Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Chăn dắt người già

Không chỉ trẻ thơ bị chăn dắt, ở TP.HCM nhiều cụ ông, cụ bà ốm yếu, bệnh tật cũng bị những nhóm người bất lương chăn dắt đi ăn xin, bán vé số... Những kẻ chăn dắt này lợi dụng tuổi “xế chiều” già yếu của các cụ cùng sự thương hại của người đi đường mà trục lợi.



Một cụ già thuộc đường dây ông C. (Thanh Hóa) nhận tiền bố thí của người qua đường trên cầu Ông Lớn (đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7). Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ hoảng sợ dùng nón che mặt


Sau khi bán vé số ở quán nhậu trên đường Điện Biên Phủ đoạn quận 3, một bà cụ run rẩy đưa tiền cho người đàn ông đẩy xe để đi bán tiếp. Người đàn ông này thuộc đường dây ông C.. (Phú Yên) trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)


Xe đẩy một cụ bà bán vé số qua nơi những kẻ chăn dắt tranh thủ ăn nhậu (bìa phải), chờ các cụ bán xong thu tiền


Hai người đàn ông ngồi vắt vẻo phía ngoài một quán nhậu ở quận 3 chờ các cụ bán xong để thu tiền

Hơn 25 cụ già độ tuổi 63-82 (hầu hết quê ở Tuy An, Phú Yên) tại một tụ điểm trong con hẻm đường Phạm Văn Hai (P.5, Q.Tân Bình). Mỗi ngày các cụ ngồi xe lăn rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm bán vé số từ 17g đến 1g-2g sáng mới trở về nhà. Đây là đường dây do ông chủ tên H. (Phú Yên) chăn đắt. Trong ảnh: các cụ ngồi chờ chủ phát vé số để đi bán


...Và bữa cơm cực kỳ đạm bạc của những người già bán vé số

Hình ảnh hàng chục ông cụ, bà cụ 70-80 tuổi lụ khụ ngồi lọt thỏm trong những chiếc xe lăn, trên tay là những xấp vé số, đằng sau họ là những người khỏe mạnh đẩy xe hoặc hình ảnh các cụ ngồi co ro, run rẩy bên lề đường ăn xin xuất hiện ở nhiều tuyến đường, cây cầu trên địa bàn TP.HCM... Mấy ngày qua, Sài Gòn trở lạnh, các cụ vẫn phải lê lết thân già dưới sương đêm, trong những đợt gió rét lạnh trên đường...

PV Tuổi Trẻ đã lần theo ba đường dây chăn dắt người già tại Sài Gòn. Đường dây chăn dắt người già đi ăn xin do tên C. (quê ở Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa) cầm đầu. Cứ khoảng 20g, C. lại chở các cụ ông, cụ bà trên 70 tuổi tới các cây cầu Ông Lớn, Ông Bé... trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7) để “hành nghề” ăn xin.


Suốt quá trình các cụ ngồi co ro xin tiền trên cầu, C. luôn di chuyển một cách bí mật để giám sát. Cứ khoảng vài giờ, C. lại chở các cụ thay đổi địa điểm từ cây cầu này qua cây cầu khác.... Đến khoảng 0g, C. đảo xe một vòng đón các cụ về phòng trọ tại khu trọ gần sân bóng đá Kim Sơn (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).

Tương tự, đường dây chăn dắt người già yếu đi bán vé số do một người đàn ông cũng tên C., quê ở Phú Yên tổ chức.. C. thường về Phú Yên gom các cụ già yếu tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn vào TP.HCM dẫn đi bán vé số. C. thuê một dãy phòng trọ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) làm nơi trú ngụ và điều phối hoạt động của các cụ già.

Một cụ ông trong nhóm cho biết: “Tụi tui già yếu rồi không làm được gì ở quê nữa, anh C. dẫn vào đây bán vé số. Cứ bán xong phải giao tiền ngay và vé số thừa cho chủ. Mỗi tháng chủ trả khoảng 1 triệu đồng”.

Nước mắt tuổi xế chiều

Đằng sau hình ảnh những cụ già gầy yếu ngồi co ro ăn xin bên lề đường hoặc ngồi lọt thỏm trong chiếc xe đẩy, lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm bán vé số... là một hệ thống chân rết của những kẻ chăn dắt ăn bám người già.


Lưng còng sát đất nhưng đêm đêm các cụ phải bán vé số đến khuya mới được về nghỉ ngơi - Ảnh: Đ.D.

20g.. Đây là lúc “ông chủ” tên C. (quê Thanh Hóa) “áp giải” các ông lão, bà lão “cái bang” từ một khu nhà trọ ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM ra các ngả đường “hành nghề” ăn xin. Tập trung chủ yếu ở đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM.


Vắt kiệt tuổi già


Từ thời gian này đến quá nửa đêm, nhiệm vụ của những cụ ông, cụ bà 70-80 tuổi là phải ngồi trên đường để xin tiền. Rất nhiều người đi đường thấy những hình ảnh thương tâm này đã bỏ tiền vào chiếc nón trên những đôi tay gầy gò, run rẩy của các cụ. Không ai có thể ngờ phía sau các cụ, từ trong một góc tối gần đó, C. ngồi trên xe rung đùi quan sát và nhẩm tính số tiền sẽ thu được.
Đến khoảng 22g, C. bắt đầu xuất hiện, vòng xe một lượt rồi chở một số cụ “hoán đổi” địa điểm ngồi xin tiền. 24g đêm, C. vòng xe chạy ngược chiều đại lộ Nguyễn Văn Linh dồn các cụ lên xe gắn máy chở về phòng trọ.


“Đại bản doanh” của đường dây cái bang người cao tuổi này là căn nhà trọ xập xệ mà các cụ chen chúc nhau ngả lưng mỗi đêm. Số tiền xin được của người đi đường, các cụ đều phải nộp cho C. để đổi lấy những bữa ăn qua ngày. “Cơ sở” cái bang này tồn tại đã lâu, thỉnh thoảng C. lại về Thanh Hóa “tuyển” thêm các cụ có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn để đưa vào TP.HCM.


Đã quá nửa đêm, cụ bà trên 70 tuổi này vẫn ngồi co ro giữa gió lạnh, sương đêm để ăn xin, phía sau cụ già là những người chăn dắt vẫn dõi theo (ảnh chụp lúc 22g ngày 19-11) - Ảnh: Đ.T.

Giọt mồ hôi cuối đời

”Đổ oan cho tôi tiếng xấu”
“Ông chủ” H. khoe: “Những cụ già ở đây với tôi đều là những người bị gạt ra rìa vì đã mất sức lao động. Tôi tập hợp các cụ lại, đại diện thuê phòng, tiền vốn mua vé số từ đại lý phát cho các cụ hằng ngày đi bán là do tôi mượn từ ngân hàng đấy!? Tôi vất vả lo cho các cụ cơm ăn hai bữa, đồng vốn, chốn ở... Thế mà nhiều người lại đổ oan cho tôi tiếng xấu là lười biếng lao động, ăn bám vào người già. Tôi từng bị đánh no đòn bởi những người mua vé số phát hiện tôi đứng từ xa chờ các cụ ra để tiếp tục đẩy đi chỗ khác bán...”.


Tụ điểm chăn dắt người già của “ông chủ” N.N.H., quê Phú Yên, ở đường Phạm Văn Hai, phường 5, Q.Tân Bình. Đường dây này đã tồn tại hơn hai năm nay với hàng chục ông cụ, bà cụ già yếu chuyên đi bán vé số phục vụ “ông chủ”.


Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, hiện H. đưa các cụ tới một căn nhà trọ nằm sâu trong con hẻm trên đường Phạm Văn Hai. Nơi đây, gần 30 cụ già ốm yếu từ 60-80 tuổi cùng nhiều người khỏe mạnh đẩy xe cho các cụ chen chúc nhau ở trong một gian nhà trọ chật hẹp. Những tháng cao điểm “làm ăn” tại đây có gần 60 cụ.


Phương thức hoạt động của đường dây này là một số người khỏe mạnh đẩy xe cho các cụ già đi bán vé số. “Ông chủ” và những người này ăn chia nhau số tiền lời thu được từ việc bán vé số của các cụ già.


Cụ bà Đ.T.Y., 72 tuổi, vừa ngồi bóp chân vừa đếm lại xấp vé số để bắt đầu một ngày rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, kể: “Mỗi ngày tui đi bán từ 5g chiều đến 1-2g sáng thì về. Cách ăn chia với chủ là nếu bán được 100 vé số loại 10.000 đồng/vé, tiền lời là 100.000 đồng thì chủ lấy 30.000 đồng, tui còn 70.000 đồng. Trừ chi phí cho người đẩy xe, tiền lời còn lại sau một ngày rong ruổi khoảng 20.000-30.000 đồng”.

Ở Phú Yên, cụ Đ.T.Y. cũng có con cháu nhưng: “Thấy tụi nó nghèo khó quá tui ngồi không không đành. Nghe trong xóm có nhiều người theo chú H. vào Sài Gòn bán vé số cũng kiếm được đồng một đồng hai sống qua ngày, tui cũng xin theo. Tui tính đợt này nghỉ vì không đi nổi nữa nhưng nhà cửa của con cháu ngoài quê tan tành theo bão lũ nên tôi nuốt nước mắt đi bán tiếp để tự nuôi thân” - cụ Y. vuốt những giọt nước mắt trên hai gò má già nua, tâm sự.


Nỗi ảm ảnh lớn nhất của các cụ già tại đây là những tên lưu manh giật vé số. Hầu như ngày nào cũng có cụ bị trường hợp này. Mặc dù có “ăn chia” và mấy vòng giám sát của “ông chủ” cùng người đẩy xe nhưng khi mất vé số thì chỉ có các cụ phải chịu bồi thường. Sau những lần bị giật vé, số nợ của các cụ với H.. lại tăng. Thậm chí theo chính lời của H., có những cụ già đến chết vẫn còn mắc nợ tiền vé số của anh ta.


“Ở cái tuổi 70-80 của tụi tui chắc cũng không sống được bao lâu nữa. Chắc những giọt mồ hôi, nước mắt này là những giọt mồ hôi, nước mắt cuối đời. Tụi tui biết mình bị ăn chặn đầu này đầu kia nhưng cũng đành vì ít ra mình cũng còn lại chút đỉnh đủ để nuôi thân” - một bà cụ nghẹn ngào.

Chân dung những “ông chủ”


Trên 25 cụ già trong đường dây của N..N.H. ngồi chờ ”chủ” phát vé số để đi bán - Ảnh: Đ.D.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP.HCM hiện có hàng chục đường dây chuyên chăn dắt người già đi ăn xin và mua bán vé số dạng này. Có đường dây 5-10 cụ nhưng cũng có nơi tập trung đến 40-50 cụ. Mỗi đường dây đều do một “ông chủ” quản lý.. Các “ông chủ” như H., C., M., T..... hầu hết ở lứa tuổi 30-40, có người xuất thân cũng từ dân bán vé số dạo hoặc người từng sống lang thang khắp nơi, cũng có người từng là “phụ tá”, giúp việc cho các “ông chủ” khác rồi sau đó ra “hành nghề” riêng.


Chiêu thức chung của các “ông chủ” này thường là lợi dụng những người già neo đơn, cuộc sống khó khăn là dân đồng hương của họ ở các vùng Phú Yên, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... cả tin vào người cùng quê để chiêu dụ vào Sài Gòn bán vé số, ăn xin sẽ được bao ăn ở và cho một số tiền phòng thân, gửi về cho con cháu ở nhà.


Sau đó, những cụ già này sẽ được gom về tập trung ở những căn phòng trọ và ứng vốn cho đi bán vé số, tiền lãi sẽ nộp lại cho “ông chủ”, tỉ lệ ăn chia tùy theo “chủ” quyết định. Khắc nghiệt hơn, những cụ già trong các đường dây ăn xin thường được “tuyển” từ người già cô độc, có hoàn cảnh khó khăn nhất mà nếu không phục vụ cho “ông chủ” thì sẽ không có khoản thu nhập nào để sinh sống. Những người già này phải nộp hoàn toàn tiền ăn xin cho “chủ” chỉ để đổi bữa ăn qua ngày.
Mỗi năm, các “ông chủ” thường về quê 2-3 lần để “tuyển” người già vào đường dây chăn dắt của mình. Cá biệt như M. ở Tân Bình, C. ở quận 5... còn đưa cả cha mẹ ruột của mình đi ăn xin. Để đề phòng các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nhiều đường dây còn đề nghị các cụ ông, cụ bà làm tờ cam kết, giấy xác nhận “tự nguyện” đi ăn xin, bán vé số cho các nhóm.

Không có nhận xét nào: