Nghe theo lời khuyên của ông Nhiêu Biểu, ngay sau lễ tang cụ bà Đồ Kha, ông bà Lý Phúc đã tìm thầy pháp cao tay sửa lễ tống trùng và cầu an trong suốt bẩy ngày. Thật lạ, trước ngày sửa lễ, hằng đêm trên ngọn cây muỗm đầu nhà thờ, có con chim lợn rất to về đậu, kêu tiếng rờn rợn thê lương. Rồi khoảng canh hai, từng đoàn âm binh kéo về chật sân nhà thờ, tiếng bước chân rầm rập, chen tiếng vũ khí va đập rợn gáy. Cúng lễ xong thì con chim lợn và đoàn âm binh biến mất. Chỉ còn duy nhất 1 bóng áo trắng, lúc như người thật, lúc to bằng cả đống rơm cứ lặng lẽ ẩn hiện ở bờ ao trước cửa Nguyễn Kỳ Viên. Ông Nhiêu Biểu bảo rằng đó là oan hồn chưa siêu thoát. Nó còn chờ cơ hội quả báo.
Quả nhiên, tai hoạ tiếp tục ập xuống. Cuộc CCRĐ như cơn bão đen, phá tan tành Nguyễn Kỳ Viên.
Cái chết không toàn thây của ông Lý Phúc tưởng đã là đỉnh điểm của trận bão. Nhưng dường như, đó mới chỉ là sự bắt đầu.
Cái gì đã đưa đẩy, dồn nén dẫn đến cái chết khủng khiếp của ông Lý Phúc? Việc đi Nam của Nguyễn Kỳ Vọng? Sự ly khai dòng họ của Nguyễn Kỳ Khôi? Cái chết của cụ Đồ Kha?
Tất cả những sự kiện ấy là khởi thuỷ, như những đợt trầm tích, chúng cứ tích tụ, bồi lấp dần, khiến con người vốn u trầm, cả nghĩ của ông Lý Phúc ngày càng chìm lắng trong 1 khối u uẩn nặng nề. Cho tới khi nhận được lá thư của Cam thì ông hoang mang, như người đang lạc trong lưng chiều bỗng bị đẩy và 1 hẻm đá lạnh.
Kính gửi bác Nguyễn Kỳ Phúc.
Lẽ ra đích thân em phải về gặp bác để có điều kiên trình bày thấu đáo mọi điều. Nhưng em đang có công việc, ở rất xa, không thể về làng Động được. Vì sao em có mối cảm tình đặc biệt với gia đình ta, và cần phải viết gửi bác những dòng này, mong rằng bác sẽ hiểu.
Bác ạ. Sắp tới là 1 thời kỳ hết sức khó khăn với bác và các bạn của bác, đặc biệt là bác Hội Thiện. Những người trực tiếp làm việc với các bác mấy năm qua đều đã hi sinh hoặc đã đi xa cả rồi… bóng đen rất khó phân giải… Linh tính báo cho em biết rằng sắp tới bác và các bạn của bác rất có thể là mục tiêu và đối tượng của bần cố nông dân… Xin bác hãy bảo trong. Và nếu có thể, bác khuyên bác Hội Thiện và các bác Đồ Sắc, Lang Kiêu, Chánh Hạp… hãy tạm lánh đi 1 nơi nào…
Giấy ngắn tình dài. Kính mong bác và toàn gia khang kiên.
Đào Thị Cam.
Ngay sau khi nhận được thư Cam, ông Lý Phúc đã lên Nghi Sơn gặp ông Chánh tổng Thiện. Ông Thiện cười và bảo rằng:
- Cô Cam quá lo cho anh em mình. Chúng mình đều là con nhà nông, lại được cha mẹ cho ăn học chút chữ thánh hiền. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Bác có nhớ câu của Mạnh Tử: "Cùng tắc độc thiện kỳ tân. Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ" (Khi nghèo tự làm việc tốt cho mình. Khi giàu làm việc tốt cho cả thiên hạ). Mình làm được chút việc lợi cho dân cũng chính là cho bản thân mình. Dân đánh giá thế nào thì mình được thế đó. Giai đoạn này quả là khó khăn đấy, nhưng anh em mình phải thật sự tin tưởng ông Cụ bác ạ. Cụ Hồ Chí Minh là bậc Thánh nhân sáng suốt. Gái có công thì chồng chẳng phụ…
Ông Hội Thiện, học quá nhiều sách của thánh hiền, trung tín và trung quân quá. Ông chờ đón cuộc CCRĐ như chờ đón định mệnh của mình.
Chỉ sau mấy tuần đầu tiên của cuộc CM nông dân long trời lở đất nổ ra, vụ xử Chánh tổng Thiện cùng Nghị Điểu người nhiều ruộng nhất huyện Phương Đình, đã trở thành vụ đấu tố thí điểm của tỉnh Sơn Minh.
Phiên đấu tố Chánh tổng Thiện và Nghị Điểu diễn ra tại cánh đồng thôn Nghi Sơn, bên bờ đê sông Điền. Đây là vụ xử thí điểm nên thành phần tham dự có nhiều quan chức Liên Đoàn uỷ, Đoàn uỷ CCRĐ và các chuỗi rễ, những cố nông được đôn lên thành cán bộ khắp toàn huyện và 1 vài huyện bạn. Đặc biệt có hai người cao to, đeo kính đen cùng với 1 cô phiên dịch tiếng Hoa đã đến Nghi Sơn từ mấy hôm trước Đó là hai chuyên gia nước bạn, từng giúp Ban chỉ đạo CCRĐ Trung ương xử thí điểm vụ địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên.
Từ bốn giờ sáng, dân khắp ba mươi xã và 1 thị trấn của huyện Phương Đình đã từ các ngả, mang theo cờ, trống, thanh la, não bạt, băng rôn, biểu ngữ bằng giấy, bằng cót, bằng mẹt đủ loại, lũ lượt kéo nhau về nơi xử án. "Đả đảo Nghị Điểu, đại địa chủ cường hào đại gian đại ác", "Đả đảo Chánh tổng Thiện, cường hào Quốc dân đảng, Việt gian phản động, tay sai phong kiến đế quốc", "Nhiệt liệt chào đón cuộc CCRĐ đem quyền lợi về cho dân nghèo". Có những tốp đi theo gia đình, hoặc chòm xóm, người già, trẻ con bồng bế nhau như ngày trước đi tản cư, mang theo cả khoai, sắn luộc, cơm nắm trộn ngô, khoai khô hay rau khúc. Có nhóm đi theo đoàn thể, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ hay dân quân du kích. Tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất là những câu hò tự phóng tác: "Nông dân đói khổ bao đời… Ai đi hò lờ… Phóng tay cải cách chuyển dời núi sông… Hò lơ hò lơ lắng tai nghe tiếng ai hò là…"
Hôm ấy là 1 ngày hanh heo. Cánh đồng sau vụ gặt dạc vàng gốc rạ. Chưa tan sương, người từ các ngả đã ùn ùn kéo đến. Đến khi mặt trời hoe vàng, khắp cánh đồng rộng hàng trăm mẫu đã đen kịt những người. Khối người kết thành đám, thành tảng, khiến hơi nóng toả ra, bốc ngùn ngụt, xua tan sương trong chốc lát. Những gương mặt đây hưng phấn và căng thẳng nhưng hốc hác nhăn nheo, không che giấu nổi sự thiếu ăn, sự thất học. Trong giá rét, những đứa trẻ da tím tái, quần áo rách rưới, phong phanh, những dân quân du kích già trước tuổi mặt vêu vao, xanh lét, lúc nào cũng nghiêm trang, mắt căng ra như chực lên đồng. Khối quần chúng còn lại, 1 màu đất sét, hoặc nâu xỉn, da người lẫn màu quần áo, rất nhiều những tấm áo đụp, vá chằng vá chịt, hở vai hở sườn, vạt, gấu tua tớp. Họ hô khẩu hiệu 1 cách a dua chứ chẳng biết căm thù ai, hoan hô ai, ý thức giai cấp thế nào. Phần đông theo đi là do háo hức, hiếu kỳ. Đông nhất là trẻ con, bởi ngày hôm đó các trường trong huyện đều nghỉ học để thầy trò đi tham gia đấu tố, hun đúc ý chí căm thù địa chủ cường hào.
Có hai loại thành phần bắt buộc phải có mặt tại đấu trường này: 1 là các ông bà bần cố nông cốt cán của các thôn các xã, những rễ chuỗi tin cậy, những thẩm phán và hội thẩm, quan toà trong các cuộc đấu tố sắp tới. Hai là các đối tượng trực tiếp của cuộc cải cách, những phú nông và địa chủ, Việt gian Quốc dân đảng dự kiến của từng thôn xã theo chỉ tiêu đã được cấp trên duyệt. Ông Lý Phúc và các ông Đồ Sắc, Lang Kiêu, Chánh Hạp bạn ông, nằm trong đối tượng thứ hai này.
Hội Thiện và Nghị Điểu được hai tốp dân quân dẫn giải ra từ sớm. Nghị Điểu đi không nổi. Chân tay rúm ró như con chó sắp bị cắt tiết. Từ đũng quần trở xuống bê bết cứt và nước đái. Hai anh dân quân tay bịt mũi, tay xốc nách Nghị Điểu lôi xềnh xệch. Hội Thiện thường ngày cao to, nặng tới bẩy mươi cân, vai u, mặt phương phi chữ điền, chỉ mấy tuần bị đấu tố, tra tấn, đã tọp đi đến vài chục cân, còn như 1 cây sậy. Riêng bộ mặt thì phù ra, to bạnh và tím tái. Hai mắt sưng húp. Chỗ răng cửa, chắc bị xơi gộc tre, trống hoác. Nhìn ông bạn kết nghĩa của mình, bị trói hai tay giật cánh khuỷu, đứng mấy giờ liền trên đài xử án, mặc cho các ông bà nông dân lên tố khổ và nhổ nước bọt đầy mặt, Lý Phúc mím chặt răng, nuốt nước mắt vào trong.
- Thằng Chánh tổng Thiện, mày có biết ông là ai không? - 1 người thấp lùn, răng vẩu, mặt rỗ chằng chịt vừa nhảy lên đài đã thoi vào giữa mặt Hội Thiện 1 quả đấm trời giáng - Ông là bố mày đây. Là thằng Đĩ Ngao con ông Mõ Ngò làng Động chuyên môn giết gà đãi chúng mày đánh tổ tôm ở nhà Lý Phúc đây! Ông đang thèm rỏ dãi ra vì nghĩ đến những bát cháo gà ông làm không công cho chúng mày tọng đây. Chúng mày là 1 lũ ác bá cường hào bóc lột công sức của bần cố chúng ông. VM việt méo gì? Hai mang hổ mang gì chúng mày? Mày là trùm Quốc dân Đảng phản động, chui vào hàng ngũ VM để phá hoại từ bên trong. Thì ra bây giờ chúng ông mới biết mày khoác áo Phó Bí thư huyện uỷ giả. Ai kết nạp mày? Ai bầu mày vào cấp uỷ? Hồi đánh tổ tôm ở nhà Lý Phúc, ông đã nghi ngờ mày là thằng mật thám, quả không sai. Mày cấu kết với thằng ác ôn đồn trưởng Trương Phiên giết hại bao nhiêu du kích…
- Ới ông bà nông dân ơi, thằng Chánh tổng Thiện này phải xử tội voi dày - 1 bà mặc váy thâm, áo nâu non, cao to, vú lúc lắc sau lần áo, tốc váy xông lên đài - Thằng Thiện, mày nhìn bà đã rõ chưa? Mày có nhớ chục năm trước khi bà còn hơ hớ, da trắng nõn như ngó cần không? Khi ấy bà chưa mãn tang chồng. Bà đang sầu não héo mòn thì mày đến tán tỉnh bà. Mày đứng gần bà mà cái của nợ của mày cứ như cái gậy chọc vào mắt bà, khiến bà không chịu nổi. Mày dụ bà rằng sẽ cưới bà làm vợ bé, rồi cưỡng hiếp bà hàng mấy trăm lần. Có ngày tới cả chục lần. Có lần bà đang kỳ thấy tháng mày cũng không buông tha, khiến máu chảy hàng tuần lễ. Lúc ấy bà sướng, bà kêu, thì mày bịt mồm bà đến gần tắc thở. Nhưng rồi đến khi bà có chửa thì mày bỏ rơi bà, mày gán bà cho lão phó cối…
Cuộc đấu tố đầy chất bi, hài, vừa sặc mùi thế tục, vừa đầy ắp chất hài hước và cảm hứng sáng tạo dân gian, tưởng không có điểm dừng.
Ông Lý Phúc bỗng nhớ lá thư Cam gần mấy tháng trước. Thì ra Cam đã tiên đoán trước mọi điều. 1 thời buổi không nhân nghĩa, trắng đen lẫn lộn. Lý Thông cướp công Thạch Sanh. Bọn Khuyển Ưng, Bạc Bà, Bạc Hạnh nhao nhao phun máu hại người. Rồi ngay cả những công thần Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Lê Ngân, Lê Sát cũng sẽ bị hại… Biết trước mà cũng đành bất lực, không có cách nào minh oan và giải cứu cho Hội Thiện được. Giá như Hội Thiện nghe Cam, nghe ông mà trốn đi, có phải sẽ thoát khỏi cảnh ngộ bi thương này?
Giờ tuyên án Hội Thiện mà Lý Phúc tưởng như tuyên án chính mình. Cả mấy nghìn con người đều im phắc hướng về phía kỳ đài làm trên bãi đất cao, bao quanh bằng cót, trên đó là các cố vấn và hội đồng xử án. Với tội danh đại địa chủ cường hào ác bá kiêm Quốc dân đảng phản động tay sai phong kiến đế quốc, cả Chánh tổng Thiện và Nghị Điểu đều lãnh án tử hình, ruộng đất tài sản bị tịch thu toàn bộ đem chia cho ông bà nông dân. Bản án được thực thi ngay tức thời, tại địa điểm xử án.
Trong nhạt nhoà nước mắt, Lý Phúc thấy hình ảnh bạn mình bỗng hiên ngang, vòi vọi. Trong khi Nghị Điểu rúm ró, không thể đi được, sợ hãi đến phun cứt ra đầy quần, thì Chánh tổng Thiện cố lê bước chân đau, nhếch miệng cười, nhìn khắp lượt như chào.
Cả chục nghìn người cùng đổ dồn mắt vào Hội Thiện, khi ông khước từ bịt mắt, nhìn thẳng vào các họng súng và cất tiếng hô dõng dạc:- Nước Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch vạn tuế!
Năm loạt đạn đều bắn lạc lên trời. Phải đến viên đạn thứ sáu do đích thân đội trưởng thi hành án bóp cò, Hội Thiện mới ngã gục.
***
Vì sao Hội Thiện, người được VM gài vào hàng ngũ địch để phục vụ kháng chiến, 1 đảng viên CS, phó Bí thư huyện uỷ, lại trở thành kẻ thù của CM? Vì sao VM nỡ thay lòng đổi dạ, rũ bỏ công lao những người thành phần lớp trên nhưng đã từ bỏ địa vị giai cấp, 1 lòng yêu nước đi theo kháng chiến?
Những câu hỏi ấy xoáy vào đầu Lý Phúc làm ông tưởng như ngất xỉu trên đường lê bước về nhà. Như có 1 sự sụp đổ, vữa nát, lộn tùng phèo ở đâu đó, trong óc, trong tim gan hay mật, phổi, lá lách, dạ dày… Nhắm mắt lại, không muốn nghĩ đến, nhưng trước mắt ông vẫn hiển hiện hình ảnh người bạn tri âm tri kỷ đổ gục như cây chuối bị đẵn ngang gốc. Ngay sau đó, người ta vùi Hội Thiện xuống hố đất đào vội, chỉ 1 mảnh chiếu bọc thân thay cho quan tài.
Ba ngày liền Lý Phúc không thiết ăn uống. Ba đêm liền ông không hề chợp mắt. Hình ảnh của Hội Thiện trần trụi trong đất làm cho ông lúc nào cũng lạnh toát sống lưng. Ông bảo vợ: "Tôi sẽ không sống được nếu cứ để bác Hội nằm như thế". Rồi ông lấy ván sàn từ gác kho lúa, bí mật mời ông phó mộc làng Nguyễn cùng hai bố con ông phụ giúp, trong hai ngày đóng xong 1 cỗ quan tài. Gần nửa đêm hôm sau, đợi lúc trăng lên, ông bảo Cục mang chiếc xe kéo trong nhà kho ra, chất chiếc quan tài lên, rồi hai bố con lặng lẽ kẻ đẩy, người kéo, đi dọc đê sông Điền, lên làng Nghi Sơn.
Đi suốt ba giờ đồng hồ, đến gà gáy canh ba thì đến chỗ vùi thây ông Hội Thiện. Đã thấy lố nhố dưới chân đê hai bà vợ và ba đứa con Hội Thiện, đã được mật báo trước, cầm sẵn cuốc xẻng, và các đồ an táng đứng đợi. Không dám khóc, không dám nói to, càng không dám thắp hương, nhóm lửa. Nhờ ánh trăng suông, mọi người ai nấy vào việc. Chiếc thây bị hành quyết sau 1 tuần, đã trương nứt, thối rữa, bốc mùi nồng nặc. Súc miệng đến nửa cút rượu, xoa gần hết lọ dầu con hổ mà mấy lần Lý Phúc vẫn chực nôn oẹ. Ông cố nuốt nước bọt, cố vận hết lý trí để thay cho Hội Thiện bộ quần áo mới. Nhưng rồi tới lúc lau mặt cho Hội Thiện, cả người ông bỗng co rúm lại khi bàn tay ông chạm vào đôi mắt bạn. Nước mắt, hay dịch nhờn bị phân huỷ, như 1 chất nhầy thối khắm bò ra hai tay ông, xộc lên mũi ông. Và kìa, cùng với chất nhầy thối khắm là cảm giác buồn buồn đang bò lan lên hai cánh tay.
Trời ơi! Dòi. Dòi từ hai hốc mắt Hội Thiện đang lúc nhúc bò ra, trắng nhờ nhờ dưới ánh trăng suông, theo bàn tay trườn lên người Lý Phúc. Lý Phúc rùng mình, lạnh buốt từ sống lưng lên đỉnh đầu. Ông ngất xỉu bên xác bạn. Đám người nháo nhác hoảng loạn. Đến lúc này mới thấy Cục là 1 người đầy bản lĩnh. Mới được làm bố trẻ con có khác. Lấy vợ chưa đầy năm, mười bẩy tuổi, Cục đã có con trai đầu lòng. Cục chững chạc, người lớn như 1 người đàn ông thực thụ. Anh ôm chầm lấy bố, vừa lay gọi, vừa làm các động tác thể dục hồi sức, vừa lấy dầu con hổ xoa khắp người Lý Phúc.
May mà cơn nguy kịch cũng qua.
Vừa tỉnh lại, Lý Phúc lại giục mọi người vào việc. Phải vất vả lắm xác Hội Thiện mới đặt được vào quan tài.
Tới lúc trời tảng thì nấm mồ Hội Thiện cũng được chôn lại xong. Lý Phúc lấy từ trong người ra 1 vuông khăn trắng, chít ngang đầu, lại lấy ra 1 cút rượu và 1 bó hương. Phải vất vả lắm, những nén hương mới chịu bén trong gió rét thổi ràn rạt trên đồng trống. Hai bà vợ, ba đứa con Hội Thiện và Cục cùng xếp hàng quì phục sau Lý Phúc. Những tiếng khóc nghẹn lại. Lý Phúc cắm hương, tưới rượu lên mộ rồi chắp hai tay ngang trán, giọng nghẹn ngào:
- Anh ơi, anh sống khôn chết thiêng, hãy nhận cho em ba lạy này. Hãy về chứng giám hai chị và ba con của anh đang có mặt ở đây để tưởng nhớ anh với tất cả tấm lòng yêu thương, kính trọng: Nỗi oan này có trời xanh chứng giám, có thổ thần soi xét. Nhất định rồi anh sẽ được rửa oan. Chỉ cầu mong anh nằm yên nghỉ nơi chín suối…
Từ ngày kết nghĩa anh em, cả Hội Thiện và Lý Phúc ai cũng tự coi mình là em, tôn người kia là anh. Cho đến lúc này thì Lý Phúc càng thấy bạn mình xứng đáng là người anh cao cả với đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 1 đấng nam nhi cương cường, nghĩa hiệp, tiết tháo, luôn luôn biết hy sinh vì nghĩa lớn, luôn sống vị tha, nhân ái, bao dung.
Không giữ được cảm xúc đang ứa nghẹn, giọng Lý Phúc bỗng hộc lên. Tiếng ông khóc ồ ồ như thú bị chọc tiết. Hai bà vợ và ba đứa con Hội Thiện cùng oà khóc theo.
Bỗng có tiếng súng nổ từ trong làng. Rồi tiếng hô hoán, tiếng chửi bới cùng ánh đuốc chập chờn mỗi lúc 1 tiến lại gần. Chỉ trong chốc lát, tốp người đào trộm mộ đã bị bao vây bởi những họng súng trường, những mã tấu, đòn càn và những gương mặt sát khí đằng đằng của các ông bà dân quân du kích, dẫn đầu là Tựu, Đội trưởng Đội cải cách thí điểm:
- Trói tất cả nại giải về đình - Tựu ra lệnh bằng cái giọng mũi khe khé và tật nói ngọng cố hữu lẫn lộn giữa en-nờ và e-lờ, rồi hất hàm ra hiệu cho mấy dân quân đang vớ lấy cuốc xẻng.
Mắt Lý Phúc bỗng long lên, ông nhảy hai bước đứng chắn trước mộ, hai tay dang ra ở thế vừa xuống tấn, vừa ngăn cản.
- Không được đụng đến mộ. Không được làm việc thất đức. Các ông có thể bắt chúng tôi nhưng xin không được phá mộ. Người đang nằm dưới này có quyền được mồ yên mả đẹp.
- Thằng lày nà thằng lào? - Tựu vừa hỏi vừa khoát tay gạt hai người vợ và những đứa con Hội Thiện đang quì xin dưới chân mình.
Không ai biết Lý Phúc.
- Thằng lày không phải người Nghi Sơn - Tựu khẳng định - Việt gian phản động muốn phá hoại cuộc CCRĐ của ông bà lông dân phỏng? Các đồng chí. Trói cổ thằng lày.
Hai người đàn bà lê lết trên đất, tế ông Đội Tựu như tế sao:- Chúng con cắn răng cắn cổ lạy ông Đội, tha cho bác ấy. Bác ấy là Cử Phúc người làng Động, bạn của ông Thiện nhà con…
Đội Tựu cười gằn:- Ái chà chà, người nàng Động gan tày trời. Lý Phúc tổ tôm thì cả huyện còn nạ gì? Cũng cùng 1 giuộc Việt gian phản động với Hội Thiện. Dám đi gần chục cây số để đào trộm mả. Ha ha… Anh bạn vĩ đại và cảm động quá nhỉ? Yêng hùng hảo hớn quá nhỉ? Các đồng chí, hãy thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản.
Lý Phúc bị trói đau đến co rúm cả người. Ông muốn cắn lưỡi. Nhưng Đội Tựu đã đoán biết. Tựu bóp mạnh vào hàm, rồi vớ nắm giẻ tọng kín đầy mồm Lý Phúc.
***
Việc Lý Phúc dám cải táng mộ cho Hội Thiện, khiến ông bị giam ở điếm canh làng Nghi Sơn hai ngày, bị ghi vào sổ đen là phần tử Quốc dân đảng đặc biệt nguy hiểm, bị đưa vào danh sách đấu tố đợt đầu ở làng Động.
Như 1 sắp đặt của định mệnh, Đội Tựu lại được điều về làng Động làm Đội trưởng đội cải cách. Người đàn ông ba mươi tuổi, phát âm giọng kim và có tật nói ngọng cố hữu này có 1 tên họ rất lạ: Phèng Cửu Tựu. Chính anh cũng không biết quê quán mình ở đâu, bố mẹ mình là ai? Cái họ Phèng có vẻ rất Tàu, nhưng cũng có thể do đọc chệch từ họ Phùng, họ Phan, hay họ Phạm. Còn tật nói ngọng lẫn lộn en-nờ và e-lờ thì đích thị là dân vùng chiêm trũng. Nghe nói năm lên bốn tuổi Tựu được đưa từ vùng sông Diêm Điền lên bán cho 1 người Dao hiếm con ở Võ Nhai. Mấy năm sau thì bố mẹ nuôi chết, Tựu đi lang thang kiếm sống. Rồi 1 cơ may đến với Tựu: Cứu quốc quân thành lập. Tựu trở thành đội viên, chính thức gia nhập đội quân CM, tham gia đánh đồn Võ Nhai. Anh được học chữ, học quân sự, học lý luận về đấu tranh giai cấp, rồi tham gia các chiến dịch Biên giới, Thu Đông và Điện Biên Phủ.
Phẩm chất ưu việt ở Tựu là trung thành tuyệt đối. Đó cũng là tiêu chuẩn đầu tiên khiến Tựu được cấp trên tin dùng và luôn chọn đặt ở những điểm nóng. Làng Động, 1 làng tề, tập trung nhiều phần tử Quốc dân đảng phán động, được chọn là điềm nóng và nhạy cảm của huyện Phương Đình.
Vừa đặt chân đến làng Động, Tựu đã tìm cách xâu rễ chuỗi ngay với Cục. Cái buổi sáng bắt Lý Phúc cải táng mả Hội Thiện, nhác thấy Cục, Tựu đã chú ý ngay. Lúc Cục lẻn trốn lên đê rồi tưởng không ai để ý, dông chiếc xe ba gác chạy thẳng, Tựu biết cả, nhưng ra hiệu cho dân quân không cần đuổi bắt.
Chuyên chính trong tay, bắt lúc nào chẳng được. Hoá ra động tác "thả hổ về rừng", lại là cái cớ để Tựu phân hoá Cục với Lý Phúc, kéo Cục về phía ông bà nông dân bần cố nông.
- Tôi biết cậu nà con luôi Ný Phúc, chứ không phải con đẻ - Tựu đã cho gọi Cục lên trụ sở Đội cải cách và mở đầu câu chuyện như thế - Ngay cái tên Nguyễn Kỳ Quặc mà Ný Phúc đặt cho cậu cũng đã thể hiện sự khinh bỉ và đểu giả. Cậu nà người bị vợ chồng Ný Phúc bóc nột từ khi mới nọt nòng cất tiếng khóc oe oe chào đời. Vì thế, Đội cải cách đã đưa cậu vào diện rễ chuỗi đặc biệt của nàng Động. Con luôi, theo định nghĩa của CM nà thành phần bị bóc nột. Bời vì huyết thống, dòng máu nà khác giống, khác dòng. Địa chủ cường hào càng thâm độc, tinh vi càng luôn nhiều con luôn. Bởi vì như thế chúng càng bóc nột được nhiều, càng chóng nàm giàu Có đúng như thế không?
- Ông nói sai rồi. Thầy u tôi không hề bóc lột…
- Đừng cãi. Cậu nàm sao hiểu lổi sự thâm độc của giai cấp tư sản, địa chủ? Ló vừa tinh vi vừa xảo quyệt vô cùng. Chuyến lày thì Ný Phúc toi rồi. Ló là tên Việt gian Quốc dân đảng nguy hiểm không kém gì Hội Thiện. Việc thằng Vọng, con trai ló đi Lam nà lằm trong âm mưu phản động rất tinh vi.
Thấy Cục nghệt mặt ra, hoang mang, Tựu biết đã bắt đầu nắm được rễ, liền tiếp tục tấn công:
- Cậu tưởng Ný Phúc cưới vợ cho cậu nà ló thương cậu đấy phỏng. Nhầm to rồi. Ló thích gái trẻ. Ló bỏ tiền ra cưới cho cậu để che mắt thiên hạ nhưng kỳ thực tối tối ló vẫn mò đến ngủ với vợ cậu…
- Ông chỉ nói càn… - Mắt Cục vằn những tia máu.
- Chú em đừng có lổi lóng. Ta lói có sách, mách có chứng. Vợ cậu đã khai báo với Đội hết cả rồi. Xem chừng ngay cả thằng con trai mới bốn tháng tuổi cũng chưa chắc đã nà của cậu. Ný Phúc nà 1 Quốc dân đảng cáo già, khét tiếng tổ tôm cờ bạc, đến như tên đồn trưởng ác ôn Trương Phiên cũng phải chịu thua, thì cậu nàm sao chống đỡ lổi… Ấy nà ta chưa lói đến cánh tay bị niệt của cậu. Ný Phúc nà 1 thầy nang có tài. 1 vết rắn cắn đối với ló, khó gì Thê mà ló cố tình để cho cậu bị niệt. Chỉ đơn giản để cậu kém các con trai đẻ của ló. Để mãi mãi cậu phải nàm lô nệ cho ló…
Còn hơn cả nọc rắn đã ngấm vào Cục mấy năm trước, những lời ngọt nhạt của Đội trưởng Tựu đã ngấm vào Cục ngay sau buổi giác ngộ đầu tiên đó. Hành động tức thời là ngay đêm ấy, Cục đã tẩn cho vợ 1 trận. Máu ghen làm con người mất khôn. Mà Cục thì lại quá yêu vợ. Càng yêu càng ghen lồng ghen lộn.
Thú thực, cả làng Động đều khen Cục có con mắt tinh đời. Rõ là mạ già ruộng ngấu, thài lài gặp cứt chó, lấy chồng mấy ngày, Bính cào cào đã đẹp lên trông thấy. Mông cứ đẫy ra, cong tớn, vú không còn lép kẹp như cá rô đực, mà mỗi ngày cứ như được bơm, mây mẩy, rồi căng tròn như hai trái bưởi.
Sau khi sinh thằng Cu, Bính bỗng đỏ da thắm thịt, đẹp ngời ngợi, đến mức anh chàng Cục nhiều khi cứ ngẩn ra nhìn ngắm vợ, rồi lừa bằng được cô nàng vào buồng, đè ngửa ra mà cấu cắn khắp nơi, rồi thả sức ôm ghì dúi hùng hục như anh thợ cày khoán.
Cuộc tra khảo vợ của cục kết thúc bằng 1 cuộc tình tang lên bờ xuống ruộng. Cục dúi cho cô nàng kêu toáng lên: "Ối thầy u ơi! Ôi anh Cục ơi, cứ ấy nữa đi, cứ ấy mạnh vào!". Khi Cục nằm thở dốc, có vẻ nguôi ngoai, Bính mới vuốt lưng chồng và bảo:- Thầy mà biết anh nghi ngờ thầy với em thì thầy đuổi chúng mình khỏi nhà.
Câu nói ỡm ở của Bính khiến Cục lại điên lên, đầu óc Cục càng quay cuồng nỗi ghen tuông chết người.
- Đuổi à? Đề xem ai đuổi ai? Tôi hay ông ấy?
Thế là ngay hôm sau Cục đến gặp Đội Tựu, ký vào tờ khai, xung phong là người đầu tiên đấu tố Lý Phúc.
- Lý Phúc, mày có biết ông là ai không? - Cục đã lặp lại hoàn toàn từ lời nói đến điệu bộ cuộc đấu tố của Đĩ Ngao với Chánh tổng Thiện hôm nào. Anh hùng hổ xông đến trước mặt Lý Phúc, chỉ thẳng vào mặt ông bố nuôi, giọng run bắn và nhoè nhoẹt vì vừa tu 1 hơi hết chai ba rượu ngang để lấy dũng khí - Ông là Nguyễn Kỳ Quặc hay Cục cứt chó mà mày đã bóc lột từ lúc mới đỏ hỏn nhặt từ gò ông Đống về đây…
Nói đến đó thì Cục quên phắt những gì cần phải tiếp tục. Anh ngớ người ra 1 lúc. Chợt nhìn thấy Tựu trên ghế chủ toạ đang mấp máy mồm như người nhắc vở trong các chiếu chèo, Cục nhớ lại những điều Tựu đã nói, liền lặp lại, nguyên cả những từ nói ngọng, như con vẹt thuộc tiếng người:
- Ngay cái tên Nguyễn Kỳ Quặc mà mày đặt cho ông cũng đã thể hiện sự khinh bỉ và đểu giả. Ông bị vợ chồng mày bóc nột từ khi mới nọt nòng cất tiếng khóc oe oe chào đời. Vì thế Đội cải cách đã đưa ông vào diện rễ chuỗi đặc biệt của nàng Động. Con luôi, theo định nghĩa của CM nà thành phần bị bóc nột. Bởi vì huyết thống, dòng máu nà khác giống, khác dòng. Địa chủ cường hào càng thâm độc, tinh vi càng luôn nhiều con luôn. Bởi vì như thế chúng càng bóc nột được nhiều, càng chóng nàm giàu. Có đúng như thế không? Bọn địa chủ chúng mày vừa tinh vi vừa xảo quyệt vô cùng. Mày tưởng cưới vợ cho ông nà mày thương ông đấy phỏng? Nhầm to rồi. Mày thích gái trẻ. Mày bỏ tiền ra cưới vợ cho ông để che mắt thiên hạ, nhưng kỳ thực tối tối mày vẫn mò đến ngủ với vợ ông…
Càng nói, Cục càng như 1 con rối bị người khác giật dây. Cả sân đình có lúc lặng đi vì sửng sốt, kinh ngạc, có lúc lại cười ồ lên vì quá hài hước ngớ ngẩn.
Lý Phúc như người chết đứng. Điều ông chưa từng tưởng tượng trong đời đang diễn ra. Tam cương ngũ thường đang lộn tùng phèo. Thằng Cục hiền lành chịu thương chịu khó của ông đang trở thành ác quỉ. Miệng nó đang phun máu tươi. Mỗi lời nói của nó như 1 mũi dùi nung đỏ. Trái tim ông như bị 1 bàn tay bóp cho ngừng đập rồi lại nặn cho máu phọt trào lên não. Mặt ông đang tím đen bỗng chuyển sang xanh lét. Ông đổ gục xuống nền sân đình, bất tỉnh.
***
Cái chết không toàn thây của Lý Phúc diễn ra ngay sau hôm Cục đấu tố ông năm ngày. Do sức khoẻ bị suy sụp, cuộc đấu tố Lý Phúc được tạm hoãn. Ông được Đội cho quản thúc tại nhà kết hợp để bà Lý Phúc phục thuốc cho chồng.
Nỗi đau đớn, mất mát, sự hổ thẹn, dằn vặt, uất ức… bị dồn nén từ sau cuộc phát vãng của anh con thứ ba, cuộc từ họ của anh con trai cả, rồi đến cái chết của mẹ ông, bạn ông… đã đẩy Lý Phúc gần đến tuyệt vọng. Cuộc đấu tố của đứa con nuôi, 1 sự vô ơn cực độ, sự tráo trở vô luân chưa từng có, tiếp tục đẩy ông đến đỉnh điểm tuyệt vọng. Người quân tử không chịu được nhục, không chịu được sự xảo trá, tráo trở, càng không chịu được sự phản bội. Năm ngày liền ông chỉ uống chút nước thuốc cầm hơi. Ông chán sống và thấy cuộc đời trống rỗng vô cùng. Đôi lúc nhói lên tình thương quặn thắt với người vợ hiền và cô con gái út. Rất thương yêu, nhưng ông chỉ lặng ngắm vợ và nhẹ nhàng xoa lên mái tóc bé Hậu mà âm thầm ứa nước mắt chứ không hề nói 1 lời.
- Con Bính nó giận thằng Cục, bế thằng bé bỏ về bên ngoại rồi thầy nó ạ - Bà Lý Phúc thỉnh thoảng lại hé 1 thông tin với chồng - Nó nhờ tôi xin mình tha tội cho chồng nó. Chấp đứa ngớ ngẩn làm gì. Nó còn trẻ người non dạ. Có khác gì trẻ con bị người lớn xui ăn cứt gà…
- Thằng Cục lên làng Nguyễn đón vợ con, bị vợ nó và cả nhà ông Phó Bùng lót tay lá chuối đuổi về thầy nó ạ!
Hôm sau bà Lý Phúc lại hé lộ 1 thông tin mới:
- Nó vừa đến khóc mếu với tôi, xin mình tha. Nó biết dại rồi. Chỉ vì nghe lời ông Đội Tựu xúi bẩy…
Ông Lý Phúc cầm tay vợ, nhìn vào mắt vợ rất lâu, rồi bảo:- Mình lên ông Phó Bùng xin với ông bà nhạc cho con Bính bế cháu về. Hổ dữ không ăn thịt con. Nói với vợ chồng nó rằng tôi tha thứ. Mẹ con vợ chồng cố mà cưu mang nhau vượt qua cuộc đại hạn này…
Lời nhắn gửi với vợ, cũng là lời trăn trối cuối cùng của ông Lý Phúc. Sau khi bà Lý vừa đi lên nhà ông bà thông gia, ông Lý Phúc liền gượng dậy lau rửa người thật kỹ, tìm mặc bộ quần áo trắng mới tinh, đi lên nhà thờ thắp khắp lượt các ban 1 tuần hương, khấn lạy các bậc thần phật, liệt tổ liệt tông cùng cha mẹ, ông bà nội ngoại, đoạn ông lấy sợi dây thừng trâu đã cất sẵn, cột chặt vào ngón chân cái rồi bắc thang leo lên chếnh nhà…
Người đầu tiên nhìn thấy ông Lý Phúc trồng cây chuối ngược trước gian giữa nhà thờ chi họ Nguyễn Kỳ, không phải là Cục mà là bé Hậu. Cô bé xinh đẹp như nữ tiên đồng đi chơi ô ăn quan hay thả đỉa ba ba ở đâu đó về. Dáng chừng cô bé đói tìm mẹ xem có củ khoai, khúc sắn nào không. Không thấy bà Lý Phúc, cũng không thấy ông Lý Phúc, nó gọi réo khắp nhà. Rồi nó lần lên nhà thờ, hé mở cánh cửa gian bên. Trời ơi, ma! Bóng áo trắng trồng cây chuối ngược khiến nó đứng sững.
Rồi nó định thần nhìn kỹ. Đến khi nhận ra thầy nó vỡ toác đầu, óc phọt trắng xoá trong vũng máu lênh láng thì nó hét lên 1 tiếng kinh hoàng, nằm bất tỉnh trước bậc cửa.
Thương thay đám tang ông Lý Phúc. Không kèn không trống, chỉ 1 dúm người. Giá ông chết sớm 1 năm, vào sau khi bà cụ Đồ Kha mất, thì chí ít đám tang ông cũng không kém mẹ, cũng đông hầu khắp cả làng, cũng kèn trống rước sách linh đình, cũng làm ma từ ba đến bầy ngày. Nhưng số ông không chọn được giờ chết. Cả làng đang đói lả. Cơm độn ngô khoai, rồi độn cám, độn rau muống, rau khoai lang khô, độn củ chuối, rau má. Nhiều nhà rút bữa, hoặc 1 bữa cơm độn, 1 bữa cháo. Các bụi chuối bị chặt sạch. Củ chuối cũng chẳng còn. Bọn trẻ con đi bòn từng ngọn rau má, rau khúc ngoài bờ đồng. Các thùng vũng tát vét đến vài ba lần, tôm cua ốc đều sạch bách. Từ mờ sáng đến chiều tối cả làng đổ ra đồng để kiếm miếng ăn. Tối về lại họp hành đấu tố đến khuya. Nhưng cái chính là người ta sợ liên luỵ đến phú nông, địa chủ. Cả họ Nguyễn làng Động, cả chi họ Nguyễn Kỳ có máu mặt, chiếm hơn nửa làng, vênh vang, thế lực là vậy, mà bây giờ im như thóc, ai cũng sợ Đội cải cách ghi sổ đen, sợ bị liên luỵ không dám đến thắp cho Lý Phúc 1 nén hương, không dám hỏi han chia buồn lấy 1 tiếng.
- Tiên sư cái chi họ Nguyễn Kỳ. Bạc như vôi. Cả họ chết hết rồi hay sao mà không thấy bóng 1 mống nào - Cụ Nhiêu Biểu là người làng duy nhất đến thắp hương cho Lý Phúc.
Không chịu được, cụ vuốt chòm râu cước, buông tiếng chửi:- Mà cái làng Động này cũng là cái làng hèn, làng đểu. Cả làng nằm bẹp như gián, như rệp. Đội vừa quát đã sợ són đái, nằm im thin thít. Đã hèn thì còn ham sống làm gì? Đâm đầu xuống chuôm xuống ao mà chết đi! Chết hết đi! Phải học tấm gương Lý Phúc này. Biết chết, thế mới là người quân tử.
Cụ Nhiêu Biểu cầm cái quạt giấy phất nhựa sung vừa đi dọc làng, vừa nói oang oang. Chỉ có cụ là bất chấp đội cải cách. Giỏi thì cứ bắt giam cụ, đưa ra đấu tố đi. Ông cũng đang rất muốn chết đây.
Về nhà rồi, nghĩ cám cảnh cho ông Lý Phúc, cụ Nhiêu Biểu lại đi lên Nguyễn Kỳ Viên. Hoá ra lời chửi đổng của cụ cũng có tác dụng. Có thêm hai bà chị, 1 ông em chú, ba đứa cháu chi họ Nguyễn Kỳ Và mấy người bên họ ngoại đến khâm liệm và đào huyệt. Số Lý Phúc sao mà khổ đến thế. Ba anh con trai đẻ không anh nào về nhìn mặt bố lấy 1 lần. Được cô con gái út đẹp như nữ tiên đồng, thì sau cú hoảng loạn vấp ngã khi nhìn thấy bố trồng cây chuối ngược, đang nằm liệt trên giường kia. Có sống, chưa chắc đã thành nhân.
Người quán xuyến lo mọi việc cho đám tang ông Lý Phúc, lại là Cục. Chiếc mũ nùn rơm và chiếc gậy chống duy nhất trong đám tang là của Cục. Sau buổi đấu tố ông bố nuôi, sau vụ bế con kéo đi của vợ, Cục bắt đầu ân hận, nhưng chính cái chết không toàn thây của Lý Phúc mới thức tinh lương tâm Cục hoàn toàn. Cục hối hận như chính mình đã gây ra cái chết của người đã nuôi dưỡng dạy dỗ mình. Cục thương bà Lý Phúc và cái Hậu vô cùng. Nhìn bà Lý Phúc lúc ôm xác chồng, lúc ôm con gái, ngất lên ngất xuống mấy lần, Cục thấy lòng mình tan nát. Bây giờ thì Cục không sợ Đội Tựu nữa. Cục sẽ nói cho toàn dân làng biết là Đội Tựu đã dụ dỗ, ép buộc Cục phải đấu tố ông bố nuôi như thế nào?
***
Dấu hiệu phản thùng của Cục, không qua được mắt Tựu. Cố nông kiêm thẩm phán nhân dân Đĩ Ngao hằng ngày đã kịp thời báo cáo cho Tựu mọi động tĩnh bên nhà Lý Phúc, mọi diễn biến tư tưởng của Cục.
Cái chết bất thường của Lý Phúc được Tựu báo cáo gấp lên cấp trên, và được Đoàn uỷ Đoàn cải cách nhận định đây là 1 cái chết mang màu sắc chính trị: Lý Phúc đã chui vào hàng ngũ của ta, làm tới chức Bí thư Đảng uỷ, tức là đã nắm được rất nhiều bí mật của CM. Lý Phúc là bạn kết nghĩa của Hội Thiện tức là cùng nằm trong 1 đường dây của bọn Việt quốc Việt cách gài lại. Đặc biệt Lý Phúc có thằng con trai thứ ba theo địch di cư vào Nam, rất có thể đã móc nối với điệp viên của bọn Ngô Đình Diệm từ miền Nam phái ra chống phá CM. Địch sợ Lý Phúc khai báo nên đã bức tử để bịt đầu mối. Chỉ thị tuyệt mật nhận định như thế.
Ngay sau đám tang Lý Phúc, Tựu đã cho bắt tạm giam Cục để điều tra. Không ai biết 1 thâm ý sâu xa của Tựu: Bắt Cục, ắt Bính phải đến kêu oan cho chồng. Đây là kế rung cây doạ khỉ, Tựu học được từ ngày đi tham gia cải cách.
Quả nhiên, ngay buổi chiều ấy, Bính đã tìm đến văn phòng Đội. Dân gian nói cấm có sai: Gái 1 con trông mòn con mắt. Tựu nhìn Bính không những mòn vẹt con mắt mà còn nuốt nước bọt ừng ực. Ở Bính, có 1 cái gì đó đối với Tựu rất khó tả. Mắt Tựu bị hút bởi gương mặt rất đàn bà, đôi mắt lúc nào cũng ướt rượt, đen nhức, đôi môi đầy nhục cảm, bộ ngực như mời gọi, như trêu chọc. Hình như ở người Bính toát ra 1 mùi vị gì đó có tính chất kích hoạt tất cả các điểm nhọn trong người Tựu, ví như mười đầu ngón chân, mười đầu ngón tay, ví như chóp mũi. Và đặc biệt nhất là cái của nợ ấy. Cái máu đực trong người đàn ông xa vợ lâu ngày hành hạ Tựu 1 phần, thì cái chất con cái của Bính khêu gợi, kích thích Tựu đến chục lần. Ngồi đối diện với Bính qua chiếc bàn cao mà cái của nợ cứ cứng ngắc, muốn chọc thủng quần, những ngón chân Tựu cứ ngọ nguạy, có lúc như vô tình chòi sang, quờ quạng lên phía trên rồi dẫm lên bàn chân Bính. Tựu khịt mũi liên tục, đưa bút cho Bính ký vào tờ giấy, rồi cố tình ngọ nguạy những ngón tay dùi đục cầm bàn tay Bính.
- Tội anh Cục to nắm. Chúng tôi đã có bằng chứng anh Cục ép ông Phúc tự tử - Tựu nhìn Bính như muốn ăn sống nuốt tươi đánh đòn cân não.
- Báo cáo Đội, oan cho nhà con lắm - Bính van vỉ - Nhà con làm sao mà ép thầy con được. Suốt từ hôm trót đấu tố ông cụ, nhà con không dám giáp mặt…
- Tôi đã lói rồi, nhưng cấp trên không tin. Chuyến lày nhẹ nhất anh Cục cũng phải đi tù mười lăm.
- Con cắn rơm cắn cỏ lạy Đội. Đội thương chúng con, Đội cứu giúp nhà con. Con con còn bé…
Tựu tiếp tục đẩy cho câu chuyện lên mức nghiêm trọng, tiếp tục làm người đàn bà trẻ chịu khuất phục và cầu cạnh mình, rồi làm như vô tình, 1 chân chòi sang, chạm lên đùi Bính, 1 tay ấp lên bàn tay Bính.
- Đừng xưng con… Thương em nắm. Tôi đang nghĩ cách cứu chồng em. Nhưng em phải nghe tôi…
- Dạ, Đội bảo thế nào con cũng vâng - Bính mừng rỡ.
- Tươi tỉnh thế được rồi. Em cứ về đi. Tôi sẽ thảo cho em 1 ná đơn. Em chỉ việc ký tên vào đó để gửi nên cấp trên xem xét. Ngay tối lay tôi sẽ mang đến nhà. Khoảng chín giờ. Em nhớ vặn nhỏ ngọn đèn hạt đỗ và đợi cửa…
Suốt từ đấy người Tựu bừng bừng hưng phấn. Tựu mường tượng lại những cuộc ân ái, những cuộc cưỡng đoạt đầy khoái lạc ở Ngho Sơn mấy tháng trước. Ôi, những người đàn bà ở cái vùng đất Sơn Minh này cuốn hút Tựu còn hơn cả thuốc phiện. Chỉ ba tháng ở Nghi Sơn, Tựu đã lập được 1 chiến công hiển hách: Ngủ với bốn dân quân nữ, khi thì ở bãi ngô, lúc sau đống rơm hay ở trụ sở của Đội cải cách. Cả bốn người, dù có trường hợp Tựu phải dùng uy quyền để cưỡng đoạt, đều làm cho Tựu quay quắt vì lạc thú, đều kích thích Tựu ham muốn và liều lĩnh đến cao độ. Và bây giờ, khi đã thâu tóm được dân chúng làng Động, 1 làng tập trung đậm đặc các cô gái và những người đàn bà đẹp, khát vọng khám phá, chinh phục của Tựu bỗng tăng lên gấp bội. Bính, người đàn bà đầy nhục dục này sẽ là chiến công khởi đầu của Tựu chăng? Ha ha, CM đang trao cho Tựu ngôi vua không ngai. Chức Đội trưởng Đội cải cách khác nào ngôi vua không ngai. Sướng nhất là vua không ngai Phèng Cửu Tựu đây. Chẳng cần trí tuệ, học vấn, dòng tộc; gia sản gì. Chỉ cần thượng cấp cho 1 tí quyền lực, thứ quyền lực lấy của địa chủ thí cho nông dân, thì muốn làm trời đất gì cũng được…
Lòng đầy rạo rực, hăm hở, đúng chín giờ tối, Tựu đeo khẩu Colt ngang hông, đến Nguyễn Kỳ Viên. Dân làng Động, từ ngày Đội cải cách về, tám giờ tối đã không ai dám ra khỏi nhà, đi đâu đều phải có từ hai người trở lên, phải cầm đèn hoặc đuốc nùn rơm. Riêng Tựu và những thành viên trong Đội cải cách, đội dân quân du kích, và 1 số cố nông cốt cán… lúc nào cũng được đi lại như chốn không người.
Lối vào cổng chính Nguyễn Kỳ Viên đã bị ông bà nông dân rào lại kể từ trước hôm Lý Phúc bị đấu tố. Cả khu nhà chính cũng bị niêm phong. Hai mẹ con bà Lý Phúc bị dồn lên ở gian đầu hồi và khu nhà thờ, mở lối ra phía đình cho Đội tiện việc quản lý theo dõi. Vợ chồng Cục mở 1 lối đi riêng vào ngôi nhà ngang ông bà Lý Phúc cho từ ngày cưới. Lối đi này vừa độc lập vừa kín đáo, rất lợi cho cuộc vi hành của Tựu tối nay.
Tín hiệu là ngọn đèn hạt đỗ. Bính đã làm theo đúng lời Tựu dặn. Tựu như ngửi thấy mùi bồ kết, mùi lá bưởi trên tóc nàng, thấy mùi đàn bà của nàng thấm vào lục phủ ngũ tạng. Nó kích hoạt mọi điểm nhọn trong người Tựu, nhất là cái của nợ ấy. Thằng cha cứ ngọ nguạy, hệt như con rắn hổ mang đánh hơi thấy gà con.
Đến đầu hồi nhà rồi, nhưng rất cảnh giác, như con cáo già trước khi tiếp cận con mồi, Tựu quay ngoắt lại, vảnh tai nghe ngóng, giương mắt lùng sục xung quanh. Không thấy gì khả nghi, Tựu rón rén mở cánh cửa đã hé sẵn. Quả nhiên Bính đang năm trên giương đợi. Thằng con trai nàng ngủ rất say, nằm tít phía trong.
- Em cứ lằm yên, không cần phải dậy - Tựu nói thì thào giọng kim và giơ tay ra hiệu cho Bính.
- Thưa Đội, Đội có mang đơn cho con ký không ạ? - Bính ý tứ ngồi lên, vặn to ngọn đèn.
- Không cần vặn đèn… Đơn đây rồi. Ký núc lào cũng được. Để anh đọc cho em lào…
Giọng kim của Tựu như bị ngạt mũi. Mắt Tựu rực lên và xoáy vào khoảng ngực căng đầy trắng phốp của người đàn bà. Tay Tựu xoà tới nắm lấy cánh tay Bính.
Bính lúng túng, khoanh hai tay ôm lấy ngực. Nhưng Tựu đã áp sát. Không hiểu bằng cách nào, trong tích tắc, Tựu đã trút bỏ khẩu súng Colt và chiếc quần. Toàn bộ phần dưới của Tựu phơi ra, hùng hậu như 1 khẩu đại pháo siêu nòng.
- Đừng… đừng… Sao Đội lại làm thế - Bính hốt hoảng, hai tay che lấy mắt, tim muốn nhảy khỏi lồng ngực khi thoáng nhìn thấy cái của quí của Tựu.
Quả thật, vũ khí của Tựu mới thực là khủng khiếp. Thứ vũ khí siêu hạng này từng bách chiến bách thắng, khiến Tựu vô cùng tự tin và tự mãn. Sắp vào cuộc, bao giờ Tựu cũng tung vũ khí thị uy để uy hiếp và hấp dẫn đối phương. Cứ nhìn thần thái Bính đang tái dại đi thì đủ biết.
Bính run rẩy và vô cùng lúng túng. Bính ngoái ra ngoài sốt ruột. Chờ đợi 1 điều gì. Rất có thể Bính sẽ không chống đỡ nổi Tựu. Tựu có sức khoẻ ghê gớm. Tựu lại còn có thứ vũ khí bất khả chiến bại đối với hết thảy đàn bà. Chỉ cần chậm 1 phút nữa, có lẽ Bính sẽ bị khuất phục, sẽ gục ngã trước khẩu đại pháo đang tìm cách bắn phá vào chị.
Bỗng nghe 1 tiếng ầm. Cánh cửa chính bị đạp đổ.
- Anh Cục, cứu em… - Bính mừng rỡ hét lên khi thấy cứu tinh. Chị đẩy Tựu ra và vùng dậy.
Người vừa đạp cửa, chính là Cục. Suốt từ chập tối, khi Bính mang cơm đến và thông báo về chuyện Tựu hẹn đến nhà lúc chín giờ, người Cục đã sôi sùng sục như nồi bánh chưng đêm ba mươi tết. Cục không thiết ăn cơm. Cứ tưởng tượng ra cái cảnh con dê đực ấy cười lên người Bính là Cục đã điên lên, mắt đỏ đọc như hai cục than và răng nghiến trèo trẹo. Lừa cho bọn dân quân đổi gác, Cục bẻ hai chiếc chấn song cửa kho chùa, lẻn về nhà.
Nhẹ nhàng như 1 con mèo hoang, Cục thủ sẵn chiếc chày giã cua, lướt dọc hàng ô rô không 1 tiếng động. Đến đầu hồi nhà, Cục nhớ đến con dao lá lúa vẫn giắt ở gần giọt gianh, liền với xuống, thủ sẵn cạp quần. Có tiếng thì thào bên trong, có ánh sáng đèn rực lên rồi lại dịu xuống. Cục nén chờ đợi Phải xem sự thể thế nào đã. Nếu sự việc xoay chuyển, nếu là sự thông đồng, mèo mả gà đồng gặp nhau, thì Cục sẽ xử cả hai. Nhưng kìa, con dê đực đã chuẩn bị dở trò. Bính đang hết sức chống cự. Bính đang chờ đợi sự ứng cứu của chồng.
Nhảy ba bước, Cục giáng chiếc chày giã cua xuống vai Tựu. Không để đối thủ yên, Cục tóm cổ Tựu hất ngược rồi đột ngột buông ra, móc 1 quả đấm trời giáng, hất ngược từ dưới quai hàm lên, khiến Tựu ngã ngửa ra sàn.
- Gớm chưa? Đội đoàn gì mày? Ông bắt quả tang mày đến hiếp vợ ông nhé - Cục gầm lên, nhổ cả nước bọt vào mặt Tựu.
- Buông tôi ra để tôi lói… - Tựu thở lặc lè, cố dùng cách thoát khỏi thế khoá tay của Cục, cố xoài tay ra với lây chiếc quần và khẩu súng.
Biết ý, Bính đã thoát ra, vớ lấy chiếc quần ném ra xa và tóm lấy khẩu súng, như 1 tang vật.
Hai người đàn ông vật lộn. Mặc dù 1 tay Cục bị tật nguyền, nhưng toàn bộ sức mạnh lại dồn lên cánh tay kia, khiến Cục có sức khoẻ của 1 đại lực sĩ. Khoá ngoặt cánh tay Tựu ra sau lưng, rồi bảo vợ giữ chặt, Cục kẹp hai chân dúi đầu Tựu xuống, rồi thoắt cái, Cục lùa tay ra thắt lưng, lấy con dao lá lúa.
- Ối trời ơi, dân quân đâu, ló giết tôi… - Tựu bỗng gào lên giọng kim thảm thiết.
Thì ra lưỡi dao lá lúa của Cục đã xoẹt 1 nhát vào dương vật Tựu. Con dao sắc lẹm đi 1 đường ngọt, thẳng băng, làm máu Tựu phọt 1 đường cầu vồng.
- Mình ơi, khéo Đội chết - Giọng Bính run bắn.
- Đằng nào thì tôi cũng đi tù. Cho nó tiệt cái nòi chó dái đi - Cục vẫn không buông tha Tựu. Con dao trong tay anh đang loay hoay tìm cách xẻo trọn bộ của Tựu như gã đồ tể tùng xẻo bộ ngọc dương của con dê đực.
Vừa lúc ấy, có tiếng quát nhặng xị của Đĩ Ngao, người hàng xóm láng giềng. Thoắt cái, Đĩ Ngao và mấy tay dân quân đã chĩa súng tua tủa quanh người vợ chồng Cục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét