Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

HAI NĂM TRÒN.

Chớp mắt mà đã hai năm, ngày 9/12/2007 - 9/12/2009, kỷ niệm ngày học sinh - sinh viên Việt Nam tại Sài Gòn và Hà Nội xuống đường vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu.

Tôi - đã qua thời sinh viên tràn đầy sức sống đó, nhưng cái cảm giác sục sôi đợi tin, xem hình các bạn biểu tình vào năm 2007 vẫn còn mãi trong lòng.

Có bài học giáo dục lòng yêu nước nào sâu sắc và chân thành và dễ dàng đi vào lòng chúng tôi - những nam, nữ thanh niên tuổi 30 - hơn những ngày đó?

Không hẹn mà gặp, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết là như thế. Yêu nước là bản năng của người Việt, và các bạn học sinh - sinh viên trong cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa ngày 9/12/2007 đã nhắc nhở tôi luôn nhớ về điều này.

Vậy là đã 2 năm qua đi, nhiều người trong số những bạn trẻ xuống đường đã bị buộc thôi học, nhiều ngã đường tương lai đã bị chặn, bởi vì các bạn đã nói, đã làm, đã bày tỏ tình yêu thiêng liêng đối với đất nước mình. Hẳn là đau đớn và xót xa khi đến tận bây giờ nhiều người vẫn trăn trở hoài với câu hỏi: "Tại sao lại như vậy?" "Sao mình lại bị đối xử như vậy?".

Chính sự né tránh và vòng vo trong những câu trả lời tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên năm 2007 của những người có trách nhiệm đã khiến tôi và những người trẻ như tôi phải tìm kiếm thông tin và chọn một con đường để bày tỏ tình yêu đất nước "ôn hòa" nhất.

Tôi sẽ còn nhớ mãi cái cảm giác ấm áp và đầy tự hào khi khoác lên mình chiếc áo có dòng chữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" ngay túi trái. Tôi còn nhớ lòng mình đã vững tin biết bao khi nhìn thấy hình ảnh một bà mẹ già Việt Nam tay cầm biểu ngữ vì Hoàng Sa trong gió, hình ảnh những em bé theo cha mẹ xuống đường vì Trường Sa.

Tôi đã từng tin - bày tỏ lòng yêu nước là quyền và trách nhiệm của tôi.

Tôi đã từng tin - hẳn có người sẽ biết suy nghĩ lại và cảm thấy có lỗi với anh Điếu Cày - blogger đầu tiên bị bắt giữ vì dám công khai bày tỏ quan điểm về chủ quyền biển đảo.

Tôi đã từng tin như thế.

Hai năm sau "ngày vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" (xin được đặt tên cho ngày 9/12 hàng năm là thế), nhiều hội thảo, nhiều cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo đã được tổ chức. Nhưng mấy ai thực sự quan tâm đến ảnh hưởng sâu sắc của nó đối với người tham gia?? Tại sao phải "giáo dục lòng yêu nước" bằng những cuộc thi, những phong trào rầm rộ khiến học sinh mỏi mệt vì phải sao chép đáp án, giáo viên rã rời vì phải chạy theo phong trào?? Tình yêu đất nước không thể nào sinh hoa kết trái từ mảnh đất cằn khô như thế.

Hai năm sau "ngày vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu", tôi đau đớn nhủ thầm với chính mình rằng: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta có quyền làm gì cho Tổ quốc hôm nay?"

8/12/2/2009
Mẹ Nấm

Không có nhận xét nào: