Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Chương 1 : ĐÔI ĐIỀU PHI LỘ VIẾT... SAU CÙNG

Tập “Hồi ký” này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010”.

Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!

Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè, vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.

Tôi thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách – từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử – và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.

Và viết thêm một chương “TÔI ĐÃ HẾT HÈN”!

Nhưng đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện người đọc? Vẫn còn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là “Tôi đã hết hèn”, nhng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi!

Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!

Đặc biệt, ba bốn năm gần đây tôi may mắn có điều kiện làm quen với Internet, nhờ đó mà được tiếp cận với rất nhiều người mà tôi vô cùng cảm phục. Dù đang sống ở trong nước, họ không hề sợ hãi trước đàn áp, ngục tù.

Đó là những Hoàng Minh Chính[1], Trần Độ[2], Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu. Bùi Minh Quốc, những Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận [3]... Đó là những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ “quốc doanh”, và nhiều, rất nhiều người khác nữa!

Cũng không thể không nói đến ảnh hưởng của hàng chục website cổ võ dân chủ trên khắp thế giới, cũng như những gì bạn bè tôi, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên đã phải bỏ nước, bỏ cả vợ con ra đi để được viết lên Sự Thật, mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi. Không có những cái đó thì nhân dân còn tiếp tục bị lừa dối bởi lũ bồi bút cho đến nay vẫn ra rả ca tụng một chủ nghĩa đã lỗi thời với cả nhân loại.

Tôi cũng mong sao mỗi người trong các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một “bản di chúc” nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa. Được như Ba Người Khác của Tô Hoài[4] cũng đã là tốt, làm được thế thì người viết cũng có thể được nhân dân “xá tội” cho phần nào.

Người đọc đang chờ xem “di cảo” của một Chế Lan Viên[5], một Nguyễn Đình Thi[6] – hai nhân vật đứng đầu bầy nô lệ cầm bút. Đáng ngạc nhiên là theo Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi) thì cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Thi sẽ chỉ được phép công bố vào năm... 2014?!

Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch mãi sao? Hay là chính tác giả cuốn hồi ký doạ sẽ in năm 2014 vẫn còn chƣa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?

Tôi sẽ phải đưa vào chương sẽ viết những nhận thức mới, tình cảm mới, những sự kiện bổ sung dưới ánh sáng mới, một chương gần như tóm tắt tất cả những gì tôi đã viết vào lúc chưa có được sự tiếp xúc và tiếp sức của phong trào đòi tự do, dân chủ, đòi quyền con người đang ào ào dâng lên mỗi giờ, mỗi ngày trong cái xã hội độc tài đảng trị đáng nguyền rủa.

Viết xong chương bổ sung cần thiết, tôi sẽ công bố cuốn hồi ký của đời mình trên mạng Internet toàn cầu để mọi người nếu đã biết rồi sẽ biết thêm về mặt trái với những góc khuất của một xã hội tồi tệ được sơn son thếp vàng bởi một lũ bồi bút hèn hạ, trong đó, than ôi, có cả bàn tay của kẻ viết những dòng này.

Tại sao lại phải công bố trên Internet?

Bởi vì không thể trông chờ sự xuất hiện của một nhà xuất bản tư nhân nhờ “ơn trên” nào đó sẽ ra đời trong một cuộc đổi mới giả hiệu, và tập hồi ký này sẽ được in. Trong cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng vẫn độc tài với tự do tư tưởng, với nhân quyền tối thiểu, chuyện đó quyết không thể xảy ra.

Thật tình, tôi những ước mong lời nhắn gửi của tôi sẽ đến tay đồng bào, bè bạn, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi, những thế hệ sau tôi, kể cả “kẻ thù” của tôi nữa, trong dạng một cuốn sách bằng giấy trắng mực đen hơn là một cuốn sách trên màn hình máy tính. Mạng thông tin toàn cầu cho tới nay vẫn còn là một cái gì xa lạ với tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả nhiều người gọi là có học nhưng đã về già, không còn sức để đọc mấy trăm trang trên computer!

Cuối cùng, xin người đọc, nhất là các bậc thức giả, hãy lượng thứ cho những thiếu sót, những nhầm lẫn ở chỗ này chỗ khác về tên tuổi, địa danh, ngày, tháng... mà một cây bút “trẻ” ở tuổi 80, tài vốn hèn, sức đã kiệt, có thể mắc phải.

Sài Gòn ngày 1 tháng 5 năm 2007


[1] Hoàng Minh Chính, tên thật Trần Ngọc Nghiêm (1920–2008), từng giữ các chức vụ Phó chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin. Bị khai trừ khỏi ĐCS năm 1968 trong vụ “Nhóm "xét lại chống đảng". Những chú thích cần thiết để bạn đọc hiểu thêm về nhân vật được nhắc đến là của nhà xuất bản.

[2] Trần Độ (1923–2002), nhà văn, trung tướng, từng giữ các chức vụ phó chủ tịch Quốc Hội VNDCCH, trưởng ban Văn hoá Văn nghệ ĐCSVN kiêm thứ trưởng Bộ Văn Hóa. Về cuối đời, bị khai trừ khỏi ĐCS vì đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước.

[3] Những người trong nước đấu tranh cho dân chủ được biết đến nhiều.

[4] Tô Hoài (1920), nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Truyện Tây Bắc…

[5] Chế Lan Viên (1920–1989), tên thật Phạm Ngọc Hoan, nhà thơ nổi tiếng với những tập thơ Điêu Tàn, Ánh Sáng và Phù Sa...

[6] Nguyễn Đình Thi (1924–2003), một nghệ sĩ đa tài, nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ sáng tác, có nhiều tác phẩm trong mọi lĩnh vực.

Không có nhận xét nào: