Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Chương 12 : BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC MỘT CUỘC CHIẾN... THẢM BẠI

Cái ngày mong chờ đến một cách khá bất ngờ.

Điều hiển nhiên mà ai cũng biết là quân đội miền Nam sau thất bại Ban Mê Thuột, đã chẳng còn một tí tinh thần chiến đấu nào. Với số quân và vũ khí do Mỹ để lại, nếu trong tay bất kỳ một tướng nào có tí lý tưởng, có tí thể diện của con nhà võ, miền Bắc đâu có thể “chẻ tre”, “thần tốc” đến thế! Nói cho ngay: Chính “phía bên kia” đã... gác súng, không chiến đấu nữa. Y như một trận bóng mà một bên đã tự nguyện cởi áo rời sân cỏ! Chẳng thế mà Lê Linh, một vị tướng tư lệnh Quân Đoàn 4 đã nói rất thật với đám văn nghệ chúng tôi: “Chúng tớ chỉ có chạy và chạy thẳng về Sài Gòn! Quân, tướng, đơn vị xáo trộn, thất lạc nhau lung tung! Y như một tấm giẻ rách! Làm quái gì có ai chỉ huy ai mà cứ cãi nhau hoài.” Câu nói muốn nhắc đến hai cuốn sách chửi nhau về ai thật sự có công của hai vị tướng miền Nam và miền Bắc mà thắng lợi thuộc về ông tướng... miền Bắc.

Sự thật thì chính phủ Dương Văn Minh đã ngồi chờ... bộ đội tại dinh Thống Nhất từ sáng 30-4-1975! Khi đại quân kéo vào, mạnh ai nấy đi, chẳng ai chờ lệnh ai, chẳng ai ra lệnh cho ai, cứ nhờ dân chỉ đường tiến thẳng về “sào huyệt cuối cùng” của chính quyền “ngụy”. Buồn cười hơn nữa là người ta còn dựng lại cảnh xe tăng hùng hổ đâm đổ cánh cổng trước đó đã mở toang của cơ quan đầu não “địch” mặc dù địch đã lên đài công nhận thua và ra lệnh không được nổ súng nữa!

Những người đã vào ngồi sẵn chờ quân giải phóng cùng chính phủ Dương Văn Minh như Trần Kim Thành, Thẩm Võ Hoàng, Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Khánh Dư và cả Bùi Tín, Nguyễn Trần Thiết, sau này còn kể một cách dí dỏm về hành động húc xập cổng “dinh lũy cuối cùng” của “quân ngụy” là “hùng hổ một cách đáng nực cười”! Vì sau khi làm họ giật nẩy mình tưởng có chuyện tử thủ tử thiếc gì đây thì mấy ông “dũng cảm vô tích sự” ấy phải tìm người đến chữa cổng ngay lập tức để kịp hôm sau đón các vị lãnh đạo miền Bắc bay vào!

Còn nhiều chuyện nực cười chẳng thua thời quân Tưởng kéo quân vào miền Bắc. Chuyện kỷ luật nghiêm minh đến ngây ngô tội nghiệp của các chàng lính mới tò te, chuyện ngồi sa lông lính ngụy sợ dính vi trùng Ôkinaoa, chuyện cấm không được vào nhà dân vì lo dân... thủ tiêu hay mua chuộc, chuyện lính Việt Cộng dùng thang máy chơi trò đi... máy bay. Toàn chuyện cười ra nước mắt!

Cũng chính từ những người may mắn được vào Sài Gòn trước tôi ([1]), tôi đã bị dội một gáo nước lạnh đến tê người: “Cả gia đình tôi gồm 16 người đã lên máy bay di tản sang Mỹ”. Mẹ tôi ngoài 70 tuổi, què chân, “bị” ông con rể Lâm Quang Thi, trung tướng “ngụy”, rước đi đêm 29, dù mẹ tôi vẫn mong được ở lại gặp tôi sau hơn 30 năm xa cách. Tất cả nhà cửa, tài sản đều vất lại. Hiện còn hai villa, một ngôi nhà, hai căn hộ ở cư xá Bắc Hải và sân bay Tân Sơn Nhất đang có quân đội đóng. Chắc khi họ rút thì đến cái cửa sổ cũng chẳng còn vì hàng ngày họ chẳng biết nấu ăn bằng cái gì! Duy nhất có Tô Hiền, em thứ hai của tôi không chịu ra đi vì tin là mình không dính tới ngụy quân, ngụy quyền do có bệnh tim bẩm sinh, suốt đời chỉ dạy học ở các trường tư thục!

Thế là chỗ dựa vững chắc để tự giải phóng mình đổ sụp! Tuy nhiên, khát vọng trở về dù chỉ gặp duy nhất đứa em thứ hai vẫn cháy bỏng trong tôi. Nhưng đi một cách vô tổ chức, bỏ cơ quan mà đi thì tôi lại vẫn là... thằng hèn.

Tôi vẫn còn lo cho số phận của kẻ không biên chế, không lương, nhất là sợ kỷ luật đối với một văn nghệ sĩ “vô tổ chức” là thế nào vì đã có cả ngàn tấm gương tầy liếp. Tôi lại hèn bằng cách tích cực cho ra một “bức tranh cổ động bằng âm nhạc” mới toanh, được in ấn, thu thanh, phổ biến khá rộng rãi, tái bản đi, tái bản lại trên báo chí “miền Nam giải phóng”, thậm chí được cả hàng ngàn người hát tập thể tại sân vận động Thống Nhất, có đoàn quân nhạc tấu cùng. Trong bài hát tập thể này, tôi nêu lên lịch sử cha ông bao lần chống ngoại xâm thắng lợi, chống chia cắt đất nước thành công, nhưng không một chữ đả động đến công ơn Đảng, Bác...Phần phối khí, để có “phong cách Sài Gòn” do Thanh Tùng, trùm nhạc nhẹ lúc bấy giờ đảm trách. Đó là bài hát tập thể Độc Lập Tự Do Toàn Thắng Từ Đây”!([2]) Bài này cũng như trăm bài hát khác của tôi, một lần nữa không thể có chỗ đứng bên cạnh Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng ([3])!

Nó hơn bài tôi ở chỗ nó nói đến Bác! Nó lại càng có lợi thế hơn tôi vì Phạm Tuyên có trong tay công cụ phổ biến duy nhất là đài Tiếng Nói Việt Nam. Hơn nữa, phần phối âm, phối khí cũng là đề tài tranh luận: “Nên hay không nên dùng nhạc nhẹ?” Đã tranh luận thì phải có vấn đề! Và, đã có vấn đề thì dù chưa kết luận cũng...xếp lại cái đã! Thế là tác phẩm “lấy điểm” của tôi, mặc dầu ra cùng ngày, cùng giờ, cùng thu thanh với Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng cũng theo gót các tác phẩm cùng loại của tôi trước kia, đi vào cõi... chết! Nhưng chính do bài này mà các tòa soạn, nhà báo, bạn bè cũ, mới đi tìm tôi và biết được tôi vẫn ngồi chơi xơi nước ở Hà Nội!

Một số anh em có tâm huyết, thậm chí cả một số từng cho rằng “không nên để Tô Hải vào sớm với một gia đình “đại ngụy” như thế” nay cũng đổi ý. “Cần gọi ngay Tô Hải vào”, vì sự có mặt của tôi lúc này được kể là rất có lợi về n hiều điểm:

— 1) Tôi có thể tập hợp được một số văn nghệ sĩ “tại chỗ” bằng khả năng, trình độ, tuổi đời và tuổi nghề. Nói trắng ra là lực lượng tiếp quản văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng đang nằm trong tay mấy ông nhạc sĩ “Rờ” ([4]), chẳng ai có trình độ tối thiểu để “đối đầu” với những Phạm Trọng Cầu ([5]),Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Nghiêm Phú Phi…. Lực lượng nhạc sĩ cách mạng, ngoài cái “uy tín tự có” là kẻ chiến thắng, chưa ai qua được trình độ sáng tác...ca khúc! Một số lớn còn chưa qua trường nhạc nào, thậm chí “phát rét” lên khi thấy một “nhạc sư” du học ở Paris dù là autodidacte ([6]) gõ phím piano vài bài trong “classiques favoris” tập I ([7])! Y hệt chúng tôi khi về Hà Nội năm 1954, thấy ông Nguyễn Văn Quỳ nói về hòa thanh, tác khúc Lavignac, nghe nhạc Ravel ([8]), Debussy ([9]) cứ như tốt nghiệp thật ở nhạc viện Paris vậy - thực ra ông chỉ học hàm thụ vài môn lý thuyết! Cái mặc cảm “thua về nghề” có lẽ chỉ có trong giới nhạc “cách mạng”.Tôi cùng một số được hưởng cái “đổi mới tư duy” của mấy ông lãnh đạo chính cống miền Nam ngay từ cuộc huy động lực lượng tăng cường này.

— 2) Sau khi thu giữ (không hủy?) hàng núi băng nhạc, đĩa hát “phản động, đồi trụy”... lấy gì cho dân miền Nam hát và nghe đây? Việc lập tức tổ chức thu thanh, ghi âm các “bài hát cách mạng” để chiếm lãnh thị trường âm nhạc đang cần sự có mặt của tôi vì tôi là người chuyên làm việc này, từ biên tập, hòa thanh, phối khí đến cả làm bìa, dịch nội dung gửi sang Tiệp, sang Nga, in thành đĩa 33, 45 vòng/phút mang cái nhãn “Dihavina” (cũng chính do tôi đặt ra năm 1962), từ cả 15 năm có lẻ ở miền Bắc.

— 3) Sự có mặt của tôi chứng tỏ Đảng không hề phân biệt đối xử với người có gia đình... “đại ngụy”, có ông bố nằm cạnh thống tướng Lê Văn Tỵ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi! Tôi sẽ là điển hình cho một tầng lớp mà cách mạng đang cần để an lòng dân miền Nam với chủ trương chính sách trước sau...(không) như một! Nào là “tất cả chúng ta đều là người chiến thắng, trừ bọn xâm lược Mỹ”. Nào là “con người ta ai có chọn cửa mà ra”. Nào là... “không phân biệt thành phần, tôn giáo, xu hướng chính trị”! Nào là “bảo đảm tự do buôn bán”, “bảo đảm tài sản, tư hữu” vv…Còn nhiều thứ nói dối, nói láo, nói đấy rồi nuốt lời như không...mà Goebbel có sống lại chắc cũng...chào thua! Báo Tin Sáng, tờ báo tư nhân duy nhất được cho sống ít ngày vì có thành tích “ủng hộ cách mạng” (sự thật là “ngây thơ cách mạng”) đã phải tung ra một bài châm biếm “Nói dzậy mà không phải dzậy”, sau này trở thành một “dấu ấn in trên mọi chính sách” được tung ra và trở thành câu nói mỉa của mọi người, kể cả cách mạng cũng như không cách mạng!

Cũng cần nói qua về cái việc “nói dzậy mà không phải dzậy” cứ diễn hàng ngày, hàng giờ xuất phát từ đâu đến nỗi, những người cách mạng làm tuyên huấn như chúng tôi lắm lúc phải bỏ chạy trước thắc mắc của ngay bà con, cô bác, người thân. Chỉ riêng cái chuyện “đi học” (sự thật là đi tù khổ sai vô thời hạn không cần xét xử) của các sĩ quan “ngụy” đã làm tan nát lần thứ hai biết bao gia đình tưởng sẽ vui vẻ đoàn tụ sau bao năm xa cách.

Chẳng hiểu thông báo “mời” sĩ quan từ cấp úy ngụy đi học tập có câu “mang theo đồ dùng, lương thực sinh hoạt đủ...20 ngày” để rồi đi... “mút mùa” không tin tức xuất phát từ đâu? Chính cái câu hứa hươu của ông Trần Văn Trà, “những người có con em đi theo cách mạng được coi như gia đình cách mạng”, đã làm Hoàng Mãnh, Nguyễn Tài và cả ngàn ông cán bộ cách mạng khác bị gia đình chửi rủa, thậm chí bị đuổi khỏi nhà. Hoàng Mãnh còn bị mẹ, bà Võ Đức Thu, đòi lại cả chiếc đồng hồ báo thức (không phải vì tiếc), vì thấy họ chẳng làm gì (do không biết rằng họ có muốn cũng chẳng làm gì được) để “chuộc” anh, em, nội ngoại ra khỏi trại tập trung kiểu Goulag ([10]) ở Nga!

Rồi vợ con sĩ quan, công chức “nguỵ” đang “học tập” bị mời đi kinh tế mới để mấy ông cán bộ Việt Cộng giờ thứ 25 chiếm đất, chiếm nhà... Tiếp theo là hai lần đổi tiền theo kiểu cướp trắng, cải tạo tư sản, cải tạo công thương, tịch thu hàng hóa từ các tiệm lớn nhỏ đến các sạp hàng bầy lề đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, chợ Bình Tây, Bến Thành... về các kho của Phòng, Sở... Cuối cùng là tất cả biến thành mây thành khói dưới bàn tay phù phép của những tên “lưu manh cộng sản”, tiền bối của những mafiosi được tổ chức từ trên xuống dưới sau này!

Sự nói đen thành trắng, nói dối, đánh lừa bằng cách thay chính sách xoành xoạch, những người sáng suốt đã thấy ngay: Nó phản ảnh một mâu thuẫn rất lớn ở từng lớp chóp bu.

Là người từng làm việc trực tiếp với các “ông to” của “Rờ”, tôi thấy các ông này quả là có nhiều suy nghĩ đáng nể vì họ có thực tế suốt 35 nằm hầm, bám dân. Một số ông đi B cũng có tư tưởng thoải mái hơn, thậm chí đôi lúc còn tỏ ra lo sợ một cuộc cải cách ruộng đất, một cuộc cải tạo tư sản kiểu miền Bắc sẽ vô cùng phức tạp và sẽ đẩy nhân dân miền Nam Việt Nam vào đói khổ, từ đó sẽ có những cuộc bạo loạn không thể lường trước. Lý do: dân miền Nam không “hiền” như miền Bắc. Ruộng đất, cơ sở phương tiện sản xuất không nghèo nàn như miền Bắc và nói cho ngay thì hậu quả các chính sách cải cách, cải tạo đủ loại đã mang đến cho miền Bắc những nỗi oan trái, cay đắng, hao của, chết người như thế nào, chẳng phải chỉ anh em đi tập kết mới biết, mới từng nếm trải. Cả những loại kỳ cựu và chính trị loại xoàng như tôi cứ nói đến chúng vẫn còn tởn. Vậy thì ai có công nhất trong cuộc chiến thắng cuối cùng, các ông tướng Việt Cộng miền Bắc, các ông tướng Việt Cộng miền Nam làm gì chẳng phát sinh ý kiến đối lập, phủ nhận nhau, thậm chí chửi thẳng vào mặt nhau như ông Trần Văn Trà đã chửi thẳng ông Nguyễn Ngọc Hiền, cánh tay phải của tướng Văn Tiến Dũng trong tập sách bị... cấm tái bản sau khi tướng Trà hết chức vụ chỉ còn cái hàm tướng... không quân!

Tôi biết rõ những mâu thuẫn chết người giữa các nhà có chức quyền cao nhất lúc ấy trong vấn đề Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam nên giải tán hay nên cho tồn tại? Thống nhất hai miền ngay hay chờ ít năm? Cấm ngay lập tức hay cứ cho phép có kiểm soát tờ báo tư nhân như Tin Sáng của đám Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận? Rồi đến các vấn đề cụ thể như bắt hay không bắt nhà văn này, nhạc sĩ nọ, nhà chính trị kia vốn đối lập với Thiệu nhưng vẫn chửi cộng sản? Cho phép diễn viên này hoặc cấm diễn viên nọ hành nghề?

Tất cả đều được thảo luận thậm chí cãi vã to tiếng từ ở các hội nghị cho đến các sa lông, từ các ông to đến các ông nhỏ mà tôi có dịp được nghe như một nhân chứng... câm! Có điều cái đầu ương bướng của tôi biết phân tích và tổng kết nên tôi sớm nhìn ra: Cuộc đánh nhau nội bộ về đường đi, hướng tới trong thủy thủ đoàn và thuyền trưởng lái con tàu Việt Nam Thống Nhất đã bắt đầu!

Chỉ riêng mặt văn hóa tư tưởng, sự chia rẽ đã đến mức không thể hòa giải về cái Đẹp, về cách đánh giá con người của những người cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết!

Người ta không thể không cho mọi người nghe nhạc, treo tranh, xem phim, coi hát.

Vậy hát cái gì? Hát làm sao? Ai hát?

Đó là một thực tế khách quan không thể không giải quyết. Chúng tôi, những văn nghệ sĩ miền Bắc được tăng cường sẽ phải làm gì trước các ý kiến đối nhau chan chát hàng ngày của các ông lãnh đạo chóp bu? Văn phòng của ông Lưu Hữu Phước, bộ trưởng trong chính phủ lâm thời đưa ra một loạt công văn chỉ thị, danh sách văn nghệ sĩ đã “cộng tác đắc lực” với ngụy quyền, đã làm phim, lên sân khấu bôi xấu cộng sản...phải kiên quyết gạt bỏ. Trái lại, Ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục Miền Nam của ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) người trực tiếp với cơ quan xuất bản của tôi, lại ra các “chỉ thị” ngược lại! Trong khi người ta rất “lập trường không khoan nhượng” đối với ca sĩ này, nhạc sĩ nọ thì, từ một phía có “lực” hơn, lại nhân danh quần chúng, ngay từ ngày đầu cho phép các đoàn cải lương đủ loại tiếp tục đi diễn đủ các thứ vở, tất nhiên trừ những vở chống cộng!

Ai cũng to như ai, cũng có quyền như ai, chỉ khổ ba anh Bắc Cờ mới vào, chẳng biết ăn nói thế nào! Tôi, một thứ bổ sung vào những giờ thứ 30, 31 vừa chân ướt chân ráo đặt chân tới sân bay Tân Sơn Nhất đã phải đối đầu với sự lựa chọn: Mình sẽ theo quan điểm của anh nào?

Vở bi hài kịch hay giấc mộng làm ăn đứng đắn đàng hoàng của tôi bắt đầu tan vỡ... Sự tất...thua của âm nhạc chân chính nói riêng và “văn nghệ có học” cũng gióng hồi chuông... rút lui từ đây.

Trở lại với những ngày nghe đủ loại tin tức, đủ loại nhận xét về cái “miền Nam đau thương và anh dũng” được giải phóng mà không có mặt của tôi, trở lại với sự thất vọng to lớn, khi được biết cả gia đình tôi đã di tản sang Mỹ ở giờ phút cuối cùng, tôi như người bị dội thùng nước lạnh đến mức không còn chút tư tưởng nào muốn được bổ sung cho miền Nam nữa thì... đùng một cái người ta lại dội một thùng nước nóng cho tôi. Tôi được lệnh điều động lên Ban Thống Nhất để nhận chỉ thị đi B cấp tốc! Mặc dầu Sài Gòn đã im tiếng súng gần hai tuần, tôi vẫn được lãnh đủ thứ tăng, bạt, ba lô, quần áo, lương khô y như thời đi B trong chiến tranh để hôm sau có mặt tại Sài Gòn kịp “phúc khảo” một số tiết mục ca nhạc, kịch của anh em văn nghệ sĩ “tại chỗ”. Hà Mậu Nhai còn viết thư riêng nói toạc ra rằng mấy ông X,Y...trình độ khó thuyết phục mấy tay cỡ S,K,P...ở trong này lắm!

Thế là cái “máu cách mạng” trong tôi nổi lên cuồn cuộn. Chỉ một buổi chiều, tôi đã xếp xong mọi thứ “bảo bối” cần thiết. Cụ thể là một thùng tổng phổ từ Beethoven, Mozart đến Debussy, Ravel, Gershwin ([11]).., một va ly gần trăm đĩa hát đủ loại giao hưởng, ballet, opéra, sonate... và cả những đĩa gọi là nhạc nhẹ của phe xã hội chủ nghĩa để làm bằng chứng cho quan điểm của tôi là âm nhạc đích thực phải là âm nhạc kinh điển. Các thể loại khác không phải là cấm như người ta đồn mà chỉ được coi như thứ giải trí nghe cho vui, nghe để ăn uống thêm ngon miệng, rồi... bỏ qua! Chẳng có quà bánh, hàng hoá buôn bán gì, nhưng tôi là người có trọng lượng hàng hóa nặng nhất. Trái với những người khác, lúc lên đường đi tăng cường thì đi vay mượn, thậm chí bán luôn những gì có thể bán để làm vốn “phát triển kinh tế” sau này. Tính theo thời giá lúc bấy giờ... 1 đồng miền Bắc được Ba Tầu Chợ Lớn mua tới 1 ngàn đồng miền Nam, vì họ tưởng miền Bắc là kẻ chiến thắng sẽ hủy tiền “ngụy”. Sau này tôi mới hiểu vì sao mà mấy ông miền Nam tập kết bay vào lại chóng giàu có, nhà cửa sang trọng tới mức nằm mơ cũng chẳng thấy. Cả một ngôi biệt thự đồ sộ ở đường Nguyễn Phi Khanh, Minh Quân mua có...ba ngàn rưỡi đồng miền Bắc –– Ba triệu rưỡi tiền ngụy! Đình Tấn, Văn Ký mua mỗi anh một xe hơi Madza, Toyota chỉ có 100, 155 đồng!...Riêng tôi, trong tay vẻn vẹn 300 đồng vì đi một mình, nhà cửa, tiền nong để lại cho vợ con, là người ngây thơ đến...ngu đần nhất thiên hạ.

Loại trừ cái bọn cướp không nhà cửa, tài sản nổi chìm của những người bỏ chạy, ngay việc “mua rẻ” tôi cũng chẳng màng! Không những thế, hơn 300 đồng miền Bắc mang vào, tôi đã theo đúng quy định của đảng và Nhà Nước hai miền: nộp cho ngân hàng để mỗi tháng rút ra đúng một trăm đồng tiền mới đổi! Nghĩa là tôi chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo, một tủ sách và đĩa hát. Phải hai tháng sau đó, khi rút đủ tiền, tôi mới mua nổi một bộ nghe nhạc tàm tạm, để mấy cái đĩa hát mang theo được vang lên trong căn hộ ở tầng 3 đường Gia Long mà người ta phân cho tôi đến tiếp quản. Căn hộ này với đầy đủ tiện nghi, giường, tủ, sa lông, máy lạnh... tôi còn ở mãi cho tới những ngày nó xuống cấp, tiền thuê lên giá và cho đến lúc tôi về hưu chưa bao giờ thuộc chủ quyền của tôi.

Không phân phối, không hóa giá, không giải tỏa, căn nhà vẫn là của Nhà Nước. Tôi chẳng bao giờ chạy chọt để xin được phân phối một cái “ma maison” ([12]) như hầu hết cán bộ cách mạng không trừ cả những nhân viên quèn từng xin được, miễn có anh Hai, anh Ba, anh Tư đỡ đầu, có thư tay... gửi đến các ông Tư Bi, Thanh Hải, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà đất. Tôi ngu hay quá “cao đạo” đến nỗi chẳng có gì khi về hưu ngoài đồng lương vừa đủ tiền thuê nhà và trả tiền điện nước? Nghĩ cho cùng, tôi chỉ là một anh văn nghệ sĩ đến chết cũng chẳng hết ảo tưởng, một người “cộng sản” còn hơn cả các ông “cộng sản có chức có quyền” nếu hiểu cộng sản như người nguyện cống hiến đời mình cho nhân dân và dân tộc!

Nhưng cũng lại điều may mắn đã đến với tôi lần nữa, vì không chức không quyền nên không bị dính vào các vụ “mua chuộc”, thậm chí “đầu hàng” trước những người mà trước đó ít lâu còn bị xếp vào loại phải... cảnh giác! Thực tế đã chứng minh hàng loạt cán bộ (kể cả văn nghệ sĩ) đã dính vào các vụ kiếm chác và vì không khéo chùi mép đã bị ra tòa, nằm khám. Xoàng nhất cũng là lao vào các cuộc nhậu nhẹt chơi bời, buôn bán lừa đảo. Người lãnh án tù, kẻ chết chìm trong các cuộc nhậu nhẹt rồi... hết luôn vì các bệnh ung thư gan, phổi, dạ dày! Dù tôi không kể tên thì mọi người đều có thể biết ai đã ra tòa vì ăn cắp, vì buôn lậu, ai đã tự kết liễu cuộc đời trong các cuộc tắm rượu Hennessi, J. Walker và trong các ổ nhện! Riêng tôi, vì không vướng bận gia đình vợ con, tôi lao ngay vào giấc mơ hão huyền: xây dựng bộ mặt mới cho văn nghệ...

Tôi được mời đi duyệt (lúc ấy gọi là phúc khảo) chương trình ra mắt của đoàn ca nhạc kịch Kim Cương với dàn nhạc Ngọc Chánh, ngay đêm đầu tiên tới Sài Gòn. Cái cảm giác ghê sợ đến rùng mình, tới nay, vẫn còn nguyên trong trí óc tôi. Trong cái rạp Hào Huê nóng bức, đầy tiếng rao hàng, tiếng chửi thề, sặc mùi thuốc lá, nước hoa, mồ hôi, người ta ra mắt cách mạng bằng vở Lá Sầu Riêng, một loại mê lô bi hài kịch cũ rích về nội dung, ấu trĩ về phong cách và hết sức nghèo nàn về phương tiện kỹ thuật. Micro treo được điều khiển bằng dây ròng rọc theo chân diễn viên, ánh sáng không thay đổi từ đầu đến cuối, còn âm nhạc thì chao ôi, một thứ tả pí lù! Để gây buồn, hỗ trợ cho diễn viên đang giả vờ khóc, người ta tương ngay bài Giọt Mưa Thu do một cây violon nào đó sau cánh gà đệm theo! Đặc biệt là khi dàn nhạc Ngọc Chánh bước ra sân khấu thì cả một rạp nổ tung tiếng hoan hô, tiếng rầm rầm xập ghế của các vị choai choai vừa nhai chewingum vừa hoan hô khi nhận ra cái nhóm Crazy Dogs ngày xưa, té ra hôm nay vẫn còn nguyên vẹn! Nhưng chương trình của họ còn có những bài hát cách mạng nữa nên họ không thể nào crazy thêm được, dù đã “rock hóa” tất tần tật những ca khúc của Xuân Hồng ([13]), Hoàng Hiệp!

Tới đây thì tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi lẳng lặng bỏ ra ngoài để thoát cái cảnh phải ngồi xem và nghe người ta bôi bác nghệ thuật! Tôi chờ các vị trong hội đồng chung khảo ra về (chung một xe) bằng cách thả bộ quanh mấy con đường trung tâm Chợ Lớn để bỗng nhận ra xã hội nào cũng phải có nền văn hóa phục vụ cho nó. Xã hội “mại dzô” khắp nơi này đúng là phù hợp với cái rạp Hào Huê và những gì đang diễn ra trong đó! Nền tảng xã hội ở đây là một thứ “tả pí lù” thì đừng hòng thay đổi nó nếu cơ cấu chính trị này không thay đổi. Và muốn thay đổi thì...hãy đợi đấy! Thử xem các nhà chính trị “đánh võ” thế nào trên cái chiến trường không tiếng súng Sài Gòn Chợ Lớn này? Còn loại như tôi, hãy né những gì ít dính dáng đến quyền đến lợi, đến chuyên môn càng nhiều càng tốt.

Tôi chẳng phải chờ đợi nhiều để hiểu được các vị có quyền về văn nghệ cao nhất lúc này gồm các ông Sáu Lăng, Rum Bảo Việt và một ông có vẻ cũng có tiếng nói quyết định từ miền Bắc tăng cường là Bảo Định Giang ([14]) dưới sự lãnh đạo cao nhất của ông Tư Ánh Trần Bạch Đằng. Tất cả các tiết mục mà tôi xem thấy phát ngượng được đồng loạt “duyệt cho diễn”!

Không phải không có ý kiến phản ứng tự nhiên của một số từng “đến nhà hát như đến nhà thờ”, từng xem không ít tác phẩm văn nghệ nổi tiếng của sân khấu miền Bắc, từng nghe không ít bản nhạc bất hủ cả ở sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội cũng như ở Mát-xcơ-va, Praha, Berlin, Paris... Tuy nhiên, trước lập luận rất “chính trị” của mấy ông “nằm vùng”, mấy ông Rờ, mấy ông tập kết luôn miệng chửi bới miền Bắc hẹp hòi, Mao-ít..., đặc biệt là mấy ông “to” chẳng biết mô tê răng rứa gì về cái Chân, Thiện, Mỹ ra sao...rằng: “Từ chỗ họ diễn chửi mình, họ hát toàn bài phản động, ủy mị, nay họ đã hát những gì là của cách mạng. Vậy là họ bắt đầu “tự cải tạo” rồi. Phải tạo điều kiện cho họ tham gia phục vụ đồng bào đang chờ xem “văn nghệ cách mạng có cải tạo được họ không?” Vả lại, hàng chục đoàn nghệ thuật miền Bắc gồm ca múa, tuồng, chèo, giao hưởng, kịch nói...rồi đây, sau hai tháng rùm beng trên các ngã tư, ngã năm đường phố không lấy tiền, khi đã rút hết, “đồng bào” sẽ xem, sẽ nghe cái gì đây vv...?

Những luận điểm hết sức “chính trị” như thế đẩy lùi ảo tưởng về một nền văn nghệ cách mạng theo kiểu tôi suy nghĩ vào chỗ “thôi thì tạm nhân nhượng!” Quan niệm “thà không có chứ có mà phản văn nghệ, không nói đến phản chính trị trong nội dung, thì chỉ có hại”... của tôi và một số anh em, bước đầu đã bị đánh giá là quá khích, thiếu sách lược, khó thuyết phục, thậm chí là không đúng chính sách hòa hợp hoà giải, tranh thủ nhân tài của Đảng vv... Đáng xấu hổ là những kẻ được giao quyền lãnh đạo cái nền văn nghệ cách mạng ở miền Nam lại là những vị có cái gu “văn nghệ ba xu”! Tôi còn nhớ khi duyệt cho cải lương chi bảo Bạch Tuyết ra mắt cách mạng mà tôi cũng được dự để xem con người nghe nói (?) đã được Mỹ ưu ái bằng cách mời ký tên vào quả bom sắp thả xuống đầu nhân dân miền Bắc như thế nào.

Hôm ấy đúng là một sự kiện... trọng đại! Tôi phải qua mấy lần lính gác để được vào cái hội trường trên đường Thống Nhất, sau này là nơi mở sổ số kiến thiết. Hàng đoàn xe con đưa tới không thiếu vị chóp bu nào của chính quyền và Đảng... Sài Gòn! Tôi được xếp chỗ ở hàng đầu. Các vị “to vừa” hàng hai, các vị “to tướng” hàng ba, hàng 4 ... để tránh có chuyện không hay xảy ra nếu như một quả lựu đạn hay một thanh gươm văng từ phía sân khấu xuống! Lòng “tự ái cách mạng” của tôi bị chạm nọc ngay khi thấy sự long trọng quá mức, sự ưu ái đặc biệt dành cho các nghệ sĩ Sài Gòn loại “quốc gia chi bảo” này.

Tôi nhớ đến câu nói của ông Trần Bạch Đằng nhận xét về sự ra quân hùng hổ, ào ạt của các đoàn nghệ thuật miền Bắc những ngày qua: “Bóp vú đàn ông còn hơn... xem văn công Tổng Cục Chính Trị!” Tôi cũng nhận thức được rằng ở cái đất này, chỉ có cải lương làm vua và lãnh đạo thích gì thì cái đó sẽ phát triển. Cái thích của các vị lại là cái tối kỵ đối với tôi, vì theo tôi, lúc bấy giờ, sân khấu cải lương Sài Gòn là một mớ tả-pí-lù nhất. Trong cuộc họp ở bộ Văn Hóa Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, khi giao ban, người ta cho biết về tình hình phức tạp hiện nay của sân khấu Sài Gòn. Tôi cũng được biết nghệ sĩ nào “phản động” nhất, nghệ sĩ nào chửi Việt Cộng hăng hái nhất, nghệ sĩ nào nổi tiếng như cồn nhưng vẫn...chưa biết chữ, ngoài chữ ký của mình.

Vậy mà, hôm nay, người ta, kể cả các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đến “chào mừng” sự ra mắt của “cải lương chi bảo” như đi...“trẩy hội”! Tôi nghĩ tới những ngày nhà hát giao hưởng, kịch nói trung ương ra mắt giữa Sài Gòn, chẳng thấy một ông lãnh đạo nào có mặt, ngoài một số văn nghệ cách mạng hạng hai, hạng tư tưởng lầm là phen này dân Sài Gòn cứ là... lác mắt. Đông người xem thật đấy, nhưng lý do chính là vì...tò mò, muốn xem thử Việt Cộng có biết văn nghệ là cái chi chi không? Hoặc quá lắm là xem để biết cái món “văn nghệ chính trị” nó khô khan và khó nuốt đến mức nào? Còn nhiều sự thật đáng buồn... cười nữa mà tôi sẽ cố gắng để con cháu sau này đọc như đọc truyện hài hước của Nexin ([15])!

Trở lại với đêm ra mắt “cải lương chi bảo” trước các quan chức cách mạng Sài Gòn, tôi đang suy nghĩ mung lung về địa vị con người làm văn nghệ ở cái đất mới này rồi đây chắc chẳng mấy hay ho nên chẳng để ý xem trên sân khấu diễn ra trò gì...bỗng như sấm rậy, cả hội trường vang từng tràng vỗ tay kéo dài, bổng trầm, crescendo, diminuendo, sforzando...tưởng chừng không bao giờ ngớt!

Thì ra “cải lương chi bảo” “hạ cố” cho mấy anh văn nghệ cách mạng được ngắm dung nhan. Nghĩa là, vừa bước chân ra sân khấu, chưa kịp diễn gì, “cải lương chi bảo” đã bị chẹn họng, hay nói cách khác đã được “đại đa số” nhà lãnh đạo cộng sản thứ thiệt, bỏ phiếu tán thành: Duy trì danh vị, tài năng của cô từ nay dưới chính quyền cách mạng! Mọi hành động, mọi sinh hoạt, lời nói, tuyên bố trong quá khứ của cô, kể từ nay, coi như... cho qua!

Trong lúc ngôi sao văn nghệ Số Một miền Nam nhoẻn nụ cười kéo dài mãi không sao ngậm miệng lại được vì những tràng vỗ tay, reo hò, cổ vũ đến vỡ tai khán giả, thì một người đứng lên ngay hàng ghế đầu, quay mặt lại khán giả, hai tay chống nạnh, hét tướng lên: “Lạ thật! Vỗ tay cái gì? Chưa biết tài năng ra sao mà đã vội vỗ tay sớm thế?” Tiếng nói vừa hằn học, vừa như ra lệnh làm tràng pháo tay xịt ngay tại chỗ kèm theo vài tiếng hỏi hớt hải: “Ai đấy? Tay nào gớm nhỉ!?”... hay vài câu nói đồng tình: “Đúng lắm! Làm chi mà nịnh bợ quá thế?”... Các vị lãnh đạo to nhất ngồi ở hàng ghế thứ hai, thứ ba, tuy ánh sáng đã tắt dưới khán phòng, nhưng đèn sân khấu đủ cho tôi nhìn thấy trong tích tắc ba thái độ rất rõ ràng:

–– 1) Lạnh lùng, nét mặt ngang bằng xổ ngay như ảnh chân dung năm cát-tó đít-duýt! Số này hình như đa số đều là “cỡ lớn” ở miền Bắc mới dzô.

–– 2) Bị “sốc” rõ trước phản ứng thiếu hòa hợp hoà giải dân tộc, một vị ghé tai các vị thư ký, bí thư riêng hoặc các vị “bưng bê văn nghệ” hỏi: “Thằng nào đấy?” Đó là ông Năm Xuân Mai Chí Thọ, em ruột ông Sáu Búa Lê Đức Thọ

–– 3) Một số mỉm cười gật gật đầu tỏ vẻ tán thành thái độ liều mạng của một người có lẽ nữa khùng nửa tự ái nghề nghiệp!

Cái anh chàng nửa khùng này là... tôi!

Vâng, tôi đã bật lên vì tức giận dồn nén bao lâu. Tôi nghĩ tới bao người tài năng, bạn bè đồng nghiệp và cả bản thân trong những buổi ra mắt tác phẩm đầu tiên, các buổi trình diễn đầu tiên, chẳng bao giờ có ưu ái quá mức đến như vậy! Tôi có thể kể cả trăm trường hợp ra mắt một bộ phim, một vở kịch, một bản giao hưởng của tôi và đồng nghiệp, thậm chí đến cái vé mời chính tác giả cũng bị người ta quên... như một lẽ thường tình?

Phải chăng vì chúng tôi là “văn nghệ sĩ Nhà Nước” thì tác phẩm, tài năng cũng là của Nhà Nước? Bao nhiêu thứ dày vò đầu óc tôi từ lâu, tôi đã hèn mà nuốt đi nhiều lần, bỗng hôm nay, cuộc chào mừng “Cải Lương Chi Bảo” quá đặc biệt đã như một quả lựu đạn chạm phải kim hỏa. Tôi bùng lên như mất hết tự chủ! Hà Mậu Nhai, ngồi cạnh tôi, lo lắng giật áo tôi kéo xuống và gần như van nài tôi bình tĩnh. Từ lúc đó, tôi và có lẽ còn một số người khác, chẳng còn tâm trí nào để thưởng thức “tài năng siêu việt” của “cải lương chi bảo” nữa. Giữa giờ giải lao, có thời cơ thuận lợi, tôi đi một mạch về Phan Kế Bính, chẳng báo cho ban phúc khảo, phúc khiếc gì hết.

Tôi muốn tỏ thái độ không tán thành cái cách tổ chức rùm beng để khoe cái “chi bảo” của mấy ông rồi đây sẽ lãnh đạo cái “văn nghệ giải phóng” đi đâu, theo con đường nào? Giữa tôi và một số người có trách nhiệm chèo lái con thuyền văn nghệ miền Nam bắt đầu có những mâu thuẫn không thể điều hòa về chân giá trị của văn nghệ chứ chưa nói đến cái Đúng, cái Thật hoặc đao to búa lớn hơn là “lập trường vô sản”, “đảng tính”, “nhân dân tính”... !

Sự coi thường mấy tay “cai” văn nghệ vô học của tôi té ra vào Sài Gòn “giải phóng” mới có dịp bùng lên mạnh mẽ, quyết liệt hơn, không cách nào kìm hãm. Lạ một cái là sự hăng máu vịt của tôi lại được một số lãnh đạo, đặc biệt là các văn nghệ sĩ Rờ ủng hộ. Ngay trong cơ quan thành ủy, đặc biệt là mấy ông Trung Ương có dịp vào “kinh lý” miền Nam còn lấy tôi làm tấm gương về tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Tôi được một số lãnh đạo trực tiếp các ngành nghệ thuật Trung Ương và của “chính phủ ông Huỳnh Tấn Phát” động viên. Chính ông Lưu Hữu Phước, người “to” nhất về văn nghệ miền Nam lúc ấy trên cương vị bộ trưởng, đã cung cấp tài liệu cho tôi để tôi nói có sách mách có chứng về những cá nhân, những tác phẩm nào không ngừng chống phá cách mạng, thậm chí là “phần tử nguy hiểm” tuyệt đối không được xử dụng, thậm chí đổi tên cũng không được! Tôi lại “ngu lâu” lần nữa!

Thực tế, ông bộ trưởng Lưu Hữu Phước cũng như ông Tuất Việt, phó ban Tuyên Huấn chẳng có tí quyền lực gì trước mấy ông “chính trị lão thành” miền Nam dù cùng ở Rờ, cùng chạy tóe khói với Trung Ương Cục sang tận Campuchia trong chiến dịch Johnson City. Cái tờ Sài Gòn Giải Phóng, cả cái nhà xuất bản Giải Phóng của tôi hầu hết đều là dân Bắc Cờ đi B, hoặc dân miền Nam nhưng không một ngày biết mùi Rờ! Vì vậy, không có lý do gì để mấy “khối u Bắc Cờ” này tồn tại! Cuộc tranh giành chức vụ sau “chiến thắng mùa xuân” –– thực ra là mùa hè nóng chảy mỡ chứ đâu có mùa xuân mùa xiếc gì như mấy nhà báo Việt Cộng tô hồng đâu –– cứ thế kéo dài trong mọi lãnh vực, ác liệt và dai dẳng bởi những cuộc thanh toán nhau cả về tinh thần lẫn thể xác.

Có những cái chết rất bí mật thường gọi là tai nạn, là tự sát, không bao giờ được làm rõ. Có những vụ gài độ để hạ bệ nhau, cho nhau vào tù. Có những vụ đường đường là một cán bộ cách mạng, một văn nghệ sĩ, diễn viên lâu năm, một thiếu tá quân đội, công an bỗng biến mất và sau đó có tin... vượt biên? Có nhạc sĩ nổi tiếng bỗng dưng trở thành kẻ buôn lậu thuốc phiện bị xử công khai tới 7 năm tù (lúc này tội ma túy chưa có án tử hình) nhưng sau 3 năm, được ra, lại được nghiễm nhiên đề cao trên khắp báo chí, diễn đàn thuộc loại “số dzách” cả về uy tín lẫn tiền bạc. Tất cả đều có gốc miền Nam và những lần có dịp “sắp xếp lại tổ chức”, người ta lại lợi dụng thời cơ, gạt bớt những tay “Bắc Cờ” hoặc miền Nam nhưng đầu óc...nặng mùi miền Bắc đi, dù có Rờ hay không Rờ.

Sự thanh toán nhau quyết liệt diễn ra liên tục, công khai hoặc âm ỷ tới những năm 1980, 1990 và có lẽ sẽ còn mãi mãi, vì theo tôi, khó thể hoà hợp về tính cách, về trình độ, về sinh hoạt, nhất là về tư tưởng của hai “loại” người Việt Nam ít nhất tới hết thế kỷ... 21!

Ở miền Bắc, tôi đã có nhiều dịp thấy sự khác biệt khó hoà hợp này. Ví dụ: Là miền Nam thì ăn nói phải “thẳng như ruột ngựa”, thái độ phải ngang tàng, “anh chị” đôi chút. Là miền Nam thì phải liều mạng, không sợ cái gì, đã chơi là phải chịu chơi hết mình. Là miền Nam thì mọi quan hệ làm ăn, tình cảm, đồng chí, đồng đội...đều phải biểu hiện ở bàn...nhậu! Nhậu đến bê bết, quên đất, quên trời, đến bán sạch, đến đổ nợ! Là miền Nam còn cả vạn điều khác biệt nữa.

Riêng về cái Đẹp thì tôi xin chào thua!

Với tôi, thứ đẹp nhất trên đời của các vị cán bộ miền Nam tập kết chỉ có một: đó là cải lương! Sáu câu vọng cổ với lời ca rẻ tiền, văn chương ba xu, mỗi khi nghe nghêu ngao bên chiếu rượu thì tôi phải tìm cách đi “rửa tai” ngay.

Tuy nhiên, chớ có tranh luận với các vị về cái thứ nửa kịch nói, nửa xàng xê, hồ quảng, nửa tuồng tây, tuồng tầu, vừa nhị, bầu, tranh, tứ, vừa ghi-ta, organ, violon đôi khi cả trompette, clarinette coi nó thuộc cái thể loại nào trên thế giới và tiếp thu truyền thống nào của cái dân Việt này. Chết có ngày!

Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II đã phải đầu hàng cải lương!

Đại Hội lần thứ III tại Hà Nội chỉ vì dám... “sờ” tới cải lương, một chút xíu thôi đã nổ ra một xì căng đan thuộc phạm vi “đoàn kết giữa hai miền Nam Bắc.” Người lãnh đủ, no đòn hội chợ ngay tại câu lạc bộ của hội văn học nghệ thuật 96 phố Huế, chính là nhà thơ Huyền Kiêu. Ông đã bị ông Ngọc Truyền và một số anh em văn nghệ miền Nam tập kết, ra tay dạy cho bài học lễ độ với cải lương đến nỗi phải đi... bệnh viện!

Thời kỳ học chính trị ở Tổng Cục Chính Trị, các ông Võ Hồng Cương, Lê Chưởng, mấy nhân vật lãnh đạo Tổng Cục, thậm chí đích thân ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng không ít lần nhắc nhở anh em văn nghệ sĩ quân đội: “Cần hết sức thận trọng trong việc đấu tranh với các hiện tượng đôi khi quá đáng của anh em văn nghệ miền Nam.”

Ông Hoàng Tố Nguyên ([16]) từng chống đôi nạng gỗ, giơ một chiếc lên chỉ thẳng vào mặt một chủ tịch đoàn người miền Bắc, nói thẳng thừng trước hội trường Nhà Hát Lớn đang họp “nội bộ” để cơ cấu ai sẽ vào Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật miền Bắc, là “Tên Lưu Quí Kỳ ([17]) kia đã làm khổ anh em văn nghệ sĩ miền Nam rất nhiều rồi! Chẳng khác gì Tố Hữu ở miền Bắc đâu. Tôi đề nghị: Không bầu!”...

Tội cho ông Lưu Quý Kỳ. Hồi trước năm 1954, trong bưng biền Nam Bộ, ông ấy ra lệnh cấm cải lương, gây ra sự bất bình to lớn đến mức nhiều cán bộ kháng chiến bỏ vào thành để được nghe…cải lương. Mà quyết định ấy là của ông Ba Duẩn, chứ ông Lưu Quý Kỳ có quyền gì mà đơn phương ra lệnh!

Sự khó chịu với lối sống “thắt lưng buộc bụng” mà các “lãnh tụ” Đảng áp đặt lên toàn xã hội miền Bắc đã gây ra vô số chuyện đau lòng. Chuyện nhà văn miền Nam tập kết Vũ Anh Khanh, vừa đi dự hội nghị các nhà văn Á Phi về xin vào giới tuyến để sáng tác rồi vượt sông Hiền Lương tìm tự do, bị chết đuối, xác lại trôi về bờ Bắc. Chuyện ông A ông B bị đưa đi cải tạo vì tội tìm đường vào Nam… theo địch (thực sự là chỉ muốn…về quê), chuyện ông X ông Z... ăn cắp bị bắt quả tang. Còn vô số chuyện lộn xộn do học sinh các Trường Miền Nam số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8... gây ra ở các địa phương, khi thì đánh nhau với công an, khi thì đốt nhà dân, nhưng vì tình đoàn kết Bắc Nam nên báo chí êm re, thậm chí trong các cuộc họp cán bộ về trị an cũng không được phổ biến!

Không ít các cháu học sinh các trường đó sau 1975 trở về Nam đã lên nắm quyền lãnh đạo trở thành các “nhà” nọ, “nhà” kia, “giám” này, “tổng” nọ!...

Trong đầu chúng tôi hình thành từ lúc nào không biết một định kiến: “Hãy tránh xa các anh Hai, anh Ba, anh Tư ra, kẻo ăn đòn!” Tất nhiên, không ít anh em miền Nam “chơi được”, nhiều anh em rất biết nếu không có dịp học hành đến nơi đến chốn ở miền Bắc thì cũng chẳng thành được “nhà” nọ, “nhà” kia (thật sự). Chính những anh em này lại bị coi là dân “Nam Bộ đã...Bắc Kỳ hoá” và sau này cũng bị cô lập chẳng kém dân Bắc Cờ thứ thiệt.

Trong thời gian này, đặc biệt có mấy vị nắm tờ Thống Nhất trước kia từng cao giọng chửi bới nhóm Nhân Văn Giai Phẩm để tỏ vẻ ta đây kiên định lập trường “theo Đảng đến cùng”, bỗng quay ngoắt 180 độ, chửi xéo cái Đảng miền Bắc không tiếc lời ([18])!

Tóm lại, thà hòa hợp với “ngụy” chứ không hòa hợp với mấy tay Bắc kỳ... cục! Vấn đề này được chứng minh cụ thể trong ngành văn hóa văn nghệ khi đa số cán bộ tăng cường phải...cuốn cờ về Bắc. Dễ nhận thấy nhất là khi có chủ trương thành lập hội này hội nọ, người ta “cơ cấu” vào các ban chấp hành chấp tỏi gần như chỉ là người miền Nam, là những “đồng chí Rờ”, đồng chí “tại chỗ”.

Tôi còn nhớ khi chuẩn bị thành lập Hội Âm Nhạc thành phố HCM, họ “cơ cấu” vào Hội này cả những thành phần mà theo báo cáo của “tổ chức” là những phần tử “có quan hệ với CIA”, những thành phần đã có hộ chiếu ra đi chính thức như trường hợp Nghiêm Phú Phi.

Với quyết tâm cải tổ tận gốc những hội, chi hội không theo kiểu miền Bắc giáo điều, “danh sách cơ cấu” đã được thông qua, miễn sao không có mặt mấy anh miền Bắc 75, mấy anh dù đi B, nhưng ngửi thấy mùi...có thể nổi danh, mấy anh có tư tưởng “làm ăn lớn” ở cái đất... làm giả hoặc không cần làm mà vẫn có ăn này! Chỉ cần nêu những cái tên như Diệp Minh Châu, Lưu Công Nhân (Mỹ Thuật) Nguyễn Văn Tý, Tô Hải, Phan Huỳnh Điểu (Âm Nhạc), Dương Linh, Khương Mễ, Lê Minh Hiền (Điện Ảnh) Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo (Văn Học)... và nhiều nhiều nữa bị thẳng tay gạt ra rìa là đủ thấy sự chia rẽ sâu sắc đến mức nào! Điều đáng nói mà người ta cứ lờ đi như là chuyện đương nhiên, là cái lệ: miền Bắc có cái gì thì Sài Gòn phải có cái đó.

Những Hội mới được tổ chức ở “thành phố mang tên Bác” nghiễm nhiên được coi như ngang hàng với các hội Trung Ương, dù chỉ là Hội của một địa phương. Người ta ngang nhiên trưng biển ở mặt tiền các trụ sở là Hội này Hội nọ chứ không phải chi hội như các thành phố khác trong cả nước. Đây không phải chuyện danh xưng mà là chuyện mấy anh Nam Kỳ không muốn chịu sự lãnh đạo của mấy anh Bắc Kỳ hoặc hạn chế tối đa tác dụng lãnh đạo của mấy anh Hội trung ương.

Chuyện “kỳ thị” Nam Bắc càng bộc lộ ác liệt, gay go, thậm chí thô bỉ, ở các cuộc đụng chạm hàng ngày. Có lần chính tai tôi đã nghe “Mấy cha Bắc Kỳ nên về mẹ nó miền Bắc cho chúng tôi nhờ!”... Hoặc phũ phàng hơn “ngoài đó đếch có nhà ở, cơm ăn, nên kéo nhau vào đây để phá miền Nam!” Thậm chí có vị còn lớn tiếng tuyên bố “Không cộng tác với mấy thằng Bắc Kỳ, không tiếp, không cho vào nhà!” Thực tế là đã không ít lần các vị lãnh đạo văn nghệ ở miền Bắc như Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát...vào Nam công tác không được đón tiếp hoặc đón tiếp lạnh nhạt đến nỗi đi lại chỉ còn nhờ vào xe...xích lô, hoặc nhờ một số anh em Bắc Cờ hoặc miền Nam đã “Bắc Cờ hoá” giúp cho di chuyển bằng cách ngồi sau xe Honda. Chẳng một cái hội văn nghệ Xè Gòn nào cho xe ô tô đưa đón, dù các hội này có cả chục chiếc nằm la liệt ở trụ sở Hội Văn Nghệ 81 Trần Quốc Thảo.

Đau nhất là mấy anh em miền Nam có tên tuổi bị coi là “Bắc Kỳ hóa”, bị cô lập vì cố gắng nhịn nhục ở lại. Đa số bị vô hiệu hóa, thậm chí một chức danh nho nhỏ chứ chưa nói đến đứng đầu ngành cũng không được chia phần.

Họa sĩ Diệp Minh Châu, Lê Thanh Trừ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Văn Lưu chẳng có nổi một cái “tít” chấp hành chấp tỏi gì. Có ông đã phát khóc sau những cú “bầu bán ba bị” có chỉ đạo, cơ cấu sẵn.

Chẳng là nhân vật quan trọng gì, chẳng ham hố trò chia phần chia ghế, một lần nữa, tôi lại chọn con đường kemeisme - kệ mẹ nó. Nhưng là đơn vị trực thuộc tuyên huấn Trung Ương Cục miền Nam –– sau ngày thống nhất là Thành Uỷ Sài Gòn –– không công việc nào, chủ trương nào, đối sách nào mà tôi tránh được “học tập”, “đả thông”, để rồi cứ trong bụng tức anh ách, không sao xì ra được!

Tôi còn nhớ khi có chủ trương chọn một số văn nghệ sĩ đi “tranh thủ” ở mấy nước phương Tây, lập tức chia ra ba bè, bảy mối trong các vị có ý kiến nặng cân nhất. Mặc dầu bên Công An phát hiện Thành Được đã bán nhà, bán xe ô tô và cả đến cái xe Vespa cuối cùng “để chuẩn bị đi Tây”, hoặc trường hợp một diễn viên có hiện tượng chuẩn bị vượt biên, người ta vẫn cương quyết cho đi lưu diễn để tỏ ra biết “trọng nhân tài”, “biết thu phục nhân tâm”!

Thời đó, cũng như bây giờ, quyền của Công An to lắm, ý kiến của Công An nặng cân lắm, nếu các vị lãnh đạo miền Nam vẫn làm được việc mình quyết làm ắt hẳn có lý do cũng nặng cân không kém. Các vụ vượt biên của văn nghệ sĩ chế độ cũ đã được phép hành nghề, cũng như các vụ “ra đi” nhờ chính tay Đảng tổ chức, mỗi ngày đều có báo cáo đầy đủ khi giao ban. Chuyện tởm nhất là vụ Thành Được “vù” nhân chuyến “công diễn” tại Tây Đức. Toàn thể anh em văn nghệ được triệu tập đến 81 Trần Quốc Thảo nghe anh “Bảy hứa” Bảo Định Giang phổ biến:

- Đây là một vụ bắt cóc!

Khiếp chưa! “Cải lương chi bảo” quí tới mức các ông Tây phải bắt cóc để nghe cho sướng con ráy!

Cứ làm như tất cả chúng tôi là đồ ngu, cứ như thiên hạ không nghe “đài địch” để biết Thành Được đã lên đài Frankfurt chửi cha các vị, nhất là chửi hai chữ “bắt cóc” rằng: “Chân yếu tay mềm, đường xá ngu ngơ, mà Bạch Tuyết, Ngọc Giàu còn chạy thoát, huống hồ nam nhi trai tráng như tôi lại kiêm cả cầu thủ, không chạy được hay sao?” Rồi Thành Được kể về buổi liên hoan của Việt kiều tiễn đưa cả ba nghệ sĩ Xè Gòn ra sao. Thành Được còn động viên người về, còn xin người ta cho mỗi nữ “cải lương chi bảo” thêm một cái măng tô cho đỡ rét. Vẫn theo Thành Được, nếu ở lại, hai “ngôi sao” này chẳng biết làm gì mà sống vì cải lương ở trời Tây đâu có ai xài! Còn Thành Được, toàn gia đều ở Tây Đức, anh ruột là triệu phú và trước khi đi Tây, Thành Được chẳng hề giấu ý định “đi tìm tự do” ngay từ lúc còn ở nhà cũng như khi được người ta mua vé máy bay, làm hộ chiếu cho “vượt biên không mất tiền”, còn tiễn đưa, tiệc tùng náo nhiệt nữa chứ!

Điều lạ mà chẳng lạ chút nào là mọi thứ nhà cửa, xe cộ lúc bấy giờ do chưa bị quản lý chặt, nên các vị lãnh đạo văn hoá cứ thoải mái chứng nhận và đóng dấu cho phép... bán!? Vậy mà ý kiến của thành uỷ vẫn là “không ai được bàn tán, xì xào về vụ Thành Được! Thống nhất là có ai hỏi thì cứ trả lời đúng như trên đã phổ biến: “Bị bắt cóc!” Ai không chấp hành nghị quyết sẽ nhận kỷ luật trước Đảng.” Đảng nào vậy? Đảng của ông Thành Được chăng?

Đúng vào hôm Bạch Tuyết, Ngọc Giàu “chạy thoát vụ bắt cóc” trở về, người ta tổ chức đón tiếp linh đình ngay trên quảng trường Nhà Hát thành phố. Chưa ai được đối đãi như thế bao giờ. Những lời lẽ tôn vinh các nghệ sĩ “trung thành với tổ quốc” đã “anh dũng vượt nguy hiểm đào thoát về với tổ quốc, với quê hương” vv và vv… như một trò hề đang diễn ra thì bỗng dưng một giọng nói rất to vang lên từ trên ban công Nhà Hát “Thế còn Thành Được đâu?” Để trả lời câu hỏi chẳng hiểu là khiêu khích hay tiếc nuối, ông Dương Đình Thảo, trưởng ban Tuyên Huấn chụm tay lên miệng, nói với lên cao, rất dõng dạc: “Thành Được chưa về! Chứ không phải...không về”!

Một sự dối trá trâng tráo đến tởm lợm!

Chẳng biết ngay đêm đó, về bật đài VOA, đài BBC lên, ông Dương Đình Thảo có thấy xấu hổ và đau đớn hơn bị tát tai vì câu chuyện “Thành Được bị bắt cóc” ở Tây Đức –– lúc này hai nước Đức chưa thống nhất –– hay không? Mà chuyện này đâu có phải được phát một lần rồi thôi. Hai Đài này phát đi phát lại chuyện Thành Được chạy sang “thế giới tự do” có kèm bình luận làm ngay những người bình thường nhất của Sài Gòn cũng phải ngượng thay cho cái mồm của những chuyên gia nói dối và bịa đặt!

Còn các ông tuyên huấn? Chắc chắn không! Vì cái lối “nói dzậy chứ không phải dzậy” là công việc, là nhiệm vụ, là lẽ sống của các ông Goebbels ([19]) Việt Nam từ lâu rồi! Việc này giới văn nghệ miền Bắc ít biết là có lý do của nó. Người ta dìm nó xuống càng sâu càng tốt.

Đó là cách làm thường thấy của mấy ông “lãnh tụ” miền Nam để bảo vệ nhau khỏi cái nhìn hẹp hòi, đao to búa lớn của mấy ông “lãnh tụ” miền Bắc. Ở đây, thực chất của vấn đề là các vị “lãnh tụ” miền Nam không muốn “mấy cha” giáo điều Lê Đức Thọ, Trường Chinh...“xía dzô” nội bộ của của họ để có thể tọa hưởng kỳ thành trên cái “vương quốc Sài Gòn” mới chiếm được.

Những chuyện “đừng vạch áo cho người (miền Bắc) xem lưng” xảy ra trong mọi lãnh vực, nhất là qua các vụ chia chác quyền lợi, cướp bóc “chiến lợi phẩm”, các vụ ăn chơi trác táng, chiếm nhà, đoạt vợ.., nếu có “lộ tẩy” đều là do các cán bộ Bắc Kỳ tố cáo, hoặc do cán bộ Miền Nam “gài độ” nhau để giành ghế mà thôi!

Cú đánh trả tất yếu phải được tung ra, điển hình là vụ “Đường Sơn Quán”. Cái quán này thực chất là một ổ điếm, điểm ăn chơi của các quan chức giàu có. Hàng loạt cán bộ “tăng cường” được đưa từ miền Bắc vào lần đầu tiên bị bêu riếu công khai cả tên tuổi lẫn chức vụ trên báo chí, rồi bị đưa ra toà! Không hiểu vì lẽ gì mà trong những tấm ảnh “chết người” được in trên trang nhất các báo người ta đã che mặt cho người đẹp Diễm My, ngôi sao “số dzách” của miền Nam thời ấy? Theo lời đồn thì có thể cô là vợ bé hay bồ nhí của nhà buôn danh tiếng Triệu Bỉnh Thiệt còn đang được dùng cho những thương vụ xuất nhập khẩu với Hồng Kông, mà cũng có thể cô ta còn có quan hệ với anh Năm anh Bảy nào đó nên được các anh che chở. Hậu quả là sau vụ ra tay...diệt nhau đó, hàng loạt “đồng chí” đã bị thanh trừng. Có anh phó giám đốc vận tải xăng dầu lãnh án 12 năm, có anh làm đến trưởng phòng điều tra xét hỏi của Công An thành phố cũng vào tù theo, con gái nhục quá đã tự tử!

Trong khi đó, ở các biệt thự kín cổng cao tường, trên các khách sạn nhiều tầng, hàng loạt cuộc “vui chơi báo thù” của mấy ông cán bộ “Rờ”, cán bộ “Miền” và anh chị em mới hoà hợp (tại chỗ), diễn ra liên tục, từ tối đến sáng và từ sáng đến tối! Chẳng thế mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu ([20]) đã lè nhè hát “Mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi... nhậu từ sáng đến tối...” xuyên tạc lời một bài ca của Trịnh Công Sơn để mỉa mai mấy ông cách mạng... “thích đủ thứ” này!

Tôi hết hồn khi mấy anh em nhạc công “tại chỗ” mời tới dự buổi chiêu đãi tại một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo. Ngoài những suối rượu, suối bia, gọi là màn A thì sau B,C,D,Đ,E... không thể thiếu được là màn Z! Chính cái tiết mục Z.. “con heo” này, được hướng dẫn bởi một máy chiếu phim 8 ly, mới là cái mê mẩn nhất của mấy ông cách mạng mà vợ đã “quá đát” từ lâu! Cái “hay” của mấy anh miền Nam “hư thân mất nết thứ thiệt” là ở chỗ, tất cả đều...“lòng vả cũng như lòng sung” nên không ai tố cáo ai. Còn mấy anh miền Bắc thì...do “hám của lạ” nên rất dễ bị gài độ, bị làm xăng-ta, và khi cần thiết, chỉ cần một cú đẩy nhẹ là... ngã ngựa!

Cần phải nói tới hàng ngàn “cán bộ tăng cường” vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên được lệnh...“trở về Trung ương” –– thật ra là... đuổi khéo về Bắc –– nhất là sau ngày vội vã thống nhất đất nước, giải tán Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam! Rốt cuộc ở lại Sài Gòn chỉ có những người miền Nam chính cống với tư tưởng và sinh hoạt “phóng khoáng”, với “tinh thần yêu thương đoàn kết” không hại nhau, không tố nhau và biết... chia chung miếng ăn, ghế ngồi. Vả lại, với chiến lợi phẩm ê hề của cuộc chiến thắng thì làm thế sẽ bớt phần phải chia chác!

Chỉ riêng chuyện Trung Ương cần phải có trụ sở thứ hai ở miền Nam hay không đã nổ ra một cuộc đấu tranh không kém ầm ĩ ở ngay cái cơ quan nhỏ bé của tôi. Người ta bỗng nhận ra toàn bộ nhà xuất bản Giả...i Phóng này đều là 100% “đồ Bắc nhập” ở giờ thứ 25, mặc dầu lẫn vào đấy cũng có vài chú bé học sinh miền Nam mới lớn!

Thế là số phận của nó được định đoạt: “Giải tán, trả về bộ Văn Hoá”! Tuy nhiên, nếu ở các ngành khác việc giải tán hoặc sáp nhập diễn ra dễ dàng và đơn giản thì ở ngành văn hoá văn nghệ công việc không chiều theo ý muốn chủ quan của những vị muốn tống cổ hết dân Bắc Kỳ về Bắc. Ông Bảo Định Giang tuyên bố “trục xuất” hoạ sĩ Lưu Công Nhân giữa cuộc họp thành lập Hội Mỹ Thuật thành phố HCM khi họa sĩ “coi trời bằng vung” này dám lên tiếng chất vấn “vì sao ông này luôn có mặt hết sức vô duyên” ở các cuộc họp của bất cứ ngành văn học nghệ thuật nào? Một cú đánh thẳng mặt vào sự “lãnh đạo toàn diện” của “Đảng miền Nam” mà đại diện lăng xăng nhất chính là ông Bảo Định Giang.

Kết quả là Lưu Công Nhân được anh em hai miền, cả cách mạng cũng như “tại chỗ” hoan nghênh nhiệt liệt! Cuối cùng, Lưu Công Nhân vẫn “được” ở lại, vẫn tiếp tục sáng tác, triển lãm... chẳng cần sự lãnh đạo của ai, ngoài của bà...xã! Khá nhiều người có chức, có quyền trong giới văn học nghệ thuật nhận thức “nếu không có những người như Lưu Công Nhân, lấy ai mà làm cánh tay phải, tay trái khi tiếp xúc với những Nguyễn Trung, với Rừng ([21])? Vậy, nếu đuổi hết về Bắc thì mấy ông “trót” bị giao lãnh đạo văn nghệ biết nói gì khi anh em “tại chỗ” hỏi về tác phẩm, về khuynh hướng, về trường phái, thậm chí cả về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa?

Chính điểm yếu nhất của những vị quanh năm ăn theo, nói leo, nói vớt, cùng các văn nghệ sĩ Rờ quanh năm ăn đói, mặc rách, viết “lách” kiểu Hòn Đất của Anh Đức ([22]), ít có điều kiện học hành, thăng hoa trong nghề nghiệp đã là lý do để một số văn nghệ sĩ Bắc Cờ, hoặc “Bắc Cờ hóa” được giữ lại giúp các vị i-tờ, trực diện với một nền văn nghệ mà...càng đấu tranh càng thấy mình... thua chắc!

Nhưng cũng chính ở điểm này, sự đầu hàng trước “nghệ thuật phi chiến tranh” đã bắt đầu nẩy sinh để đi đến chỗ... đầu hàng thực sự! Câu nói của Lương Ngọc Trác khi sống những ngày đầu trong hoà bình năm xưa lại vang lên trong tôi, chỉ cần sửa lại đôi chút: “Nền ca khúc muốn tồn tại ở cái môi trường mới này không còn con đường nào khác là phải đi vào...nhạc nhẹ!” Mặt khác, phải cố gắng nuôi mầm cho một nền âm nhạc bác học, dù hết sức khó khăn. Chính nhờ sự giằng co về đường lối này, những người như Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Lưu Công Nhân, như tôi được tiếp tục sống và làm việc ở Sài Gòn “giải phóng”... để rồi... chịu cảnh... thua trận cuối cùng!

Như trên đã nói, cái ảo tưởng về cuộc sống tự do, không lo ai cắt sinh hoạt phí, cắt phiếu, tem thịt, sổ gạo... của tôi biến thành mây khói theo gia đình tôi sang… Huê Kỳ. Thế mà, rốt cuộc tôi không phải “kéo cờ trắng về Bắc” như rất nhiều anh em khác, mà được...“giữ lại” để:

–– 1/ Tiến hành ngay việc thu thanh một số bài ca, bản nhạc để có cái thay thế những gì đã cấm và tịch thu... (Nằm mơ giữa ban ngày, vì sau này, những gì cấm và tịch thu cứ dần dần được phép trở lại và thống lãnh thị trường lúc nào không hay).

–– 2/ Mở ngay những lớp nhạc, sáng tác, hoà thanh ... cho số anh em trẻ để họ có thể thay thế dần những đàn anh đã ra đi và sẽ cho đi (nhưng phải nạp “cây” mua bãi cho công an và “các anh”) những ngày sắp tới!

Và... tôi lại lao vào làm anh Don Quichotte! ([23])

Gần một năm trời, theo gợi ý và cả các quyết định rất cụ thể, tôi một mình đứng ra tập hợp anh em, ca sĩ, nhạc công thu tới 9 cuốn băng cối gồm bài hát của các nhạc sĩ cách mạng với niềm tin không gì lay chuyển nổi là “tất cả chỉ là chuyện dã tràng xe cát.” Câu hỏi được đặt ra với tôi từ gần 20 năm chuyên thu thanh, in đĩa (33 và 45 vòng) ở miền Bắc là “thu để bán cho ai”, lần này lại được đặt ra, gay gắt hơn, khó giải đáp hơn?

Ở miền Bắc, trước đó, máy ghi âm là dụng cụ xa xỉ, thậm chí còn phải có “giấy đăng ký” (vì có bóng điện tử!), người mua rất hiếm. Nhưng do yêu cầu tuyên truyền, đặc biệt vì mọi chi phí sản xuất đều được “bao cấp”, chẳng cần tính toán lỗ lãi...nên cứ đều đều mỗi năm ra lò dăm bảy đĩa với số tirage khiêm nhường do các hãng Melodia (Liên Xô), Supraphon (Tiệp Khắc) in “cho không”.

Lần này là sự đối mặt với một thị trường “thực dân mới”(!), từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, từ nhà giàu đến nhà nghèo, cái máy cassette, dàn máy Teac, Akai...ai ai cũng có, tới mức bão hoà. Kèm theo đó là hàng triệu cuốn băng đủ loại đang còn sống “chui” trong các nhà tư, các quán giải khát, các nhà hàng..., nhất là trong trái tim của nhân dân miền Nam đã sống với nó, ăn, ngủ với nó quá lâu rồi. Vậy thì quẳng ra mấy cuốn băng nhạc cách mạng liệu chúng có...chết chìm ngay tắp lự? Hơn nữa, sẽ thu những gì đây? Ai hát? Ai đàn? Thu theo phong cách nào? Ấy là chưa kể cái nhà xuất bản Âm Nhạc Giải Phóng (tách ra từ nhà xuất bản Giải Phóng) chỉ độc có... hai người: Hoàng Hiệp và tôi, trong tay chẳng có một đồng vốn.

Thế là “kinh tế hai thành phần” ra đời, chẳng đợi trung ương Đảng kêu gọi. Một nhà “tư sản yêu nước”, bà Sáu Liên, “cơ sở” cũ của ông Tư Ánh Trần Bạch Đằng hăng hái bỏ tiền, bỏ sức ra để chúng tôi lao vào cuộc chiến âm nhạc một cách…“cho có” này.

Cái khó đầu tiên là thu cái gì? Rõ ràng những cuốn băng cách mạng sẽ không có “đầu ra” nếu lại thu Bão Nổi Lên Rồi, Sài Gòn Quật Khởi, Tiến Về Sài Gòn, Phải Giết Lũ Giặc Mỹ..! Thế là một cuộc rà soát theo thứ tự alphabet các ông tác giả miền Bắc và miền Nam (Rờ) xem ai có cái gì...“nhè nhẹ” chút ít không? Đến đây, mới lòi ra cái tử huyệt của mấy ông nhạc sĩ cách mạng: Ông nào cũng chỉ có mấy bức “tranh cổ động bằng âm thanh” là hết. Liệu có ai chịu bỏ tiền ra mua chúng để thưởng thức trong nhà riêng, phòng riêng của mình, dù tranh cổ động của mấy ông có nghệ thuật cao siêu đến mấy.

Chín cuốn băng do chính tôi biên tập, tổ chức thu thanh, phối âm, phối khí cùng một số anh em “tại chỗ” như Duy Hải, Y Vân, đặc biệt là Thanh Tùng, lần lượt ra đời... không một tiếng vang, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thay thế vào những băng nhạc với các giọng ca Thái Thanh, Thanh Lan, Chế Linh...(vì sợ các ông “ba mươi” cướp mất dàn máy với lý do hát nhạc Ngụy!), đâu đâu cũng chỉ nghe thấy những băng nhạc ngoại quốc của các nhóm pop–rock thời thượng, các băng nhạc không lời của Paul Mauriat, Richard Clayderman. Tuyệt đối không thấy trong một quán cà phê, một tiệm ăn hoặc trong các gia đình (kể cả các gia đình cách mạng) vang lên những Tiếng Đàn Ta Lư, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây hoặc Từ thành phố này Người đã ra đi (dù đã được “nhẹ hóa” rất nhiều)! Tuy vậy, những đại lý của bà Sáu Liên, nhà tư sản chủ hãng Asia xưa, ủng hộ việc in băng nhạc cách mạng bằng số băng còn tồn kho, đều báo cáo: Đã bán sạch! Thì ra, với cách “bán như cho”, người ta tranh nhau mua để mang về in lên các thứ nhạc mà người ta yêu thích!

Trong khi đó, một số lượng nho nhỏ gởi ra miền Bắc lập tức vấp phải phản ứng không thuận lợi, thậm chí có vị có quyền còn phán những câu chết người: “Lại ăn phải bả tư sản, thực dân mới.” Tệ hại hơn, không ít vị cho là “Tô Hải lại quay về với Nụ Cười Sơn Cước, lại rơi vào con đường nhạc tắc xình của dân... ngụy.”

Xuất phát những ý kiến phản đối băng “nhạc giải phóng” này chủ yếu từ hai nguồn:

–– 1/ Từ những vị tìm mãi không ra bài nào hợp với loại hình thu “băng để thưởng thức” (chứ không phải để phát ra chỗ công cộng!) nên các vị tự ái vì thiếu tên mình trên nhãn băng. Cả các vị mà tôi rất kính nể, đào bới mãi cũng chẳng tìm ra bài nào tương đối nhè nhẹ, ít chất hò hét, tiến lên, bắn, bắn, giết, giết cả! Điển hình như Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Trọng Bằng, Trọng Loan, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn... (những vị mà tiếng nói lúc bấy giờ trọng lượng đến cả ngàn cân!), Sau khi trao đi đổi lại, cuối cùng đành... xin lỗi các vị vậy! (lúc ấy mà những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn... được phép phổ biến như bây giờ thì đẹp mặt cho Cách Mạng biết bao)!

Mặt khác, hoàn cảnh Sài Gòn những năm 1975-1980, bới đâu ra một dàn nhạc có đủ gỗ, đồng, dây, gõ, bới đâu ra một ban đồng ca có thể thu được các hợp xướng lớn của Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, giao hưởng, concerto của Hoàng Vân, Chu Minh, Đàm Linh, Ca Lê Thuần? Thêm nữa, các phòng thu thanh ở Sài Gòn lúc ấy đều thiết kế cho một dàn nhạc nhẹ 5, 7 cây đàn và một ca sĩ đơn ca là vừa chặt cứng! (Âm nhạc chỉ là đơn ca, diễn ra cho tới những năm cuối thế kỷ 20, khi tôi đang viết những trang hồi ký này). Sự xúc phạm bắt buộc tới vô số vị chuyên làm các bức sơn mài lớn (giao hưởng, opera... ) và các vị chỉ vẽ tranh cổ động (thợ vẽ âm nhạc) đã làm các vị lên án và không chấp nhận các băng nhạc do tôi chủ trì là dễ hiểu. Tuy nhiên các vị không để ý là chính bản thân tôi, một tay chuyên vẽ tranh cổ động bằng âm nhạc, đã đoạt nhiều giải về thể loại phục vụ kịp thời cũng không hề có bài nào trong cả chín cuốn băng do chính tôi làm ra!

–– 2/ Phản ánh mạnh nhất, vô tư nhất chính là sự mâu thuẩn muôn đời về cái...Đẹp. Số là để tiến hành thu thanh kịp thời, một vấn đề lớn được đặt lên bàn: Ai sẽ thu đây? Bên cạnh các ca sĩ cách mạng, đảng viên như Quốc Hương, Tô Lan Phương, một số ca sĩ “tại chỗ” có được hát không? Liệu có mắc “tội” mất lập trường đề cao kẻ có quá khứ chống phá cách mạng không? Vấn đề cứ được bàn lên cãi xuống, thậm chí bộ trưởng Lưu Hữu Phước cũng chẳng dám quyết và sau này được biết ông còn cử người sang hỏi cả bên bộ Công An. Cuối cùng, chúng tôi chọn giải pháp: cứ dùng các nhạc công tại chỗ vì không có tên ghi ngoài bìa còn ca sĩ thì theo bên sân khấu và điện ảnh (trừ cải lương) là thay tên đi! Ví dụ Thanh Lan thành Lan Thanh, Lệ Thu thành...Lệ Xuân, Lệ Hè...chẳng hạn.

Tôi còn nhớ cái đau vô hạn của ngày 20 tháng 7 năm 1975, khi tôi cùng hai “nghệ sĩ cách mạng” vào loại... chịu chơi là Hoàng Mãnh (có ông bố tiếng tăm ở miền Nam là Võ Đức Thu) và Quốc Hương (có tác phong rất...Tây do mấy năm du học và...ăn chơi ở Hungari, Tiệp Khắc...) đến nhà riêng của Thanh Lan và Lệ Thu để mời họ ra thu thanh phục vụ cách mạng. Dù chúng tôi đi trên chiếc xe khá sang trọng của một viên tướng hải quân vứt lại, dù tôi và Quốc Hương đều ăn mặc khá là...chim cò, ria mép kiểu Clark Gable ([24]), thế mà họ đón tiếp chúng tôi chẳng mấy lịch sự. Sau khi cho chúng tôi ngồi chơi xơi nước cả tiếng đồng hồ, các siêu sao miền Nam mới thướt tha trong các tấm áo…ngủ hạ cố ra chào. Sau đó là mấy câu xin lỗi “không có hẹn trước”... vì các “sao” còn ngủ, vì mắc chuẩn bị vệ sinh, trang điểm…nên để các ông phải chờ. Và khi biết được “thiện ý” của chúng tôi, họ đều... xin chào thua một cách rất kiêu kỳ và khiêm tốn: “Chúng tôi sợ không hát nổi những bài hát của cách mạng vì... nó... “cao” quá.” Cao ở đây vừa có ý nghĩa “cao siêu” về nội dung vừa cao về... cao độ trong... âm nhạc! Nhất là khi phải nói đến chuyện rất khó nói là đổi tên thì lập tức, họ phản ứng ra mặt bằng cách từ chối thẳng thừng!

Thế là chuyện thu thanh các “ngôi sao” tại chỗ không thành và cũng là điều may cho chúng tôi vì tránh khỏi bị ỉ eo phê phán “khỉ vặt lông khỉ” sau này, khi các “sao” cứ biến dần trên vòm trời tổ quốc! Để khỏi rách việc, chúng tôi xử dụng các ca sĩ cách mạng vì còn phải chụp ảnh, in bìa. Còn lại, nhạc công bất kể từ nguồn nào đều được mời tham gia!

Tuy nhiên, chúng tôi lại vấp những khó khăn mới: Hầu hết trong số họ dù nổi tiếng ở miền Nam nhưng không bao giờ đánh nhạc theo tổng phổ! Tất cả đều “cương” một cách rất tài tình, nghĩa là sau khi thống nhất với ca sĩ hát ở “ton” gì, và thống nhất với nhau đánh theo nhịp điệu gì, Blue, Rock, hay “xập xun” Shufle-Soul… là ấn một nút trên đàn Organ, Bass cứ thế mà nện theo các chữ C,D,E,F... do một “xếp sòng” đã ghi ngay tại chỗ! Chúng tôi phải thay thế các tay đàn “anh chị” nhưng không quen “đánh nhạc nhìn bài” bằng những cây đàn loại “xoàng” hơn nhưng biết đánh theo những gì tác giả ghi trên giấy.

Thanh Tùng, Lê Yên ([25]) và tôi viết với nhiều ý đồ tìm tòi nghệ thuật cực kỳ trong sáng. Chúng tôi cố đưa học thuật vào thể loại nhạc nhẹ (dân tộc, hiện đại) và trước mắt là “nhẹ hóa” những bài hát cách mạng. “Tài béo” chơi Violon, nhưng có biết guitare chuyển sang chơi guitare, Tấn Lộc (sau này là giáo sư tiến sĩ phó giám đốc Sở Văn Hóa) chơi Bass vì tốt nghiệp contrebass ở Liên Xô, Võ Đức Xuân, Võ Đức Quý (Hoàng Mãnh) nhận phần piano và organ, Hữu Bích violon... Chúng tôi đêm ngày lao vào thực hiện những công việc chưa từng có trong sinh hoạt âm nhạc Vịêt Nam. Chúng tôi ăn ngủ và làm việc ngay tại phòng thu 47, 78 Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu) một cách say sưa, như những người “đi tiên phong” trong âm nhạc “cách mạng” nhưng có tiết tấu và đánh theo các nhịp điệu đang phổ biến trên thế giới. Trong các bản phối khí, chúng tôi đã đề cao ý thức: Giai điệu phải dân tộc, hoà thanh phải tránh khỏi lối mòn T,S,D,T, dàn nhạc phải thay đổi màu sắc, thay cả biên chế — lần đầu tôi đã dùng đàn bầu đánh chung với dàn nhạc điện tử...

Vậy mà... người ta vẫn dè bỉu, vẫn phản đối, thậm chí còn gọi là “lính Việt Cộng mặc quần áo rằn ri ngụy!” rồi yêu cầu ngừng thu thanh những thứ “xuyên tạc âm nhạc cách mạng”!?

Cùng lúc, tại đài truyền hình miền Bắc, ông Trần Lâm cương quyết xoá bỏ một chương trình của các em thiếu nhi Xè Gòn hát những bài hát cách mạng do Bích Hằng, Thùy Vân quay cả tháng ở miền Nam. Lý do: Các cháu lắc lư, ngoe nguẩy bạo quá! Nhạc đánh...giật gân quá!

Thế mới biết làm ra các món ăn tinh thần này khó gấp ngàn lần làm ra các món thịt bò bảy món, lẩu dê, bò lúc lắc mà miền Bắc chấp nhận nhanh như chớp! Nói cho ngay, các thể nghiệm bước đầu đó chưa có gì thật đáng ghi nhận, nhưng cũng chẳng ai, kể cả anh chàng Thanh Tùng vốn có nhận thức cởi mở nhất về âm nhạc, lại muốn “mặc áo lính ngụy” cho anh lính Việt Cộng bao giờ. Nếu chưa hay đó là do lực bất tòng tâm, do ý đồ nhẹ hóa chưa trúng, do nội dung các bài hát dù đã chọn lựa kỹ càng cho việc dễ nhẹ hoá vẫn cứ lúng túng không mặc nổi cái áo nhạc nhẹ mà thôi. Chính bản thân tôi, sau này ngồi nghe lại cũng thấy nó quê mùa và sống xít! Tôi lại nghĩ tới ảo tưởng “giao hưởng hoá nhạc jazz” đã bị thất bại và bị lên án những thập kỷ 1930,1940 ra sao. Rồi tới những năm 1960-1970-1980 thì 4, 5 cây đàn điện tử và một người hát Rock-Pop đã đòi hỏi một nội dung và hình thức bài hát phù hợp với nó thế nào, đòi hỏi phải biểu diễn ở địa điểm nào, cho đối tượng nào là đúng nhất. Câu hát “Lũ xâm lăng vào đây! Chờ bọn bay, diệt bọn bay” trong Cô Gái Vót Chông (Hoàng Hiệp), không thể nằm trong cái “áo” vui nhộn, nhảy nhót của Rock’n’Roll được. Chưa kể những tìm tòi, sáng tạo về hoà thanh, âm sắc của Lê Yên đôi khi nghe cũng “khó nuốt” do chuyển điệu không chuẩn bị sau một loạt hợp âm nghịch để quên điệu thức vừa dùng...

Các băng nhạc của nhà xuất bản Giải Phóng, công sức lao động của tôi và một số anh em, như thế, sống được ít bữa trên phát thanh, truyền hình của Nhà Nước, trước những lời khen chê thậm chí phủ nhận, với đủ loại động cơ, cuối cùng đến lúc... chấm hết! Không phải quyết định ngừng xuất bản của ban, của bộ nào, mà là của bà... Sáu Liên, người bỏ tiền ra mua băng, thuê phòng thu.

Giữa năm 1976, bà báo động là băng giải phóng bán...“quá chạy” đến nỗi không mua đâu ra băng trắng để thu nữa! Nguy cơ phải đình chỉ thu băng đang cận kề nếu không cử người đi Singapore mua kịp thời! Bà cho biết mặc dầu băng bán ra bị xóa đi thu cái khác nhưng nếu Nhà Nước cho bà rút tiền đô-la mà bà gửi Ngân Hàng Thương Tín (từ thời “ngụy”) ra thì...có lỗ bà cũng tiếp tục ủng hộ âm nhạc cách mạng đến cùng. Một chuyện mà có trời cũng chẳng dám giải quyết! Cuối cùng là... dẹp tiệm, không kèn không trống, sau cuốn băng số 9. Đó là băng “nhạc nhẹ không lời” chuyển thể từ những ca khúc có chút ít giai điệu, có chút ít tiết tấu. Băng này chúng tôi chẳng hề gặp lại, chẳng còn được nghe nó bao giờ, ngoài đài phát thanh tivi xử dụng nó để... chuyển mục trong ít năm!

Đến nay, tôi vẫn giữ mãi kỷ niệm không quên của những con tim nhiệt tình muốn làm một cái gì đó để chiếm lãnh tình yêu âm nhạc của đồng bào Sài Gòn mới “giải phóng”. Trong lúc người ta ùa nhau đi kiếm chác nhà cửa, xe cộ, thậm chí cả bồ bịch, chơi bời, ăn nhậu... thì một lũ ngu đần ngày đêm nhốt mình trong phòng thu để làm nghệ thuật, một thứ nghệ thuật mà biết trước sẽ bị vứt vào sọt rác. Hình ảnh Lê Yên gầy còm thức cả đêm bên cây đàn piano của người bạn trong một ngõ hẻm trên đường Duy Tân tìm tòi “một cái gì đó” cho những bản anh phối khí, hình ảnh những Hoàng Mãnh, Trần Mùi, Quốc Hương, Tô Lan Phương, Thanh Tùng (sau này thành tỷ phú nhưng không do âm nhạc), sau các buổi thu thanh lọ mọ leo lên các “chuồng chim” được phân phối trong các bin-đinh tận lầu 6, lầu 8 với khoản thù lao vừa đủ ăn một bát mì vằn thắn, với tôi, vẫn là những hình ảnh trong sáng, những tấm gương “tất cả vì nghệ thuật” đẹp nhất. Một số, đến khi qua đời, vẫn ở các chuồng chim xuống cấp, vẫn chẳng bao giờ biết cái Honda nó ra sao như Quốc Hương, thậm chí phải đi ở nhờ một người chị dâu vì bà mẹ đuổi do không “chuộc” nổi anh rể mình ở trại cải tạo về như Hoàng Mãnh!

Còn những anh em “tại chỗ” cộng tác cùng tôi thì hôm nay... không còn một người ở lại Việt Nam. Họ đều muốn “lấy điểm” với cách mạng nên sẵn sàng lấy đàn, lấy trống, lấy kèn riêng của mình đi thu thanh phục vụ với ước mong sẽ được tiếp tục hành nghề. Vậy mà, tất cả đã thành thất nghiệp, đứng chợ trời và sau cùng là... vượt biên sạch sành sanh! Được biết một số trong những anh em đó sang đến nước người còn bị phân biệt đối xử vì trót “ôm chân cách mạng” đành bỏ nghề vĩnh viễn! Đó là các anh Xuân (organ), Lý (bass), Thoại (trống), Lạc (guitare) An (saxo), Phi Long (trompette)... Giờ này, các anh ở đâu? Hãy cho tôi được một lần nữa, gửi tới các anh lời cảm phục và tiếc nuối về việc không cách gì giữ chân các anh được ngoài tấm lòng yêu mến các anh.

Thế là, ảo tưởng thứ hai của tôi...tan thành mây khói! Chỉ còn một cách cuốn gói về miền Bắc, nhất là cái “Nhà xuất bản Âm Nhạc Giải Phóng” do ông Hoàng Hiệp đấu tranh để “ra ở riêng”, tách khỏi Nhà xuất bản Giải Phóng của ông Hà Mậu Nhai chẳng còn việc gì để làm, để tồn tại. Ông giám đốc Hoàng Hiệp may mắn được “cơ cấu” vào “Hội Âm Nhạc” riêng cuả miền Nam. Còn một nhân viên nữa là tôi, dân Bắc Kỳ lạc loài bây giờ biết đi đâu, về đâu?

Một lần nữa, tôi lại gặp may. Giám đốc Hà Mậu Nhai vận động tôi về nhà xuất bản...Văn Học Giải Phóng. Ông cam đoan là văn học dịch sẽ đủ chỗ cho tôi phát huy tiềm năng sẵn có, ngoài ra tôi vẫn cứ tiếp tục “làm” âm nhạc thoải mái, chẳng lo trách nhiệm với ai!

Không thể phủ nhận sự ưu ái của Hà Mậu Nhai đối với tôi do biết học lực của tôi từ thời chúng tôi còn đi học chữ Tây chung một trường. Nhưng không thể không nói tới một sai lầm to lớn của ông là quá tin tưởng vào sức mạnh của “phe” bảo vệ ông, giúp ông tồn tại trên cương vị giám đốc cuối cùng của một cơ quan “bà đỡ các tác phẩm văn học nghệ thuật” miền Nam, một nhiệm vụ ông từng thất bại nhiều lần trong các cương vị tương tự ở miền Bắc.

Tôi nhìn thấy cả hai mặt của vấn đề nhưng ông cứ lộc cộc chạy lên chạy xuống anh Bảy, anh Tám, anh Năm, anh Tư, anh Sáu với một niềm tin lạc quan... ngây thơ đến tội nghiệp. Mọi sự chấm dứt cùng với cuộc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà mà nội dung là cuộc thâu tóm lại quyền hành đã bị mấy ông miền, ông Rờ đang đi quá xa trong việc điều hành, không theo ý muốn của anh Duẩn, anh Thọ. Những ban bệ của miền Nam nghiễm nhiên trở thành bất lực và bị vô hiệu hoá. Đó là ngày mà hầu hết cán bộ Trung Ương Cục Miền Nam bị điều về Trung Ương để nhận nhiệm vụ mới. Số được cho ở lại trở thành thành ủy, thành sở nọ, sở kia của Sài Gòn, tất cả đều do Ban Tổ Chức Trung Ương quyết định.

Thế là diễn ra những cuộc chạy đua để được ở lại, được khỏi “bị” thăng chức, thậm chí “xin được giáng chức” một cách...tức cười. Người ta sẵn sàng chối bỏ cái ghế cao hơn, to hơn như Trung Ương, như Bộ, Cục...để chỉ nhận một chức giám đốc thậm chí trưởng, phó phòng ở Sài Gòn. Lý thuyết “đuôi rồng” tốt hơn “đầu gà” một lần nữa chứng tỏ sự có lý của nó. Nhất là trong cái “đuôi rồng” lại là những quyền lợi vật chất như nhà cửa, xe cộ, tiền, vàng chiếm được, là cả một lô gia đình, vợ cả (miền Bắc), vợ bé (miền Nam), bồ nhí... họ hàng, hang hốc đang tụ tập quanh mình, làm sao có thể tiếp tục “thoát ly” lần nữa! Tôi biết một ông “bị” trúng vào Ban chấp hành Trung Ương, nhưng xin nghỉ hưu vì... sức khoẻ kém là trường hợp ông Trần Bạch Đằng! Tôi cũng được biết hàng loạt cán bộ “có cỡ” được điều về bộ, đề bạt các chức danh cục trưởng, vụ trưởng, thậm chí đến thứ trưởng, bộ trưởng... nhưng đều xin ở lại vì đã quá rõ cái ngón đòn “đá lên trên” của “mấy anh” khi muốn... “dụ hổ ra khỏi rừng”! Một số khác thì đấu tranh để có một... “phân bộ” thường trực ở miền Nam, khi biết mình sẽ không có chỗ đứng, khi Sài Gòn chỉ còn là thành phố riêng của một phe cánh! Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức một cách... vô tổ chức này, có biết bao nhiêu kẻ bỗng dưng lên xe mà muốn... khóc, còn kẻ xuống chó lại cười hi hi! Và, trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi, chia nhau của cải, ghế ngồi, không biết bao nhiêu tên cơ hội đã chiếm được số lượng khổng lồ “chiến lợi phẩm” đến mức con cháu ăn tiêu phè phỡn mấy đời cũng không hết!

Tuy nhiên cũng có một số do vụng đường tu, không biết cách ăn ở cho phải đạo, ăn mảnh, ăn vụng không biết chùi mép, dần dần bị bẻ hết móng vuốt, chui vào cái bẫy của đối thủ cao tay hơn để...vào tù! Các kiểu đòn ngầm, đòn độc, đòn đánh một cú chết tươi... chưa bao giờ diễn ra ác liệt như những ngày “quơ cả giang san về một mối”!

Với giới văn hóa văn nghệ, việc chia ngôi vị trong cuộc “xuống cấp bắt buộc” này diễn ra có phần êm ả nhưng không kém...bi hài! Bộ trưởng Lưu Hữu Phước, một nhân vật tên tuổi và nhiều công trạng, đành chấp nhận cái ghế của một cơ quan tự ông “nặn” ra là “Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh” trực thuộc Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Trung Ương, một cơ quan đã có đầy đủ, thậm chí thừa viện trưởng, viện phó, viện sĩ ở Hà Nội! Chẳng lẽ lại là... “Phòng Nghiên Cứu Âm Nhạc” để rồi trực thuộc... sở Văn Hoá của ông Dương Đình Thảo hay sao? Trường hợp “Trường Quốc Gia Âm Nhạc”, trong tay toàn những anh có bằng cấp từ Liên Xô mới về, dân miền Nam cả đấy nhưng phải cái “tội” chẳng một ngày có mặt ở Rờ... cũng “tình nguyện” được trực thuộc Bộ Văn Hoá và cũng tự đặt tên là “Viện Âm Nhạc” luôn!

Cả nước lúc này có đến 5 cái viện âm nhạc!

Sự sắp xếp lại các tổ chức văn học nghệ thuật khác diễn ra khá êm xuôi. Đứng đầu giới văn thơ chẳng ai có thể hơn hai ông Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng. Đứng đầu giới nhạc sĩ đố ai dám phủ nhận ông Xuân Hồng! Hội điện ảnh đã có các ông Mai Lộc, Hồng Sến…Rặt các vị ở Rờ về, đầy đủ tài năng, tên tuổi, thành tích, nhất là có thừa khả năng “hoà hợp” với anh chị em “tại chỗ”.

Hàng loạt các vị miền Nam chính gốc hoặc Rờ chính gốc nhưng là dân Bắc Cờ, thì tự nguyện rút lui để củng cố gia đình, thu vén cho tương lai, “trả thù cái quá khứ quá gian khổ”, hoặc tự nguyện trở về miền Bắc! Nhiều vị đau quá phát khóc, ra tận trung ương cầu cứu hoặc tố cáo cái sự quá đà, à uôm của cơ cấu văn nghệ Sài Gòn...

Thương tình các vị này không có chỗ, người ta đặt thêm một tổ chức ngang hàng và trùng tên với trung ương là “Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh” dành cho các vị “ở thì...bi mà đi thì...nhục”.

Riêng giới nhạc, người ta không tin ai, không biết giao nhiệm vụ lãnh đạo cho ai thật sự có uy tín sau hai vị Xuân Hồng và Hoàng Hiệp...nên tăng cường một nhà thơ. Đó là nhà thơ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Để trang hoàng cho cái bề mặt đoàn kết của Hội, người ta gọi về một “tên tuổi lớn” lúc này đã bỏ Sài Gòn về quê là Trịnh Công Sơn. Thêm một vị có đi Tây (Pháp) học nhạc, biết đánh piano (kẻo ai dùng chiếc Yamaha M.I đặt ở trụ sở?) là Phạm Trọng Cầu đang ở biên chế trường nhạc “ngụy”. Bộ năm này đủ sức tồn tại cho đến ngày bốn vị lần lượt... qua đời và một vị... bị trời hành, bắt... nằm im tại chỗ!

Chỉ tội cho Phan Huỳnh Điểu, một nhạc sĩ Rờ chính gốc nhưng lại là “Rờ...miền Trung”, vào Sài Gòn ngay từ ngày đầu giải phóng nhưng chẳng ai công nhận, chẳng thuộc biên chế nào dù ăn lương của Hội Trung Ương, thậm chí chẳng được mời họp hành gì với lý do “Để ông ấy về Đà Nẵng vì ngoài đó đang cần người như ông ấy”!

Trở về Trung Ương sau ngày thống nhất là cuộc rút lui trong trật tự và đẹp mặt nhất. Đó là con đường danh dự của hàng loạt các vị “không Nam”, “không Rờ”, nhưng quá tin vào ảo tưởng giống như tôi. Họ không ngờ chính miền Nam sau này sẽ “làm lại” văn nghệ miền Bắc! Họ cũng không ngờ dưới sự lãnh đạo tài tình của mấy ông lãnh đạo văn nghệ miền Nam, chỉ trong vài năm tồn tại đã ra đời hàng loạt tác phẩm văn học ba xu với những cái tên tác giả lạ hoắc. Hàng loạt những bộ phim “mì ăn liền” bắt chước đấm đá Hồng Kông, hàng loạt những gallery tranh bờ hồ, tranh ai vẽ cũng được, tranh “cởi truồng mỹ thuật” đến thô bỉ đều được... hoà hợp ra đời, thậm chí có cả một cuộc thi sáng tác tuyên bố trên báo “không dính dáng đến chính trị, không kể cách mạng hay không cách mạng, không kể dân tộc hay không dân tộc”... miễn hay là được!

Còn hàng loạt vấn đề mà Đảng Cộng Việt Nam suốt bao năm giáo dục văn nghệ sĩ thì...chính các tờ báo của “Đảng Xè Gòn”, “Đoàn Sài Gòn” qua những “tuyên ngôn nghệ thuật”, hùa nhau phủ nhận thẳng thừng! Các chuyện đau lòng trong đời sống văn hóa và xã hội thời kỳ “đổi mới” và “hậu đổi mới” chính là những khối u ác của văn hóa Việt Nam phát sinh từ một thể chế hoàn toàn thiếu bác sĩ tài giỏi và thừa...“lang băm”! Nó cũng phản ảnh thực trạng một xã hội mà trong đó kẻ cầm cân nảy mực chẳng thằng nào phục thằng nào, chẳng ai nghe ai ngoài nghe cái lợi và quyền của cá nhân mình. Chẳng có phe cộng sản tiến bộ hay phe cộng sản bảo thủ mà chỉ có sự phân hoá của một bọn ngu si, cơ hội cạnh tranh nhau, triệt hạ nhau để làm vua, làm lãnh chúa mỗi vùng mà thôi!

Cái cơ quan trung ương không ra trung ương, miền không ra miền, địa phương không ra địa phương của tôi, từ một cơ quan trực thuộc ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục miền Nam (có dấu hình chữ nhật!) nay nếu trở về với trung ương, tức là trực thuộc Ban Tuyên Huấn Trung Ương mà chính Ban này không có cơ quan trực thuộc nào to đến thế, câu hỏi muôn đời “tồn tại hay không tồn tại” của Hamlet được đặt ra rõ như ban ngày.

Tuy nhiên, tư tưởng biến các cơ quan Sài Gòn thành cơ quan ngang hàng thậm chí còn to hơn cả trung ương không phải là không có trong các vị chóp bu của miền Nam mới “giải phóng. Ban tuyên huấn thành uỷ lập tức cho lập một nhà xuất bản trực thuộc mình có tên Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, với giám đốc là một vị chánh văn phòng trung ương cục, ông Tân Đức, người chưa một ngày làm nghề xuất bản! “Nhà xuất bản Giải Phóng”, mặc nhiên đi theo tổ chức trung ương cục vào... dĩ vãng!

Đảng Sài Gòn chẳng mấy khi được dịp “trả cho trung ương những cái gì là của trung ương” mà không sợ mang tiếng “kỳ thị Bắc Nam”! Giữa lúc chính ngay bộ và trung ương chưa biết sắp xếp, tổ chức các thứ cơ quan kèm theo hai chữ “giải phóng” này nọ do chính mình bày đặt ra như thế nào cho ngon thì ở Sài Gòn... lương bổng, kinh phí hoạt động, xăng dầu cấp phát bị thẳng tay cắt cái rụp!

Khi đó, các cơ quan mới thành lập của riêng Sài Gòn mọc lên ào ào, to hơn, đông hơn cả các cơ quan Miền ngày truớc! Đặc biệt là sau bao năm nằm hầm, chạy B.52, lần đầu tiên chính thức làm công chức ăn lương Nhà Nước, anh nào anh nấy đều “phóng” nhau lên các chức vụ, các bậc lương tối đa! Một anh mới cán sự 4 bỗng nhận trách nhiệm giám đốc với số lương ngang thứ trưởng. Ông Tân Đức giám đốc nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh thì lương ngang bộ trưởng và hơn bộ trưởng ở miền Bắc về những chiến lợi phẩm nổi và... chìm. Một xe hơi Mỹ 8 máy với một chú lái riêng, một villa sang trọng với đầy đủ của nổi, của chìm của một ông tai to mặt lớn “ngụy” nào đó bỏ chạy vào giờ cuối cùng cuộc chiến. Riêng bà vợ cũng ở Rờ về với cương vị chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Thành Phố, tiêu chuẩn chẳng thua gì chồng. Cũng một xe hơi, một lái xe riêng, cũng lương ngang bộ trưởng! Hai chú lái xe chỉ có một việc là hàng ngày đưa rước quan ông, quan bà đi “làm cách mạng” ở một nơi không cách đường Bùi Thị Xuân quá...2 cây số. Xa nhất có lẽ là những cuốc xe ra Vũng Tầu để...“trả thù” hoặc “hưởng bù” những ngày nằm hầm chạy B.52! Những công lao, thành tích năm bẩy phen suýt mất mạng ở Campuchia được các vị giống như vợ chồng ông Tân Đức đòi “trả nợ”, đòi “đền bù” và coi mọi sự hưởng thụ những gì được ban phát hoặc vơ vét được là lẽ đương nhiên! Từ một anh “cộng sản ở Rờ” quanh năm nằm hầm tới anh “cộng sản ở thành phố”, với xe hơi, nhà lầu, có kẻ hầu người hạ, cuộc sống mới đã tạo nên một tầng lớp mới với những quan niệm mới, cách sống mới cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi cái tầng lớp đó lại tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ” của cả nước, thậm chí của cả loài người, thì tai họa cho cả dân tộc này là cái chắc!

Riêng ông giám đốc bị “vô hiệu hóa” Hà Mậu Nhai, người bạn tốt và khá trong sáng của tôi thì “cách mạng” đến mức làm khổ cả mọi người. Ông không đi xe ô tô, dù cơ quan được cấp 2 ô tô, mà đi...bộ đi làm! Để “bảo vệ” cán bộ, ông không cho ai được ra ở ngoài và “nhốt” tất cả trong một chung cư 6 tầng của một cư xá Mỹ tại số 83 Phan Kế Bính, sau này phát triển ra thêm ở 23 Gia Long. Trước sự thoái hoá rất nhanh của một số cán bộ, ông lên án rất dữ dội. Nhưng cuối cùng mọi sự trong sáng của ông cũng mờ dần. Ông chán ngán các cảnh đấu đá để tồn tại, thay đổi cách nhìn, cách đánh giá với những người mà trước kia, khi còn chức còn quyền, ông luôn cho là chỗ dựa tinh thần, là người bảo vệ lẽ phải. Ông sẽ còn “cộng sản đến cùng, theo gương Bác Hồ vĩ đại đến cùng” nếu không có cuộc đổ bộ “không tiền khoáng hậu” của gia đình nội ngoại ba, bốn thế hệ, vợ con, con anh, con chị, con chúng ta (cả hai vợ chồng đều có con riêng) vào Sài Gòn. Kỳ cục nhất là giấy điều động vợ ông Nhai, một cán bộ thương nghiệp và gia đình vào Nam lại do ông... Bảo Định Giang, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật ký và đi máy bay là do Ban Thống Nhất sắp xếp. ([26]) Đó là miếng võ hở thứ nhất của ông Nhai. Miếng võ hở thứ hai là do hoàn cảnh bắt buộc, ông phải chạy vạy kiếm chỗ ở cho cả gia đình nội, ngoại hơn chục mạng người. Và ông “đành phải” nhận — tức là xin được cấp — một villla trong con hẻm khá kín đáo đường Hai Bà Trưng với đầy đủ tiện nghi mà một bộ trưởng miền Bắc nằm mơ cũng không thấy!

Thế là những người không ưa muốn trói tay ông lại, bắt đầu tấn công, đòi phải mời cái “ông Bắc kỳ” này về đất Bắc. Nhưng về sao được bây giờ khi cả nhà ông toạ hưởng ở cái “đất thơm cò đậu” này, khi bà vợ đã được “cơ cấu” vào tổ chức thương mại Nhà Nước đang cần người có kinh nghiệm...tịch thu hàng hoá, đánh xập mọi cửa tiệm, dẹp hết những “phồn vinh giả tạo” của chế độ ngụy… bằng chiến dịch cải tạo công thương nghiệp do ông Đỗ Mười ([27]) đích thân nổ phát súng lệnh mở màn!

Thế là, không còn con đường nào khác, ông đành chấp nhận phương án “đầu hàng để tồn tại” nghĩa là “xin” sáp nhập vào cơ quan của thành phố là nhà xuất bản của ông Tân Đức, chịu xuống cấp phó tổng biên tập phụ trách mảng văn hoá nghệ thuật. Mặc dầu là phó, ông chẳng coi chánh ra “cái đinh” gì nên quan hệ giữa hai ông là mặt trăng và mặt trời, là một cuộc đấu đá, thậm chí chửi nhau công khai giữa ba quân biên tập. Với tôi, ông có tình đồng học, đồng hương, đồng ngũ nên luôn tìm đến để trút bầu tâm sự về mọi bi kịch mà ông phải chịu đựng. Ngoài các việc riêng trong gia đình, ông cũng cho tôi biết những bí mật mà chỉ ông và một số đồng chí thời 9 năm chống Pháp, khi ông chiến đấu ở Nam Bộ, nay đã trở thành những người có vai vế trong hàng ngũ lãnh đạo biết mà thôi. Qua ông, tôi càng thấy được sự không tin, không phục nhau, thậm chí ghét nhau giữa các nhà lãnh đạo miền Bắc và miền Nam trầm trọng đến mức nào.

Xét cho cùng, chỉ vì các vị lãnh đạo miền Bắc phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hoá, đấu tố, truy chụp, thậm chí độc tài đến mức tự cho mình là duy nhất sáng suốt...đã tạo nên một tâm lý trong những người sau này trở thành lãnh đạo khu vực phía Nam đất nước: Quyết không để tái diễn trên quê hương họ những gì đã xẩy ra ở miền Bắc.

Trong một bữa tiệc tổng kết tại 83 Phan Kế Bính, tôi ngồi trố mắt nghe một vị tai to mặt lớn của miền Nam, ông Trần Văn Giàu, phê phán thậm tệ các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, kể tội ông Lê Đức Thọ, đề cao tướng Trần Văn Trà, phủ nhận công lao thậm chí còn có tội gây khó khăn cho chiến dịch Hồ Chí Minh của tướng Văn Tiến Dũng ra sao. Ông Trần Văn Giàu cả quyết: “Đố anh Ba Mươi (gọi chệch tên ông Đỗ Mười) tiến hành được hợp tác hoá, cải tạo tư sản ở miền Nam này! Làm không khéo dân Nam Bộ nó nổi lên làm cách mạng lại từ đầu đấy”!

Dù ít quan tâm đến chính trị, nhưng luôn làm nhân chứng sống của các cuộc đấu đá thanh toán nhau, tôi càng buồn chán cho những cái đầu chẳng có chút ý thức nào vì dân vì nước, ngoài cái miệng nói như thánh sống!

Nhìn từ xã hội đến cơ quan, tôi càng thấy rõ phải tìm cách để tồn tại những năm cuối đời ở cái đất tưởng lành mà dữ này. Nhưng tồn tại bằng âm nhạc là không được rồi vì chẳng còn một chỗ dựa nào. Hội âm nhạc thành phố, sau những đụng độ về đường lối tổ chức và hàng loạt bài báo tôi viết, đã “nghỉ chơi với tôi”. Bằng chứng là suốt 20 năm tôi sống ở Sài Gòn, không một lần nào họ thèm mời tôi đi sáng tác cũng như dự các cuộc hội họp, chia chác phần thưởng. Ngay buổi công diễn bản concerto cho đàn bầu và giao hưởng kỷ niệm 15 năm “thành phố giải phóng” do tôi viết, ngoài ông Xuân Hồng bắt buộc phải có mặt để lấy điểm với trên, không có bất cứ vị nào gọi là nhạc sĩ Sài Gòn hiện diện!

Hà Mậu Nhai lúc này cũng khuyên tôi: “Bọn mình chẳng còn nhiều quỹ thời gian, hãy tranh thủ làm được cái gì cho bản thân thì làm đi!” Và, anh đã tạo điều kiện khá dễ dãi cho tôi được tự do bay nhảy.

Tôi đã tranh thủ một năm ít nhất dăm bảy lần về Hà Nội để làm phim, dựng tác phẩm. Tôi đã bay cả qua Lào làm chuyên gia, viết nhạc cho phim Lào (do Kỳ Nam đạo diễn). Tôi đi Liên Xô, Bulgaria dự hội nghị, dự liên hoan... Tất cả đều do miền Bắc cấp hộ chiếu, cấp tiền!

Phải nói trong cái rủi cũng có nhiều cái may. Đây là những năm nhờ cái tổ chức văn nghệ “dở Nam, dở Bắc”, nhờ sự trì trệ, tranh phần, giáng chức, giảm biên chế, tách cơ quan, nhờ sự “oánh” nhau đến mức vô hiệu hoá mọi hoạt động xuất bản, tôi bỗng dưng thành một văn nghệ sĩ ăn lương mà muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi.

Chính thời gian này tôi mới có dịp vào Nam, ra Bắc, sang Tây, về Đông để viết hàng loạt những thứ vừa “mì ăn liền”, vừa “bày cỗ, bày bàn” để tự... thưởng thức.

Những món “cổ điển tử tế” đang có nguy cơ không được hoan nghênh không chỉ ở “miền Nam nhạc nhẹ” mà cả ở miền Bắc đang chuyển mình để tồn tại. Hàng loạt nhạc phim do tôi viết, lúc dùng nhạc chính qui, lúc thì “tắc xình xình”, lúc nửa tỉnh nửa quê, theo yêu cầu của các ông đạo diễn — xin lỗi — gần như 99% đều... mù nhạc!

Các nghệ sĩ lớn của “nghệ thuật thứ bảy Việt Cộng” đều tranh thủ rủ tôi, một người rõ ràng không thèm làm nhạc phim vì tiền bởi lần nào đi tôi cũng lỗ, theo các đoàn làm phim để vừa làm vừa đi chơi, tìm hiểu cái phần nửa đất nước bị “nô lệ, bị kìm kẹp, bị...đủ thứ khổ dưới chế độ Mỹ-Diệm-Thiệu-Kỳ này người ta sống sót ra sao?

Đây là thời gian ra đời hàng loạt những bộ phim “xem mà phát ngượng”, thậm chí chẳng muốn có tên mình ở générique nữa. Hỏi ai còn nhớ những Như Thế Là Tội Ác, Tự Thú Trước Bình Minh, Cư Xá Màu Xanh, Cuộc Chiến Đấu Còn Tiếp Diễn, Lối Rẽ Trái Trên Đường Mòn, Phương Án Ba Bông Hồng, Bà Chủ Cuối Cùng, Ân Oán Nợ Đời, Xa Và Gần, Lê Thị Hồng Gấm... Mà có phải tác giả vô danh cho cam! Toàn là đạo diễn “nổi tiếng” như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Khắc Lợi, Huy Thành... sau này đều thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cả.

Với tôi, âm nhạc cho điện ảnh lúc ấy là trò “gõ phèng la” để bán cao đơn hoàn tán dỏm. Không hơn không kém! Đó là những cảnh Thẩm Thúy Hằng vào vai nữ sinh viên chống Thiệu-Kỳ, võ sư Lý Huỳnh vào vai nông dân cách mạng, Chánh Tín trong vai chiến sĩ tình báo Việt Cộng…!

Tội nghiệp, họ phải làm những việc họ chưa biết, chưa sống qua, và chưa làm bao giờ, để mang tiếng với đồng bào Sài Gòn là “nâng bi” Việt Cộng! Sở dĩ có tình trạng “ép uổng” này vì cái chủ trương của mấy vị lãnh đạo gọi là “cấp tiến” của Sài Gòn: Cởi mở tối đa với hàng ngũ nghệ sĩ biểu diễn nhưng thận trọng, thậm chí “cương quyết không dùng” những người sáng tác, kể cả đạo diễn, của chế độ cũ, trừ trường hợp đạo diễn Lê Hoàng Hoa được ông Mai Lộc, giám đốc Xưởng Phim Giải Phóng dũng cảm bảo trợ, với điều kiện Lê Hoàng Hoa phải đổi tên.

Cũng trong các cuộc đi làm phim “cho vui” này, tôi đã thấy không thể và không bao giờ, các món ăn tinh thần mang nhãn hiệu miền Bắc hoặc của miền Nam do các đầu bếp miền Bắc chế biến hợp với thị hiếu của dân miền Nam, dù cách mạng hay không cách mạng. Tôi đã thấy trước sự thay đổi đi xuống cả về nội dung lẫn hình thức của văn nghệ miền Bắc. Rõ ràng, chỉ độ một, hai năm sau, các “ca sĩ có học” đã dần dần học theo cách hát giả thanh để “tròn vành rõ chữ”, thậm chí hát theo kiểu chính miền Nam xưa phải gọi là...“sến”! Phương Thanh đánh võ, tắm truồng trong Tội Lỗi Cuối Cùng, Thanh Loan cưỡi Honda bắn súng lục trong Phương Án Ba Bông Hồng...Còn bài hát, nếu không trở về với cách viết, cách hát những năm 1940–1950 thì “nhái” lại ca khúc của Boney, Abba, Modern Talking... một cách kệch cỡm, nhất là với sự bùng nổ các nhóm ca khúc gọi là “chính trị” được Nhà Nước bao cấp và báo chí miền Nam “phóng” lên như sự... “chuyển mình của âm nhạc giải phóng”!

Tôi cũng chứng kiến những cuộc “tận hưởng hoan lạc” trong các vụ kéo quân đi biểu diễn, đi làm phim như thế nào. Phải nói trắng ra là cái “utile” (có ích) chẳng còn, mà cái “agréable” (khoái) thì...phát triển đến mức không thể tưởng tượng nổi! Nói cho ngay, chẳng ai mua chuộc ai, kể cả những Lý Huỳnh, Thẩm Thuý Hằng... mỗi khi đi làm phim đều bỏ tiền túi gấp trăm lần cát xê cách mạng trả cho họ. Đơn giản là vì ham “làm nghề” mà họ đi. Nhưng làm nghệ thuật với họ luôn là “cuộc chơi”...dài dài, là một cái gì đó xa xỉ đòi hỏi phải có những bữa nhậu đắt tiền, những cuộc giải trí “mát mẻ”, những điều kiện thoải mái...

Mấy ông Việt Cộng, tuy ít đô la nhưng nếu tham gia những trò này thì lại tham gia “bạo” hơn ai hết. Mấy tiếng “chịu chơi” như cái dấu đóng công nhận anh hay chị có thể đứng vào “phe ta” rồi. Chính cái “trụ sở” của tôi, do sống độc thân và tôi hay đi vắng, đã là nơi diễn ra đủ thứ thoái hóa không thể tránh của nền văn nghệ terre à terre – lè tè mặt đất những năm sau này! Khỏi kể những gì diễn ra sau các cuộc... “chơi” văn nghệ ấy! Chỉ xin tóm tắt là trừ cờ bạc, tam đổ tường đều có đủ và dài dài! Thậm chí nhà tôi có lần đã là nơi trốn tránh cho vài nhân vật bị... truy nã về tội buôn lậu đô la, đá quý và cả thuốc phiện nữa mà khi vụ việc đổ bể, tôi mới té ngửa do bị công an mời lên làm chứng cho những gì họ đã lấy từ lời khai của đương sự!

Cũng tại nhà tôi, tôi đã chứng kiến cảnh nộp “thuế thân” của một số nữ “diễn viên cũ” muốn trở thành “sao” cách mạng thế nào. Không phải chỉ những loại thập thành, mà cả những ngôi “sao mờ” từ Rờ ra, hoặc từ miền Bắc mới vào Sài Gòn. Hôm nay, tất cả họ đã già, đã hết thời, đã có gia đình yên ổn, xin miễn nêu tên để tránh nỗi đau lòng, cho họ và cho cả người viết. Tôi chỉ xin nhắn những vị “nghệ sĩ lớn” với đủ các danh hiệu cao nhất của Nhà Nước là lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà sẽ chẳng bao giờ ghi nhận những gì các vị đã làm ở thời gian này, dù lãnh đạo đã “bơm” các vị hoặc các vị tự bơm lên những tước hiệu nhân dân, ưu tú, hay gì gì đi nữa!

Nhờ những năm sống và “chơi” văn nghệ, làm văn nghệ là một cuộc chơi được mặc nhiên công nhận cho tới cuối thế kỷ 20, tôi dần dần nhận thức rằng mình chẳng có sức, có lực, có tiền và chẳng đủ tư cách để tham gia “đánh đu với tinh” mãi, nhất là bia không biết uống, rượu thì chết khiếp, còn gái thì tôi lại quá... “trí thức” trong tình yêu!

Mọi cuộc tham gia, chỉ có mặt tôi ở các khúc dạo đầu. Đến các mục X, Z là tôi... biến, nên một vị “nghệ sĩ nhân dân” đã kết luận: “Tô Hải là thằng luôn tỉnh trong khi người ta say!” Nhưng lại có người thẳng thừng hơn: “Nó là thằng đạo đức giả”! Có lẽ đúng nhất với tôi là câu: “Đó là một thằng...hèn”!

Vâng! Đúng, vì cái hèn mà tôi chẳng ra ông chẳng ra thằng, người tốt chẳng ưa, người xấu chẳng thích. Tôi luôn bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt. Tôi luôn đề cao làm nghệ thuật nghiêm túc nhưng không từ chối đi làm phim nghĩa là đi...chơi với một “nghệ sĩ nhân dân” dù ngay buổi mời tôi tham gia, tác giả đã buông một câu: “Phim chẳng ra cái củ c... gì đâu nhưng đi với bọn tao cho vui!”

Tôi không dám từ chối các cuộc “tao ngộ chiến” ngay tại căn hộ 23 Lý Tự Trọng của tôi, khi từ xưởng phim ở đường Thi Sách cách đó chừng trăm thước, hàng đoàn tài tử giai nhân kéo đến giải lao với những chai Hennessi, Johny Walker và đồ nhậu được khuân về từ Chợ Cũ! Những “cuộc chơi” này còn kéo dài nếu cuộc phiêu lưu tự do không bị “hãm” bởi những bàn tay sắt mới:

— 1/ Sau một thời gian dài gần như “thả nổi” mọi hoạt động văn nghệ của các đoàn cải lương, các nhóm “ca khúc chính trị”, các hội hè cứ thưa dần vì...làn sóng vượt biên cuốn mất nhiều diễn viên, các chương trình biểu diễn bị thay thế hình tượng cách mạng bằng những hình tượng “ngày xưa”, và tất nhiên, tác phẩm của các văn nghệ sĩ cách mạng cũng bị xếp xó.., những cán bộ lãnh đạo chợt “tỉnh người” thấy cần phải ra tay ổn định lại trật tự. Người xiết khóa đầu tiên là ông Võ Văn Kiệt với bài khai hỏa đăng hết hai trang ruột báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông khẳng định là “đường lối văn nghệ của Đảng chỉ có MỘT dù kinh tế có NĂM thành phần!” Một bài đầy mâu thuẫn thiếu tính thuyết phục ở cả thời điểm đó đến bây giờ.

— 2/ Sau cuộc rà soát lại hàng ngũ cán bộ, nhất là sau khi những anh em có nghề chính gốc miền Nam được đi học ở nước ngoài trước 1975 lục tục trở về, và những anh em “biến chất” đã bị điểm mặt, tôi lại được nhận xét là người vững vàng nhất, được lãnh đạo “miền Nam mới” tạm thời ưu ái!

— 3/ Sau cuộc ra đi hàng loạt của các nghệ sĩ mà người ta mất bao công sức chèo kéo, lực lượng “văn nghệ miền” bỗng thấy cần cái gì đó, một vài tay nào đó, biết nghĩ, biết nói, biết làm và dám nghĩ, dám nói, dám làm.

— 4/ Sau những ngày uổng phí làm chẳng ra làm, chơi chẳng ra chơi, tôi là phần tử vẫn còn thừa bầu máu... vịt để mang ra xử dụng.

Thế là tôi lại được ném vào cuộc chiến “chấn chỉnh văn nghệ”, nhưng lần này là chiến đấu trực tiếp với những gì mà các “phù thuỷ cơ hội cách mạng” đã tung ra. Tôi mở đầu bằng bài “Có hay không chủ nghĩa đế quốc trong âm nhạc” đăng cả trang ruột tờ báo Đảng, báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau đó là hàng loạt bài “Nhạc trẻ, cái gì vậy?”, “Quốc tế hoá bài hát Việt Nam, một xu hướng cần báo động”, “Những ảnh hưởng tiêu cực của 35 năm nhạc Rock” vv...bên cạnh là hàng loạt cuộc nói chuyện về thẩm mỹ âm nhạc trên đài phát thanh, tại các trường đại học, các câu lạc bộ...bằng những dẫn chứng mới nhất có được qua sách báo, thông tin của nước ngoài. Với các ví dụ cụ thể trong nước, tôi cố gắng vạch ra...

Rằng thì là:

— 1/ Rock-pop không xấu, nhưng rock-pop hoá tới mức cả nước đánh trống, cả nước ooc-ghita như bây giờ, nhất là bắt chước tràn lan rock-pop phương Tây là... tai hoạ cho một nền âm nhạc dân tộc hiện đại.

Rằng thì là:

— 2/ Âm nhạc không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một khoa học. Không thể chấp nhận một nhạc sĩ, một nhạc công, một ca sĩ mà tới nay (những năm 1970-1980) vẫn cứ nghe băng đánh theo, học hát theo kiểu dạy từng câu, chẳng biết “đồ rê mi” là cái gì.

Rằng thì là:

— 3/ Về sáng tác, không thể muốn viết sao thì viết... Không thể phớt lờ cuộc sống của đất nước khó khăn tới mức phải ăn bo bo, phải chia nhau vài lạng bột giặt, vài lạng đường, lạng mỡ...mà lại viết về “cái tôi” đơn lẻ kiểu “tôi đi tìm tôi”, “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” hoặc ngợi ca những cái không đâu như con sóng, nụ hôn, lá me, cành sấu rồi... hết!

Tóm lại, tôi lên án thái độ “thiếu trách nhiệm công dân” của một số văn nghệ sĩ, tôi nắm chặt cái “phao” văn nghệ phải tạo được cái Đẹp cho tâm hồn bằng không thì chẳng cần có mặt nó trong cuộc đời!

Những điều tôi viết và nói ra lúc ấy đã tạo cho tôi một uy tín nhất thời nhưng có hại cho tôi thì vô kể! Cho tới lúc về hưu, tôi vẫn chưa hết ân hận về những gì tôi đấu tranh cho cái ĐẸP và chỉ cho cái Đẹp mà thôi, cái ĐẸP muôn thuở mà chẳng một thể chế, một tập đoàn, một đảng phái, một thời đại nào có thể phủ định.

Một lần nữa tôi lại thấy mình: “Ngu vẫn hoàn ngu”!

Đã không ít lần, tôi bị sứt đầu mẻ trán về cái tội... “đúng quá sớm”. Lần này, để bảo vệ cái Đẹp chung muôn đời của nghệ thuật, tôi trở thành “kẻ thù” của cả “âm binh” lẫn “phù thủy”!

Tôi chất vấn sự im lặng đồng loã của người có trách nhiệm về nền văn nghệ Xè Gòn, về sự chia rẽ trầm trọng các tổ chức của miền, của thành phố, về sự ăn chơi phè phỡn, lên xe xuống ngựa của những vị mà một dòng thơ, một vai diễn, một ngày nằm trong tổ chức văn học nghệ thuật cũng chưa có, bỗng dưng có cả quyền cho sống hay bắt chết cho anh chị em văn nghệ sĩ, kể cả cách mạng lẫn “tại chỗ”... Tôi vạch ra những gì là “phản văn nghệ”, là vô nguyên tắc, thậm chí là bịp bợm, là ngu dốt, “tương” tất cả lên báo, hoặc phát ra ngay tại các hội nghị chuyên ngành và một vài lần có mặt cả những nhà lãnh đạo cao nhất nhì của Đảng như Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh. Lần nào ý kiến của tôi cũng được các thư ký đi theo các vị này ghi ghi chép chép, thậm chí chính các vị cũng gật gù tỏ vẻ đồng tình và sau đó, khi nghỉ giải lao hoặc lúc ra về nhận được hàng loạt cái bắt tay khen ngợi của đồng nghiệp.

Tuy nhiên, một số cho rằng: “Thằng này dại! Kệ mẹ chúng nó! Nói ra vô ích, chẳng thay đổi được gì mà chỉ mang thù chuốc oán vào người!” Tôi thì nghĩ mình chẳng có gì để mà mất, chẳng có cái ghế nào, chẳng có ý đồ tranh ngôi vị của ai. Vậy thì dù có bắn toàn những phát súng...“chỉ thiên”, ít nhất, sau này tôi cũng được nhớ tới như một kẻ đã dám vác dáo lao vào cối xay gió, dù không được người đời xem trọng bằng các vị đã dám bắn thẳng vào đường lối văn nghệ của Đảng ở những thời Nhân Văn Giai Phẩm, hậu Nhân Văn, Xét Lại...

Nhưng trước khi đi vào cái Đẹp chung chung, tôi chẳng có chút “thành tích...chống Đảng” nào nên khi đứng lên bảo vệ cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ, vạch ra cái “Đẹp Chết Người” do Đảng Xè Gòn khuyến khích phát triển, tôi đã bị những kẻ cơ hội cả trong lẫn ngoài Đảng xếp vào loại... “kiên trì đường lối văn nghệ miền Bắc!?”

Tôi muốn hét lên rằng: thưa các vị, tôi đang đấu tranh cho cái Chân Lý lâu nay bị Đảng xếp xó đấy! Tôi là nạn nhân chính cống của chủ nghĩa cộng sản đây! Tôi không còn là đảng viên nữa, nhưng “thành tích” bồi bút cho Đảng của tôi quá “to lớn” mất rồi khiến khó có ai tin là tôi đang đấu tranh cho cái Chân Lý lâu nay bị chối bỏ và bị những kẻ cơ hội bất tài đang hùa nhau vào phá phách, dựng nên một phong trào “văn nghệ vô văn hóa”, “vô chính phủ” và...”bịp bợm”!

Tôi gần như đơn độc giữa cơn lốc đòi hỏi Tự Do cho văn nghệ miền Nam, một thứ tự do mà ở miền Bắc chưa ai dám nghĩ tới, sau các vụ đàn áp văn nghệ không thương tiếc những năm 1956-1957-1958...Tuy nhiên, đã bắt đầu cuộc phản công văn nghệ cứng đờ, giáo điều của miền Bắc, công khai ngay trên báo chí, trong các cuộc họp, ở các bàn nhậu, các quán cà phê.

Đặc biệt lý thú là người nổ những phát súng đầu tiên “bắn” vào cái Đẹp lại chính là các nhà lãnh đạo ngu dốt. Tự mình lập toà án để xử chính mình bằng những cuộc “học tập”, những cuộc “hội thảo khoa học”, tổ chức ra các trường bắn, những kẻ đinh ninh mình là quan toà đến phút chót lại biến thành “kẻ bị dựa cột”

Điển hình nhất là cuộc hội thảo về “ảnh hưởng của chủ nghĩa thực đân mới tới nền văn nghệ tạm chiếm” do Tuyên Huấn Trung Ương tổ chức với mục đích đề cao nền văn nghệ “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, nền văn nghệ “vì nhân dân, vì Đảng” ở miền Bắc đã “thành công rực rỡ” như thế nào, các thứ văn nghệ tư sản, cặn bã, lai căng, mất nước, nô lệ nước ngoài trong hình thức cũng như nội dung tai hại ra sao...Nào ngờ, các lý luận gia hàng đầu của miền Bắc đành “ngậm hột thị” trước các câu hỏi hóc búa:

– Tại sao lại sao cấm in cấm đọc Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, cấm chủ nghĩa này, trường phái kia trong hội họa... ?

– Có thể nào viết cái gì mà không nói đến Đảng, đến Bác không?

– Bức tượng Thánh Gióng ở bùng binh Ngã Sáu phạm tội gì mà ông X.. lên án và có ý định đập bỏ?..

Nổi bật lên là câu hỏi “Chủ nghĩa yêu nước, cái đẹp nhân bản không thôi có đủ làm nên tác phẩm nghệ thuật giá trị không?”

Tôi nhớ rất rõ sự lúng túng của các vị lý thuyết gia, các vị lãnh đạo văn nghệ và tư tưởng lúc bấy giờ và chỉ mong các vị đừng lao vào cuộc tranh luận mà... xập bẫy!

Nhưng chẳng ai ngăn được khi các vị đã mang đầy tính tự hào chiến thắng trong người, khi các vị cứ huyên thuyên về các thứ “hiện thực có cánh” với những “thành tựu của văn nghệ vô sản” trong và ngoài nước bằng cách “cầm nhầm” luôn cả tác phẩm của Gogol ([28]), Pushkin ([29]), Tolstoi ([30]), Chekhov ([31])...ra đời từ khi ông Lê Nin còn chưa ra đời hoặc còn mặc quần hổng đít! Các vị còn bạo phổi hơn khi lên án cả...“siêu thực”, “vị lai”, “cụ thể”... trong hội họa, phủ nhận Camus ([32]), Sartre, Robbe Grillet ([33])…với “chủ nghĩa hiện sinh” suy đồi dù chưa hề đọc cuốn nào bằng bản gốc, chụp hàng loạt mũ “chống phá cách mạng đến cùng” cho các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ đã di tản kịp trước ngày 30-4-1975.

Thái độ im lặng, nhún vai, lắc đầu, thậm chí bỏ phòng họp của những người chịu không nổi bài giảng kinh thiếu thuyết phục của các nhà văn nghệ “mác-mít” ([34]), các lý thuyết gia “thầy mo”, “lang băm”, mãi sau này vẫn là chuyện đàm tiếu về “văn nghệ trong tay những thằng ngu” hoặc “văn nghệ luyện ngu từ...Mốt-xờ-cu Lê-nin-rát...”

Riêng tôi, tôi có thể nói gì nếu chưa bắt đầu bằng đề tài cơ bản nhất “không có văn nghệ đích thực từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam” độc quyền lãnh đạo?

Chỉ nói lên cái SỰ THẬT ê chề đó, phủ nhận nó, tôi mới có đủ tư cách bàn về cái ĐẸP! Bằng không, mọi thứ lý luận bảo vệ cái Đẹp chung chung của tôi chỉ là luận điệu không đầu, không đuôi nhằm bảo vệ cho một chủ trương trước mắt Đảng mà thôi! Sai lầm cơ bản nhất của tôi là kẻ đang sống chung với con vợ đĩ điếm lại đi rao giảng thế nào là người đàn bà đức hạnh. Cái Hèn của thằng chồng mọc sừng nhưng vẫn im thin thít sống chung với con vợ hư đốn là ở chỗ đó! Vì vậy, dù là người hay nói năng bạo phổi, tôi đành cam chịu số phận của một tên “gián điệp hai mang” mà ngồi... im thin thít!

Hội nghị kéo dài cả tuần mà chẳng bớt được một đoàn cải lương diễn toàn “tuồng tích cũ”, chẳng đập bỏ được một tượng đài nào...Trái lại, nó cũng có ích ở chỗ hàng loạt tác phẩm từ xửa từ xưa thi nhau “tái xuất giang hồ.” Mở đầu là tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, sau đó là những Lê Văn Trương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Hồ Biểu Chánh... được đóng dấu “tương đối tiến bộ”, “tương đối giá trị”, “không khiêu dâm đồi trụy”, nhất là “không chống cộng” để...thay thế những Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng... thì ít mà phủ nhận tác phẩm và “tác giả cách mạng” thì nhiều. Trên thị trường văn nghệ, xuất hiện hàng loạt nhà văn chưa ai nghe tên, chưa bao giờ có tác phẩm nhưng cực kỳ ăn khách bình dân do xào xáo phim truyện Hồng Kông nhiều như... các “cây xăng cục gạch” bên lề đường. Điều đáng chú ý ở đây là tất cả đều do các nhà xuất bản của Đảng, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng... tung ra, vì cho tới nay, không hề có tự do xuất bản hay báo chí trong chế độ độc Đảng cầm quyền này.

Vậy thì vì sao mà loạn tiểu thuyết ba xu, loạn phim “mì ăn liền”, loạn bài ca não tình gợi dục đến mức nhiều nhà trí thức “còn kẹt lại” phải rung chuông báo động trên báo chí vì sợ ảnh hưởng tới con cái họ. Xin thưa: để tồn tại, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức của Đảng đều phải xoay sở bằng mọi cách. Riêng về xuất bản, các ông tổng biên tập, chịu trách nhiệm trước Đảng và trước vài ba chục nhân viên của mình, trước nguy cơ dẹp tiệm vì sách cách mạng “bán cân cũng chẳng ai mua”, bèn có sáng kiến: kế hoạch A là in sách cách mạng, kế hoạch B là in sách “vô thưởng vô phạt” hoặc sách rẻ tiền nhưng ăn khách. Thế là kế hoạch B được đặc biệt ưu ái vì nó nuôi sống kế hoạch A và cả đống người đang ngồi chơi xơi nước. Buồn cười nữa là các nhà tư sản thoát chết, các tay đầu nậu, các nhà văn, nhà nhạc ba xu bây giờ lại là người...nuôi các cơ quan của Đảng bằng những khoản hoa hồng, phát hành... phí! Mà có mất gì cho cam, ngoài chữ ký với cái dấu OK mà Đảng đã trao cho một anh nào đó giữ! Cục Xuất Bản Nhà Nước có tài thánh cũng chẳng kiểm soát nổi mấy chục nhà xuất bản của địa phương, đoàn thể, các bộ, các ngành! Ở các rạp chiếu bóng, người ta ùa nhau đi xem lại những Giai điệu Hạnh Phúc (Mélodie Du Bonheur), Cuốn Theo Chiều Gió (Autant En Emporte Le Vent), Mãnh Long Quá Giang (của Lý Tiểu Long), thậm chí cả đến những loại như Ngã Ba (cháo) Lòng... chứ những bộ phim đen trắng ùng oàng và...“bịa” của miền Bắc đã làm họ “tởn đến già”!

Cuộc phản công văn nghệ toàn diện lần này chẳng phải do “thằng địch” nào âm mưu. Tất cả đều được đóng dấu của nhà cầm quyền văn nghệ và được báo chí của Đảng cho phép. Lọt thỏm trong cái rừng văn nghệ “phi vô sản” là vài cuốn sách tái bản của các tác giả tiền chiến. Trước tình hình kinh tế ngày càng khó khăn sau những chiến dịch cải tạo, những cuộc “tấn công quyết định vào pháo đài Chợ Lớn mà chưa chế độ nào dám làm” (chữ của ông Bảo Định Giang), những cuộc tịch thu đóng cửa tiệm đồng loạt, những cuộc vây ráp chợ trời, đặc biệt là hai cuộc đổi tiền (sự thật là thu hồi tiền mặt và chỉ trả lại cho mỗi người một số tiền tối thiểu), Sài Gòn trở thành rỗng tuếch về bề mặt! Nhưng về phần chìm, Sài Gòn vẫn là... Sài Gòn! Bên cạnh những ông chủ cũ với những két sắt đầy vàng, đô-la, kim cương mà các cửa hiệu do con, cháu, người làm công đứng tên bị đóng cửa, bị tịch thu, xuất hiện những ông chủ mới giàu lên một cách nhanh chóng nhờ “hôi của lúc cháy nhà”.

Chính thời kỳ này đã giúp cho hàng vạn tay cơ hội chiếm đoạt không biết bao nhiêu tài sản của các thứ “kẻ thù cách mạng” để biến thành của riêng, của con cháu, người quen. Ai có thể thống kê được những gì các “đội cải tạo” đã “tịch biên” của hơn một triệu cửa hàng, gần 7.000 xí nghiệp to nhỏ của cái thành phố lớn nhất nước này? Và cũng chẳng lấy gì làm lạ khi một “đạo diễn điện ảnh” cách mạng bổng trở thành...chủ một cửa hàng nhiếp ảnh to nhất Chợ Lớn.

Ngay một nhà máy đã quốc hữu hóa, sau này người ta vẫn có thể úm ba la “hô biến” để nó trở thành nhà máy... tư nhân cho vợ đứng tên như trường hợp nhà máy mì ăn liền Miliket. Một ông bí thư quận bỗng thành chủ nhân của 5 ngôi nhà cao tầng — tất nhiên ông không dại gì mà đứng tên. Và những cán bộ “cải tạo tư bản”, “cải tạo công thương nghiệp” sau khi kê khai qua quít số hàng, số tiền, vàng... trong két các khổ chủ quên nạp cho ban cải tạo bảng kê khai để sau này thành những nhà tư bản mới.

Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh “khuyến khích ăn cướp” một cách vô chính phủ này. Không những thế, đã hơn một lần người ta đề nghị tôi giúp họ quản lý ba bốn ngôi nhà — có ngôi 6 tầng — của các chủ cửa tiệm, chủ xí nghiệp do sợ hãi bỏ trốn. Đặc biệt là ô tô lúc này thì...cho cũng chẳng ai thèm nhận. Trong giới văn nghệ, ngoài các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam (có anh Năm, anh Sáu che chở), dân miền Bắc chỉ có hai nhạc sĩ đi Liên Xô về dám “chơi” xe (mua hoặc ai cho thì không rõ). Hai ông Văn Ký và Đình Tấn đưa hai chiếc Mazda về Hà Nội với lý lẽ: “Nhạc sĩ các nước XHCN đều đi ô tô cả, sao mình lại không thể đi!” Hai chiếc xe trở thành đề tài đàm tiếu dài dài ở miền Bắc khi hai ông (cả hai đều không có nhà riêng mà ở nhà tập thể) vô tình biến hai chiếc xe thành hai cái tổ... mèo, chuột, sau rốt thành nơi xả rác cho người qua lại. Còn biết để chúng ở đâu, ngoài cái lòng đường?!

Cũng phải thú thật là do tôi nhát và đã có kinh nghiệm với những... cú đá hậu khi “hở sườn”, đồng thời do bản tính sĩ diện hão (hay ngu lâu?) nên người ta ấn vào tay cái gì tôi cũng từ chối phắt. Mặt khác, tôi cũng mặc cảm về thân phận một thằng “ngoại lai” nên rất ngại trước những ưu ái và rủ rê của mấy ông coi trời bằng vung. Làm gì đến lượt mình những thứ quá lớn này. Rồi đây biết đâu người ta chẳng đòi lại và phân phối lại!

Quả vậy, tôi chỉ nhận một chiếc piano vứt đi, không mác, sản xuất tại đâu không biết, để làm việc hàng ngày, còn phải bỏ tiền ra mua dây bị đứt, tu sửa bộ máy mới dùng được. Thế mà sau khi thống nhất hai miền người ta còn đòi, huống hồ cái nhà to đùng với đầy đủ tiện nghi?

Cuộc tịch thu, tiếp quản, đổi chủ lần này, có tôi tham gia và chứng kiến tận mắt, là cơ hội không chỉ bằng vàng, mà bằng... kim cương cho kẻ đã có kinh nghiệm hoặc đã bỏ lỡ việc kiếm chác những ngày đầu tiếp quản vì máu cách mạng lúc ấy chưa chuyển từ đỏ sang đen! Có nhiều người hôm trước còn là người hiền lành tử tế, hôm sau đã trở thành tên cướp hung bạo khi khảo của khổ chủ. Có người chưa kịp hét lác thì khổ chủ đã tất tưởi đem nộp cả hộp bích quy kim cương chỉ để xin ông cán bộ báo cáo giùm lên trên (tức là ông hoạn lợn Đỗ Mười) rằng “nhà này không có gì”). Những chuyện cười ra nước mắt như thế nhiều lắm, kể không xiết. Chả thế mà đã có bao “nhà cách mạng” năm xưa nay làm chủ cả mấy ngôi nhà (hồi ấy gọi là “phân phối”), chưa kể tiền vàng, tiêu mấy đời không hết.

Số phận các “nhà cách mạng” sau cuộc đại vơ vét này không giống nhau. Những kẻ lõi đời đóng vai củ mỉ cù mì cho đến khi đủ tuổi về hưu non, “hạ cánh an toàn”, yên hưởng hạnh phúc bên vợ con và...hàng tá bồ nhí. Ngay giới văn nghệ cũng có những “nhà” nọ, “nhà” kia đang say mê sáng tác bỗng tự nguyện bỏ nghề để rồi chính mình hoặc con cái trở thành những “đại gia” sau này.

Một số vì quá tham lam trong thời “bung ra” ([35]), vì quá tin ở ô dù, vì chia chác không đều, vì ghen ăn tức ở, vì nhiều nguyên nhân khác nữa, bị ra toà, ngồi tù. Được cái các bậc đàn anh vẫn còn chút lòng thương đàn em kém may mắn nên họ chỉ lãnh những bản án không nặng, ngồi tù ít lâu rồi ra. Số khác do có quá nhiều tiền không biết làm gì nên lao vào các cuộc ăn chơi trác táng đến...chết trong lòng người đẹp Xè Gòn (như một nhạc sĩ mà tôi không nỡ nêu tên), cũng như những kẻ vì rượu chè tối ngày mà bị ung thư gan, dạ dày và chết non vì...“bệnh hiểm nghèo” (theo cáo phó).

Riêng số sống phây phây, không cần làm vẫn có ăn, là số đông, thì nhiều lắm, kể không hết. Nhìn lại tình hình xã hội những năm “hậu cải tạo” đó thì sau các “chiến dịch Z, X, Y”... cả miền Nam, với những loại cán bộ đa số là “ăn hại đái nát”, thậm chí cả những tội phạm hình sự gốc gác miền Nam cũng lọt vào nhiều cương vị lãnh đạo, giám nọ, tổng kia, những tên chưa bao giờ vào Đảng bỗng trở thành bí thư đảng ủy... làm chủ các xí nghiệp, nhà máy, công ty, cửa hàng, khách sạn được quốc doanh hóa... !

Cái xã hội chủ nghĩa xơ xác kiểu Bắc cờ đã nhanh chóng có mặt trên mảnh đất thừa thãi lúa gạo, hàng hoá, hoa trái. Biểu hiện đầu tiên của những mặt “ưu việt” đặc trưng cho lối sống miền Bắc là tem phiếu, sổ gạo. Còn hơn cả miền Bắc, người ta đưa vào chính sách phân phối đến cuộn chỉ, cái kim, bao diêm, lạng bột ngọt…được đặt tên theo lối Tầu là “nhu yếu phẩm.”

Ở nông thôn còn tệ hơn, ngay các “nhu yếu phẩm” bèo bọt như thế dân chúng cũng chẳng được hưởng. Chính sách phân phối chỉ áp dụng cho thành phố mà thôi. Nông dân Nam Kỳ quen nếp sống tự do, canh tác dựa theo trời đất, bị dồn vào các hợp tác xã. Lối canh tác không tuân theo quy luật thiên nhiên mà theo nghị quyết Đảng đã chứng tỏ cái tai hại ở miền Bắc nay được áp dụng triệt để ở miền Nam. Việc các vị trên “đỉnh cao trí tuệ” đùng đùng ra lệnh quy hoạch lại đất đai, bịt kênh này, khơi kênh kia, đốt rẫy, phá rừng trồng sắn…mang lại hậu quả tức thì: Từ chỗ thiếu ăn đi đến chỗ đói dài dài.

Thế là nhân danh sự bảo vệ địa phương để gạo không lọt ra ngoài, các anh Hai ở các tỉnh đã tìm ra cách kiếm chác không thua kém các anh Hai Xè Gòn: Ra lệnh “ngăn sông cấm chợ”. Tình trạng địa phương cát cứ tất nhiên không làm cho đời sống ở nông thôn khá lên, nhưng ảnh hưởng của nó lên Sài Gòn lập tức thấy rõ.

Trong bữa cơm của mọi gia đình cán bộ trung lưu “tại chỗ”, cả những gia đình cán bộ “ngu lâu”, bắt đầu phải ăn độn từ mì đến ngô và cuối cùng là... bo bo nhập khẩu!

Làn sóng vượt biên bắt đầu. Hàng vạn công chức “ngụy quyền”, gia đình “ngụy”, cả những gia đình chẳng “ngụy” tí nào, cũng lần lượt tìm đường “ra đi”. Giới nghệ sĩ cũng thế, nghệ sĩ “tài danh” và không “tài danh”, đều “ra đi” tuốt, “ra đi” bằng bất cứ giá nào. Đáng chú ý là trong số người vượt biên có cả những đảng viên cộng sản.

Nguyên nhân “ra đi” của họ thì nhiều: Người thì đi theo khối tài sản kếch xù đã chuyển được ra nước ngoài nhờ các “sếnh xáng” Chợ Lớn, người vì có quá nhiều tiền nên tiêu xài vung vít, do ghen ăn tức ở mà bị lộ, phải nhanh chóng “good bye” cách mạng. Như trường hợp ông Mai (tôi không nhớ họ của ông ta), giám đốc khách sạn Caravelle, nguyên sĩ quan không quân Việt Nam anh hùng, hoặc Bảy Tui, trưởng công an Quận 5, và vợ là Quế Mùi, diễn viên Đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị được cử đi B để thành lập Đoàn văn công Quân Giải phóng, sau làm trưởng phòng văn hoá quận 5!

Tất nhiên, nhân dịp này Đảng không quên trà trộn cán bộ tình báo của mình vào đấy cho những kế hoạch lâu dài. Phần lớn những tên “nằm vùng” về sau thành “vượt biên” thứ thiệt, chỉ có một số trung thành với những ưu tiên ưu đãi hoạt động chia rẽ cộng đồng hải ngoại, chia rẽ tôn giáo, đả phá những người chống cộng.

Trong tình hình ấy những người còn rớt lại đều phải lo thu vén kiếm chác để cứu bản thân và gia đình bằng mọi cách, kể cả bán tiêu chuẩn nhu yếu phẩm nhỏ nhoi cho dân “phe”. Cái hiện thực xã hội sờ sờ trước mắt chẳng được một nhà văn nhà báo nào phản ảnh! Biết cả đấy, nhưng chẳng ai dám có ý kiến hoặc viết lách gì về cuộc “phá hoại lịch sử” mà viên tổng tư lệnh Đỗ Mười hò hét “đánh nhanh - diệt gọn!”

Nhưng trước tình hình bi thảm chưa từng có của đất nước, trước mọi hoạt động xã hội bị tê liệt gần như toàn diện, trước nguy cơ mất quyền lãnh đạo vào tay các “đồng chí mà chẳng đồng tình”, những kẻ chóp bu cũng không thể nhắm mắt tụng mãi bài kinh “cải tạo xã hội chủ nghĩa” học mót từ Nga, từ Tầu. Một cuộc liên minh Bắc Kỳ – Nam Kỳ mặc nhiên hình thành. Mâu thuẫn ở hạ tầng đã làm lu mờ mâu thuẩn giữa người cầm cân nảy mực ở Hà Nội và Sài Gòn. Người ta nhất thời đoàn kết lại thành một khối… lủng củng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Chúng tôi nín thở theo dõi những diễn biến trong cung đình qua những tin đồn…thiệt và thất thiệt. Sau cái chết của Ba Duẩn, Trường Chinh sẽ trở lại nắm quyền? Hay Sáu Búa Lê Đức Thọ? Hay một “anh” nào khác? Tất nhiên không phải cái anh hoạn lợn Đỗ Mười đã làm cho cả miền Nam điêu đứng.

Cuộc đấu đá âm thầm đi vào kết thúc. Ông Nguyễn Văn Linh ([36]), người đứng giữa các phe nhóm tranh giành quyền lực, được đặt vào ghế tổng bí thư để sửa chữa cái sai lầm không bao giờ được công nhận. Với ngọn cờ mới, giọng điệu mới, Đảng “vô cùng sáng suốt” quay ngoắt 180 độ để đi đến sự cố bi hài: “Đổi mới”...như cũ!?

Tôi là người “bắc nồi trõ nghe hơi” không dám luận bàn, chỉ xin nôm na kể mấy câu:

Từ khi đảng cho phép dân buôn bán trở lại, cho làm chủ mảnh ruộng, mảnh vườn, cho mở chợ kể cả chợ trời, cho bà con buôn thúng bán mẹt được hành nghề, nhà hàng khách sạn được tái khai trương…tức thì mọi sự lại... như cũ. Nhưng vì vướng cái cục xương xã hội chủ nghĩa ở cổ họng, nó chẳng thể nào bằng cũ được.

Từ miệng ông thủ tướng, ông tổng bí thư, ông chủ tịch Quốc Hội, mới hôm nào còn hùng hổ kêu gọi “đập tan chủ nghĩa tư bản” nay lép bép phát ra lời “chúc làm ăn buôn bán phát tài”! Những cái đổi mới trông thấy và sờ thấy chỉ là mấy cái...bảng hiệu, được thay thế tiếng Việt thành tiếng Anh, to hơn, đẹp hơn và đàng hoàng hơn. Còn bên trong các nhà máy, các công ty lớn như điện nước, bưu điện, đường sắt, các cơ quan công quyền thì rơi vào tay các ông chủ mới.

Các ông chủ mới này, không phải bỏ một đồng vốn riêng, sẵn sàng vung vít tiêu xài, trả lương, phát thưởng, tha hồ “ban”, tha hồ “cho”, tha hồ vơ vét, bất khả kiểm soát ... mãi mãi cho đến sau này trở thành “QUỐC NẠN” tức là THAM NHŨNG CÓ TỔ CHỨC!!!

Tóm lại, những người cộng sản bỗng bừng tỉnh, thấy mình trót bỏ phí cuộc đời để theo một lý tưởng ba lăng nhăng. Vậy thì tội gì mà không tương kế tựu kế, cứ phất cái ngọn cờ rách cộng sản lên mà lập thành một đảng mới, một đảng mafia, làm giầu cho mình và cho con cháu! Cuộc vơ vét bằng hết của cải, tài nguyên đất nước vào tài khoản của mấy thằng cộng sản to đầu nhất bắt nguồn từ những ngày chiếm được “viên ngọc Sài Gòn”. Cái trò đánh lận con đen, thay chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả bằng chủ nghĩa tư bản đỏ đích thực bắt đầu từ đây.

Nhưng để chuẩn bị cho một loạt tư bản, tài phiệt thật ra đời, phải “đôn” ai lên thành tư bản thiệt...nếu không phải chính con cái, họ hàng của mười mấy tên tắc kè nhông cộng sản ở chính trong cái Bộ (vô) Chính Trị? Y hệt như thời các bí thư, các tay trùm KGB, các giám đốc nắm mọi cơ quan kinh tế của “thành trì cách mạng Liên Xô” trước khi sụp đổ.

Có điều ở Việt Nam, bọn trùm mafia ranh mãnh hơn nhiều. Chúng dùng cái thể chế sẵn có, xử dụng bộ máy chuyên chính sẵn có, đặc biệt là hủ hoá bằng hết những đảng viên, những tướng tá quân đội, công an và đặc biệt dùng hàng trăm tờ báo và đài phát thanh, truyền hình từ trung ương đến địa phương để bịt miệng bằng hết những người muốn nói thật về cái thể chế mà chúng đã có công thay đổi đến tận gốc.

Văn nghệ, cụ thể là cái nhà xuất bản văn nghệ của tôi, cũng như các nhà xuất bản khác, sống ngất ngư... Không còn một cân giấy để in, không một nhà in tử tế nào còn... mực. Thỉnh thoảng mới có một tập truyện ngắn với đề tài chiến tranh, một hồi ký, trong đó có cuốn hồi ký của tướng Trần Văn Trà vừa mới xuất hiện trên quầy sách được bị... thu hồi, được ra đời.

Một cách xuất bản “mới” lập tức ra đời: “liên doanh với tư nhân”. Đó là nhờ có chính sách “bung ra” của ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh. Gọi là liên doanh cho oai, chứ thực chất đây là bán giấy phép xuất bản cho tư nhân để lấy phần trăm hoa hồng, tiền này chủ yếu dùng vào việc trả lương cho những người trong biên chế của nhà xuất bản đã rỗng túi. Cùng với những đầu “sách liên doanh” và vài cuốn “sách cách mạng” nằm hóng bụi trên các quầy hàng, một làn sóng sách dịch, từ đứng đắn đến táp nham, “dịch thật” cũng như “dịch giả” ra đời. Đặc biệt là sách “chạy ngoài” do tư nhân làm ký tên nhà xuất bản thì không thiếu giấy tốt, mực đẹp, bìa láng, nhờ họ có những “tuy-ô”([37]) riêng để mua giấy, mua mực, kể cả nhập lậu, có cách trả tiền riêng, có nhuận bút cho tác giả hay dịch giả cao hơn hẳn chính sách lỗi thời về bản quyền của nhà nước.

Đi đến bất cứ sạp báo nào cũng thấy đầy những tên tuổi từ Victor Hugo, Hemingway ([38]) đến các nhà văn trinh thám J. Hadley Chase, thậm chí cả những ngọn bút chống cộng khét tiếng hoặc dâm ô có hạng như Gérard De Villier, Jacqueline Suzane, Ken Follet... đều được các nhà xuất bản từ trung ương (thường là chi nhánh miền Nam) đến địa phương (các thứ nhà xuất bản Sài Gòn, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mâu, Đồng Nai…) ào ào cho ra đời, đôi khi cùng một tác phẩm, chỉ khác có cái tên. Đơn giản vì các ông tổng biên, phó biên và biên tập viên chẳng biết một chữ Tây nào mà lại lao vào con đường duyệt sách dịch nên các dịch giả láu cá đổi cái tên sách đi là hai bên đều có lợi! Miễn sao mỗi tháng ra được vài đầu sách là có tiền lương, tiền nhậu nhẹt, chia chác. Hơn nữa, cuối năm thành tích về số đầu sách xuất bản lại được ghi nhận bởi các cấp phụ trách xuất bản là... “cao hơn gấp cả 10, 20 lần so với năm trước!”

Tình hình xuất bản âm nhạc thì không còn kho dự trữ băng nào, không còn nhà “tư sản yêu nước” nào tiếp tục ủng hộ cách mạng nữa. Ông Hoàng Hiệp, người có tiếng nói về âm nhạc nặng ký nhất với anh Tư, anh Sáu đã... “bỏ của chạy lấy người”, chỉ còn lại mình tôi, một nhạc sĩ được tạm làm nghề... biên tập sách dịch!

Của đáng tội, cũng nhờ cái “tạm” này mà tôi lại một lần nữa thấy được nghề âm nhạc gay go phức tạp, khó khăn (và cả khó ăn) đến mức nào, trong khi nghề dịch sách vừa có tiếng lại có miếng, thậm chí dịch giả hạng bét cũng có thể ra được vài ba cuốn trong một năm, đủ sống lè phè ở thời điểm cuối thập niên 1980 và đầu 1990.

Tôi thành người biên tập duy nhất có hai ngoại ngữ để có thể đọc và phát hiện sự láo khoét, bịp bợm trong đống bản thảo dịch hổ lốn mà các đầu nậu mang đến “xin” nhà xuất bản Nhà Nước đứng tên, đóng dấu. Tôi phát hiện ra những trùng lặp do cố ý đổi tên sách, những cắt xén, bịa đặt thậm chí dịch ngược hoặc chẳng dịch gì mà viết theo nội dung từng chương một của nguyên bản cũng như chuyện ba xu viết theo phim Hồng Kông.

Từ chỗ dồn hết khả năng và thời giờ để hiệu đính, sửa chữa...tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: “Tại sao mình không tranh thủ lúc âm nhạc đang bế tắc này mà chuyển sang nghề dịch, vừa ích nước lại lợi nhà”! Cụ thể là một cuốn sách dịch lúc bấy giờ, số xuất bản đến 25, 50 ngàn bản, dù đầu nậu có “bóc lột”, có khai khống số lượng, mỗi “dịch giả” hay “dịch thật” đều được trả một khoản đủ mua chiếc xe Honda 50 tức gấp 10 thu nhập lương/tháng.

Thế là tôi đóng cửa dịch sách!

Hai năm trời, dưới tên thằng cháu nội Tô Hải Anh, tôi được các nhà xuất bản, các đầu nậu tung ra thị trường một loạt sách vừa nghiêm túc (như Bug Jargal của Hugo) vừa “best-seller” (như Night out của J.H.Chase) và tôi bỗng nhận ra rằng bao cố gắng để cập nhật kiến thức qua sách báo ngoại quốc, bao đêm đội nón, lội mưa đi học thêm tiếng Anh, bao sự liều lĩnh để được đọc, được xem những gì suốt gần 30 năm không được phép sờ mó tới (tôi là người đầu tiên cầm thẻ thư viện Pháp do ông giám đốc người Pháp ký), đã bắt đầu phát huy tác dụng cụ thể.

Từ người nghèo nhất trong số văn nghệ sĩ cách mạng, không nhà riêng, không xe máy, tivi, tủ lạnh, chỉ “trần xì” sống bằng đồng lương èo uột mỗi ngày một mất giá, tôi đã có điều kiện “tiến lên tư bản chủ nghĩa”, sắm được cho mình một số “tư liệu sản xuất” như đàn piano, dàn máy, tivi mầu, xe máy! “Tay trái khoẻ hơn tay phải”, “chân ngoài dài hơn chân trong” là như vậy!

Tuy nhiên tôi vẫn thấy ngượng vì mang tiếng nhạc sĩ mà phải sống bằng nghề của người khác. Do đó tôi chưa bao giờ dám ký tên thật cũng như sau này, với 5 năm làm báo, làm sách, tôi cũng chỉ ký dưới tên Kính Viễn Vọng, T.H, Hải Anh, Anh Hải, trên các trang mà tôi “đứng mục” hàng tuần: “Chuyện lạ văn hoá nghệ thuật thế giới”.

Cái “tay phải”, cái “chân trong”, của tôi gần như tê liệt trong khi các đầu nậu từ Cửu Long, Đồng Tháp, từ Hà Nội vào ký hợp đồng và tạm ứng cho tôi tới mức...chỉ có về hưu thì may ra mới đủ thời gian thực hiện. Và tư tưởng “Au revoir” ([39]) Nhà Nước trong tôi lại nhen nhúm.

Chính vào thời gian tôi quyết quên đi những gì đang diễn ra trên “đấu trường âm nhạc” là lúc bùng nổ các bài hát nước ngoài và sau đó là sự tái chiếm trận địa của các băng nhạc gọi là “hải ngoại”. Tới đâu cũng thấy người ta công khai nghe băng từ Elvis Phương đến Tuấn Vũ, Hùng Cường... thậm chí trên các sân khấu ca nhạc. Người ta hát cả những bài ca của “lính cộng hòa” (trước đây mà hát thế chỉ có…chết) như trường hợp ca sĩ Ngọc Sơn nổi danh một thời, bị ra toà, nhưng rồi được phục hồi và tiếp tục “quậy”! Các bài hát cách mạng câm tiếng. Ngay trong các gia đình cách mạng người ta cũng chẳng xài sản phẩm của các nhạc sĩ cách mạng.

Của đáng tội cũng có lác đác vài mưu toan chuyển hướng về nội dung và hình thức, nhưng chúng chưa kịp cất tiếng chào đời thì giữa hàng ngũ các nhạc sĩ cách mạng của cả hai miền đã diễn ra cuộc “khỉ vặt lông khỉ”, đành chịu chết từ trong trứng. Trong trường hợp ấy lẽ tự nhiên quần chúng phải tự đi tìm lấy món ăn tinh thần hợp “gu” ở chỗ khác.

Đơn giản thế thôi!

Các ông bỏ trận địa thì chúng tôi chiếm! Âu cũng là một dị bản của quy luật “hủy thể của hủy thể” mác-xít.

Chưa bao giờ cái lý luận “Mác-Lênin-Mao…Chế Thùng” trong văn nghệ bị thực tế xã hội dồn vào chân tường như những ngày này, cho dù các nhà “lý luận cùn”, “lý luận cơ hội”, “lý luận ba xu” uốn cong ba bảy lần cái lưỡi. “Văn nghệ phục vụ Đảng” đã gióng lên hồi chuông báo tử! Việc ông, ông cứ phán, việc tôi, tôi cứ làm! Văn nghệ miền Bắc cũng như miền Nam cứ tự do như không khí, kể cả tự do “loạn xà ngầu”, mặc sức phát triển!

Các “ông trên” cứ việc “uốn nắn”, các biện pháp mạnh cứ việc áp dụng: đóng cửa, rút giấy phép vài nhà xuất bản, cách chức ông, này, ông nọ.., văn nghệ vô sản hiển nhiên bị gạt khỏi đời sống xã hội bởi chính sức mạnh của cuộc sống, bởi chính bánh xe lịch sử...

Xét cho cùng, chính đây là cuộc “đấu tranh ai thắng ai” mà chủ nghĩa cộng sản gọi là “diễn biến hòa bình!” Nó không có tiếng súng, nhưng vô cùng ác liệt khi đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền bính muốn biến đất nước thành một trại lính khổng lồ, biến mọi công dân thành những người máy ngoan ngoãn, dễ bảo, bắt mọi người phải suy nghĩ, hành động, yêu thương, thù ghét, đọc sách, xem phim theo những gì Đảng đã ra “nghị quyết”!

Cuộc chiến không tiếng súng này không thể kết thúc kiểu Nhân Văn Giai Phẩm những năm 1956-1960 nữa rồi. Vụ án bẩn thỉu bị cả thế giới lên án đã rành rành là một vết nhơ trong lịch sử mà chính các vị lãnh đạo giờ đây cũng tránh nhắc tới. Chẳng còn bùa phép, lý luận nào, dù ông Mác, ông Lê, ông Xít, ông Mao có sống lại cũng không thể bào chữa cho các sai lầm và tội ác ở hàng loạt các nước có Đảng Cộng Sản lãnh đạo!

Đã thế, thời cơ ngày càng không thuận lợi.

Phía Bắc, ông hàng xóm to béo, ông anh hai Đặng Tiểu Bình đã xua quân “dạy cho Việt Nam một bài học.” Phía Tây Nam, đồng chí Polpot ([40]) được đồng chí Đặng, đồng chí Ceaucescu động viên đã trở mặt đánh thẳng vào “cái đuôi của Liên Xô”. Anh Ba Duẩn đã hết đường đóng vai... ba phải mà phải ngả hẳn về phía Liên Xô!

Chính trị xoàng như tôi còn nhận định được tình hình để kiếm đường sống, huống hồ mấy ông chính trị cơ hội, mấy anh không đội chung trời với cộng sản ở cả hai miền làm gì mà chẳng tìm cách thụi những quả đấm ngầm, hoặc “vùng lên” trong mọi lãnh vực? Hèn kém nhất thì “kệ mẹ sự đời”, tích cực hơn thì tìm đường giã từ cộng sản bằng cách chuồn ra nước ngoài.

Chính vào thời gian này, giới văn nghệ cách mạng ở miền Bắc cũng adieu Tổ Quốc nhiều nhất bằng ngả Hải Phòng - Quảng Ninh - Hong Kong rồi qua Canada, Mỹ, Pháp. Những người còn lại thì mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy viết và... Wait and See! ([41])

Vâng! Tất cả đã có câu trả lời vào những ngày tôi bắt đầu viết cuốn hồi ký này, những ngày “tiền đổi mới” rồi “đổi mới”, những ngày mà vận mệnh dân tộc cùng với nền văn nghệ tả pí lù này sẽ đi đâu, về đâu, dưới bàn tay chèo lái của mấy ông hoạn lợn, cai đồn điền!

Đó là những ngày chính những những đồng chí đáng kính, đáng noi gương ở bên đất tổ của cái tà giáo sống dai như đỉa nhờ lưỡi lê, họng súng và nhà tù, đã cùng nhân dân hè nhau kéo đổ và đập nát mọi thần tượng Mác-Lênin xuống, đái ỉa vào chúng và chôn vùi chúng trong bãi rác lịch sử. Chẳng cần một đế quốc nào mang quân tới, chẳng đổ một giọt máu nào, (trừ trường hợp vợ chồng bạo chúa cộng sản Ceaucescu ở nước Rumania), tất cả cái “trường thành cộng sản”, theo nhau đổ sập cùng với “bức tường ô nhục” Berlin!

Nhân dân ở ngay các hang ổ tà giáo cộng sản đã cùng đứng lên đòi quyền được sống, được làm việc, được mở miệng... như ở mọi nước bình thường trên thế giới.

Trong biến cố chính trị lớn nhất lịch sử loài người này, có một nhân vật mà tôi đặc biệt quan tâm và hết sức cảm phục, một nhà văn nghệ chống cộng đến cùng, dù bị cầm tù vẫn không ngừng dùng ngòi bút truyền niềm tin “Chủ nghĩa cộng sản đang giãy chết!” đến cho mọi người là Vaclav Havel, nhà viết kịch ở Tiệp khắc. Quả là niềm tin đặt vào ông của tôi không nhầm. Trong lúc ở mọi nước sau khi mai táng cái xác thối chủ nghĩa cộng sản đều rơi vào những cơn khủng hoảng kéo dài thì từ nhà tù ra, ông “phải” nhận một nhiệm vụ bất đắc dĩ: Tổng thống nước Tiệp Khắc, điều mà ông không muốn. Nhưng trước lòng tin yêu và tín nhiệm tuyệt đối của những nhà chính trị mọi mầu sắc và của nhân dân, ông đã phải hy sinh nghề cầm bút, đảm nhiệm nó suốt hai nhiệm kỳ! Thành tích lớn nhất của ông là giải quyết êm thấm chuyện tách rời hai nước Tchèque và Slovakia mà không rơi vào thảm cảnh nồi da xáo thịt như ở Nam Tư, Liên Bang Nga bằng con đường lý luận của... con tim! Hai dân tộc này tách rời về mặt cơ cấu nhưng về thể chế chính trị thì tách hay không vẫn chẳng kình chống, hầm hè nhau bao giờ.

Đáng buồn thay cho dân tộc Việt Nam hình đất nước lại bị “thắt đuôi chuột” mà ông bạn tôi, nhà sử học (giả) kiêm tử vi tướng số (thật) Trần Quốc Vượng ([42]) đã nói nửa đùa nửa thật: “Còn lâu! Còn lâu lắm nước này mới mở mày mở mặt được”.

Lý do theo ông là:

— 1/ Dân mình nghèo quá, khổ quá, chết chóc tang thương nhiều quá, đặc biệt ít học quá dễ bị “ăn bánh vẽ” nên chẳng có cách nào làm chuyện thần kỳ biến cuộc mít tinh mừng quốc khánh cộng sản thành ngày lật đổ một thể chế cai trị bằng súng đạn và nhà tù như ở Albanie?...

— 2/ Không có đội ngũ “élitisme” ([43]) mà chỉ có dăm ba tay “ê-li-tịt” chẳng ai chịu ai, ai cũng cho mình là số dzách cả!

Với tôi, tôi xin thêm điều này: Khó thể có gì thay đổi về chính trị ở cái đất nước này nếu cái ĐÊ NGĂN SÓNG KHỔNG LỒ phía Bắc, cái nước Trung Hoa vĩ đại, với những tên Tần Thủy Hoàng hiện đại không sụp đổ.

Thực tế đã trả lời: chẳng có biểu tình, chẳng có đả đảo, chẳng có một Eltsine nào, càng không thể có một Vaclav Havel đứng ra kêu gọi dân chúng xuống đường trong cái dịp ngàn năm có một đó!

Mãi sau này mới xuất hiện vài người như Trần Độ, Đặng Quốc Bảo, Trần Xuân Bách ([44]) thì lại chưa có cái xe tăng nào để leo lên mà hô hào quay nòng súng về Nhà Trắng - Viện Duma Nga. Họ chưa kịp làm gì thì đã bị cái “Đảng cộng sản đổi mới” bịt miệng ngay lập tức!

Vâng! Chính cái Hèn của dân tộc tôi và cái quỷ quyệt của bọn cầm quyền đầu não dùng cái mê cung Đổi Mới xảo trá có tên “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đưa cả dân tộc Việt Nam tiếp tục sống dưới quyền cai trị độc tài vô học cho tới những ngày bước sang thế kỷ 21 này.


([1]) Những người này không hề được vào danh sách đi B để qua năm bảy cửa duyệt. Họ bám theo các sư đoàn, quân đoàn mới thành lập vội vã nghiễm nhiên đi B bằng…ôtô, thẳng đường số I, chẳng cần quyết định của ông Đặng Thí, trưởng ban Thống Nhất (Tác giả chú thích).

([2]) Lưu trữ trong CD.2

([3]) Nhạc và lời Phạm Tuyên.

([4]) Cách gọi những cán bộ từ chiến khu (rừng) về.

([5]) Phạm Trọng Cầu (1935-1998). nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc Mùa thu không trở lại, Cho con. còn có bút danh Phạm Trọng, được ông xử dụng tại miền Nam trước 1975.

([6]) Tự học (tiếng Pháp).

([7]) Những bài tập piano vỡ lòng.

([8]) Joseph-Maurice Ravel (1875-1937), nhạc sĩ sáng tác và danh cầm piano thuộc dòng nhạc ấn tượng.

([9]) Achille-Claude Debussy (1862-1918) nhạc sĩ sáng tác người Pháp cùng thời với Ravel.

([10]) Viết tắt tên Tổng Cục Quản Lý Các Trại Cải Tạo Lao Động Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-trudovykh Lagerey i kolonii.

([11]) George Gershwin (1898-1937), nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ, những công trình sáng tác và lý thuyết âm nhạc của ông thường được viết với sự cộng tác của người anh là Ira Gershwin.

([12]) Nhà của tôi (tiếng Pháp).

([13]) Xuân Hồng (1928-1996), nhạc sĩ nhạc “đỏ”, nổi tiếng với các ca khúc Bài Ca May Ao, Xuân Chiến Khu, Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo, Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh, Mùa Xuân Bên Cửa Sổ...

([14]) Bảo Định Giang (1919-2005) tên thật Nguyễn Thanh Danh, nhà thơ, “nổi tiếng” với hai câu: Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.

([15]) Azis Nexin (1898-1995), nhà văn châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ, được độc giả Việt Nam biết đến qua tập truyện ngắn Nếu Tôi Là Đàn Bà.

([16]) Hoàng Tố Nguyên, tên thật Lê Hoàng Mưu (1929-1975), nhà thơ.

([17]) Lưu Quý Kỳ là người phụ trách văn nghệ miền Nam trước năm 1954, nổi tiếng về vụ cấm hát cải lương. Tập kết ra Bắc Lưu Quý Kỳ giữ chức phó giám đốc Sở Báo Chí.

([18]) Xin tìm đọc bài Đoàn Giỏi chửi ông già Phan Khôi, hoặc nhật ký Trần Dần, Lê Đạt để thấy cái nông trường Quảng Ninh của anh em văn nghệ sĩ miền Nam đối xử với nhóm người bị cải tạo ở đó thế nào (Chú thích của tác giả).

([19]) Paul Joseph Goebbels (1897-1945), bộ trưởng bộ Tuyên Giáo của Đức từ 1933 đến 1945. Phương châm tuyên truyền của Goebbels: “Cứ nói mãi, nói mãi, sự giả sẽ được tiếp nhận như sự thật”.

([20]) Phạm Trọng Cầu (1935-1998), nhạc sĩ, tác giả ca khúc được nhiều người biết đến: Mùa Thu Không Trở Lại.

([21]) Hai hoạ sĩ VNCH từng được nhiều giải thưởng ở miền Nam.

([22]) Anh Đức, tên thật Bùi Đức Ái (1935), nhà văn, từng được nhiều giải thưởng văn học của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

([23]) Don Quijote de la Mancha, tên nhân vật hiệp sĩ đánh nhau với cối xay gió (một công việc vô ích) trong cuốn truyện nổi danh của Miguel de Cervantes Saavedra (Tây Ban Nha),

([24]) Clark Gable (1901-1960), diễn viên thượng thặng của điện ảnh Mỹ, được mệnh danh là “Ông vua Hollywood.

([25]) Lê Yên, tên thật Lê Đình Yên (1917-1998), nhạc sĩ sáng tác, một trong những nhạc sĩ của dòng tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam.

([26]) Lúc này chưa có máy bay dân dụng ở miền Bắc mà vẫn phải sử dụng Việt Nam Air Lines của miền Nam, do phi công “ngụy” lái.

([27]) Đỗ Mười (1917) tổng bí thư ĐCSVN từ 1991 đến 1997.

([28]) Nikolai Vasilievich Gogol (1809-1852) nhà văn Nga gốc Ukraina

([29]) Alexander Sergeevich Pushkin (1799-1837), nhà thơ lớn trong lịch sử văn học Nga.

([30]) Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), một trong những nhà văn lớn nhất trong lịch sử văn học Nga.

([31]) Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904), nhà văn, nhà soạn kịch, được coi như một trong những nhà văn chuyên viết truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử văn học thế giới.

([32]) Albert Camus (1913-1960), nhà báo, triết gia người Pháp gốc Algeria, khôi nguyên Nobel năm 1957

([33]) Alain Robbe-Grillet (1922-2008), nhà văn, đạo diễn người Pháp, một trong những người đi đầu trong trường phái Tân Tiểu Thuyết; được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 2004.

([34]) Từ marmite (nồi cơm, tiếng Pháp), nhái âm Marxisme.

([35]) Thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho phép tư nhân buôn bán, hành nghề (1985).

([36]) Nguyễn Văn Linh, tên thật Nguyễn Văn Cúc, bí danh Mười Cúc (1915-1998), tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1986 đến 1991.

([37]) Tiếng Pháp: Tuyau = nguồn riêng, “cửa” (tiếng lóng mới).

([38]) Ernest Miller Hemingway (1899-1961), nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Mỹ.

([39]) Au revoir = Chào từ biệt –– tiếng Pháp.

([40]) Polpot, tên thật là Saloth Sar (1925-1998), lãnh tụ cộng sản Cam Bốt (Khmer Đỏ), thủ tướng nước Kmer Dân Chủ từ 1976 đến 1979.

([41]) Chờ xem ! (tiếng Anh).

([42]) Trần Quốc Vượng (1934-2005), giáo sư, nhà sử học.

([43]) Élitisme, tiếng Pháp chỉ tầng lớp tinh hoa của một đất nước.

([44]) Trần Xuân Bách, tên thật Nguyễn Thiện Tuấn (1924-2006), từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo ĐCS, có thời làm uỷ viên Bộ Chính Trị. Bị khai trừ khỏi mọi chức vụ vào năm 1990 vì những phát biểu đòi hỏi phải có một thể chế xã hội khác thể chế hiện hành, đa nguyên, đa đảng.

Không có nhận xét nào: