giờ, cả lũ chúng tôi (xin lỗi hương hồn các anh Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đỗ Nhuận vì đã gọi các anh là “lũ”!) đều nhận thấy “không học là làm nhạc...bịp”! Sự thật là trong những năm ấy, sáng tác bài hát chỉ là một thứ “trò chơi”, hứng chí thì hát lên những lời ca (ý đẹp lời hay càng tốt) bằng những âm thanh lên xuống, nhanh, chậm, ngắn, dài…Thế là trở thành nhạc sĩ của Đảng rồi! Và không ít người đã nhận ra con đường làm văn nghệ “dễ xơi” nhất là làm...nhạc sĩ ở cái xứ mà cả nước đều dễ bị...bịp, dưới sự lãnh đạo của một cái gọi là Đảng Cộng Sản chuyên bịp người và bịp mình! Cũng vì lẽ đó mà tới hôm nay, những “Hội” do Đảng thành lập và trả lương có cả trên ngàn “nhạc sĩ hội viên” không cần học nhạc và hàng trăm nhạc sĩ “nổi tiếng” ở các tỉnh lẻ làm nhạc “không son phe”, chẳng khác nào nhà văn mà chưa qua lớp i-tờ vậy! Một hiện tượng có một không hai trong lịch sử âm nhạc thế giới và một kỷ lục của Guiness mà không bao giờ người ta dám nói đến!
Cũng cần nhắc đến một hiện tượng chỉ có ở Việt Nam và một nước láng giềng là phong trào “tự biên tự diễn”. Đó là các thứ hội diễn ngành, nghề, tỉnh, huyện, xã... đã “ép” ra bằng được những nhân tài địa phương hoặc đi thuê mấy ông “nhạc sĩ đói”, đẻ ra những “tác phẩm” ca ngợi riêng địa phương, đơn vị, ngành nghề của mình! Thế là ông ổng trên Đài đủ thứ tỉnh ca, huyện ca, thợ lò ca, thợ đá ca, thợ điện ca, thợ may ca, thậm chí cả quét rác ca, đổ thùng ca, tín dụng ca, ngân hàng ca, khách sạn ca...làm loạn cào cào thẩm mỹ âm nhạc vẫn được khuyến khích, động viên, trao giải thưởng cao hơn cả giải chuyên nghiệp.
Trước xu thế “quần chúng làm nên tất cả” đó, việc tập trung một số cốt cán trong làng nhạc Việt cách mạng lại để cho họ nghiên cứu, học tập “kỹ thuật tư sản” về âm nhạc không phải chuyện không “bạo phổi” của mấy vị lãnh đạo có “tâm và có tầm”. Chẳng khác gì đưa đồng chí của mình đi học...nhảy đầm, cho phép đồng chí nếm thử “viên đạn bọc đường” để xem ai có đủ bản lãnh chỉ... mút đường rồi... nhả đạn ra! Cho nên, riêng về thành phần được chấp nhận là “học viên chính thức” hay “học viên dự thính” đã phải qua nhiều lần bàn bạc, thảo luận để thông suốt nghị quyết của trên về 3 tiêu chuẩn:
–1) Phải có quan điểm vững chắc, ưu tiên đảng viên!
–2) Phải sinh hoạt chính quy, chặt chẽ, rút kinh nghiệm vụ Nhân Văn Giai Phẩm, mọi vấn đề nảy sinh phải qua chi bộ thảo luận, kịp thời phản ảnh ngay lên Tổng Cục.
–3) Nêu cao tinh thần đấu tranh, đặc biệt với mọi thứ rơi rớt của nhóm Nhân Văn? ([8])
Tôi là một trong số “đủ tiêu chuẩn” làm học viên chính thức. Hàng loạt tên tuổi ham học chỉ qua buổi họp chi bộ đầu tiên, đã bị cho...“ra rìa”. Một số khác thì chỉ cho... “dự thính”! Ở cái lớp học âm nhạc chính quy “khai sơn phá thạch” này, càng ngày tôi càng thấy nó quả là sản phẩm có được nhờ sự đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng tiến-bộ-có-học và bảo-thủ-vô-học, không muốn mở mang đầu óc con người để dễ biến họ làm nô lệ cho một nhóm luôn thù ghét những gì là khoa học, là văn minh, là tiến bộ của loài người! Tuy nhiên, xu thế ‘tiến bộ”... tạm thời thắng thế nên lớp học “âm nhạc tư sản” cuối cùng được chấp nhận như một thể nghiệm để... “thử xem nó ra sao”.
Và cả quá trình học như điên, học đến phát bệnh ấy, tôi luôn bị dằn vặt về những lý thuyết bâng quơ như “mầm mống tư tưởng xét lại”, “sự xâm nhập của kỹ thuật tư sản”, “cần cảnh giác với chuyên gia Mao Vĩnh Nhất”, ông thầy khá tận tâm nhưng thẳng thắn, bạo miệng.
Lúc này ở bên Triều Tiên, các cuộc thanh trừng văn nghệ sĩ đã bắt đầu. Trước tiên là những người có tài và tốt nghiệp ở các nước tư bản về (trong đó có nghệ sĩ vũ đạo nổi tiếng Thôi Thừa Hỷ ([9]) bị thủ tiêu). Tôi còn luôn vang bên tai lời dặn dò của bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối (xin lỗi hương hồn bạn): “Tô Hải cần chú ý khi làm việc với thầy Mao! Ông này có vấn đề đấy! Cần cảnh giác với những gì ông ta phát biểu...Với tớ...về chuyên môn tớ cho thầy điểm 10, nhưng về chính trị, thầy là con số... 0 rỗng tuếch”!
Thì ra tình hình tư tưởng của chuyên gia hàng ngày cũng được đánh giá qua nhận xét của Triệu Đại Nguyên, đảng viên trưởng đoàn! Mới đầu tôi chỉ cho đó là nhận xét hằn học của ông bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối do bị thầy “quật” nhiều cú đau quá về chuyên môn. Ví dụ về một bài tập hòa thanh “viết cho xong”, thầy Mao phán: “Bài tập này còn tồi hơn bài tập của học sinh sơ cấp ở nước tôi!” Hoặc với một nhạc sĩ có tiếng giỏi về nhớ nhiều sách Tây thường hay đối chiếu với những gì đã đọc ra để chất vấn thầy thì thầy “chơi” luôn: “Tôi yêu cầu các đồng chí hãy nhớ là đã vào lớp học của tôi, chỉ nghe những gì tôi nói mà thôi, không có đưa bất cứ sách Tây, sách Tầu nào ra để làm phiền, làm khó cho tôi và cho mọi người nữa! Còn nếu không tin tưởng tôi, xin cứ việc rút lui!” Tôi còn nhớ gương mặt lúng túng của phiên dịch viên Hà Huy Hiền khi tìm chữ để dịch câu nói quá ư thẳng thắn sao cho nó nhè nhẹ bớt đi. Và càng học khó hơn, cao hơn, thầy càng có nhận xét thẳng thừng. Ví dụ: “X. chỉ có thể là... “thợ” nhạc! Y. sẽ chẳng thành tài trong nghệ thuật mà sẽ trở thành... một cán bộ chính trị!”
Cũng thời gian đang học tập chuyên môn này, có vụ phong quân hàm cho văn nghệ sĩ. Khi chính thức công bố, người cao nhất là Đỗ Nhuận chỉ có chức...thiếu tá. Một loạt đại úy gồm Lương Ngọc Trác, Trọng Loan. Hạng bét có Nguyên Nhung, chuẩn úy. Làng nhàng trung úy có mấy anh em chúng tôi: Tô Hải, Văn An...Thầy Mao Vĩnh Nhất chẳng ngần ngại phát biểu (bằng tiếng Việt lõm bõm): “Tô Hải...Triều Tiên... trung tá!” Có lẽ thầy chỉ nghĩ đến kết quả học tập và sáng tác của tôi nên tự phong quân hàm cho tôi mà phát biểu đụng chạm đường lối “duy nhất đúng đắn” của Đảng Lao Động Việt Nam nên sau này về nước thầy bị “no đòn” bởi báo cáo qua lại giữa hai Đảng.
Quả là ông thầy này có nhiều “tội” đáng chết thật, khi nói câu nào tôi cũng phát...sợ vì thấy nó quá đúng, nhưng đúng…chưa phải lúc. Riêng đối với tôi, ông có sự chăm sóc rất đặc biệt vì cho đến cuối khóa, thầy gần như chỉ tập trung chấm bài và hướng dẫn riêng cho tôi. Ngoài số anh em dự thính, chỉ có 6 người trong quân đội thầy mời đến nhà riêng ở phố Quan Thánh để bồi dưỡng, chỉ bảo, từ các điều sơ đẳng nhất về nghệ thuật viết nhạc không lời, về cấu trúc của các thứ Suite, Rondo, Sonate, những khúc thức mà đối với chúng tôi còn hoàn toàn xa lạ. Mỗi ngày tôi làm việc từ 15 đến 20 tiếng, làm việc đến chảy máu dạ dày mà không chịu đi bệnh viện.
Tôi như lạc vào một vương quốc đầy châu báu, hoa thơm, quả ngọt của truyện cổ tích. Cái gì cũng muốn chiếm làm của riêng mà không sao bê đi cho hết được. Tôi phải nghĩ ra nhiều mẹo vặt để nhớ và “tiêu” những thứ bổ béo đã được ăn. Ví dụ, để nhớ chủ đề một bản sonate của Beethoven, một bản giao hưởng của Tchaikovsky tôi đã đặt lời ca như “Chó nấu với giềng, ngon tuyệt / Bu mày ơi, có mệt hay không” (symphonie số V của Beethoven) hoặc “Dốt như con bò mà làm nhạc sĩ hay sao?” (số VI của Tchaikovsky). Còn về các bài hòa thanh (do quá nhiều) thì làm... ca dao! Ví dụ:
Nốt 7 giải quyết về 3,
Nốt 3 về 1 hoặc là về 5,
Nốt 5 trở lại căn âm,
Bè bass lên 4 xuống 5, cũng tùy...
Kể ra học như tôi cũng kỳ, nhưng biết làm thế nào để có thể nuốt nổi cả một chương trình mà thầy Mao gọi là “đại học của đại học!” Nghĩa là học hết mọi môn: tác khúc, hòa thanh, phức điệu, nhạc khí, phối khí, phân tích tác phẩm và ngượng nhất là môn piano. Lý do: piano thì không cách nào giấu dốt khi trả bài. Mà trả bài cho ai? Toàn là những cô giáo cùng hoặc kém tuổi mình: Minh Thu, Lê Liên, Thái Thị Sâm...những đàn em của các “nhạc sĩ dốt nhất thế giới về nhạc” và cùng có tên trong cái gọi là “Association des compositeurs Vietnamiens”! Thôi, muốn “ấm vào thân” (hay khổ vào thân?) thì chẳng có cách nào khác là phải...cày, cày, và cày! Làm bài hòa thanh chưa xong đã sang bài tác khúc, sang bài phối khí. Ngoài ra, lo chạy gam, tập Méthode Rose, Hanon, Classiques favoris... để sau này còn có thể hòa thanh trên đàn, chấm dứt tình trạng hòa thanh bằng “vẽ” trên giấy.
Không phải sự quá tải trong chương trình học tập là cái cớ để bàn ra, bàn vào về mục đích lớp học kỹ thuật của ông giáo sư ngoài Đảng (Đảng Lao Động Triều Tiên) đã học tập và trưởng thành từ đất tư sản Nhật Bản! Đa số cho là học nhiều thứ “vô bổ”, không có tác dụng, nhất là đang có chủ trương “Hướng về Đại Đội, phục vụ Chiến Sĩ” nên đã có sự cố ý cắt xén những cái không thể học cho vào để mong đưa chuyên gia vào quỹ đạo... tù mù với các khẩu hiệu “Chính Trị là thống soái”, “Kỹ Thuật là con dao hai lưỡi” vv... và vv... Nhưng một số anh em, trong đó có tôi, thấy rõ đó là sự tự ái, mặc cảm của một số có quyền nhưng... dốt đặc, không muốn qua lớp học này lộ rõ chân tướng là đồ...óc bã đậu! Chẳng qua đã trót được đưa lên ngôi “nhạc sĩ”, mà là nhạc sĩ lãnh đạo, nhạc sĩ cấp trên, nhạc sĩ cốt cán nữa, nên không thể để bọn nhạc sĩ “không đáng tin cậy” kia nắm được “vũ khí bí mật nghề nghiệp” để sau này khó...trị! Những bộ mặt bẩn thỉu trong văn nghệ này ở đâu cũng có và chỉ cần có chỉ số thông minh của con... mèo thì ai cũng thấy! Tuy nhiên, nói ra để bảo vệ chân lý “cái dốt là kẻ thù” thì chẳng ai dám, kể cả những tay bạo miệng như tôi. Thôi thì “bắt phơi trần, phải phơi trần. Cho may ô cũng được phần may ô”. Cái hèn của lũ chúng tôi là ở đó, muốn có miếng cơm, manh áo phải biết nghĩ một đàng, làm một nẻo. Muốn tồn tại, dù tồn tại một cách nghèo hèn, phải biết...im mồm! Và muốn làm văn nghệ phải biết nói: “Chỉ thị cấp trên, chủ trương của Đảng vô cùng sáng suốt”!
Chẳng thế mà người ta dám viết trơ tráo trên giấy trắng mực đen “Sáu tháng không tập đàn (do đi về đại đội “3 cùng”) tôi thấy tiếng đàn của tôi càng hay hơn trước (?!) do thấu hiểu được tình yêu giai cấp nên tôi dồn cả tình yêu đó của tôi vào trong tiếng đàn!” Hoặc: “Có cần thiết không, khi phải học các thứ kỹ thuật giao hưởng phương Tây?” (quan niệm giao hưởng là của Tây), “Có cần thiết phải học ba cái “hòa thanh nhà thờ” không, khi Lê Nin đã dạy chúng ta “tôn giáo là... thuốc độc của loài người?”.
Còn nhiều điều ngớ ngẩn, điên khùng nữa mà nói ra chắc thế hệ con cháu sẽ cho là tôi... bịa! Bởi đã có một lần ở nhà ông bạn nhạc sĩ Trịnh Tuấn, cả hai ông bố đã bị các con của ông “phang” cho một gậy, sau khi nghe bọn tôi ôn lại vài chuyện ngớ ngẩn cũ: “Sao bố và các bác thời ấy hèn thế nhỉ?!” Đau hơn cả bị người dưng đánh, tôi đành ngậm nỗi đắng cay trả lời: “Đúng! Chỉ vì để hôm nay các cháu được đi học nước ngoài, có nhà cao, cửa rộng, nên bố cháu và các bác phải chịu Hèn như vậy đó! Riêng bác, nếu không vì gia đình thì hôm nay, bác sẽ về nước với danh hiệu ít nhất cũng bằng các ông Trần Văn Khê ([10]), Nguyễn Thiên Đạo ([11])... được đưa rước, đề cao, nịnh bợ tùm lum trên báo, đài, tivi! Đâu có trở thành một anh nhạc sĩ công chức, chuyên bảo đâu làm đấy để lúc về hưu, phải ôm cả đống tổng phổ, sách, đĩa “âm nhạc đích thực” mà chờ ngày mang chúng cùng xuống dưới mồ thế này?”
Trở lại cái lớp “đại học… học đại” năm 1958...
Chúng tôi đều háo hức với những hiểu biết cơ bản đầu tiên về âm nhạc nên anh nào anh nấy quên hết mọi khó khăn về gia đình, về trình độ (rất không đồng đều) để tranh thủ kiếm ở thầy dăm ba nốt. Điển hình nhất là anh chàng Nguyên Nhung. Từ một “nhạc sĩ quần chúng” vô danh ở đơn vị F.325, cậu ta được “chiếu cố” lần đầu tiên đi học. Mà học ngay vào những môn khó nuốt như Rondo, Variations, Sonate! Cứ như vịt nghe sấm! Vì vậy, Nguyên Nhung là một điển hình trong trắng, học đến đâu ghi sâu đến đấy. Ngoài giờ lên lớp của thầy, cậu ta còn phải tự ôn những mục sơ đẳng nhất của chương trình sơ cấp. Ví dụ: nhạc lý, ký, xướng âm và “trụ” được đến cuối khóa vào loại ... trung bình. Trái lại, có loại thứ hai là các vị “cái gì cũng biết một tí nhưng chẳng biết cái gì.” Họ học để biết chứ làm thì... không được! Hoặc... không muốn làm vì sợ lòi cái đuôi dốt! Kết quả là cuối khóa, chẳng có tác phẩm nào, dù nhỏ nhất trình làng. Còn loại “phục xuống mà viết” (cụm từ của Nhân Văn) trong đó có tôi thì kiên trì “moi” cho bằng hết chữ của thầy. Chúng tôi thể nghiệm tất cả những gì đã được học. Bài làm nào cũng nộp thầy đầy đủ kể cả bài piano (sau khóa học tôi đã tiến đến Classiques favoris II) và tiến hành hòa thanh được trên đàn. Tôi ôm bụng (đau dạ dày nặng) mà làm bài. Tôi thức gần như thâu đêm suốt sáng cố viết bằng được một “cái gì đó” có thể gọi là âm nhạc thuần túy, “âm nhạc có học nhạc hẳn hoi” chứ không là thứ “nghêu ngao theo lời ca” hoặc “ngâm thơ có giai điệu, tiết tấu” như bấy lâu vẫn làm...Tôi bắt đầu có tư duy dàn nhạc đầu tiên (conception orchestrale) ngay sau khi học xong cách phối hợp các bộ gỗ, đồng, dây, gõ. Tôi hiểu ra thế nào là tư duy monodique và càng thấy sáng tác âm nhạc mà chỉ nghĩ được có cách hát lên, hát xuống một lời ca, nó lạc hậu đến chừng nào so với thế giới. Cái “cứu cánh văn học”, thậm chí quá nhiều lời ca, nhiều lý lẽ, kể cả triết học để ghép giai điệu vào, quả là đã kìm hãm sự phát triển khoa học của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam mấy thế kỷ! Đáng buồn thay, khi ngồi viết những dòng này, viết về sự ngu dốt của một thời xa xưa đó thì bên tai tôi đang vang lên những thứ âm nhạc vô học y như thời xưa mà còn tồi tệ hơn ở lời ca mất dạy, giai điệu, tiết tấu ăn cắp của nước ngoài một cách công khai và trắng trợn!
Thì ra thời nào Đảng và Nhà Nước này đều sản sinh những tay trùm bịp bợm ở mọi lãnh vực! Chỉ cần chút “năng khiếu âm nhạc... ngoại lai”, với vài lời ca mùi mẫn, đắm say (giả vờ) hoặc dí dỏm, rẻ tiền là các “nhạc sĩ thời đại” có ngay một bài hát! Với phần đệm đã có sẵn trong đàn organ, với một ca sĩ có giọng khê khê, nhờ nhợ... có tác phong biểu diễn cóp-pi “Spice girls” là lập tức được một loạt “nhà phê bình” tung hô lên báo là “ngôi sao” là “siêu sao”, là “top nọ, tép kia” ngay, bất kể các “nhạc sĩ chuyên gia bậy bạ” kia nếu cho thi thử vào trường nhạc sơ cấp thì đảm bảo trượt 100%, vì...hầu hết đều...mù nhạc giỏi lắm chỉ biết ký âm sau khi nảy âm trên cây mandoline hoặc ghi-ta! Chuyện nhạc sĩ nghiệp dư, nói đúng là người làm bài hát nghiệp dư – chansonnier amateur, của thời chúng tôi cách đây nửa thế kỷ đến nay,1998, đang được lặp lại rộng hơn, thắng thế hơn và... kiếm ra tiền hơn ở cái “cơ chế thị trường” nửa dơi nửa chuột có cái đuôi lòng thòng “xã hội chủ nghĩa”.
Các nhạc sĩ chính gốc, viết được từ ca khúc đến giao hưởng, nhạc kịch... đang ngày càng mất chỗ đứng và sống trong tủi hận, nghèo túng. Không còn những cái tên Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Nam, Chu Minh, Tô Hải... trên “thị trường âm nhạc”. Thay thế là những cái tên chủ khách sạn, những cái tên cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội, đặc biệt là với những cái tên được Đảng giao cho nắm các “đầu ra” của âm nhạc thì các Ban Chấp Hàn –– được Đảng hủ hóa bằng “lợi” và “quyền” –– phóng tay kết nạp họ tùm lum vào Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp âm nhạc đông nhất thế giới! Điều này giải thích tại sao không mấy ai thực sự có tài, kể cả những anh em trẻ, muốn bén mảng đến “cái Hôi …cái Hè của Hội...Nhà Sí Việt Nam”, vào những năm cuối thế kỷ 20 này!
Tôi cũng phải nói thật về cái động cơ “học lấy chết” của tôi trong câu chuyện kể trên là hoàn toàn...cá nhân. Tôi muốn nhắc lại điều này thật rõ bởi lúc đó người ta dạy chúng tôi “học để phục vụ Đảng”, là điều Đảng luôn nhắc nhở tại các cuộc họp trong và ngoài chi bộ, vì Đảng đã đánh hơi thấy có xu hướng “học vì mình”, vì muốn thoát khỏi cái giáo điều “văn nghệ phục vụ công nông binh”.
Chẳng ai dại mà nói ngược lại nhưng ai cũng biết cái thời “hát lên những khẩu hiệu” đã cáo chung. Muốn “làm nghề” phải có “nghề”. Mà nghề nhạc thì càng học càng thấy mình dốt và... liều! Ai đời một ông tướng như Hoàng Văn Thái, một kịch sĩ cải lương như Đào Mộng Long ([12]), một tù nhân chính trị như Nguyễn Ngọc Bạch ([13]), hàng ngày chỉ được nghe tiếng kèn clairon của lính khố xanh gác ngục rồi cũng được những kẻ bợ đỡ đôn lên thành “tác giả” những bài ca “lịch sử” mà giai điệu không thể vượt khỏi cái arpège Đô phát ra từ kèn clairon!.
Còn thời 1954-1960 với những yêu cầu mới, đối tượng mới, trình độ mới, với sự giao lưu dù chỉ hạn hẹp trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa, kiểu hát unisson, đánh nhạc tutti từ đầu đến cuối (!?) làm sao có thể tồn tại?
Mặt khác, do tình hình thúc ép, người ta cũng phải tổ chức các đoàn nghệ thuật “ra vẻ chính qui” bằng cách sáp nhập hàng chục đoàn văn công nhỏ lại thành một đoàn lớn để...“lấy le” mà không biết là “cộng 100 thằng ngu lại không thể thành được... một người khôn!”
Mặc dầu rất sợ kỹ thuật (là “con dao hai lưỡi”!) nếu rơi vào tay những người không đáng tin cậy thì...lợi bất cập hại, người ta cũng đành phải nghe theo các cố vấn mà mời các “chuyên gia âm nhạc đỏ” vào để mở lớp đào tạo người sản xuất ra cái nuôi sống các đoàn văn công quân đội. Có đoàn lúc này quân số lên 100, 150 người mà vẫn dàn hàng ngang hát một bè Vì Nhân Dân Quên Mình, Hò Kéo Pháo, Chiến Thắng Điện Biên! Bên cạnh là mấy chục cây đàn, kèn trống tập hợp về mà chẳng ai biết hòa âm phối khí ra sao ngoài mấy bản “phối theo kiểu Parmentier” của mấy ông quản đội kèn bú-dích thời Pháp thuộc!
Tình trạng lạc hậu về âm nhạc hàng mấy thế kỷ so với thế giới, sau này về Sài Gòn, gặp các ông nhạc sĩ “tại chỗ”([14]) thì té ra các vị này được sống yên ổn trong thành cũng chẳng biết học ai, học ở đâu, vì Nhạc Viện Quốc Gia thời ông Thiệu không đào tạo môn sáng tác (composer)! Họ chỉ tự thỏa mãn với một số ca khúc “yêu đương”, “lỡ làng”, “thương nhớ”... hoặc cũng hò hét động viên quân đội “quốc gia” tiến ra sa trường tiêu diệt bọn Việt cộng khát máu! Vậy là lớp học về kỹ thuật âm nhạc chính quy đầu tiên của chúng tôi ra đời, không ít thì nhiều đã đánh thức được sự ngu dốt cực kỳ về âm nhạc của cả một thế hệ, nếu nói không ngoa!
Lúc này, các nhạc sĩ ngoài quân đội cũng đã tổ chức một lớp nhạc (chưa gọi là trường) chẳng ra sơ, trung, cao cấp gì để đào tạo những nhạc sĩ, nhạc công chưa hề được học...nhạc! Giảng viên là các ông Tô Vũ, Lê Yên, Doãn Mẫn ([15]), Phạm Văn Chừng ([16]), Phạm Ngữ ([17])... cũng chưa ai qua lớp nhạc nào ngoài sự... tự đọc (chứ chưa tự làm!) kể cả hiệu trưởng Tạ Phước ([18])! Cái lực lượng “kỹ thuật tự túc” này, ngoài đảng viên Lê Yên, tất cả đều... ngoài Đảng mãi cuối năm 1958 mới được bổ sung một chuyên gia âm nhạc cộng sản là Thỉnh Lệ Hồng, một học sinh mới tốt nghiệp Nhạc Viện Bắc Kinh!
Đương nhiên chúng tôi trở thành nhân vật cốt cán, những “sĩ quan nhạc sĩ” của Đảng, được ưu tiên trang bị vũ khí để chiến đấu trên mặt trận âm nhạc, để làm âm nhạc theo đường lối... vô sản! Anh nào cũng biết là mình đang được trao một cơ hội để... phủ nhận mọi đường lối ngu dân xưa nay của Đảng, để tự trang bị những cái mà Đảng rất sợ sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm có thể quay lại chống Đảng bất cứ lúc nào! Nhưng ai dám nói ra điều này, nếu không muốn tiêu cả cuộc đời? Vậy thì cứ học và cứ làm, cứ trang bị cho mình những gì có thể thanh thản nhận cái chức danh “nhạc sĩ”, không còn rụt rè, ngượng ngập.
Tất cả bọn tôi đều nghĩ giống nhau nhưng mãi sau này mới “xì” ra cho nhau biết nỗi lòng...“kệch cỡm” của mình! Tuy nhiên cũng có vài tên tuổi đến lớp là nhạc sĩ (dỏm), có động cơ thoạt đầu giống tôi, nhưng sau một thời gian, nuốt không trôi cái nghệ thuật phức tạp này, đã quay trở lại phê phán nó, phê phán cả thầy rồi đánh tơi bời những người mà họ cho là “kỹ thuật chủ nghĩa”, “ăn phải bả tư sản”... Bi kịch này đối với tôi là điển hình nhất cho sự nhỏ nhen của con người đối với con người.
Trở lại sự học của tôi, tôi được thầy Mao, thầy Triệu đặc biệt chú ý vì những lý do:
– 1) Tôi là người chăm chỉ, không bỏ sót bài tập tác khúc, hòa thanh, phối khí, phân tích tác phẩm nào và có lẽ còn do cái tính khác người là luôn thể nghiệm những gì mà thầy... chưa dạy!
– 2) Tôi luôn “moi” thầy, thậm chí đưa thầy đến thế bí phải mở sách ra xem mới giải đáp được! (Điều không ngờ là thầy rất... khoái khi gặp học trò ham biết cả những thứ không hề có ở bất cứ cuốn giáo khoa âm nhạc nào!)
Tôi còn nhớ, có lần tôi hỏi thầy Mao: “Vẫn biết quãng 5 song song là không tốt. Nhưng nếu tôi muốn diễn tả hai trái tim, hai cảm xúc đối lập nhau mà “cố tình” cho một đoạn nhạc cứ 2 “tông” tiến hành song song thì sao?”
Tôi được trả lời: “Một! Anh là người vô cùng sáng tạo. Hai! Anh phạm lỗi vì không làm nổi cái điều đơn giản nhất: Đó là chưa biết đi mà đã định...chạy! Và cuối cùng, anh có thể là một thằng... bịp vì anh đã phá luật trong khi chẳng hiểu luật là cái gì! Y hệt một tên khùng giữa đường mà đi, không quần áo mà cứ tưởng ta đây là số một!”
Tôi càng thấu hiểu thế nào là sự “tiêu hóa” trong học tập nghệ thuật âm nhạc. Học để sáng tạo chứ không phải học để sáng tác như...bài tập. Tôi càng thấm thía cái lắc đầu thương hại và chán nản của thầy Mao khi trả bài hòa thanh cho Vũ Trọng Hối và một bạn khác kèm theo câu “Tôi không thể bắt được một lỗi nào, không một vệt bút đỏ, nhưng tiếc rằng: đúng, đúng cả, nhưng... không hay!”
Chính các ý kiến vỡ lòng về cái “hay” trong nghệ thuật của thầy đã luôn thúc giục tôi: “Đã viết là viết sao cho không giống ai và cũng chẳng được phép giống chính mình”. Đó là một phương hướng, một tiêu chí hoàn toàn đúng. Chỉ tiếc nó không đúng ở nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và không đúng cho tới hôm nay, khi tôi viết những dòng này!
Mọi sự lặp lại, cóp-pi, thậm chí “thuổng” cả nhạc nước ngoài, nhạc trong nước, mọi sự nhai lại đến nhàm chán và trơ tráo, những “Em ơi! tình duyên lỡ làng”, những “tóc ướt, môi mềm, nụ hôn, yêu nhau đi chiều hôm tới rồi”... chẳng có lấy một xu sáng tạo, cứ ngang nhiên lặp đi, lặp lại, trâng tráo, tồi tệ hơn! Cái “cũ” mà lớp chúng tôi muốn bỏ đi từ cách đây 20, 30 năm, ngày nay lại được... đề cao, phổ biến, ca ngợi như...cái “mới”, được mấy nhà lý luận ba xu, mấy nhà báo vô văn hóa âm nhạc phóng lên thành “top này, top nọ” đến tận trời!
Bài học “làm nghề” đầu tiên đó mãi bây giờ vẫn là nỗi đau, sự nhức nhối, thậm chí nỗi căm giận mang xuống suối vàng không tan, bởi lẽ tôi luôn húc đầu vào tường để làm nhạc một cách... tử tế!
Tác phẩm đầu tiên “làm nghề tử tế” là cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy. Tôi liều mạng xông vào lãnh vực chưa nhạc sĩ nào ở Việt Nam dám làm hoặc... chưa đủ sức làm: Viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng! Thời điểm bắt đầu là giữa năm 1958, thời điểm mà ở Việt Nam chưa ai nhìn thấy cái dàn nhạc giao hưởng ra sao, gồm nhạc cụ gì! Còn các nhạc sĩ “chính hiệu” cũng chưa biết tờ giấy tổng phổ gồm bao nhiều dòng nữa! Bản thân tôi, khi bắt đầu phần phác thảo bằng piano cũng gặp không ít ý kiến bàn ngang, thậm chí có người cho là “viển vông, nói... phét!” Một số bạn bè thông cảm như Văn An, Nguyễn Văn Thương... thì khuyến khích nhiệt tình. Văn Chung còn nói: “Cứ viết đi, viết cho chúng nó biết tay!” Chẳng biết “chúng nó” mà Văn Chung định nói là ai ? Riêng tôi chẳng giấu diếm cái động cơ “Viết cho chúng nó biết tay” này với anh bạn cố tri luôn cười ra nước mắt Văn An: “Tao sẽ làm, chết cũng làm, chẳng mấy khi có thầy ra thầy. Tội gì không “moi” cho hết những gì họ có!”
Thế là tôi bắt đầu vào cuộc “phiêu lưu”, sáng tác một “tác phẩm âm nhạc cho ra âm nhạc”. Mới đầu chỉ là một hợp xướng 3 đoạn kép đệm bằng dàn nhạc giao hưởng. Tất cả tích lũy suốt trên mười năm làm lính, những cảm xúc dồn nén không có cách gì giãi bầy lên khuông nhạc hơn một số ca khúc đã viết (do không có kỹ thuật, không được học hành âm nhạc tử tế) tôi tập hợp lại trong một chương Tiếng Hát Biên Cương với một Introduction bằng dàn nhạc gần bằng bài hợp xướng (!). Khi đưa phác thảo tới thầy thì thầy phê: “Đầu to, đít bé!” Nội dung thì thầy phán: “Quá nhiều vấn đề, quá nhiều chủ đề âm nhạc! Tất cả đều chưa được phát triển, mới trình bày đã vội...hết rồi!” Thầy khuyên: “Nếu có quyết tâm và thời gian thì nên xử dụng hình thức cantate, nghĩa là dàn nhạc không chỉ còn là đệm nữa, hợp xướng cũng “nói”, dàn nhạc cũng “nói”. Bằng không thì biến cái Introduction thành một Ouverture viết cho dàn nhạc. Còn phần hợp xướng chỉ là một chủ đề Trên Đường Biên Giới mà chủ đề âm nhạc (sau này thành chương II) chỉ gói gọn trong đoàn người và ngựa đang leo đèo lội suối biên cương thôi. Bằng không sẽ là “nhiều cái lọ đựng toàn nước hoa nguyên chất (!) nhưng do pha loãng vào đủ thứ chai, thứ lọ, thứ vại, thứ chậu không phù hợp nên chẳng phân biệt mùi gì ra mùi gì!”
Sau đó thầy còn đưa ra một số những “chai đầy nước hoa nguyên chất” –– gọi bằng cái tên không có trong khúc thức học là “trường ca” –– và nói: “Đây là do bí kỹ thuật nên người viết không biết phát triển ra sao, đành chuyển sang chủ đề khác, nhịp điệu, tiết tấu khác, hoặc để có vẻ có “tay nghề” hơn là chuyển sang điệu thức khác. Rốt cuộc “chưa... ngửi được hương thơm thứ nhất đã phải ngửi mùi thứ 2, thứ 3, thứ 4”...
Trở về nhà, tôi đứng trước lựa chọn: Làm lại từ đầu hay bỏ cuộc! Cuối cùng, tiếc rẻ đoạn nhạc không lời mở đầu, tôi quyết định giữ lại đoạn mở đầu của dàn nhạc vì nó là tất cả tư duy dàn nhạc đầu tiên trong đời sáng tác âm nhạc của tôi, ở đó tôi đã xử dụng tiết tấu, nhịp điệu 5/4 của cồng chiêng thuở Nụ Cười Sơn Cước năm nào. Phần tả cảnh, tôi dùng dàn nhạc. Phần tả tình, tôi dùng hợp xướng và đơn ca. Nhưng để có được yêu cầu đối tỷ, cuối cùng từ ba chương tôi đã gồng mình viết thành bốn chương nhạc. Để đỡ “điều ong tiếng ve”, tôi đã bí mật làm việc không kể giờ giấc, có khi thức trắng 3, 4 đêm liền. Tôi quên hết mọi hoàn cảnh khó khăn, gia đình, vợ con để vừa hoàn thành yêu cầu của lớp học, vừa khó khăn chấm từng nốt nhạc cho từng chiếc sáo, chiếc kèn, cây đàn, chiếc trống to, trống bé... Sáng tác lúc này đối với tôi là cả một quá trình thực hành các bài học một cách... không giống những gì thầy đã dạy. Vấn đề phát triển chủ đề âm nhạc luôn là bài toán khó nhất đối với nhạc sĩ chỉ viết ca khúc như tôi. Tôi đã có sáng kiến kết hợp giữa bài nghiêm chỉnh và “không nghiêm chỉnh” để nộp cho thầy. Nghĩa là người khác làm một thì tôi phải làm 2 hoặc 3, 4... để thầy góp ý và khi thầy gật gù khen “Khá, khá!” là tôi hí hửng về nhà thể hiện ngay trên tổng phổ quên ăn quên ngủ.
Cặm cụi, mê say như thế suốt 4 tháng vừa học vừa làm, tôi hoàn thành 4 chương hợp xướng khi thầy kết thúc khoa mục viết cho giọng người. Cái khó là lời ca trước kia vốn dễ ợt với tôi vì chỉ viết cho một giai điệu thì nay khi viết cho nhiều bè, đối vị, phức điệu, giải quyết thế nào thì thầy... cũng chịu vì ở nước thầy lời ca không cần chú ý đến sắc, huyền, hỏi, ngã. Còn ở ta lắm bè có nghĩa là có bè sẽ hát là “hải quân”, có bè sẽ hát là “hài quân” và có bè sẽ hát là...“hai quần”! Tôi đã thử nghiệm cách tìm những lời có nguyên âm giống nhau, dù khác nghĩa. Ví dụ: Bè một là “nơi xa” thì bè hai có thể là “lời ca”, bè ba có thể là “sỏi đá”. Sáng kiến này được anh chị em hát bè phụ hoan nghênh vì họ không còn bị gọi là các “ông bà Tây hát tiếng ta” (do hát sai dấu). Tuy nhiên dù đã trình bày và “nghiệm thu” cuối khóa thì từ đó đến nay... chẳng có ai áp dụng! Lý do đơn giản là hợp xướng đã hết tồn tại và người viết hợp xướng chẳng còn ai muốn phí sức khi âm nhạc chỉ là... đơn ca (nữ là chủ yếu) và phần đệm chỉ còn ghi-ta, oọc, bass và trống!
Chao ôi! Nghĩ đến bước phát triển thụt lùi của âm nhạc Việt Nam mà muốn thét lên một tiếng căm hờn và đau đớn! Dù sao, nếu bắt tôi sống lại những năm 1957-1958-1959, tôi vẫn “phủ phục xuống” mà viết, mà chấm chấm, gạch gạch từng mesure trên tờ tổng phổ 24 khuông nhạc như ngày nào, dù cái thời phải dán mấy tờ giấy viết ca khúc lại để làm tổng phổ đã qua rồi.
Tôi vẫn tiếp tục lao động âm nhạc thực sự như những ngày đầu được bước đến thềm của nghệ thuật âm nhạc đích thực! Tôi sẽ vẫn thả hồn trong từng mesure tổng phổ, vẫn tưởng tượng ra khi bộ dây mô phỏng vó ngựa biên cương thì bộ đồng nổi lên tiếng kèn thôi thúc lên đường, khi bộ gỗ gợi lên bề sâu tâm hồn thì bộ gõ sẽ mô phỏng nhịp điệu, tiết tấu của tiếng chân ngựa nặng nhọc leo đèo, vượt dốc... Niềm vui chưa từng có của tôi chính là khi nhìn thấy từng mảng, từng mảng tư duy âm nhạc của mình hiện dần lên trên từng mesure, từng trang giấy tổng phổ... rồi cứ vang lên, vang lên như đã được dàn dựng ở trong đầu. Toàn bộ năng lượng, trí tuệ, sức tưởng tượng đúng là phải đổ ra gấp 10, gấp 100 lần khi chỉ tư duy cho một thứ “lời ca được ngâm lên theo kiểu mới”, như trước kia. Tôi đâu biết là đang được dẫn vào con đường đầy hiểm nguy gai góc: Con đường âm nhạc chính thống, âm nhạc bác học, một thứ âm nhạc mà đáng lẽ tôi phải được trang bị trước khi trở thành thứ “nhạc sĩ tự nhiên chủ nghĩa” hiếm thấy trên thế giới này!
Vâng! Tôi đang bước đến con đường xa lạ với đường lối của Đảng, xa lạ với trình độ quần chúng và xa lạ ngay cả với...nhạc sĩ nữa! Tôi đang là đối tượng “có vấn đề ” của các nhà “nhạc sĩ cầm quyền”. Họ rất sợ những gì mà tôi đang học, đang làm, nhưng không sao ngăn tôi được vì chính họ mở ra lớp nhạc để giao “vũ khí kỹ thuật cho giai cấp công nhân, cho đảng viên” mà tôi là một đại diện được lựa chọn đúng tiêu chuẩn!
Thế là, mặc dù góp ý “xây dựng” nhiều lần trong chi bộ về động cơ học tập, về thái độ học tập, về tư tưởng “kỹ thuật tư sản thuần túy”, về tư tưởng “thiếu quan điểm quần chúng” trong sáng tác của tôi, cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy, tác phẩm âm nhạc đầu tay của tôi, có thể gọi chính thức như thế, lặng lẽ ra đời trong sự thờ ơ của nhiều ông lãnh đạo. May thay, giữa lúc này (1958-1959) cái khẩu hiệu “tiến dần lên chính quy hiện đại” trong quân đội là lá bùa hộ mệnh cho tôi và những người ủng hộ. Hơn nữa, hai chuyên gia do đảng và nhà nước Triều Tiên của “Kim tướng quân vĩ đại” cử sang Việt Nam, giúp nhạc sĩ chúng tôi tiến lên chính quy và hiện đại không lẽ chỉ để dạy có một món...ca khúc? Mà ca khúc thì, xin lỗi, chúng tôi thừa sức dạy cho các thầy (vì có lý thuyết nào, kỹ thuật nào của ca khúc là đúng nhất, hay nhất, với mọi người, mọi dân tộc, mọi thời đại?). Đồng thời sự tập hợp cả trăm diễn viên, nhạc công, ca sĩ thành những đoàn văn công lớn đang tạo ra bệnh...đói tiết mục, đói kỹ thuật để tồn tại. Họ đang chờ sáng tác của lớp nhạc sĩ được học để làm nghề đầu tiên ở Việt Nam.
Cũng phải nói thêm về công ơn của nhiều anh em “nhạc sĩ biết điều” và sự đòi hỏi không thể từ chối của các chuyên gia: Họ muốn có một cái gì tương đối ra trò để báo cáo kết quả học tập cuối khóa, báo cáo với hai Đảng và hai Bác vĩ đại. Thế là tác phẩm báo cáo của tôi cứ thế mà “phình” thêm ra! Mới đầu là 3, sau thành 4 chương. Còn dàn nhạc thì tôi cứ viết cho đầy đủ giao hưởng hai quản... biên chế đúng như sách! Bộ đồng thiếu thì mượn quân nhạc, bộ gỗ, bộ dây, ai không đánh được, thổi được thì cứ việc...oéc! oéc!...không sao! Nguồn bổ sung nhạc công lúc ấy như contre basse, cello, cordeo thì lớp nhạc cụ do ông Trần Du đã có công lớn đào tạo cấp tốc. Tội nghiệp cây violon này sau chẳng còn ai nhắc tới! Chỉ huy Triệu Đại Nguyên, chuyên gia, đảng viên của Triều Tiên chạy đôn chạy đáo vận động các cấp ra chỉ thị cho tập trung về 19 Lý Nam Đế đủ biên chế dàn nhạc mà tổng phổ của tôi yêu cầu! Có thể nói chưa bao giờ tôi được “Viết đến đâu, phối đến đâu, dàn dựng đến đó” như thế.
Và ngày ra mắt “nội bộ” tại Thư Viện Trung Ương để xét duyệt đã đến. Kết quả thật bất ngờ! Mặc cho những ý kiến không có thiện chí, Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy được nhiệt liệt hoan nghênh! Có lẽ đây là lần đầu được “xem” một dàn hợp xướng với dàn nhạc lớn và đông người như vậy chăng? Tôi ngồi ở cuối phòng để nghe hiệu quả của hòa thanh 4, 6 bè hát, nghe hiệu quả cụ thể của sự phối hợp đồng, gỗ, dây, gõ... do chính tôi lần đầu tiên viết ra mà rưng rưng nước mắt.
Không phải tôi cảm động vì đã làm được một việc tưởng như không bao giờ có thể làm được. Tôi khóc vì tủi thân, vì nỗi uất ức và cả sự căm thù cái hệ tư tưởng bẩn thỉu của một số kẻ muốn giết tác phẩm ngay trong trứng nước, họ đang ngồi kia, trên hàng ghế đầu để “duyệt” những cái mà họ... chẳng hiểu mô tê gì cả.
Tôi căm thù cái bọn cũng mang danh nghệ sĩ nhưng ... sợ kẻ khác giỏi hơn mình, có tác phẩm được hoan nghênh hơn mình. Tôi cũng nghĩ tới những tháng không một xu dính túi, cơm tập thể, áo quần hai bộ, nhịn đói, nhịn khát, thức suốt đêm để chấm cho được một trang tổng phổ, dạ dày đau quằn quại... Còn ở Khu IV xa xôi, vợ tôi lại cho ra đời thêm đứa con thứ ba cũng không một xu dính túi, không một chính sách nào cho diễn viên cả!
Quả là tôi đã làm một việc tự đánh giá mình bằng cái giá cực đắt, cái giá phải trả mãi nhiều năm sau...“Tác phẩm đầu tay” của tôi vậy là đã được hoan nghênh, hoan nghênh trước hết bởi người “xét duyệt” mà quan trọng nhất trong đêm đó có hai nhân vật Hoàng Văn Hoan ([19]) và Nguyễn Chí Thanh. Cả hai ông đều mê văn nghệ...mỗi người một kiểu! Nói cách khác là mỗi ông một “gu” chẳng giống nhau mà cũng...chẳng giống ai. Tôi đã nghe mấy ông lớn cãi nhau đến khản cổ về việc “nên duy trì hay nên khai tử” vở chèo Lưu Bình Dương Lễ của đoàn chèo Tổng Cục Chính Trị mới thành lập dưới sự lãnh đạo nghệ thuật của Cao Kim Điển. Số là cửa sổ phòng làm việc (nhà 11 Lý Nam Đế) của ông Lê Chưởng ([20]), chủ nhiệm chính trị, người lãnh đạo trực tiếp chúng tôi, chỉ cách phòng tôi, 13 Lý Nam Đế, chưa đầy 5 mét.
Mọi sự tranh luận nghe đến tức cười như “Đưa vợ đi giúp bạn kiểu Lưu Bình-Dương Lễ là...coi thường phụ nữ, là khuyến khích chế độ đa thê” vv... cứ vô tình lọt qua tai tôi khiến tôi càng ngạc nhiên và... tức cười về những quan niệm thiếu văn hóa của họ. Vậy mà họ vẫn có thể “khai tử” hoặc “cho lên mây” cả một loạt con người, một loạt tác phẩm chỉ bằng cái lắc hoặc gật đầu. Và, chính tôi đang hồi hộp chờ đợi sự phán xét tác phẩm âm nhạc đầu tay của mình bởi những người chẳng có tư cách gì, chẳng hiểu biết tối thiểu để cho phép nó được ra đời hay đem... chôn sống nó! Một tuần chờ đợi lo âu vì các dư luận không thiện chí làm tôi phát điên. Nào là “Hát gì mà chẳng nghe thấy lời! Chỉ được cái to và dài, còn nội dung nửa cách mạng, nửa tiểu tư sản”... Tệ hơn có ý kiến nội bộ cho đây là “tư tưởng thành tích” của mấy chuyên gia “có vấn đề”.
Cuối cùng, chương trình đêm kỷ niệm 15 năm thành lập Quân Đội 22/12/1959 được quyết định! Cả Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy lẫn Qua Sông Lại Nhớ Con Đò của Tô Hải đều được duyệt! Tiết mục “đinh” sẽ là Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy! Mãi sau này nó vẫn là “đinh” của đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị, vẫn là “tiết mục yêu cầu” của các buổi phát thanh. Tôi nhận được nhiều lời khen của đồng nghiệp, nhất là của các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo. Có đơn vị còn đề nghị tặng huân chương ngay cho tác giả vì đã “nói đúng nỗi lòng và niềm tự hào của họ”. Nhưng đặc biệt là nhiều kẻ “không có gì để vượt lên”([21]) đã ra tay tìm cách hạn chế bớt sự ồn ào của việc xuất hiện một tác phẩm “đề cao uy tín” cho một thằng “đầy tư tưởng cá nhân, tự kiêu, tự đại, coi thường mọi người”... là tôi! Và, việc “triệt” tôi bắt đầu ngay đêm ra mắt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đêm đó là đêm diễn long trọng nhất, có nhiều cấp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước dự, huy động nhiều đoàn nghệ thuật quân đội và nhân dân tham gia nhất, nhưng không một tác giả nào được mời (thời đó chưa có “lệ” bán vé).
Trước sự coi thường chất xám đến vô văn hóa như thế, một loạt tác giả đã phản ứng và cuối cùng được phát cho một vé... không số (nghĩa là đến “chuồng gà” cũng không). Nhiều anh em chấp nhận nhưng tôi kiên quyết ở nhà! Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu đêm đó tôi cứ nằm mà nghĩ tới thân phận của một “người lính viết thuê”, nghĩ tới số phận của Moussorgsky ([22]) không có được bộ đồ để vào nhà hát dự buổi ra mắt tác phẩm Boris Godunov của mình mà... giận hờn đến ứa máu mắt! Chẳng ai thèm để ý đến tác giả của đêm biểu diễn từ lâu đã thành chuyện “chẳng có gì mà ầm ỹ”.
Nhưng, chuyện động trời đã xảy ra: khoảng 7 giờ tối, có tiếng ô tô phanh kít ở ngoài cổng 13 Lý Nam Đế.
Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất hộc tốc chạy lên gác cùng phiên dịch Hà Huy Hiền. Ông như nổi điên khi biết “học trò cưng” của ông không được phép đến dự buổi ra mắt chính thức tác phẩm đầu tay của mình và là “đinh” của đêm biểu diễn. Vì thế, ông bỏ ra về giữa lúc các quan chức đang chúc mừng hai ông thầy có “công lớn” trong đêm biểu diễn qui mô và đồ sộ nhất từ trước đến nay. Một việc làm mà sau này chính ông phải trả giá khi về nước: Ông bị thanh trừng cùng hàng loạt văn nghệ sĩ có tư tưởng tư sản, chống đối lãnh đạo, kể cả chống đối lãnh đạo Việt Nam. Việc này mãi ba năm sau, khi vợ ông, một diễn viên đơn ca, sang biểu diễn tại Việt Nam, tôi đến thăm để gửi cho ông một số xuất bản phẩm có bàn tay ông giúp sức, tôi mới biết. Cơn giận dữ, nhất là những câu chửi bới của ông, mà người phiên dịch chỉ dám tóm tắt lại cho tôi, đã làm tôi dịu hẳn nỗi hờn giận và cảm thấy trách nhiệm của mình trước sự vắng mặt của hai người đã góp sức cho toàn bộ chương trình ca nhạc của đêm biểu diễn long trọng này. Thế là tôi nài nỉ thầy về lại nhà hát vì vắng thầy hôm nay rất không có lợi...cho đứa học trò, nhất là họ biết thầy bỏ nhà hát chỉ vì học trò của thầy không có vé mời, sau đó lại rủ trò đi ăn phở Tạ Hiền nữa thì...nguy to! Trước mắt là nguy to cho tôi! Họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội ghép cho tôi cái tội lôi kéo ông thầy “thiếu lập trường” này phản ứng với tổ chức thì... khốn!
Cuối cùng, chính anh phiên dịch Hà Huy Hiền (sau này cũng trở thành nhạc sĩ hội viên Hội Âm Nhạc Việt Nam do nắm rất vững các thứ lý thuyết về âm nhạc qua lớp phiên dịch) đã đề nghị một biện pháp giải quyết là anh nhường vé có số bên cạnh thầy cho tôi, còn anh vào nhà hát bằng vé không số! Có điều là thầy sẽ chỉ còn cách... “im lặng” khi giao tiếp vì đã mất người phiên dịch. Tôi tự ái, không chịu nhận đi bằng chiếc vé không phải của mình, còn thầy cũng “hạ hỏa” sau khi nghe tôi phân tích sự bất lợi nếu hôm nay có đủ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Quân Đội mà thầy lại bỏ ra về. Không thể gọi là gì khác một thái độ “phản ứng trong quan hệ quốc tế!”
Kết cục, thầy kéo tay tôi thẳng ra xe, chấp nhận giải pháp của Hà Huy Hiền. Tuy nhiên thầy vẫn lầu bầu “Tôi sẽ nói thẳng với ông Võ Nguyên Giáp về cái chuyện coi thường văn nghệ sĩ cực kỳ vô lý này!” Trong xe, tôi cùng Hiền cố nói để thầy rõ ở cái xứ này, chuyện đó là chuyện thường. Quyền lợi và địa vị của một tác giả chẳng là gì. Thầy nói ra chỉ khổ cho tôi sau khi thầy về nước. Họ sẽ “trần” tôi ra trò, cho là do tôi kêu ca phàn nàn với chuyên gia để ông phản ứng...Thầy Mao đành đồng ý.
Tôi tới nhà hát đúng lúc mở màn, đèn dưới khán giả đã tắt, thầy và tôi đi thẳng lên hàng ghế A, hai chỗ dành riêng cho chuyên gia và phiên dịch còn đó. Chúng tôi ngồi xuống giữa lúc chỉ huy Triệu Đại Nguyên bước ra sân khấu sau lời giới thiệu của Hồng Ngọc về cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của tôi. Thú thật, tôi hoàn toàn phân tán tư tưởng, chẳng hiểu nổi những gì diễn ra trên sân khấu. Đầu óc tôi chỉ nghĩ về hậu quả của việc xảy ra sau khi họ phát hiện vì sao tôi lại có giấy mời để được ngồi ở hàng ghế đầu, dành cho toàn các ông kễnh và chuyên gia, đại sứ các nước bạn? Nói dại nếu có một vụ nổ lựu đạn, có lẽ thủ phạm không ai khác là kẻ đã lén lút chui vào được cái nhà hát không dành cho những kẻ như tôi.
Giờ giải lao, các chuyên gia được mời lên phòng gương nghỉ ngơi xơi nước thì tôi lang thang ngoài hành lang gặp gỡ diễn viên, bè bạn, đồng nghiệp. Tất cả đều chúc mừng sự thành công của cantate bằng lời lẽ nhiệt tình đôi khi... hơi quá đáng! Sự thật một phần do anh em yêu mến tôi, một phần vì chưa bao giờ được nghe một tác phẩm của “ta” tương đối có qui mô, huy động đông đảo diễn viên đến thế. Chính những lời khen “bốc” quá này, cùng hàng loạt thư và đề nghị sau này của chuyên gia, của nhạc sĩ, nhất là của các đơn vị biên phòng với Cục Tuyên Huấn nên tặng huân chương hạng này, hạng kia cho tác giả...đã báo hiệu một tương lai khốn nạn đang chờ tôi!
Lý do khó tránh nổi cuộc chiến “khỉ vặt lông khỉ” trong đó những con đười ươi to đùng ác độc sẽ chẳng tha cho những con khỉ nhãi ranh như tôi vì bỗng được đề cao Khôn thì sống mà chống thì chết! Thế thôi! Và tôi không còn cách nào khác để thoát khỏi lời của cụ Nguyễn Du: “Chữ tài liền với chữ tai một vần... ” ngoài cách chọn con đường tiếp tục...hèn! Tôi kệ cho chi bộ phê phán đủ thứ “tội” sau đêm biểu diễn định mệnh đó. Nào “coi thường cấp trên”, “coi mình là cái rốn vũ trụ”, “cố tình có mặt trên hàng đầu để tự đề cao”, nặng hơn là...coi thường tổ chức. Một số tay, mà trời bắt chết sớm cả, bắt đầu “chiến dịch xóa bỏ sự “hiện hữu vô ích” của tác phẩm này với ý kiến thật... “thực tế và thuyết phục”. Ví dụ: Sau ngày tổng kết này, khi các diễn viên, nhạc công trở về đơn vị, Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy sẽ... chết!
Điều này có cái đúng ở thời điểm 1959...
Việt Nam đứng giữa hai con đường cộng sản khác nhau như nước với lửa, thù nhau còn hơn thù đế quốc. Liên Xô sau Đại Hội 20 chống sùng bái cá nhân, các nhà văn, nhà thơ trước bị coi là lãng mạn “tư sản” được phục hồi, các bộ phim chống chiến tranh ca ngợi hoà bình được chiếu. Ở bên Tầu, Shakespeare, Beethoven, Chopin...bị lên án, tượng phết sơn xanh đỏ tím vàng, khoác quần áo thật, lắp mắt thuỷ tinh được coi là có “nhân dân tính”, “đảng tính”. Cuộc cách mạng văn hóa đang báo hiệu sẽ ác liệt và...tàn bạo hơn cả cải cách ruộng đất. Người ta đưa nghệ sĩ, giáo sư...ra đấu tố thậm chí đánh gãy tay người pianist giỏi nhất Trung Quốc vì chơi “toàn tác phẩm phục vụ vua chúa” của Beethoven, Mozart!!!
Ở các nước xã hội chủ nghĩa Triều Tiên, Liên Xô, Albanie, Roumanie.., không kể Nam Tư, mỗi đảng theo một đường riêng, chẳng ai giống ai mà ai cũng cho mình là đúng!. Ở Việt Nam, với các nhà “lý luận dựa hơi” người khác, tất nhiên cũng có 2, 3, 4 kiểu “cách mạng”, cái nào cũng “triệt để nhất”. Người ta mời các chuyên gia đến để đưa văn nghệ tiến lên chính qui hiện đại, đồng thời đưa các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ xuống đơn vị, về nông thôn để... “cải tạo tư tưởng”!
Trong thực tế, điều đáng sợ nhất với những người lãnh đạo văn nghệ là việc học hỏi tử tế, đi sâu vào nghệ thuật chân chính, đúng là nghệ thuật, sẽ làm lòi ra một số vô tài bất tướng, không đủ trình độ tối thiểu tiếp thu cái mới. Bọn này luôn dè bỉu những gì là khoa học, là tiến bộ và cái bùa hộ mệnh của họ là “quan điểm lập trường”, “tất cả phải vì nhân dân lao động”, “chính trị là thống soái”... Bọn họ chỉ chờ cái gật hoặc lắc của cấp trên là lập tức phát lệnh tấn công bất cứ những gì là văn hóa!
Viết một bản nhạc, vẽ một bức tranh chẳng khác mở một hàng phở, một cửa hàng may! Anh thợ may thuê thêm vài thợ bạn làm với mình có thể bị dán nhãn hiệu “tư sản bóc lột” thì vẽ một cô thiếu nữ đầy đủ áo quần, nhưng có những đường cong của thân hình, viết bản nhạc không lời với một giai điệu trữ tình rất có thể sẽ lãnh tai hoạ. Những cụm từ “kỹ thuật tư sản”, “thiếu tính Đảng, tính nhân dân”, tính quần chúng, tính chiến đấu” và cả một lô thứ “thiếu” khác trở thành những lời kết án mà người ta hăng hái bịa đặt ra để diệt nhau, đạp lên xác nhau mà leo lên địa vị cao hơn. Vậy mà tôi đã viết một tác phẩm đủ các thứ...“thiếu”: Thiếu quan điểm quần chúng” (vì không ai hát được), “sặc mùi tiểu tư sản”, “kỹ thuật thuần túy” (vì khó hiểu, khó nghe, lắm bè bối, ầm ỹ)... Cái đáng chết nhất dành cho tôi là cả một chương nhạc sặc mùi Nụ Cười Sơn Cước với giai điệu “nặng mùi tiểu tư sản, không phản ảnh đúng tâm trạng chiến sĩ nơi biên cương!”
Ông Lê Quang Đạo ([23]), phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị lúc ấy trực tiếp hỏi tôi giữa một hội nghị tuyên huấn toàn quân: “Nếu điều anh về đơn vị biên phòng anh có vui vẻ nhận nhiệm vụ không?” Tôi đã trả lời không sợ hãi: “Thưa đồng chí, là nhạc sĩ làm sao tôi có thể nhận cái nghề không phải nghề của tôi! Tôi đâu biết bắn người bằng súng đạn? Tôi chỉ biết bắn người bằng...âm nhạc thôi!” Ông ta nói giữa hội nghị: “Đó! Làm sao có thể nói trung thực tâm tình người lính khi không dám nhận làm người lính! Vì thế, cái chương 3 của đồng chí Tô Hải nói lên tình cảm của một anh văn nghệ tiểu tư sản tự bịa ra thôi chứ đâu phải tư tưởng và suy nghĩ của anh chiến sĩ biên phòng!” Tôi muốn nổi khùng lên để nói thẳng rằng ông là đồ ngu dốt, và ngu dốt đến mức có thể bảo Victor Hugo chỉ viết được Les Misérables với điều kiện phải làm nghề của Jean Valjean hay Ténardier...Nhưng tôi lại im lặng một cách hèn nhát vì...“chống là...chết!” Và chỉ với câu nói vừa nêu, tôi cũng biết số phận nào sẽ dành cho tôi những ngày sắp tới. Đó là việc chi bộ biểu quyết không thể để tôi ở lại Tổng Cục như yêu cầu mới đầu nữa! Lý do ở lại Hà Nội, Tô Hải sẽ “chết” vì tính tự cao tự đại, tự nọ, tự kia...Hơn nữa, cần tăng cường cho một đoàn văn công mũi nhọn đầu cầu giới tuyến, Đoàn Quân Khu IV, mới thành lập ở khu giới tuyến quân sự tạm thời do 4 đoàn 308, 367, 325, Tư Lệnh IV cộng lại với nhau để trở thành một đoàn mạnh. Nơi này đang rất cần sự đóng góp của Tô Hải!
Sự phân tích “ưu ái” của chi bộ cùng những lời đe dọa kỷ luật Đảng của ông bí thư Vũ Trọng Hối, ông Chính Hữu ([24]), trưởng phòng văn nghệ chuyển đạt ý kiến của Tổng Cục Chính Trị phá tan giấc mộng trở thành nhạc sĩ sáng tác chính hiệu sau 18 tháng dùi mài kinh sử của tôi.
Từ đây, tôi bị dồn vào cuộc chiến để tồn tại, cuộc chiến với hàng loạt tư tưởng, đường lối phản nghệ thuật, với sự ngu dốt và nguy hiểm nhất là với bọn cơ hội luôn bám những điều duy ý chí để kiếm lợi trong lúc chính họ thừa biết về cái đất Khu IV nổi tiếng với những cuộc thanh trừng không thương tiếc là... giết Tô Hải cả về sự nghiệp lẫn con người!
Sau nhiều cuộc vận động, gặp gỡ những người có thể giúp tôi tiếp tục hành nghề một cách tử tế, không kết quả hoặc chỉ nhận được lời hứa:“Sẽ nghiên cứu”...tôi đành vác ba lô lên đường. Ấy là chưa kể một buổi kiểm điểm về tội “vô tổ chức” vì đã đi báo cáo với các cấp lãnh đạo... ngoài quân đội! Tất cả những gì tôi trình bày một cách “có tổ chức” với những người lãnh đạo cao nhất về văn nghệ do Đảng cử ra đều biến thành... vô tổ chức!
Lại một bài học nữa về sự “dân chủ” trong Đảng!
Một kế hoạch “phá xiềng” trong tôi đã hình thành.
Tôi sẽ tự giải phóng. Trước tiên là phải giải phóng khỏi cái danh hiệu “đảng viên” khốn khổ khốn nạn để không còn bị ràng buộc trách nhiệm gì trước cái tổ chức lúc nhúc những tên muốn cản mình làm nghề. Tôi sẽ tiếp tục viết, viết tử tế, tiếp tục gửi tác phẩm đến những nơi có thể “xài” được tác phẩm của tôi, không nhận bất cứ một nhiệm vụ gì có thể chiếm hết thời gian như đoàn trưởng, đoàn phó, chỉ đạo nghệ thuật vv...Tóm lại, tôi quyết phải ra khỏi quân đội, ra khỏi Đảng càng sớm càng tốt để có thể... “Cho chúng mày biết tay ông!”
Kể ra tôi quá ngây thơ và liều lĩnh khi tin ở cái “vốn” mới có của mình, tin ở sự giúp đỡ chí tình của bạn bè, của vài vị lãnh đạo mà sau này cũng suýt...“mất hết” trong số đó, ông Lê Liêm thì... mất sạch!
Tôi mang niềm tin sắt đá là sẽ làm nên sự nghiệp ở cái đất nổi tiếng thù ghét những gì là “phi nông dân”, tin ở câu “hữu sạ tự nhiên hương”! Cứ tưởng cái tài mọn mới có sẽ giúp tôi, chẳng cần Đảng, chẳng cần đồng lương trung úy khốn nạn, cũng có thể sống phây phây như các họa sĩ Trần Đông Lương, Phan Thông, Bùi Xuân Phái...
Một liều ba bảy cũng liều, vì võ khí chiến đấu với cái ...nồi cơm tôi đã có trong tay! Trước mắt, hãy về thăm vợ con! Và với số tiền kha khá, lần đầu tiên kiếm được do Đài Tiếng Nói Việt Nam trả nhuận bút cho các tác phẩm tôi viết trong gần hai năm học ở Hà Nội, tôi lên đường về khu IV...
Tôi không dự đoán hết được về những gì sẽ chờ tôi, về những mưu mô hiểm độc quyết “khử” tôi, có chỉ đạo, có tổ chức đang giăng bẫy tiêu diệt ít nhất ý chí của tôi, thậm chí dùng kỷ luật thép quân đội “đầy” tôi xuống một đơn vị chiến đấu để chết mất xác! Kết quả cuộc đụng độ không cân sức giữa tôi và lực lượng cơ hội vô văn hóa, vô văn nghệ bậc nhất đương nhiên đã rõ. Người thua, người đầu hàng một cách hèn kém phải là... tôi!
Chân lý lại một lần nữa bị chà đạp bởi cái đa số “ba bị”, ngu si và im lặng... để tôi sẽ phải đau đớn nhận thêm những trang đời tủi nhục.
([1]) Tên gọi những gì cướp được của địa chủ bị đấu.
([2]) Nguyễn Đức Toàn (1929), nhạc sĩ, hoạ sĩ, đại tá QĐNDVN.
([3]) Lương Ngọc Trác (1928) nhạc sĩ.
([4]) Ngu độn trong giới cầm quyền –– tiếng Pháp.
([5]) Tác phẩm của William Shakespeare.
([6]) Văn Chung (1914-1984) nhạc sĩ thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, tác giả các nhạc phẩm Bóng ai qua thềm, Trên thuyền hoa...
([7]) Hà Huy Giáp (1907-1995) uỷ viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Văn hoá.
([8]) Lúc này nhóm Nhân Văn mới bị “dẹp” tạm thời.
([9]) Thôi Thừa Hỷ (Choi Seung-hee 1911-1969), nhà vũ đạo kiệt xuất Triều Tiên. Sinh tại Hán Thành, học nghệ thuật múa ở Nhật, bà bỏ sang làm việc ở Bình Nhưỡng, tạo ra một trường phái múa truyền thống và cổ điển. Bà biến mất năm 1960, được phục hồi tên tuổi năm 2003, và lúc đó ngành tuyên truyền Triều Tiên mới tuyên bố bà mất năm 1969.
([10]) Trần Văn Khê (1921), nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền.
([11]) Nguyễn Thiên Đạo (1940), nhạc sĩ Pháp gốc Việt.
([12]) Đào Mộng Long (1915-2006), diễn viên, đạo diễn, soạn giả sân khấu cải lương và kịch nói. Năm 1946, tại Sài Gòn ông có viết một bài ca Hồn Chiến Sĩ để hát cho thương binh.
([13]) Cán bộ chính trị, đoàn trưởng một đoàn văn công.
([14]) Cách gọi những người ở Sài Gòn từ trước năm 1975 còn ở lại làm việc với chính quyền mới.
([15]) Doãn Mẫn, hay Dzoãn Mẫn (1919-2007), nhạc sĩ dòng tiền chiến.
([16]) Phạm Văn Chừng, nhạc sĩ tiền chiến, được nhớ đến nhiều với ca khúc Con Chim Lạc Bạn.
([17]) Nhạc sĩ, được nhớ đến với ca khúc Nhớ Quê Hương.
([18]) Tạ Phước, tên thật Tạ Văn Phước (1919) nhạc sĩ, giáo sư, hiệu trưởng đầu tiên của Nhạc Viện Hà Nội (1956-1977).
([19]) Hoàng Văn Hoan (1905-1994), nguyên ủy viên Bộ Chính Trị ĐCSVN, phó chủ tịch Quốc Hội VNDCCH.
([20]) Lê Chưởng (1914-1973), thiếu tướng, lúc này là cục trưởng Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng Cục Chính Trị.
([21]) Vào thời gian ấy những anh em đi học nước ngoài chưa về.
([22]) Modest Petrovich Mussorgsky (1839-1881), nhạc sĩ Nga vĩ đại.
([23]) Lê Quang Đạo tên thật Nguyễn Đức Nguyên (1921-1999) thượng tướng, nguyên chủ tịch Quốc Hội, phó chủ tịch Nhà Nước trong những năm 1987-1992.
([24]) Chính Hữu tên thật Trần Đình Đắc (1926-2007), nhà thơ, nguyên đại tá, phó cục trưởng Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng Cục Chính Trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét