Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Chương 14 : KHÔNG THỂ CHẾT... TRONG IM LẶNG

Tập hồi ký này, tôi đã bắt đầu và mong sớm kết thúc trong vòng 10 năm trở lại! Ai ngờ cái hy vọng cuối cùng đó không thành hiện thực.

Tưởng rằng ở tuổi 60, về hưu, thoát mọi thứ sinh hoạt, mọi sự xăm xoi của mọi tổ chức thuộc cái đảng cộng sản đáng nguyền rủa kia, tôi sẽ thảnh thơi, đóng cửa, viết bản “thú tội” của mình với lịch sử. Nào ngờ, cái “hèn” nó cứ nhũng nhẵng, cứ đeo đuổi, kéo chân tôi lại...đến nỗi, lắm lúc tưởng như đành bỏ cuộc. Tới khi tôi tiếp tục cầm bút viết những dòng sắp tới đây, tính ra đã...13 năm.

13 năm sống sót qua bao vật đổi sao dời của cuộc sống khốn nạn do cái đảng gọi là cộng sản tạo ra, đã xóa bỏ, đè bẹp, giết chết mọi ý chí muốn sống, muốn suy nghĩ và làm việc không theo cái khuôn do nó nhào nặn bằng cả thiên la địa võng những chủ trương chính sách vô luân! Tôi làm sao có thể tự do khi bị cái chính sách “giá-lương-tiền” của nhà thơ phó thủ tướng Tố Hữu làm cho đồng lương hưu còm cõi của mình bị cướp dần cướp mòn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, cho tới khi nó chỉ còn giá trị tượng trưng hơn là giá trị của đồng tiền nuôi sống con người.

Cây đàn piano Chợ Lớn, dàn máy Teac, chiếc PC cà tàng, rồi đến cả đĩa hát, sách nhạc... cứ từ từ theo nhau về với các nhà giầu mới nổi qua tay các “con phe”, dù tôi không đủ can đảm trực tiếp làm cái việc “bán văn hóa”.

Thiếu thốn lần này không đến nỗi như thời còn làm lính ông Hồ với tem phiếu ở Hà Nội, nhưng cay đắng nhục nhã thì gấp ngàn lần, nhất là sống trong một thành phố như Sài Gòn những ngày đầu “đổi mới”, những ngày mà người ta không từ thủ đoạn nào để làm giầu theo lời kêu gọi chính thức của ông Đỗ Mười! Mọi sự táng tận lương tâm, mọi sự hủy diệt giá trị con người, mọi sự vơ vét, cướp bóc, buôn lậu, đĩ điếm... đều phát triển theo cấp số nhân!

Tôi phải làm gì đây để có đủ hai bữa ăn, trả tiền điện, tiền nước, tiền nhà với đồng lương hưu nhỏ nhoi mà ông Nhà Nước chi ra rồi lại thu hồi?

Khác với các ông đại tá làm trật tự ở bến xe, bán nước...chè chén, bơm vá xe đạp, tôi còn được một số anh em có thời cùng “phe” tôi, nay còn sót lại (cuối những năm 1980) động viên hãy tiếp tục “cống hiến”, tiếp tục “đấu tranh”! Chao ôi, tôi như con hổ gãy nanh, gẫy vuốt, làm sao có thể cất lên một tiếng gầm? Nhất là hổ đã già, bị nhốt trong chuồng. Tuy nhiên nhìn thấy cảnh gia đình, bạn bè “đồng ngu” như tôi, nghe một bác sĩ già bạn tôi đã về hưu than thở: “Nhìn thấy bát phở mà thèm”, tôi bỗng tỉnh ngộ. Quyết không thể tiếp tục đi theo con đường của các ông bạn về hưu khốn khổ nói trên được.

Phải sống! Tôi phải sống.

Vì có sống tôi mới có thể làm nhân chứng cho cái thời đại... đểu cáng nhất trong lịch sử nước tôi, chẳng tư bản, chẳng cộng sản, chẳng ra ngô ra khoai, chẳng phải, chẳng trái, chẳng luân, chẳng lý, chẳng luật, chẳng pháp, thậm chí chẳng cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm gì hết! Tất cả đều là TIỀN, TIỀN và...TIỀN, dù là cái đồng tiền in thoải mái, phát tự do, xài thả cửa, giảm giá từng ngày, nhưng một người bình thường không thể không có nó.

Vậy là, mặc dù hổ đã “quá đát”, “hổ” vẫn đành bị buộc tiếp tục chạy quanh làm vài trò “xiếc hổ”, chẳng còn mấy đắt khách: Tôi đã nhận làm...báo!

Ba năm làm báo ăn (thêm) lương hợp đồng và hàng tuần được “đứng” hẳn một trang chuyên mục Chuyện Lạ Văn Hoá Nghệ Thuật Thế Giới, tôi đã nhờ ngòi bút không cần bẻ cong mà tiếp tục lai rai viết nốt những trang hồi ký bị bỏ dở với sự ủng hộ của Vũ Tuất Việt, nguyên phó ban Tuyên Huấn, người từng có cùng quan điểm với tôi trong nhiều vấn đề, nay nắm chức tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải Phóng kiêm đại biểu Quốc Hội. Tôi lại nuôi hy vọng sẽ đánh động được lương tâm một số người như Tuất Việt và... trên Tuất Việt, những người mà tôi tin họ có suy nghĩ đúng, thậm chí sáng suốt hơn tôi, nhưng họ chưa muốn “đúng sớm” và chết vì cái...đúng quá sớm! Họ đang tích lũy “nội lực” để có thể làm được “cái gì đó” to tát hơn là các bài báo công kích những râu ria của văn hóa thị trường như tôi. Và quả thế, từ một tướng Trần Độ, khi làm trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương ngày nào còn đi rao giảng cái hay cái đẹp của một tên Để chết tiệt nào đó ở Thanh Hóa nghe lời Đảng tập họp nông dân thành lập hợp tác xã cao cấp theo biên chế đại đội, tiểu đoàn, y như một đơn vị chiến đấu, cho đến một Trần Độ trở thành kẻ thù một mất một còn của cái đảng hạ lưu và tàn bạo nhất thế giới này, anh đã phải trải bao trăn trở, tự dày vò, phải đấu tranh với chất giáo điều trong chính anh cực nhọc gấp ngàn lần người khác để có quyết định cuối cùng: Đứng về phía nhân dân, lên án những kẻ bao năm cùng anh ngồi ở các cương vị lãnh đạo cao nhất của cái đảng tội lỗi này.

Chính Trần Độ, người đồng chí, đồng hương Thái Bình và “đồng...ngu” của tôi, trên cương vị trưởng ban Văn Hóa Tư Tưởng, lần cuối vào Sài Gòn gặp anh em văn nghệ tại 81 Trần Quốc Thảo đã buồn rầu báo cho tôi biết tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “bỏ của chạy lấy người” rồi! Nghị quyết về văn hóa văn nghệ do anh thảo ra chắc không thể được thông qua, còn anh thì chắc chắn... lãnh đủ về cái trò muốn “cởi trói cho văn nghệ”!

Chao ôi! Thế là mọi âm mưu dở trò “xiếc hổ” của tôi một lần nữa lại bị chặn đứng. Tuy nhiên, được Tuất Việt góp ý, tôi sẽ khoanh vùng vào thứ công việc không ai có thể bắt lỗi bằng cách lượm lặt mọi cái tiêu cực trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của “địch” do chính báo chí “địch” đăng tải, kèm theo vài câu bình luận ngắn gọn.

Thế là tôi nghiễm nhiên được thả cửa “mang gương Tây cho Ta soi”! Kệ cho anh nào có tật giật mình! Tôi tránh hẳn những gì dính dáng tới nền văn hoá hiện hành trong nước với chủ tâm không động đến bất cứ cái gì, dù hay, dù dở đang diễn ra xung quanh. Tôi vùi đầu vào đống tài liệu nước ngoài mới nhất để đưa lên báo đều đặn hàng tuần...mọi chuyện mất dạy, vô văn hóa, ăn cắp, ma túy, giết người, tình, tù, tự tử...cứ y như những chuyện ấy chỉ xảy ra ở các nước “tư bản giãy chết” thôi! Còn ở ta, “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”, có hay không thì...tôi không biết! Bài nào cũng có ảnh photocopy hoặc cắt hẳn từ các tờ Paris Match, News Week, Le Figaro... mà tôi lưu giữ để làm bằng khi cần thiết.

Dưới những bút danh Kính Viễn Vọng, Hải Anh T.H. L.A... , tôi đã có trên 500 bài báo thông tin “chuyện lạ” của đời sống văn nghệ, của những siêu sao, những nghệ sĩ triệu triệu phú mà... thực sự, theo tôi, chẳng có gì để nhiều tờ báo trong nước phải tung hô vạn tuế, phải tâng bốc tận mây xanh! Sự thật về cái chết của Jim Morrison, Kurt Cobain, Freddy Mercury...về các giải thưởng, từ Nobel đến Goncourt, từ Oscar đến Cannes với mọi mặt trái của nó đã được báo chí nước ngoài vạch trần, tôi đều cố gắng cập nhật mong cảnh tỉnh các nhà văn nghệ trong nước đang rơi vào vết xe đổ của nước ngoài mà không biết. Tôi sao chụp tất cả lời lẽ quá hay, quá đúng của những nhân vật mà cả thể giới phải kính nể như A.Malraux, Jack Lang, Jean d’Omerson, Jacques Juilliard... trên các báo để làm bằng, vì đã có người cho là tôi nhân danh họ mà buông ra những câu “lên mặt dạy đời.”

Tôi đóng vai anh cảnh sát giao thông đứng trước một giao lộ cất lên những tiếng còi khi dài, khi ngắn, nhưng không can thiệp vào bất cứ phương tiện giao thông nào dù đi sai đi đúng cũng... thây kệ!

Càng đi sai đường, chúng mày càng... chóng chết!

Cứ như thế, dựa vào báo chí nước ngoài, tôi chế biến thành các bài của riêng mình để vạch trần những gì mà các ông “báo bộ” (bố bạo) đang phóng lên tận trời là bên Tây đang lên án rần rần đấy! Đừng lòe bịp nhân dân bị bưng bít thông tin mà muốn viết gì thì viết! Những thông tin “ngược chiều” của tôi được nhiều người có ngoại ngữ bắt chước. Và từ những năm 1990, thư viện văn hóa Pháp, nơi duy nhất có tương đối đầy đủ báo chí nước ngoài được cập nhật hàng tuần, trở thành nơi...kiếm sống cho khá nhiều người đến lấy thông tin về mọi mặt rồi photocopy dịch hoặc phỏng dịch đăng báo kiếm tiền! Họ làm ăn khấm khá dễ dàng hơn tôi vì chỉ lấy toàn bộ một bài báo nào đó về chính trị, về xã hội, về khoa học, kỹ thuật và dịch nó nguyên si là xong. Còn tôi, phải đọc cả chục tờ mới có được cái mà tôi được giao nhiệm vụ viết. Cho nên, nhiều nhà “dịch báo” chẳng cần...nói láo cũng...ăn tiền, cũng có xe Dream, xe Cúp...còn tôi, trên con đường làm báo bất đất dĩ đó suốt 3 năm chỉ khỏi lo đời sống vật chất chứ không thể “giầu”, vì tôi chỉ lấy làm báo là cái cớ để cập nhật mọi thông tin mà nhà nước không muốn cho biết.

Cũng chính từ những năm làm báo này, mọi tin tức về sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, về sự thức tỉnh của giới trí thức, của một số nhân vật lãnh đạo các đảng cộng sản, và đặc biệt, niềm tin về ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản trong tôi được củng cố hơn bao giờ hết. Có thể nói tôi thèm thông tin từ thế giới bên ngoài còn hơn người nghiền xì ke ma túy! Lĩnh được tiền nhuận bút là lập tức tôi đổi thành nguồn thông tin mua ở các tờ Le Figaro, Paris Match, Times, VSD, Le Nouvel Obs ... càng ngày càng có nhiều trên thị trường. Tôi dùng các khoản nhuận bút, tiền thưởng (một lần tôi được giải nhất về báo chí của Hội Nhạc Sĩ) vừa đủ nuôi tôi, nuôi con. Vợ thì tự túc. Còn lại là dùng “mỡ nó rán nó” nghĩa là dùng tiền viết báo để mua báo!

Té ra làm báo sướng hơn làm nhạc gấp nhiều lần, nhất là làm báo trong cơ chế thị trường. Chẳng biết “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở chỗ nào chứ rõ ràng lớp trẻ ngày nay rất bố... bạo! Trong những cuộc giao ban hàng tuần mà tôi được dự, từ thư ký toà soạn đến các phóng viên mới tốt nghiệp đại học báo chí đều tìm mọi cơ hội mỉa mai, nói kháy, nhạo báng chẳng từ một ai, từ chính sách xây “nhà tình thương” đến chuyến đi của tổng bí thư sang Tầu! Có chú tuyên bố hẳn: “Chẳng bài báo nào đăng được lại là sự thật 50%!” Thậm chí có chú đi lấy tài liệu về bô bô tuyên bố: “Chẳng dại gì mà viết lên sự thật mà tôi đã có trong tay!” Quốc Khải ([1]), một tay viết khá, có tài, bạo mồm bạo miệng nhất đã nói thẳng: “Chỉ khi nào Đảng không dính vào sự thật nữa thì sự thật mới được là sự thật”. Đúng vậy, sự thật có “xếp thay mặt Đảng” đòi mỗi bài phải Fax ra Hà Nội, khi xếp đi họp nhà Trắng, nhà Đỏ, để xếp duyệt trước khi lên khuôn thì...sự thật vẫn là sự thật theo ý xếp!

Nói trắng ra, những người làm báo trẻ đã chẳng còn tin mình sẽ được viết sự thật khi cầm cái thẻ nhà báo đi vào mọi lĩnh vực của đời sống để tìm tư liệu cho bài viết. Họ biết rõ những vụ động trời như vụ bán chạy hàng ngàn ngôi nhà trước lệnh đình chỉ bán nhà của trung ương, cho nó thành “việc đã rồi”. Họ quá rõ những vụ cướp trắng trợn qua tịch thu, biến nhà máy công thành nhà máy tư, những đại gia Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Robert Hải vv… vì sao một thời là bất khả xâm phạm cho đến khi những nhọt bọc Minh Phụng Epco, Tamexco bị vỡ. Họ từng ăn nhậu với các người sau này bị những ô dù chối bỏ phải đứng trước vành móng ngựa lĩnh án tử hình hoặc chung thân. Họ từng nhận các phong bì đựng những số tiền khổng lồ của các cơ sở kinh doanh tráo trở, nhờ “xin quảng cáo” và viết bài quảng cáo cho những “điển hình” mà họ biết trước rồi đây “không bị ra toà thì cũng được cho chìm xuồng”. Không ít người trong bọn họ trở thành giàu có rất nhanh nhờ mánh khoé làm xăng-ta với những công ty, nhà máy vi phạm luật chơi với “các anh”, “các chú” — chứ luật nhà nước thì họ phạm dài dài.

Với tôi, các nhà báo trẻ tỏ ra kính trọng một cách phải đạo, nhưng cũng không ít người khuyên tôi nên... “nghỉ cho khoẻ, thời của “xếp” hết rồi”!

Té ra lớp trẻ tinh ranh hơn tôi nhiều. Nó đánh hơi trước ai sẽ được, sẽ thua trong cuộc chạy đua vào chức tổng biên tập, giám đốc sở, thứ trưởng, bộ trưởng, thậm chí biết trước nhân sự Bộ Chính Trị, Trung Ương lần Đại Hội Đảng sắp tới sẽ ra sao?

Và quả là như thế. Sau Đại Hội Đảng lần thứ 8, một lực lượng “nửa trẻ nửa già”, với những cái tên mà tôi chẳng nghe thấy bao giờ, kể cả ông tổng biên tập mới nhanh chóng được đặt vào những cái ghế quan trọng... Một buổi đang vùi đầu vào đống báo Pháp vừa tới, tôi bỗng nhận được điện của cô phụ trách hành chính: “Từ tuần sau bác không phải đến họp nữa, từ nay bác cứ gởi bài về toà soạn như mọi cộng tác viên bình thường! Phụ cấp hàng tháng của bác từ nay sẽ không có nữa!”

Tôi đã chờ đợi tin này nhưng không ngờ nó đến một cách đơn giản và nhanh chóng đến thế! Tôi lại nổi tự ái với tôi 5 phút: “Ai bảo không biết thân, biết phận cứ cố đấm ăn xôi, cố kiếm miếng ăn trong sạch làm gì.” Và tôi lại kết luận: “Thằng hèn thì suốt đời bị phận... Hèn”!

Chỉ còn cách vứt bỏ vĩnh viễn mọi lệ thuộc vào miếng cơm manh áo để cố mà tồn tại thì may ra...

Với quyết tâm rời bỏ vĩnh viễn cái đất Sài Gòn, tôi thu xếp hành trang nhẹ tênh về ngôi nhà nhỏ của vợ tôi ở xóm Thanh Hải, Vĩnh Hải, Nha Trang với hy vọng được sống những ngày cuối đời, hạnh phúc trong quên lãng, kể cả quên lãng bản thân, quên lãng tất cả những gì tưởng là đã đóng góp cho đất nước, cho dân tộc như nhiều vị về hưu thường tuyên bố vớt vát. Tôi sẽ dùng thời gian còn lại để hoàn thành nốt “lời thú tội” vì sao tôi đã thất bại, thất bại thảm hại, trái tim đầy thương tích.

Vừa về tới cái xóm nghèo mà tôi tưởng sẽ được sống cuộc đời “ẩn sĩ” với hai bữa cơm rau để viết hồi ký, tôi lại rơi vào một hoàn cảnh đau khổ, đắng cay tới mức chẳng một phút nào còn hứng khởi, thậm chí còn hơi sức để ngồi vào bàn viết. Tôi, một cán bộ già về hưu, không đồng vốn lận lưng và vợ tôi, một cô giáo cấp 2 phải bỏ dạy vì quá đói –– đúng nghĩa đen của chữ đói –– và sốt rét đến mức có thai là...sảy, đang sống nhờ cái kiốt sách báo bằng gỗ ở ven quốc lộ tưởng đủ nuôi hai mẹ con thì cơn lốc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã... cuốn sạch!

Để mở rộng con đường, người ta đập bỏ không thương tiếc nồi cơm của mẹ con cô giáo, không một xu đền bù, vì lề đường là của Nhà Nước, đất đai là của toàn dân! Chỉ riêng cái chuyện mở đường đã thay đổi bao số phận. Một bác nông dân bỗng có nhà lầu, xe Dream. Một anh giám đốc trẻ bỗng có hàng trăm cây vàng do nắm được con đường sẽ mở nên mua đất thổ canh từ khi một mét vuông chỉ vài ngàn đồng (lương tối thiểu lúc này là 245 ngàn) lên tới bạc triệu. Giàu đến vô kể chính là những kẻ thay mặt nhà nước cuỗm tiền đền bù cho dân có đất “bị giải toả”. Bao nhiêu triệu, mấy trăm cây, đều có sự thoả thuận chia chác giữa người hả hê cầm tiền đi đền bù với người được đền bù nước mắt chảy dòng...

Khổ cực vì suốt ngày đứng bán hàng bên lề đường phơi nắng, chạy mưa và luôn bị phạt, bị đuổi, vì con đường nhỏ bé trước kia nay mở thành đường lớn hai chiều, nhà mặt tiền mọc lên san sát, vợ tôi đành cầm cố với lãi suất cắt cổ để “vươn ra mặt tiền”. Tưởng phen này sẽ phất lên đủ nuôi chồng con, ai ngờ...quy luật cạnh tranh đã giết chết hết những người chân chỉ hạt bột, còn các cửa hàng lớn, vốn liếng nhiều hơn, trang hoàng đẹp hơn và các cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó” (hàng bán chỉ là cái cớ để kinh doanh trái phép, trốn thuế) thì... tồn tại phây phây. Những người làm ăn đứng đắn dần dần phá sản, nhất là những người đi vay nặng lãi để làm vốn kinh doanh thì thu không đủ trả lãi, đóng thuế, và đủ các thứ “lệ phí” mà nhà nước lớn nhà nước bé có thể nghĩ ra.

Những “cú đánh” tới tấp không tưởng tượng nổi ào ào đến, vùi dập mọi ảo tưởng còn sót lại trong tôi. Sau một năm trở thành “ông ở”, nấu bếp, giặt giũ, đưa đón con đi học, giúp vợ bán hàng, trái tim tôi có lúc gần như hết cảm xúc. Lòng tự hào của ông “văn nghệ sĩ cách mạng” mất sạch trước thực tế phũ phàng của nền “kinh tế...thị trường” hỗn loạn, mà báo chí phương tây gọi là “capitalisme sauvage - tư bản hoang dã!”

Rốt cuộc, chúng tôi phải đầu hàng, sang lại cửa hàng sau khi bán căn nhà nhỏ trong làng đã thành phường, trực thuộc thành phố, để thanh toán mọi khoản nợ nần và lãi tích tụ trên hai năm. Bốn bàn tay trắng, chúng tôi thuê một căn nhà dưới chân núi Sạn –– ở thành phố biển nhưng lại nằm tít trên núi!

Để kiếm hai bữa ăn, vợ tôi chuyển sang nghề bán bánh mì ba tê đầu đường! Nhưng “đứng đường” được cũng phải hợp pháp hoá xe bánh mì bằng cái kệ bán mấy tờ báo làm... vì! Và thực là nực cười: chính cái nghề này đã tạm ổn định cuộc sống của ba nhân mạng. Nó phản ánh rõ nét sự phân hoá xã hội giàu nghèo, sự bất công trong thu nhập của một xã hội chẳng ra cái giống gì. Người bán bánh mì, bánh canh, bún bò... thu nhập gấp 2, 3 lần bán sách báo và gấp 6 lần lương một bác sĩ, kỹ sư mới ra trường! Vất vả, hèn kém một tí nhưng nếu mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được hai triệu đồng (150 đô la tính theo thời giá) thì mọi sự lặt vặt của cuộc đời hiện tại khỏi phải lo, trừ trường hợp ốm đau, tai nạn, chết chóc!

Và phải... quên đi quá khứ! Càng không được nghĩ tới tương lai, vì chỉ cần người ta cấm bán bánh mì đầu đường hoặc...không nhập bột mì nữa thì lập tức tai hoạ khôn lường sẽ đổ xuống đầu hàng loạt gia đình sống nay, chết mai như gia đình tôi. Thôi, cứ để cho nước cuốn theo dòng, mặc cho số phận đẩy đưa tới đâu hay đó.

Và... không phải chờ lâu...

Trong khi dọn dẹp nhà cửa, tôi bị ngã gãy cổ xương đùi! Tai nạn xảy ra ở tuổi 71 bắt tôi nằm tại chỗ 12 tháng, trở thành gánh nặng cho vợ con. Bệnh viện bó bột xong là trả ngay bệnh nhân về nhà chờ bình phục, vì bảo hiểm y tế không chịu trách nhiệm các tai nạn do bảo hiểm nhân thọ lo, nhưng với mấy ông già sắp xuống lỗ thì cơ quan bảo hiểm của đảng chẳng dại mà ký hợp đồng!

Thế là một khoản tiền lớn nữa lại phải chi cho cái tai nạn trời ơi. Lấy đâu ra?

Lúc này, tôi gần như tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết thì một nguồn an ủi lớn đã vực tôi dậy. Bạn bè từ thuở xa xưa, đồng ngũ, đồng khoá, thậm chí cả những người tôi rất ít giao dịch, nghe tin tôi bị “đóng đinh” tại giường trong một hoàn cảnh vô cùng gay go đã tới tấp gởi thư, gởi điện, gởi tiền đến tận nhà hỏi thăm động viên, tỏ lòng yêu mến, ngưỡng mộ và khuyên tôi: Phải sống! Sống để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều lý do để sống. Cái xấu không thể cứ mãi mãi ngự trị được. Tô Hải đâu có bị hoàn toàn quên lãng? Chứng cứ là chính giữa lúc bị tai nạn này, ông chủ tịch Nước đã ký tặng huân chương lao động hạng nhất đấy thôi...

Chưa bao giờ tôi đổ nhiều nước mắt như thế.

Chỉ cần một câu nói qua điện thoại, một lá thư, một măng đa gửi tiền, một gói quà, là tôi đã không nén nổi xúc động mà khóc nức nở. Có những tiếng khóc vì tủi thân trách phận tại sao đến nỗi phải sống đắng cay, nghiệt ngã đến thế. Nhưng cũng có những tiếng khóc hối hận vì mình đã không đánh giá hết lòng tốt của con người, đã nhìn đời, nhìn người quá đen bạc. Đặc biệt là khi có ai đó nhắc đến cái “mất” và cái “được” của tôi, mà theo họ cái “được” có nhiều người nằm mơ cũng chẳng thấy.

Đó là những cái được hiển nhiên: Được bạn bè đồng ngũ, đồng đội, đồng nghiệp yêu thương cho đến cuối đời. Được nhiều kẻ ghét mình như “nước đổ đi” nhưng vẫn cứ nuốt bồ hòn làm ngọt đề cao mình... những khi có lợi cho họ! Được gia đình vợ đẹp, con khôn, không bị các bi kịch “cấu xé nội bộ” làm khổ. Được nhiều nhất là được xa lánh mọi cạnh tranh, tị hiềm, được vứt bỏ mọi bó buộc về sinh hoạt, về tổ chức, về trách nhiệm... để được ngồi viết cả mấy trăm trang hồi ký, sám hối những gì mình đã phải sống hèn suốt 70 năm “đầu thai nhầm thế kỷ”...

Và, thương vợ, thương con, biết ơn bạn bè, tôi chống đôi nạng gỗ lết tới bàn, tiếp tục viết... Nhưng khi đọc lại những gì đã viết dở dang cách đây hai năm, tôi bỗng thấy tôi vẫn còn hèn trong khi viết!

Hèn vì chưa dám nói hết những gì đã và đang ấp ủ trong lòng. Tôi còn e ngại khi phải nói lên những sự việc, những tên tuổi, những sai lầm chết người mà thủ phạm chính là những kẻ một thời tôi đã tôn thờ, nhắm mắt đi theo. Vì hèn, tôi vẫn còn sợ!

Sợ, vì lo cho bản thân, nếu bản thảo chẳng may lọt vào tay một kẻ cơ hội nào đó. Sợ vì không muốn vợ con “gặp nạn” vì chồng, sợ vì ngợp trước những đòn đánh phủ đầu đối với các tên tuổi như Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, và hàng loạt các tên tuổi dám viết, dám nói những gì họ cũng nghĩ như tôi, mà tôi thì không dám. Sợ vì sẽ “chết” dưới bàn tay kẻ cầm quyền trong một xã hội vô luật pháp. Chúng không hề ngần ngại dùng mọi thủ đoạn kết tôi vào tội “phản động” –– tất nhiên, phản động đối với chúng.

Tóm lại, “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” thiếu hẳn cái đáng đọc, nếu nó không được tổng kết từ một người đã... hết hèn! Nói cách khác: nếu nó không luận tội, kết tội đích danh thủ phạm, không chỉ ra được nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã biến một con người như mọi người thành một Thằng Hèn cho đến cuối đời... thì tập hồi ký này chỉ đáng vứt vào xọt rác!

Vì thế mới có thêm chương “vĩ thanh” với tiêu đề: TÔI ĐÃ HẾT HÈN.



([1]) Tên đã thay đổi.

Không có nhận xét nào: