Chương 2 : VÌ SAO TÔI VIẾT HỒI KÝ?
Khi người ta bắt tay vào viết hồi ký, ấy là lúc mọi khát vọng sáng tạo đã cạn, mọi ham mê, hoài bão đã tắt, và thần chết đã cầm lưỡi hái hiện trước cửa sổ... ”
Câu mở đầu đó, nếu tôi không nhầm, là của George Sand[1] mà tôi đã đọc, đã thương cảm và đã tự nhủ rằng rồi đây chính mình cũng sẽ phải để lại cho đời ít dòng nói thật khi bước vào tuổi 70, nếu như cái chết lãng nhách không đến bất chợt!
Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong “tội ác diệt văn hóa” của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian dài trên nửa thế kỷ nhờ những chứng liệu đợc ghi trong hồi ký của một kẻ từng làm thứ văn nghệ gọi là “vì Đảng vì dân” trong suốt đời mình.
Hãy nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam mà xem. Một lỗ hổng lớn!
Đúng vậy!
Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam – một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại – ít ỏi đến thế?
Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan[2], Trần Dần[3], Phùng Quán[4]...? Chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học hay sao? Vậy mà trong suốt thời kỳ đất nước ta nằm dưới “sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” của những tên “xuất thân thành phần cơ bản”, trình độ học thức ở mức “đánh vần được chữ quốc ngữ”, các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn đƣợc nhà cầm quyền trao tặng “Giải thưởng Nhà Nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và đủ thứ bằng khen giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tƣờng phòng khách! Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy giờ đâu rồi?
Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.
Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ trong thực tế còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động ngƣời cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin[5], Mao Trạch Đông[6]… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là “Đảng đã cho ta một mùa xuân”[7], dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”[8] Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình!
Vậy mà cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các “tác phẩm” tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm!
Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.
Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp ngƣời ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh” trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác. Để nhắc đến những tác phẩm của tôi, tôi chỉ đồng ý lên một chương trình do chính tôi soạn thảo và đặt tên. Nó gồm những tiếng nói của trái tim bị cấm đoán, bị lên án, thậm chí bị trù dập suốt nửa thế kỷ.[9]
Sau hết, dựa vào thời cơ “Đổi Mới”, nhờ những bạn bè đồng tình với tôi và còn giữ được một số quyền hành cuối cùng trước khi về hưu, chương trình Nửa Trái Tim Tôi của Tô Hải đã ra mắt trọn một tiếng đồng hồ với toàn những “tác phẩm bỏ tủ lạnh”, với những lời tuyên bố gây “sốc” mạnh trong giới làm nhạc ăn lương.
Những đồng nghiệp thực sự có tài và có tâm sự giống tôi thì hài lòng. Số này, khi trả lời phỏng vấn, cũng chỉ dám nhận một cách khiêm tốn con số ít ỏi những gì mình làm ra xứng đáng được gọi là tác phẩm.
Còn số khác, những “nhạc sĩ” bám chặt thành tích 500, 1000 bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, động viên con em ra chiến trường hiện còn tiếp tục lải nhải kể công với Đảng để xin “tí tiền còm” nhân danh giải này giải nọ thì tự ái, nổi khùng,
Họ gọi tôi là “tên phản động”.
Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh, truyền hình tôi luôn nhắc lại nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim”! Nhưng trái tim của tôi, hỡi ôi, gần một thế kỷ qua lại không đập vì...tôi! Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.
May thay, thời thế rồi cũng đổi thay.
Liên Xô, “quê hương của cách mạng vô sản toàn thế giới”, “ngọn đuốc soi đường cho nhân loại” sụp đổ cái rụp. Thần tượng Marx, Lénine, Stalin gần 70 năm được tôn thờ hơn cả Chúa Trời bị đập tan!
Đọc hồi ký, di bút của các văn nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đại như Beethoven, Modigliani, Rubinstein, Stravinsky, Liszt[10]... hay của các nhà chính trị như De Gaulle, Khrutchev, Nixon [11] ... càng thấy cái cao thượng của họ bao nhiêu càng thấy cái bẩn thỉu, thấp hèn của các nhà “chính chọe” (politicaillerie) bấy nhiêu.
Biết bao tên tuổi lớn đã chịu sự hắt hủi, lên án, thậm chí săn đuổi, cách ly của một thể chế, của tập đoàn nắm quyền lực, kể cả bị lên án là “phản bội” đã để lại cho chúng ta các tác phẩm ghi lại những gì họ suy ngẫm qua những trải nghiệm trong cuộc đời, những buồn đau, khổ cực, những chịu đựng ghê gớm cả về vật chất lẫn tinh thần để tồn tại, để tìm tòi và sáng tạo.
Trong khi đó, hồi ký của các “lãnh tụ cách mạng” chỉ là những cuốn sách nhăng cuội, viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích (chống chế thì đúng hơn) cho những hành động sai lầm, để đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm.
Vậy thì, tôi, Tô Hải, một cái tên được nhiều người biết đến ở cái thời “âm nhạc phục vụ công nông binh”, ở cái thời mà âm nhạc, nếu không làm đúng yêu cầu của Đảng là lập tức bị bọn “quan văn nghệ” lên án là “mất lập trường”, là “cá nhân tiểu tư sản”, thậm chí là “âm nhạc phản động”, có gì để mà hồi với chẳng ký?
Bánh xe lịch sử quay với tốc độ kinh hoàng đã cuốn phăng những “tác phẩm”, và cả những tác giả của chúng từng đoạt giải thưởng này huân chương nọ – lại than ôi, có cả tôi trong đó!
Lẽ công bằng chậm chạp cho đến nay đã phục hồi một cách rụt rè (không cần một quyết định hành chính nào hết) những tác phẩm và những tác giả một thời bị đoạ đầy, bị cấm đoán. Cuộc Đổi Mới, thực tế là trở lại như cũ, những quan niệm về cái đẹp đã cho những “tên tuổi lớn” một thời trong mọi lãnh vực quân sự, chính trị, văn học, nghệ thuật những cái tát tỉnh người!
Trong “cơn đau cuối đời”, một số cựu uỷ viên trung ương đảng không còn chỗ ngồi ghé trong các ban chấp hành mới, mấy ông tướng bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước hoặc bị khai trừ khỏi đảng vì bất tuân thượng lệnh, đã tỉnh ngộ. Kinh nghiệm một đời theo Đảng đã cho họ cái để viết nên những trang “sám hối” có phần nào giá trị. Họ phải trả giá cho sự dám nhìn lại cuộc đời bằng con mắt khách quan và tỉnh táo bằng sự trừng trị tương đối nhẹ nhàng so với người đối kháng khác: bị giam lỏng tại nhà, bị cắt điện thoại, tịch thu computer...
Trong khi đó – tôi xin nhắc lại – mấy anh văn nghệ sĩ mơ ngủ vẫn còn xúm đông xúm đỏ chen lấn nhau để giành bằng được mấy cái giải thưởng cho những tác phẩm mà con cháu ngày nay chẳng còn coi là cái giống gì. Ấy là chưa kể những kẻ chẳng bao giờ góp mặt trong nền văn nghệ, kể cả văn nghệ “phục vụ cách mạng”, nhân dịp này dịp khác cũng được nhà nước vô sản hào phóng ban thưởng về “sáng tác”!
Một bức tranh cười ra nước mắt.
Riêng tôi, khi chẳng còn lao động nghệ thuật được nữa (đúng hơn là không còn muốn lao động nghệ thuật nữa) bỗng dưng lại được cái Nhà Nước công nông binh tặng cho cái “Huân Chương Lao Động Hạng Nhất”.
Và khi không còn sáng tác nữa (đúng ra là không muốn sáng tác nữa) thì lại được ngƣời ta treo lên cổ cái mề-đay “Giải thưởng Nhà Nước”! Sướng chưa?
Tội nghiệp cho mấy anh Văn Chung[12], Nguyễn Đình Phúc[13], Lê Yên[14], Vũ Trọng Hối[15], Trần Ngọc Xương[16]... chẳng còn sống ở trên đời để mà hưởng cái Giải thưởng Nhà Nước nọ. Nói thêm chút cho vui: cái giải thưởng này quy ra tiền thì cũng được gần bằng một phần mười giải thưởng tặng cho hoa hậu đấy. Mà để làm hoa hậu thì cần quái gì phải có học.
Bi kịch hay hài kịch đây?
Dù sao thì cái giải thưởng đáng giá hai năm lương hưu của tôi cũng là món tiền thêm vào cho hai năm tôi ngồi viết những trang tiếc nuối cuộc đời mà các bạn đang cầm trong tay. Không có nó tôi đành ôm cả núi ân hận mà về với đất.
Không có nó thì biết lấy gì ăn để mà viết? Cho nên tôi cũng thấy cần phải ghi lại ở đây “lời tri ân” đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi viết nên những dòng hồi ký này
Thế là, với sức tàn còn lại, tôi bắt đầu...
Những hình ảnh đầu tiên đến với tôi rõ nét nhất chính là những thời gian, không gian, sự kiện và những con người đã mang lại cho tôi những cảm xúc, những niềm vui và nỗi buồn.
Trong đầu tôi tràn ngập hồi ức đòi được thoát ra. Vì thế trong khi viết, tôi luôn phải cố gắng sao cho khỏi lạc “chủ đề tư tưởng” (cách nói méo mó trong ngôn từ văn nghệ cộng sản). Và trước hết, tôi phải đè bẹp được sự “hèn nhát” trong tôi, là cái đã bén rễ sâu chặt trong một thời gian quá dài sống trong lồng kín, cách ly bầu trời tự do.
Tôi sẽ viết để bạn bè, con cháu hiểu và thông cảm với nỗi đau của những ngƣời cả cuộc đời phải sống và làm việc với cái đầu và trái tim của tên nô lệ.
Tôi tình nguyện làm một trong những người vạch trần những bộ mặt chính trị dỏm, văn nghệ dỏm, những tên cơ hội, đã cản trở, giết chết tác phẩm, đẩy những tài năng vào hố sâu quên lãng.
Đáng buồn là những chuyện được giấu kín đó, tôi đều được biết, thậm chí còn được tham dự các kế hoạch hại người (được gọi là kiểm điểm, học tập, thu hoạch... ) ngay từ khi chúng mới được phác hoạ, trong suốt quá trình tôi ở cương vị cấp uỷ, lãnh đạo chỉ đạo nghệ thuật.
Để bảo vệ chỗ đứng của mình, tôi đã không dám cãi lại những lời chửi rủa bố tôi là đồ “phản động”, mẹ tôi là “Việt gian”, họ hàng nhà tôi là “tay sai đế quốc”!
Vậy thì làm sao tôi dám bảo vệ cho một Đoàn Phú Tứ là không phản bội, một Phạm Duy[17] là không phải “dinh tê” chỉ vì không chịu được gian khổ”?
Tôi đã chọn con đường cúi đầu nín lặng mặc dù tôi biết rõ nguyên nhân vì sao ông cậu Đoàn Phú Tứ[18] của tôi phải về Thành, biết rõ không ai không sợ chết mà lại dám một mình vác đàn, nhịn đói vượt U Bò, Ba Rền vào chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt nhất để viết nên Bà Mẹ Gio Linh, Về Miền Trung như Phạm Duy.
Tôi đã là thế đấy.
Những âm mưu hạ tiện đó, tôi không phải không biết. Trái lại, tôi hiểu ra ngay từ lúc chúng mới được bàn bạc trong “nội bộ”. Lòng tôi chống lại thủ đoạn hại người, nhưng miệng tôi lại không dám nói ra.
Nỗi bất bình bị dồn nén ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời. Dần dà, nó biến tôi thành một núi mâu thuẫn. Mặc dầu tôi tự nguyện dồn nén, miệng núi lửa kia thỉnh thoảng lại bục ra. Những phản ứng không kìm được xảy ra ngày một nhiều. Thế là chúng được các công bộc mẫn cán của Đảng ghi lại bằng giấy trắng mực đen trong lý lịch đảng viên của tôi, kèm theo nhận xét “không có ý thức bảo vệ Đảng”, hay “phát ngôn vô trách nhiệm”. Tôi mang tội “không có ý thức bảo vệ Đảng” chẳng qua vì tôi không chịu bảo vệ Đảng và những đảng viên có chức có quyền làm những điều sai trái.
Ngay cả với trưởng ban Tổ Chức Trung ương Lê Đức Thọ[19] quyền sinh quyền sát là thế mà tôi cũng dám nói thẳng mặt: “Tại sao khi những người nhân danh Đảng làm bậy, chúng tôi phê phán họ thì lại bị ghép vào tội chống Đảng, chống chủ nghĩa cộng sản? Tại sao lẽ phải bao giờ cũng thuộc về họ, mặc dầu họ không có một xu kiến thức để đối thoại với chúng tôi?”
Đó chỉ là một trong những “cú liều” đem lại cho tôi nhiều thiệt thòi, cay đắng.
Với những “cú liều” này, bạn bè bảo: “Tô Hải là thằng “có bản lãnh”. Những người cũng nghĩ như tôi nhưng biết giữ mồm giữ miệng thì khoái lắm, vì đã có Tô Hải nói thay mình! Số còn chức còn quyền nhưng không đến nỗi tồi tệ quá thì cố tìm cách “hãm phanh” tôi lại để các “anh trên” đỡ vì đau đầu mà phạng lung tung.
Còn tôi, ở cái tuổi ngoài 70, chẳng còn gì để mất, lại được sự cổ vũ của số lớn bạn bè, tôi cứ “nổ” khi có điều kiện.
Cũng có người cho rằng tôi “dại” có cỡ, có kẻ nhắc là “cẩn thận kẻo vào tù!”
Nhưng tôi đã quyết: 55 năm miệng bị lắp khoá kéo, giờ đây đã già, đã về hưu, có muốn chia sẻ với bạn đọc những hồi ức của đời mình thì cũng chẳng còn phải e ngại những lời ong tiếng ve rằng mình vì tư lợi, muốn kiếm chác cái gì.
Còn về Đảng ư? Tôi đã cóc cần nó từ khuya rồi và hết sức vinh dự được trở lại hàng ngũ nhân dân đang bị một nhóm người bắt sống cuộc sống trại lính, ăn gì, mặc gì, xem gì, đọc gì, thậm chí chết kiểu gì cũng đều do họ quy định và cho phép!
Tôi đã nói và sẽ nói, nói tất, nói với bạn bè, với người thân, với con cháu, chắt, chút, chít những gì mà bộ não ông già 70 còn ghi nhớ được về cái thời tưởng mình là một cánh đại bàng bay bổng giữa trời.
Nhưng, than ôi! Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “con đại bàng... cánh cụt”, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông.
Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức.
Biết đâu chẳng có ngày đất nước này hoàn toàn “đổi mới” thật sự, hồi ký này sẽ được in ra để làm tài liệu lưu trữ về một thời cay đắng và tủi nhục nhất trong lịch sử Việt Nam. Và, may ra, lạy trời, những “đại bàng cánh cụt” chúng tôi sẽ được nhắc tới, như những chứng nhân lịch sử.
Nhưng, “vừa là tội đồ vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa?
Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny[20], con bói cá của Musset[21] tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác.
Với niềm tin vô bờ bến rằng ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã đến rất gần, dù có chậm hơn ở các nước bậc cha ông, anh cả, anh hai đến vài ba thập kỷ, niềm tin ấy vẫn cháy bỏng trong tôi thúc giục tôi vứt bỏ mọi sợ hãi, mọi hèn kém để ngồi vào computer.
Tôi bắt đầu...
[1] George Sand, tên thật Amantine Lucile Aurore Dupin (1804–1876), nhà văn Pháp.
[2] Hữu Loan (1914), nhà thơ, nổi tiếng với bài Màu Tím Hoa Sim.
[3] Trần Dần (1926–1997), nhà thơ, nhà văn, một trong số người đứng đầu phong trào văn nghệ sĩ đòi tự do sáng tác Nhân Văn Giai Phẩm.
[4] Phùng Quán (1932–1995), nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm.
[5] Iosif Vissarionovich Stalin (1878–1953), tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô từ 1922 đến 1953, kiêm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, đại nguyên soái tổng tư lệnh quân đội Liên Xô.
[6] Mao Trạch Đông (1893–1976), chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ 1943 cho đến khi qua đời.
[7] Phạm Tuyên (1930), con ruột nhà văn hoá lớn Phạm Quỳnh bị Việt Minh sát hại năm 1945.
[8] Thơ của Tố Hữu (1920–2002), nhà thơ cộng sản, người nắm vai trò lãnh đạo nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
[9] Xem VCD “To Hai – Grandeur et servitude” – Tác giả chú thích.
[10] Ludwig van Beethoven, nhạc sĩ vĩ đại, người Đức (1771–1827); Amedeo Modigliani (1884–1929) nhạc sĩ người Do Thái, ra đời ở Ý; Arthur Rubinstein (1887–1082) nhạc sĩ dương cầm lừng danh mọi thời đại; Igor Stravinsky, người Nga (1882–1971) nhạc sĩ, được coi như nhà cách mạng trong âm nhạc; Franz Liszt, người Hungary (1811– 1886), nhạc sĩ dương cầm tài danh, đồng thời sáng tác nhạc tôn giáo nổi tiếng.
[11] Chính khách Pháp, Nga, Mỹ thời cận đại.
[12] Nhạc sĩ Văn Chung, tên thật Mai Văn Chung (1914–1984) thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, tác giả của những nhạc phẩm nổi tiếng Bóng ai qua thềm, Trên thuyền hoa...
[13] Nguyễn Đình Phúc (1919–2001) là một nhạc sĩ, hoạ sĩ và nhà thơ, nổi tiếng với những ca khúc Cô lái đò, Lời du tử
(trước 1945), Chiến sĩ Sông Lô, Quân tiên phong, Bình ca, Tiếng đàn bầu...
[14] Lê Yên (1917–1998), nhạc sĩ thời kỳ tiền chiến, nổi tiếng với các ca khúc Bẽ Bàng, Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc, Ngựa Phi Đường Xa…
[15] Vũ Trọng Hối, nhạc sĩ, hoạt động âm nhạc từ những năm Kháng chiến chống Pháp tại Liên Khu III, hàm đại tá.
[16] Nhạc sĩ, sáng tác trong kháng chiến chống Pháp tại Liên khu 3.
[17] Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn (1919), nhạc sĩ nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm được thính giả mến mộ.
[18] Đoàn Phú Tứ ( ?–1989), nhà văn, dịch giả.
[19] Lê Đức Thọ (1911–1990), biệt hiệu Sáu Búa, từng giữ nhiều chức vụ lớn nhất trong bộ máy cầm quyền của ĐCSVN, nổi tiếng là người có bàn tay sắt trong sự cai trị.
[20] Alfred Victor de Vigny (1797–1863), nhà văn, nhà soạn kịch Pháp.
[21] Alfred Louis Charles de Musset–Pathay (1810–1857), nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét