Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

RỒNG ĐÁ (Tập truyện) Tác giả: Lê Mai, Vũ Ngọc Tiến

14. HOA TÓC TIÊN


Ông Quỳnh sững người ngơ ngẩn nhận ra hàng trăm bông hoa tóc tiên hôm qua còn là nụ, còn non nớt, thế mà hôm nay hoa đồng loạt nở… Những bông hoa nhỏ xíu ửng hồng, phớt tím như dỗi hờn, nũng nịu trước nắng mai. Chỉ cần tinh ý một chút khách sẽ nhận ra cách bài trí, sắp đặt các chậu hoa trong vườn cảnh của ông có chút gì là lạ, không đúng cách. Những chậu vạn tuế, thiên tuế, những chậu si, chậu đại, chậu mai… dáng trầm mặc, uy linh, kiểu cách đến mức người không sành chơi chỉ thoáng nhìn qua cũng biết được giá trị hàng triệu đồng của nó… Nhưng hình như với ông chúng cũng chẳng là gì. Chúng chỉ đáng là hàng rào bảo vệ, vây quanh, chở che cho chậu cỏ tóc tiên. Ông chỉ có duy nhất chậu tóc tiên! Ông thẫn thờ cúi xuống, nhẹ nhàng xòe hai bàn tay dịu dàng nâng niu những cánh hoa tóc tiên nhỏ xíu ửng hồng phớt tím… Trời thu ngan ngát xanh. Không gian mang mang gió… Nỗi nhớ cuộn lên trong ông. Nỗi nhớ về một thời trai trẻ. Những tưởng những kỷ niệm ấm nồng thời hoa đỏ, những cảm xúc thiết tha với cô học trò nhỏ bé tồi tội thương thương, từ lâu đã bị vùi lấp trong bộn bề công việc mưu sinh, trong dáng vẻ đạo mạo đường hoàng của ông thầy hiệu trưởng, nào ngờ… Sơn La… Tây Bắc là của ta… Núi rừng mong đón ngày trở lại… Ông ngước mắt nhìn trời, đăm đắm nhìn vào khoảng không xa xanh thăm thẳm… Từ phía trời Hồ Tây, Bích Loan chạy như bay như lướt tới ông. Hình như em chạy ngược gió, suối tóc huyền óng ả bồng bềnh lượn sóng phía chân trời. Ông Quỳnh dang rộng hai cánh tay, nín thở đợi chờ… Ông ghìm tiếng thở dài thất vọng khi chợt nhận ra trước mặt mình chỉ là những lá tóc tiên mềm mại, ủ xòa quanh miệng chậu. Ông lẩm nhẩm: Gần 40 năm rồi còn gì! Ai đã yên phận người ấy… Mình cũng đã cháu nội, cháu ngoại… Vậy mà như có một đợt sóng ào tới, ông lập bập viết vội dòng chữ cho vợ: “Anh có việc phải đi Sơn La gấp, vài ngày nữa sẽ về!” Rồi xách túi bước nhanh ra đường…

Từ trên cao, ông Quỳnh căng mắt dõi nhìn mặt đất. Quốc lộ 6, những con đường tỉnh lộ, huyện lộ bồng bềnh uốn lượn giữa bạt ngàn đồi núi nhấp nhô. Những khu cư dân lóa trắng, rực đỏ nở xòe trên những đỉnh núi chon von, giữa lưng chừng đồi thoải. Ông cố xác định các địa danh: Nà Sản, Hát Lót, Cò Nòi… Những địa danh không là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng gắn bó với hơn mười năm tuổi trẻ của ông, với ăm ắp những kỷ niệm ấm áp tình người… Những rặng nhãn, những đồi cỏ gianh, những vạt rừng nứa, những triền hoa lan, những vạt cỏ tóc tiên… tất cả, tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh đời ông… Máy bay từ từ hạ thấp độ cao rồi nhẹ nhàng hạ cánh, bon nhẹ trên đường băng. Ông Quỳnh thở phào nhẹ nhõm. Ra khỏi cổng sân bay Nà Sản, ông Quỳnh thoăn thoắt ngồi lên xe ôm rồi nói với người lái:

- Cho tôi lên tòa báo tỉnh.
- Xin bố ba chục nghìn.
- Cũng được, nhưng đi cho cẩn thận.

Chiếc xe rồ máy rồi vút như bay như lướt trên đường quốc lộ 6. Không gian thoáng đãng trong lành của miền sơn cước cố xua nỗi hồi hộp mơ hồ vương vít trong ông. Ông đưa mắt nhìn quanh. Cảnh vật như quen như lạ. 40 năm rồi còn gì… Sơn La, mảnh đất “rừng thiêng nước độc”, mảnh đất heo hút đi cả ngày đường không gặp bóng người, mảnh đất ăn vào máu thịt của ông từ thời trai trẻ giờ đây thay đổi quá nhiều nhưng mỗi mét đường, mỗi bụi cây đầy bụi ven đường vẫn khơi dậy trong ông những cảm xúc quen thuộc bồi hồi. Càng đến gần thị xã, những lo lắng càng ngổn ngang trong lòng: Loan của ông có về làm báo hay làm công việc khác? Em có còn công tác hay đã nghỉ hưu? Đến tòa soạn liệu có gặp được em không? Không gặp thì…

Ông Quỳnh rảo bước theo người bảo vệ. Người bảo vệ dừng chân trước cửa phòng phó tổng biên tập, vừa khẽ gõ cửa vừa khẽ nói:

- Chị Loan ơi, chị có khách từ Hà Nội lên!

Một giọng nữ dịu dàng vọng ra:

- Em mời khách vào đây hộ chị.

Ông Quỳnh ý tứ chỉnh lại tư thế, nhìn vào ngón tay áp út, xem lại chiếc nhẫn bằng đuya-ra ông mới đeo trước khi lên đây. Chiếc nhẫn không còn sáng bóng như ngày ông mới làm nhưng chữ L vẫn còn nhìn rất rõ. Những dự cảm trào dâng trong lòng làm ông Quỳnh nghẹn thở. Ông cố trấn tĩnh bước vào phòng… Ông sững người, chị phó tổng biên tập là người xa lạ, không một nét quen quen, không một nét ngờ ngợ. Mình tìm nhầm người rồi, không phải Loan, Loan của mình khác cơ… Sự từng trải giúp ông lịch lãm, ông từ tốn nói:

- Chị cho phép tôi hỏi: tòa báo mình có ai là Bích Loan ở Hát Lót không?

Chị phó tổng biên tập nhìn ông ngơ ngác rồi bỗng giật mình, lắp bắp:

- Thày… thày…! Thày có phải là thày Quỳnh ở Hà Nội không?

Giờ thì đến lượt ông Quỳnh giật mình, thảng thốt:

- Sao… sao… sao chị biết tôi là Quỳnh?

Chị phó tổng biên tập không trả lời mà lật bật đi tới chiếc tủ hồ sơ và mở khóa. Chị lấy từ trong tủ ra một chiếc hộp nhỏ, loại hộp thường dùng đựng nhẫn vàng hoặc huân chương rồi đi thẳng tới bên ông, không nói không rằng chị lặng lẽ mở nắp hộp, lấy ra chiếc nhẫn bằng đuya-ra, giống hệt chiếc nhẫn ông đeo với chữ Q lấp lánh và đeo vào ngón tay áp út:

Ông Quỳnh ôm mặt bẽ bàng. Đến Loan mà ông không nhận ra thì… Ông biết, không là Loan thì không thể có chiếc nhẫn đuya-ra đó. Đôi nhẫn ông dồn hết yêu thương nhung nhớ cặm cụi làm hàng tháng trước lúc đi B. Loan thay đổi nhiều quá. Thay đổi hoàn toàn. Ông thoáng nhớ tới lần lớp 10A của ông họp mặt sau 35 năm ra trường, có người còn không nhận ra nổi mình trong ảnh. Ông lắp bắp:

- Anh xin lỗi… Anh xin lỗi… Anh không sao hiểu nổi mình nữa, suốt 40 năm nay, kỷ niệm của chúng mình ngày ngày ám ảnh đời anh. Thế mà… anh lại không nhận ra nổi em… Anh già rồi…

Phút giây ngỡ ngàng nhanh chóng vụt qua, lúc này chị phó tổng biên tập tỉnh táo nói:

- Không nhận ra em là thày chưa già đâu. Còn tinh lắm. Còn trẻ lắm!

Thái độ điềm tĩnh của chị phó tổng biên tập làm ông băn khoăn, bối rối. Phải rồi, Loan của ông không bao giờ điềm tĩnh thế và lối ứng xử của em cũng khác. Nhưng… còn chiếc nhẫn… không là em thì ai lẩn thẩn lưu giữ cái đồ bằng đuya-ra trị giá không đáng một xu… Ông ý tứ quan sát lại chị. Còn chị, chị đăm đắm nhìn chiếc nhẫn đang đeo rồi đột ngột nhìn thẳng vào mặt ông và nói thật dịu dàng:

- Lần này thày lên Sơn La có được lâu không?
- Mai tôi phải về Hà Nội để chuẩn bị cho lễ khai giảng cuối cùng của đời dạy học. Hết năm học tới, tôi về hưu.
- Gấp thế thì… anh… à thày, mình phải đi ngay thôi. Miền núi trời chóng tối!

Chiếc Dream phóng vù vù mặc mặt đường khi lên đèo khi xuống dốc, lúc vòng trái, lúc lượn phải uốn khúc, quanh co. Bỗng chị phó tổng biên tập quay đầu lại, cười nói rất to:

- Thày đừng ngồi xa thế, ôm chặt lấy em, không ngã thì khốn.

Ông lặng lẽ nhích người lên và rụt rè bám hờ vào lườn chị. Chị phó tổng biên tập mủm mỉm cười và tăng ga phóng tiếp. Xe lại lên dốc xuống đèo vòng trái, lượn phải giữa một vùng trập trùng đồi núi… Bát ngát xanh và bạt ngàn gió… Đúng Loan rồi. Ông nhớ tới lần đầu tiên, ông và Loan đi chơi dưới rặng ổi Quảng Bá. Trời trong, trăng trong và những làn gió mơn man… Hương ổi thơm dịu… Rủ người ta đi chơi mà ngồi xa thế… Xa như người xa lạ… hay vẫn chê người ta bẩn… Ông khẽ lắc đầu cười nhưng… Không phải Loan, Loan khác cơ…

- Thày ơi! Tới trường rồi! Thày trò mình ghé thăm trường chút ít.

Chị phó tổng biên tập vừa dựng xe vừa nhanh nhẹn bước qua cổng trường. Cổng trường to quá, đẹp quá! Sau nó là những bậc thang rộng, chắc bằng xi măng kéo thẳng đến đỉnh đồi. Ông Quỳnh khẽ nhắm mắt, hít một hơi thật sâu cố ghìm nén những cảm xúc chợt trào dâng trong lòng… Trường đây ư? Còn đâu ngay dưới chân ông, dọc theo những bậc thềm xi măng này hai dải cỏ tóc tiên mượt mà, trĩu trịt những giọt sương chạy thẳng lên khu nhà tập thể giáo viên. Trường đây ư? Ông chói mắt ngỡ ngàng trước khu nhà hiệu bộ và hai dãy nhà 3 tầng đồ sộ, sáng lóa vôi ve. Còn đâu những dãy nhà tre nứa xiêu vẹo, tềnh toàng, những mái gianh mục nát xỉn màu mưa nắng… Ông lắng mình nhìn ngắm khu trường và chợt thấy mình có lỗi.

- Thày ơi! Thày còn nhớ hàng cây lát này không?

Ông giật mình nhận ra mình đang đứng bên hàng cây lát. Những cây lát nhỏ thày trò ông phải cất công mang từ tận trại giống huyện Sông Mã về trồng giờ đây trông vạm vỡ, lực lưỡng như những chàng trai vùng sơn cước. Ông bỗng thấy Loan đang lách chách nhẩy dây dưới hàng cây và không gian lại vẳng lên lời ông nhắc nhở vừa nghiêm khắc vừa trìu mến: “Loan! Em nhảy kheo khéo nhỡ gẫy cây đấy!” Gần 40 năm rồi còn gì…

- Thày ơi, xuống đây!

Ông thẫn thờ đi theo tiếng gọi. Dưới chân đồi là dòng suối nhỏ với dải bờ đá nhấp nhô. Nước trong đến giá lòng. Ven bãi suối này, thày trò ông đã từng háo hức cắm trại… Những tấm nilon đủ màu, đủ kiểu… những tấm chăn chiên rung rúc xỉn màu… những tấm vỏ chăn tiết kiệm được nối ghép bằng hàng trăm miếng vải thừa… những cọc tre, dây dù dây chão… ngổn ngang… bừa bãi… náo nức… tưng bừng… Bỗng Loan từ đâu ào tới. Em lao thẳng tới ông và bất ngờ dúi vào túi quần ông quả xoài Yên Châu chín ửng… Và em cắm đầu chạy. Chạy để tránh nỗi ngượng ngùng xấu hổ đang dồn lên trong lòng. Tấm lòng thơm thảo yêu quý thày của người học trò nghèo sao mà xúc động, rưng rưng… Ông Quỳnh nhắm mắt rồi hít một hơi thật sâu, quyết đưa mình trở về hiện tại. Ông mở mắt. Trời xanh, xanh quá! Không gian trong quá, trong đến không màu. Ông khẽ lắc đầu hướng ý nghĩ tới tình thày trò hiện nay. Đúng là: cơ khí tác cơ tâm. Nhịp sống càng hiện đại, điều kiện vật chất càng cao thì nghĩa tình con người kiểu “thủ công” ấy ngày càng ít đi và trở thành quí hiếm!

- Thày ơi! Em cho thày xem cái này!

Dứt lời, chị phó tổng biên tập tạt vào bụi cây ven suối lôi ra một gói nhỏ bọc bằng nilon và thận trọng mở ra. Trong bọc chỉ là một cái cốc thủy tinh màu xanh đã cũ – kiểu cốc uống nước của những năm 60 ở thế kỷ trước. Mắt chị lấp lánh niềm vui. Chị hồ hởi nói:

- Mấy chục năm nay, năm nào cũng thế, cứ đến ngày 20 tháng 11 là chúng em lại mang mấy búi tóc tiên đến đây và cắm vào chiếc cốc này để nhớ… Thày có biết chúng em nhớ đến ai không? Nhớ tới những kỉ niệm về người chủ chiếc cốc thủy tinh này! Thày có biết ai là chủ chiếc cốc này không? Thày nhìn chiếc cốc đi, em tin là thày biết!

Ông Quỳnh đón chiếc cốc từ tay chị rồi thận trọng đeo kính ngắm nhìn. Chiếc cốc thủy tinh màu xanh xỉn, miệng cốc có vài chỗ mẻ, thành cốc chỉ thi thoảng lấm tấm bọt khí… Bỗng ông Quỳnh rùng mình: Đó là chiếc cốc thủy tinh ông mang từ Hà Nội lên, trước là để dùng uống nước, sau thì Loan biến nó thành lọ hoa, lúc cắm vài nhánh hoa rừng hoang dại, khi đặt vài chùm tóc tiên mộc mạc ấm lòng… Ông cố trấn tĩnh sau phút giây xúc động rồi nhỏ nhẹ trách:

- Loan! Em thật nhẫn tâm, bỡn cợt với những kỷ niệm thiêng liêng của đời. Tôi không nhận ra em nhưng những kỉ niệm với em thì không bao giờ tôi quên nổi… Tin hay không, tùy em.
- Thày! Thày đừng nghĩ vậy, oan cho em, em không phải là Loan…
- Đừng nói nữa Loan. Em càng nói tôi càng đau khổ. Phải! Không nhận ra em đúng là một tội nhưng…
- Không nhưng gì cả, thày trò mình lên xe, vài phút nữa thày sẽ rõ tất.

Như người mộng du, ông Quỳnh bần thần ngồi lên sau xe. Đường mòn vùng núi vẫn mấp mô, vẫn lổn nhổn đất đá, vẫn ổ trâu ổ gà, vẫn tràn lan cỏ dại… Rừng Ma đây rồi. Phải, từ đây về nhà Loan chỉ còn vài trăm mét. Một điều gì trong lòng bỗng dâng lên, dâng lên làm ông khó thở. Ông cố nhìn chăm chắm vào khu rừng Ma… Ông lại thấy chập chờn trên thân lá xanh rì của rừng cây những đống củi lớn giăng giăng trước mắt. Trên mặt những đống củi lớn là những xác trẻ em èo uột, những xác người già quắt queo mà cái nghèo cái khó đến chết vẫn không chịu rời cơ thể… Tất cả bỗng bùng cháy, mịt mù, rừng rực… Hình như có mùi khét. Mùi thịt cháy. Phải qua rừng Ma vài trăm mét là tới nhà Loan…

- Tới rồi. Thày vào thăm chị ấy đi – Tiếng chị phó tổng dịu dàng.
- Cái gì? “Tới rồi, thày vào thăm chị ấy đi…” - Ông Quỳnh lẩm bẩm lại câu nói và ngước nhìn chị phó tổng với ánh nhìn ngơ ngác, không hiểu.

Chị phó tổng không nói, xăm xăm đi vào ngôi mộ ven đường ngút ngàn cỏ gianh và hoang dại những bụi cây chó đẻ. Chị vạch đám cỏ ở đầu ngôi mộ. Một tấm bia đá xỉn màu mưa nắng hiện ra với vài dòng chữ sơn đen đã phai màu nhưng còn đọc được:

Nguyễn Bích Loan
Sinh ngày: …
Mất ngày: …
Tại: …

Ông Quỳnh từ từ khuỵu xuống… Sống mũi ông sực cay và nước mắt lặng lẽ tuôn dòng. Ông ngồi gục đầu bên nấm mộ lặng nghe nỗi xót xa tê tái chà xát tấm thân đã không còn sinh khí. Mươi phút tĩnh lặng trôi qua, ông Quỳnh từ từ ngẩng mặt nhìn chị phó tổng nói như người mất hồn:

- Em cho tôi đến tạ lỗi với chồng con Bích Loan. Thắp cho Loan một nén nhang hội ngộ.
- Chị Loan đã lấy chồng đâu!
- Chưa lấy chồng! Thế chị ấy có nhận được lá thư tôi gửi trước lúc đi B không?
- Có. Có thày ạ!... “Em hãy coi kỉ niệm của chúng mình chỉ là sản phẩm lãng mạn của tuổi trẻ non nót và ngộ nhận. Đường đời em đi chắc chắn sẽ gặp những chàng trai hơn tôi về mọi mặt. Tình yêu và hạnh phúc sẽ đến với em. Đừng tự biến mình thành nàng Vọng Phu bất đắc dĩ khi mà đất nước này đã có quá nhiều hòn Vọng Phu… Vĩnh biệt em, cô học trò mãi mãi lọ lem. Chúc em hạnh phúc.” - chị phó tổng đọc làu làu đoạn thư.

- Nhận được thư rồi, sao Loan vẫn còn chờ đợi…

- Biết làm sao được hả thày, khi chị ấy thường tâm sự: “…Xưa nay chinh chiến mấy ai về… Với ý nghĩ ấy, những hiệp sĩ trí thức trước khi xung trận thường đau lòng viết ra những lời như thế, hòng giải thoát cho người mình yêu và cho cả chính mình. Dại gì mà nghe các ông ấy.” Nghĩ thế, nên chị ấy son sắt đợi thày. Đợi cho đến quá lứa lỡ thì. Đợi cho đến chết. Đợi trong khắc khoải nhớ thương. Nhớ thương tới mức: Những kỉ niệm ấm nồng giữa hai người, chị ấy kể cho em nghe, kể đi kể lại đến nỗi, đến một ngày nào đó em cũng không biết nữa, nó trở thành kỉ niệm của chính lòng em, làm em cũng thao thiết, chờ mong và khắc khoải… Thế mới biết, những kỉ niệm ấm áp của con người bao giờ cũng có sức sống lâu bền, mạnh mẽ hơn cuộc sống của chính những người đã tạo nên nó. Thày có thấy không, những kỉ niệm của 2 người còn sống mãi bất chấp cả việc giờ đây chị ấy đã mãi mãi đi xa.

- Tôi cũng nhớ nhiều lắm… Nhớ những ngày rét thấu xương, đất trời Sơn La như đông cứng, phong phanh vài manh áo cũ mỏng tang Bích Loan lập cập tới trường… Nhớ nhiều buổi bé Loan tới trường mặt mũi còn lem luốc, tôi phải gọi vào nhà lau mặt cho rồi mới cho vào lớp. Tôi nhớ đến khắc khoải cái cốc hoa tóc tiên hoang dại, sớm nở tối tàn, hương không đặc trưng, sắc không rực rỡ mà Loan ngày ngày thầm lặng đặt trên bàn làm việc của tôi. Đối với tôi, từ ngày có sự chăm sóc âm thầm, rụt rè của Loan, những cụm tóc tiên mộc mạc đến mức người đời coi là cỏ lại trở thành nỗi ám ảnh của đời, nó còn đẹp hơn nhiều những bông thủy tiên kiêu sa, đài các.

- Thày có thấy mộ chị Bích Loan có gì khác với các mộ xung quanh không?

- Có. Tôi có thấy. Tất cả dịu dàng xanh, những lá tóc tiên mượt mà lượn sóng đùa cùng gió, những bông hoa nhỏ xíu ửng hồng. Vài ngày nữa chắc trời sẽ mưa thôi:

… Hoa tóc tiên ơi, sớm mai và tuổi trẻ

Lật trang nhật ký nào cũng thấy xót trong lòng…

- Thày và chị thật là những người hạnh phúc!

- Gặp nhau thế này mà bạn cho là hạnh phúc ư? Tôi thực sự không hiểu.

- Hạnh phúc chứ thày! Nếu thày biết, những ngày trước khi mất, chị Bích Loan đưa em chiếc nhẫn đuya-ra rồi dặn đi dặn lại: khi nào thày lên thăm chị, phải đưa thày đến chỗ này, phải cho thày xem cái kia… cứ thế, cứ thế theo một kịch bản thật là chặt chẽ. Thực lòng lúc ấy em nhận lời chị chỉ để chị thanh thản ra đi, chứ lòng mình còn phân vân lắm. Nào ngờ, mấy chục năm sau lại có ngày này. Phải yêu thương tin tưởng nhau đến mức nào chị ấy mới dám khẳng định như vậy chứ. Thày thấy thế có là hạnh phúc không? Thôi… mình về đi thày… Trời sắp tối rồi. Đường miền núi, tối trời, khó đi lắm.

Ông Quỳnh lặng lẽ gật đầu khi ngước mắt nhìn thấy núi rừng Sơn La đã chạng vạng một màu nhang hóa.


L.M

Không có nhận xét nào: